Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Chỉ có pháp môn niệm Phật thích hợp khắp ba căn, gồm thâu phàm lẫn thánh

Chỉ có pháp môn này thích hợp khắp ba căn, gồm thâu phàm lẫn thánh, mãi cho đến khi Phật pháp trong thế gian này bị tiêu diệt…

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang mười hai, dòng thứ nhất. “Ất, tam căn phổ bị, thánh phàm tề thâu” (tiểu đoạn thứ hai là thích hợp khắp ba căn, thâu gồm thánh lẫn phàm). Chúng ta xem đoạn này, đây là đoạn thứ hai của phần Giáo Khởi Nhân Duyên.

“Phù chúng sanh căn khí thiên sai vạn biệt, Thế Tôn cố thuyết bát vạn tứ thiên pháp môn quảng ứng quần cơ” (Chúng sanh căn khí ngàn muôn sai khác; do vậy, đức Thế Tôn nói tám vạn bốn ngàn pháp môn để thích ứng rộng rãi các căn cơ). Vừa mở đầu đã bảo chúng ta: Đức Phật thuyết pháp chẳng lìa Nhị Đế: Chân Đế là cảnh giới đức Phật đích thân chứng đắc, Tục Đế là do căn tánh của chúng sanh trong mười pháp giới khác nhau. Do vậy, Chân Đế là Nhất Phật thừa, Tục Đế có tám vạn bốn ngàn pháp môn. “Tám vạn bốn ngàn” cũng chẳng phải là một con số cố định, mà để hình dung rất nhiều, vô lượng vô biên pháp môn nhằm thích ứng các thứ căn cơ sai khác trong thế gian. “Hoa Nghiêm Viên Giáo, chuyên tiếp thượng thượng căn nhân” (Hoa Nghiêm là Viên Giáo, chuyên tiếp độ bậc thượng thượng căn): Bộ kinh Hoa Nghiêm giảng thật nhiều, thích ứng với căn cơ của chúng sanh, chứ không phải là chẳng hề thích ứng. Tuy ứng theo căn cơ để thuyết pháp, nhưng [kinh ấy] vẫn quy về tự tánh y như cũ. Vì thế, đối tượng giáo học của kinh ấy là bậc thượng thượng căn. Chúng ta cũng biết bộ kinh ấy do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng đầu tiên sau khi kiến tánh, giảng trong Định; vì thế, người Tiểu Thừa chẳng thừa nhận. Người Tiểu Thừa chỉ thừa nhận Tứ A Hàm[1] giảng ở Lộc Dã Uyển (Mrigadava, Sārnātha), chứ [đức Phật giảng trong] Định đâu có ai thấy! Trong Định giảng cho ai? Cho bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, các vị ấy là thính chúng, cũng là từ Sơ Trụ trở lên như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói: Thập Trụ Bồ Tát, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, giảng cho bốn mươi mốt địa vị, họ đều là Phật, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Do vậy, đức Thế Tôn và chư Phật Như Lai đã nêu ra báo cáo. Giống như vào đời Đường, Lục Tổ Huệ Năng sau khi khai ngộ, đã hướng về hòa thượng Ngũ Tổ Nhẫn thưa bày, Ngài thưa trình rất đơn giản, chỉ có năm câu, còn Thích Ca Mâu Ni Phật báo cáo rất tỉ mỉ, nhưng cảnh giới hoàn toàn bình đẳng, chẳng có cao thấp.

Cảnh giới khai ngộ của Thích Ca và cảnh giới khai ngộ của Lục Tổ như nhau, sau khi khai ngộ, thật sự thích ứng rộng rãi mọi căn cơ, nên dùng thân gì để độ bèn hiện thân ấy. Phật Thích Ca ở Ấn Độ, căn tánh nơi ấy là căn tánh Phật, cho nên phải dùng thân Phật hòng [làm cho kẻ hữu duyên] đắc độ, Thích Ca Mâu Ni Phật bèn hiện thân Phật. Huệ Năng đại sư tại Trung Quốc, đối tượng thuyết pháp tại Trung Quốc thuở ấy là tỳ-kheo, đáng nên dùng thân tỳ-kheo để độ, liền hiện thân tỳ-kheo mà thuyết pháp. Nói theo ba mươi hai ứng thân[2] của Quán Thế Âm Bồ Tát, bất luận hiện thân gì cũng đều bình đẳng. Ngài là một vị Phật thật sự, chẳng phải là Phật giả. Đối tượng tiếp dẫn [của Lục Tổ] là bậc thượng thượng căn, [thính chúng nếu] chẳng phải là bậc thượng thượng căn sẽ chẳng có phần. Từ Đàn Kinh chúng ta thấy: Huệ Năng đại sư trong một đời độ được bao nhiêu người? Bốn mươi ba người. Cũng có nghĩa là trong hội của Ngài, bốn mươi ba người đại triệt đại ngộ, có cảnh giới bình đẳng với Ngài. Đây là chuyện không tiền tuyệt hậu trong lịch sử Trung Quốc, trước Lục Tổ không có tình huống hưng thịnh như thế, mà sau Lục Tổ cũng chẳng thấy tình huống hưng thịnh ấy. Từ nay về sau, pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật hãy còn chín ngàn năm nữa, có chuyện như vậy trong thời kỳ Mạt Pháp hay không? Không có! Trước kia, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ bảo tôi: Từ nay về sau, trong Thiền Tông chẳng còn bậc đại triệt đại ngộ, không còn có người căn tánh như thế! Trong Mật Tông, “tam mật tương ứng, tức thân thành Phật” cũng không có, chỉ có niệm Phật vãng sanh, thân cận A Di Đà Phật là hạng người đắc độ. Chỉ có pháp môn này thích hợp khắp ba căn, gồm thâu phàm lẫn thánh, mãi cho đến khi Phật pháp trong thế gian này bị tiêu diệt, cũng có nghĩa là nói [cho tới] khi pháp vận một vạn hai ngàn năm của đức Thế Tôn chấm dứt, pháp môn này luôn luôn hữu hiệu. Nói cách khác, từ nay về sau, chúng ta có thể đắc độ chỉ do một môn này; trừ một môn này ra, đúng là khó lắm, thật sự chẳng dễ dàng!

Trong hội Hoa Nghiêm, “trí huệ như Xá Lợi Phất, thần thông như Mục Kiền Liên, ư Phật Thanh Văn đệ tử trung quân xưng đệ nhất” (trí huệ như Xá Lợi Phất, thần thông như Mục Kiền Liên, trong các đệ tử Thanh Văn của đức Phật, các Ngài đều được gọi là bậc nhất). Ngài Xá Lợi Phất là trí huệ đệ nhất, ngài Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất. “Đản tại Hoa Nghiêm hội thượng, như manh, như lung, huống thị hạ ư thử giả, cố vân hạ căn tuyệt phần” (nhưng trong hội Hoa Nghiêm, các Ngài đều như mù, như điếc, huống hồ những kẻ kém hơn các Ngài. Vì thế, nói: “Kẻ hạ căn trọn chẳng có phần”). Như hai vị này, trí huệ, thần thông đều là đệ nhất, nhưng trong hội Hoa Nghiêm, các Ngài nghe không hiểu, mà cũng chẳng thấy. Phàm là người tham gia pháp hội Hoa Nghiêm, từ kinh điển chúng ta thấy, ngoài hàng Bồ Tát ra, có Thanh Văn hay không? Có chứ! Cũng có Duyên Giác, còn có thiên thần, thậm chí còn có nhiều vị thần trong thế gian này đều tham gia. Họ là lục đạo phàm phu, vì sao có thể tham gia? Ở đây, kinh đã ban cho chúng ta một khải thị rất lớn, nói rõ nơi này (thế giới Sa Bà) là cõi Phàm Thánh Đồng Cư; có nhiều phàm phu trên thực tế là Pháp Thân đại sĩ ứng hóa trong lục đạo, chẳng phải là phàm phu thật sự. Thần cây, thần núi, thần sông, địa thần, địa thần là thổ địa thần, cũng hiện diện trong hội Hoa Nghiêm, đó là gì? Những vị thần ấy toàn là Pháp Thân đại sĩ, Pháp Thân Bồ Tát, là bậc thượng thượng căn thị hiện trong ấy. Do vậy, có thể biết: Chúng sanh càng có khổ nạn, chư Phật, Bồ Tát thị hiện trong thế gian này càng nhiều, nhưng lũ phàm phu mắt thịt chúng ta chẳng nhận biết! Nếu trong nhân gian không có Phật, Bồ Tát nhiều như thế, đại địa đã sớm chìm lỉm mất rồi. Chúng ta nương nhờ phước của các Ngài, các Ngài đang âm thầm giúp đỡ chúng ta, nhưng chúng ta không biết. Nếu chúng ta có thể hồi tâm hướng thiện, y giáo phụng hành, không chỉ chính mình đắc độ, mà còn có thể giúp đỡ địa cầu, và cũng có thể giúp hóa giải tai nạn trong xã hội này. Tuy chưa thể hóa giải hoàn toàn, nhưng tai nạn giảm khinh, rút ngắn thời gian [tai nạn], khẳng định sẽ có thể thu được hiệu quả. Sau khi chúng ta thâm nhập kinh tạng, quý vị sẽ thấy rõ ràng, minh bạch chuyện này. Ở đây, cụ Niệm Tổ cho chúng ta biết: Nếu chẳng giống như Mục Kiền Liên hay Xá Lợi Phất, đương nhiên trọn chẳng có phần nơi pháp môn [Hoa Nghiêm] này.

“Chí ư Tiểu Thỉ chư giáo, nãi tiếp quyền tiểu chi cơ” (Còn như các giáo pháp Tiểu Giáo và Thỉ Giáo nhằm tiếp dẫn căn cơ quyền tiểu). Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên là Hoa Nghiêm ngũ giáo. So với cách tổ chức nhà trường thì Tiểu Giáo như Tiểu Học, Thỉ Giáo là Trung Học. Tiểu Giáo thật sự là Tiểu Thừa, Thỉ Giáo là khởi đầu của Đại Thừa, Chung Giáo là Đại Thừa viên mãn. Trong đây cũng có rất nhiều tầng lớp: Năm mươi mốt tầng cấp Bồ Tát. Chung Giáo là kết cục của Đại Thừa, là tầng cao nhất. Cao hơn nữa là căn tánh đặc biệt, chẳng phải căn tánh bình thường, mà là đốn căn hay viên căn. Tiểu, Thỉ, Chung là [các giáo pháp theo đường lối] thông thường; chúng ta nói là “thượng, trung, hạ ba thừa”. Vì thế, các giáo pháp Tiểu Giáo và Thỉ Giáo nhằm tiếp dẫn các căn cơ quyền tiểu. “Đối ư thượng căn, tắc hữu giáo thiển cơ thâm chi thất, diệc bất ứng cơ” (đối với thượng căn, sẽ phạm lỗi giáo pháp nông cạn mà căn cơ sâu xa, cũng chẳng phù hợp căn cơ): So với thượng căn, Tiểu Giáo và Thỉ Giáo quá nông cạn, căn khí của bậc thượng thượng căn quả thật là căn sâu, tâm lớn, lượng lớn; vì thế, [Tiểu Giáo và Thỉ Giáo] cũng không ứng hợp căn cơ. Đấy là nói về kinh Hoa Nghiêm. “Duy bổn kinh chi trì danh niệm Phật pháp môn, thánh phàm tề thâu, lợi độn tất bị” (chỉ có pháp môn trì danh Niệm Phật trong kinh này gồm thâu thánh lẫn phàm, lợi căn lẫn độn căn đều thích hợp). Đó là so sánh giữa kinh Vô Lượng Thọ và kinh Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ dùng phương pháp trì danh niệm Phật, dễ hơn!

Kinh Hoa Nghiêm tu gì? Tu Chỉ Quán. Trước đây, chúng ta từng học Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, cách tu trong ấy như thế nào? Ngũ Chỉ Lục Quán[3], Tiểu Giáo và Thỉ Giáo chẳng thể tiếp nhận! Nói cách khác, những pháp đó dành cho người thượng thượng căn học. Họ học Hoa Nghiêm mới thụ dụng được. Chẳng phải là người có căn tánh như vậy mà học kinh Hoa Nghiêm thì chỉ là học văn tự, không thể thụ dụng. Học kinh Hoa Nghiêm mà thật sự thụ dụng, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ chẳng thuộc vào cõi Phàm Thánh, cũng chẳng thuộc cõi Hữu Dư, trực tiếp sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, khác hẳn! Đối với phương pháp trì danh niệm Phật, bậc thánh nhân như Văn Thù, Phổ Hiền là thánh nhân, Quán Âm, Thế Chí là thánh nhân, đại thánh; phàm phu như bà già, ông lão chẳng biết chữ, nhưng tin tưởng, thật sự hành, khi lâm chung cũng có thể vãng sanh, [đó là] gồm thâu cả thánh lẫn phàm. “Lợi căn” là thượng thượng căn, “độn căn” là trung hạ căn; [đối với căn cơ nào], pháp môn này cũng đều thích hợp. Vì thế, trong chín ngàn năm của thời Mạt Pháp, hết thảy chúng sanh đắc độ phải trông cậy vào bộ kinh này, nương theo pháp môn này. Thật sự chết sạch so đo, khăng khăng tu pháp môn này, không một ai chẳng thành tựu, Thiện Đạo đại sư bảo: “Vạn người tu, vạn người về”.

“Triệt thượng” là nêu ví dụ để nói thì trên là “tắc như Phổ Hiền, Văn Thù” (như Phổ Hiền, Văn Thù), đây là hai vị đại Bồ Tát trong hội Hoa Nghiêm. Phông nền sau lưng chúng tôi là hình Hoa Nghiêm Tam Thánh, chính giữa là Tỳ Lô Giá Na Như Lai, hai bên là Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát. Các đồng học học Phật đều biết: Văn Thù trí huệ đệ nhất trong hàng Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát là vị tu hành đệ nhất giữa các Bồ Tát. Một vị là giải môn đệ nhất, một vị là hạnh môn đệ nhất. Nếu nói theo cách hiện thời, Phổ Hiền Bồ Tát thật sự làm, làm thật sự triệt để, thật sự viên mãn. Vì thế, hễ nói tới tu hành, hết thảy các vị Bồ Tát đều tôn Phổ Hiền đứng đầu, không ai chẳng tán thán. Hai vị này “thượng phát nguyện cầu sanh Cực Lạc” (còn phát nguyện cầu sanh Cực Lạc); ở đây, sách đã dẫn bài kệ phát nguyện của các Ngài. Trong quyển thứ ba mươi chín của bộ Tứ Thập Hoa Nghiêm, “Phổ Hiền kệ vân: Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời, tận trừ nhất thiết chư chướng ngại, diện kiến bỉ Phật A Di Đà, tức đắc vãng sanh An Lạc sát” (ngài Phổ Hiền có bài kệ rằng: “Nguyện khi tôi sắp mạng chung, trừ sạch hết thảy các chướng ngại, gặp mặt đức Phật A Di Đà, liền được vãng sanh cõi An Lạc”). “An Lạc sát” là Tây Phương Tịnh Độ. Bài kệ của ngài Văn Thù có ý nghĩa hoàn toàn tương đồng. Bài kệ do Văn Thù Bồ Tát nói [mỗi câu] gồm năm chữ: “Nguyện ngã mạng chung thời, diệt trừ chư chướng ngại, diện kiến A Di Đà, vãng sanh An Lạc sát” (Nguyện khi tôi mạng chung, diệt trừ các chướng ngại, gặp mặt A Di Đà, vãng sanh cõi An Lạc). Trong phần trước, tôi đã từng thưa bày cùng quý vị, tôi tiếp nhận pháp môn Tịnh Độ, chết sạch so đo, một mực niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ là do đọc hai bài kệ này!

Chuyện này đã xưa lắm rồi. Thuở trước, tôi giảng kinh Hoa Nghiêm, có lúc nọ, nghĩ Văn Thù và Phổ Hiền tu pháp môn gì? Thiện Tài đồng tử tu pháp môn gì? Bèn tra duyệt kinh về chuyện này, mới biết Văn Thù và Phổ Hiền niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Thiện Tài là môn sinh đắc ý, là đệ tử truyền pháp của Văn Thù, làm sao có thể khác thầy cho được? Chẳng thể nào có chuyện ấy! Xem kỹ năm mươi ba lần tham học, khi ấy năm mươi ba lần tham học đã giảng được phân nửa, một mực giảng theo kiểu nuốt trộng quả táo, người ta hỏi tôi Thiện Tài đồng tử học gì, tôi đáp không được. Tôi nghĩ dường như môn nào Ngài cũng đều học. Ngài là một bậc đại thông gia, học rộng nghe nhiều, thật ra, chẳng phải vậy! Quay trở lại, đọc cẩn thận lần nữa, [mới biết] Thiện Tài đồng tử tu trì danh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, giống như thầy Ngài. Nói như bây giờ, Ngài đã tốt nghiệp từ giảng tòa của thầy, tốt nghiệp là gì? Đắc Căn Bản Trí sẽ gọi là tốt nghiệp. Căn Bản Trí là gì? Thiền Tông gọi nó là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”. Khi ấy, địa vị của Ngài là Sơ Trụ Bồ Tát của Viên Giáo [như trong] kinh Hoa Nghiêm [đã dạy], Ngài chứng đến địa vị này. Thầy nói: “Được rồi, ngươi chẳng cần phải trụ tại đây nữa, hãy đi ra ngoài tham học”. Cũng có nghĩa là trong hội Văn Thù, Ngài đã làm được chuyện này. Hai nguyện đầu trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” là đại Bồ Đề tâm, Ngài đã phát, đó là Đại Thừa, đã phát đại Bồ Đề tâm. “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, Ngài đã đoạn, đoạn hết Kiến Tư phiền não, đã đoạn Trần Sa phiền não, đã đoạn Vô Minh phiền não, đã thực hiện viên mãn hai điều này. Sau khi viên mãn, bèn làm như thế nào? Nguyện thứ ba: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Năm mươi ba lần tham học chính là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.

Bản thân Ngài học pháp môn gì? Chính Ngài học Tịnh Độ. Thông tin này do đâu mà có? Nhìn vào năm mươi ba lần tham học của Ngài, quý vị thấy vị thiện tri thức thứ nhất là Sơ Trụ Bồ Tát. Nếu chính Ngài chưa chứng đắc Sơ Trụ, sẽ chẳng thể tham học với bậc Sơ Trụ. Thầy Ngài giới thiệu: “Ngươi hãy đến tham học với tỳ-kheo Cát Tường Vân, ngươi hướng về Ngài thỉnh giáo”. Tỳ-kheo Cát Tường Vân tu Ban Châu tam-muội, còn gọi là Phật Lập tam-muội, cũng là pháp tu hành thù thắng bậc nhất trong Tịnh Độ. Mỗi kỳ tu học trong pháp môn này là chín mươi ngày, trong chín mươi ngày chớ nên ngủ nghỉ, chẳng được ngồi, chỉ được phép đứng hay đi, cho nên gọi là Phật Lập tam-muội, chuyên niệm A Di Đà Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc. Mỗi kỳ là chín mươi ngày, thân chẳng khỏe mạnh sẽ không thể tu được. Tuổi tác đã cao sẽ chẳng có cách nào tu pháp môn này; nói chung phải là người tuổi trẻ, có thể lực. Khá ư là khó khăn! Ngài thân cận tỳ-kheo Cát Tường Vân; tỳ-kheo Cát Tường Vân khai thị, giảng giải hai mươi mốt pháp môn Niệm Phật. “Hai mươi mốt” chẳng phải là con số, mà là viên mãn, đại viên mãn, Mật Tông nói như vậy. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm, Hiển lẫn Mật thảy đều có; Hiển, Mật, Tông, Giáo thảy đều được gộp trong ấy. Hai mươi mốt loại pháp môn Niệm Phật ấy nếu triển khai sẽ là vô lượng pháp môn do mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã nói. Có pháp môn nào chẳng phải là Niệm Phật? Môn nào cũng đều là! Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” (một chính là hết thảy, hết thảy chính là một), mới biết pháp môn Niệm Phật thù thắng. Quý vị thấy vừa mở đầu đã nói với quý vị điều này. Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều có khái niệm giống như thế, gọi là “tiên nhập vi chủ” (môn gì được tiếp xúc đầu tiên sẽ là chủ yếu). Đầu tiên là học pháp môn Niệm Phật. Chúng ta lại nhìn tới vị cuối cùng, tức vị thứ năm mươi ba, vị thiện tri thức thứ năm mươi ba là Phổ Hiền Bồ Tát, càng nói rõ rệt hơn: Mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Quý vị thấy Thiện Tài [tham học với các thiện tri thức], một vị đầu tiên, một vị cuối cùng, từ đầu đến cuối là một môn, thâm nhập một môn. Vì sao phải đi tham học? Tham học nhằm thành tựu Hậu Đắc Trí. Vì sao? Nếu quý vị hành Bồ Tát đạo, phải rộng độ chúng sanh. Căn tánh của chúng sanh thiên sai vạn biệt, pháp môn gì quý vị đều biết, chẳng thể không biết, thì quý vị mới có thể độ hết thảy chúng sanh. Vì thế, tham học nhằm để tiếp dẫn chúng sanh có căn tánh bất đồng, chẳng phải vì chính mình! Vì chính mình thì một câu A Di Đà Phật bèn minh tâm kiến tánh, đã thành Phật rồi. Biểu diễn cho chúng ta xem mà!

Do vậy, trong quá khứ, khi giảng học, tôi thường khuyên lơn, khích lệ các đồng học, đối với Tứ Hoằng Thệ Nguyện, trong thế gian này chúng ta chỉ học hai nguyện đầu, hai nguyện sau chúng ta chưa làm được. Chúng ta chỉ học hai nguyện trước, hai nguyện sau đến thế giới Cực Lạc mới viên mãn, đến thế giới Cực Lạc học rộng nghe nhiều. Chưa tới thế giới Cực Lạc, ta cứ thâm nhập một môn. Ta nhờ vào một môn để ổn thỏa, thích đáng giữ lấy thế giới Cực Lạc; sau khi thân cận A Di Đà Phật mới bèn học rộng nghe nhiều. Hiện thời đừng nên làm [như vậy]; nếu trong hiện tại mà học rộng nghe nhiều, quý vị sẽ tự khiến chính mình bị lỡ làng! Nếu quý vị phân tâm, tinh thần, tinh lực, và thời gian sẽ chẳng đủ dùng. Điều thứ hai là quý vị đã bị phân tâm, chẳng thể tập trung tinh thần, ý chí; nói cách khác, một môn vẫn chưa học tốt đẹp, đáng tiếc lắm! Chẳng thà trong một đời này, chúng ta thâm nhập một môn, trường thời huân tu, chính mình quyết định có thành tựu, đến thế giới Cực Lạc rồi mới học rộng nghe nhiều, ổn thỏa, thích đáng, phương pháp này tốt đẹp lắm! Hãy học theo Liên Trì đại sư, Ngài đã nói hai câu rất tuyệt diệu: “Tam Tạng thập nhị bộ, nhượng cấp biệt nhân ngộ” (Tam Tạng mười hai bộ loại, nhường cho người khác ngộ). Ta không làm, nhường cho người khác làm. “Bát vạn tứ thiên môn, diệc nhượng cấp biệt nhân hành” (tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng dành cho người khác hành), chính chúng ta chỉ đi theo một con đường. Trong một đời này, chỉ theo một con đường, một phương hướng, một mục tiêu, chết sạch so đo, khăng khăng chấp trì danh hiệu, cầu sanh Tịnh Độ; đấy là đúng, sẽ thành công. Cần gì phải chuốc lấy lắm nỗi phiền phức như thế? Khiến cho cái tâm được định, tự tư, tự lợi, tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn thảy đều buông xuống. Phải biết những thứ ấy chướng đạo; không chỉ chướng ngại quý vị chứng quả, mà còn chướng ngại quý vị khai ngộ, cũng như chướng ngại quý vị vãng sanh. Không buông những thứ ấy xuống, quý vị sẽ bị thiệt thòi to lớn. Chúng ta học Phật, nếu muốn thành tựu trong một đời này, quyết định phải biết điều này. Phải học theo Văn Thù, học theo Phổ Hiền, quý vị thấy những vị Bồ Tát này: Văn Thù Bồ Tát là thầy của bảy vị Phật, học trò đều thành Phật cả rồi. Học trò của Địa Tạng Bồ Tát lão nhân gia thành Phật chẳng thể đếm xiết. Trong pháp hội tại Đao Lợi thiên cung, chúng ta thấy: Chư Phật đến từ mười phương đều là học trò của Ngài. Điều này đã tạo lòng tin cho chúng ta.

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 12
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Bồ tát giới là gì, có bao nhiêu giới? Thọ giới Bồ tát như thế nào?

Định Tuệ

Lòng tin, cửa vào Tịnh độ: Sự trọng yếu của lòng tin

Định Tuệ

Niệm Phật tiêu nghiệp chướng, liễu sanh tử, vãng sanh bất thối thành Phật

Định Tuệ

Cách niệm Phật đạt đến Nhất Tâm Bất Loạn

Định Tuệ

Tất cả lợi ích thế gian này không sánh bằng lợi ích do niệm Phật

Định Tuệ

Khi hộ niệm người sắp lâm chung tụng niệm thế nào mới đúng?

Định Tuệ

A Tu La là gì? Cõi A Tu La ở đâu? Gieo nhân gì sanh về cõi A Tu La?

Định Tuệ

Lúc lâm chung, yêu ma quỷ quái sẽ biến hiện ra những gì để dụ hoặc chúng ta?

Định Tuệ

10 bài Kinh người tại gia nên biết

Định Tuệ

Viết Bình Luận