Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Niệm Phật như thế nào?

Có người hỏi tôi niệm Phật như thế nào? Tôi nói với họ: Hư không pháp giới hết thảy chúng sanh đều là A Di Đà Phật.

Trong khi giảng kinh tôi cũng thường nhiều lần nói với các bạn là: Có người hỏi tôi niệm Phật như thế nào? Tôi nói với họ: Hư không pháp giới hết thảy chúng sanh đều là A Di Đà Phật. Tôi niệm Phật như vậy. Mỗi một người đều là hoá thân của A Di Đà Phật, mỗi một việc cũng đều là A Di Đà Phật biến hoá ra. Hết thảy sơn hà đại địa, cây cỏ, đất đá đều là A Di Đà Phật biến hoá ra, đều là sáu trần của thế giới Tây Phương Cực Lạc đang thuyết pháp. Thế giới này của chúng ta cũng không ngoại lệ, bạn có thể nhìn thấy không? Trong mắt của tôi, trong tâm của tôi tất cả đều là A Di Đà Phật. Niệm là tâm, là tâm hiện tại. Vì vậy tự nhiên sẽ sanh khởi tâm lễ kính đối với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật, “tâm tịnh tức Phật độ tịnh”.

Cho nên chúng ta đối với việc vãng sanh không có do dự, hoàn toàn khẳng định, nhất định không có hoài nghi. Vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là về quê cũ thì đâu có lý nào không về được chứ? Vấn đề là bạn có biết đường về hay không? Đường về chính là phương pháp. Bạn có hiểu được chân tướng sự thật hay không? Chân tướng sự thật là thế giới Tây Phương Cực Lạc: “Duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”. Chúng ta vẫn còn do dự điều gì nữa? Cái thế gian này có không tốt thế nào đi chăng nữa thì cũng đừng nên ghét bỏ, vì sao vậy? Là vì tự tánh Ta-bà, duy tâm đại chúng, cho nên chúng ta hãy “hằng thuận chúng sanh, tuỳ hỷ công đức”.

Cho dù thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên đều luôn giữ được tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng của chính mình. Đây gọi là niệm Phật, chứ không phải chỉ niệm suông câu Phật hiệu ở trên miệng. Miệng niệm câu Phật hiệu là biện pháp để đối phó với phiền não. Khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài thì khởi tâm động niệm, lúc đó dùng câu Phật hiệu “A Di Đà Phật” đè ý niệm đó xuống. Hãy dùng công phu này đối trị tập khí phiền não vọng tưởng ở mọi lúc mọi nơi, thường xuyên có sự cảnh giác cao độ như vậy là tốt.

Cổ Đại đức có câu: “Không sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm”. Khi niệm vừa khởi lên thì các bạn phải biết đó là tam đồ lục đạo. Ý niệm của chúng ta vừa khởi lên đều là tam đồ lục đạo. Nếu là thiện niệm thì là tam thiện đạo, nếu là ác niệm thì là tam ác đạo. Cho nên chúng ta mới biết ý niệm thật đáng sợ.

Phật dạy chúng ta dùng phương pháp niệm Phật để đối trị, bất luận là thiện niệm hay ác niệm, khi ý niệm vừa khởi lên liền dùng câu A Di Đà Phật đè ý niệm đó xuống. Bạn có thể thường xuyên giữ được tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác thì bạn chân thật là niệm A Di Đà Phật. Tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác chính là A Di Đà Phật.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Thế Tôn nói với chúng ta: Thế nào gọi là tâm thanh tịnh? Trong tâm không nhiễm mảy trần thì gọi là tâm thanh tịnh. Cái gì gọi là ô nhiễm? Thất tình ngũ dục là ô nhiễm, những thứ này là ô nhiễm. Cho nên khi bạn khởi lên cảm tình, cảm tình là gì? Là Hỷ (mừng), Nộ (giận), Ai (buồn), Lạc (vui), Ái (yêu), Ố (ghét), Dục (tham muốn). Đây gọi là thất tình. Ngũ dục là Tài, Sắc, Danh, Thực, Thuỳ. Khi bạn khởi lên những điều này thì tâm của bạn là tâm luân hồi. Chúng ta cần niệm mất đi tâm luân hồi này, phải làm cho tâm Bồ-đề hiện tiền. Tâm Bồ-đề chính là tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác. Tâm Bồ-đề chính là tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.

Chỉ cần tâm Bồ-đề được khởi lên, được niệm lên thì việc vãng sanh thế giới Cực Lạc như Kinh Vô Lượng Thọ nói với chúng ta là “Một niệm hay mười niệm nhất định vãng sanh”. Nếu tâm Bồ-đề không thể hiện tiền thì một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu mà người xưa thường nói là “Đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”. Ngay đến thế gian pháp đều nói tâm đầu ý hợp, chúng ta cần tương ưng với tâm Phật, tâm tâm tương ưng thì đâu có đạo lý không sanh Tịnh Độ.

Cho nên công việc mỗi ngày việc gì cần làm thì nhất định vẫn làm như thường. Nếu ngày mai vãng sanh rồi thì công việc hôm nay vẫn phải làm như bình thường. Bạn không thể nói ngày mai tôi vãng sanh thì việc hôm nay tôi không làm nữa. Vậy thì bạn không thể vãng sanh rồi. Căn bản bạn không hiểu được đạo lý vãng sanh. Chỉ cần hơi thở này chưa dứt thì những nghĩa vụ mà bạn cần làm thì phải làm cho thật tốt, cần chăm chỉ nỗ lực làm việc đó thật viên mãn. Chúng ta ngày nay ở thế gian này là thân phận gì, đang làm bất cứ ngành nghề nào, mỗi ngày đang làm công việc gì, đều là vì xã hội, vì chúng sanh.

Cho dù bạn là người nội trợ trong gia đình, bạn phải vì gia đình, vì mỗi thành viên trong gia đình mà phục vụ. Mỗi hành vi việc làm hằng ngày của bạn đều là thực hành Bồ-tát đạo. Không thể nói ngày mai tôi vãng sanh rồi thì hôm nay Bồ-tát đạo không làm nữa. Vậy thì có phải là tự bạn chướng ngại chính mình hay không? Phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo nhất định không được gián đoạn. Chỉ cần tất cả vì chúng sanh, tất cả vì Phật pháp thì đây chính là Bồ-tát đạo.

Tôi mặc áo là vì chúng sanh, tôi ăn cơm là vì Phật pháp chứ không phải vì chính mình. Vì chính mình là tâm luân hồi, tạo nghiệp luân hồi. Vì chúng sanh, vì Phật pháp, vì Phật pháp cửu trụ thế gian, tôi làm một tấm gương tốt để hết thảy chúng sanh nhìn thấy, nghe thấy, biết đến Phật pháp, ngưỡng mộ Phật pháp, phát tâm học tập Phật pháp. Điều này chính là cuộc sống của chúng ta hành trì vì Phật pháp.

Nếu chúng ta làm ra một tấm gương xấu, không cần gia đình, sự nghiệp cũng không cần, công việc cũng không cần mà chạy lên núi tìm một cái động để niệm Phật. Người trong xã hội nhìn thấy như vậy sẽ sợ phát khiếp lên được, cho là Phật pháp này là tà môn ngoại đạo, không thể học, đó chính là phá hoại Phật pháp rồi. Cho nên người học Phật cần có trí huệ, cần phải hiểu nên làm như thế nào.

Những cử chỉ hành vi của bạn nhất định phải làm lợi ích cho chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh, để chúng sanh nhìn thấy sự hành trì của bạn thì họ được giác ngộ, họ hiểu rõ, họ quay đầu. Nhất định không được để cử chỉ hành vi của chúng ta khiến cho chúng sanh nhìn thấy sanh thêm lòng nghi hoặc, càng tăng thêm phân biệt, chấp trước, nghi ngờ. Vậy thì chúng ta đã sai hoàn toàn rồi.

Từ đó mà biết, kinh không thể không đọc, không thể không nghe, không thể không nghe nhiều. Nếu có nghi vấn nhất định phải hỏi, hỏi là tốt. Hôm qua có một vị cư sĩ đến hỏi tôi vấn đề này, hỏi rất tốt, tại vì sao? Vì người mê hoặc giống như anh không phải là ít. Anh ấy vừa hỏi, chúng ta liền hiểu ra, khi vừa giải thích thì mọi người đều hiểu rõ. Cho nên từ học vấn có nghĩa là chúng ta cần học rồi hỏi, cần hỏi nhiều, không nên sợ hỏi. Khi nghi ngờ được tiêu trừ rồi thì lòng tin mới có thể kiến lập, biết được mình nên niệm Phật, học Phật như thế nào, làm thế nào mới có thể thành tựu được Phật pháp.

Chư Phật Bồ-tát dạy chúng ta không gì khác, dùng cách nói của thế gian là “thông tình đạt lý”. Chư Phật Bồ-tát, Tổ sư Đại đức có ai là không thấu hiểu lòng người chứ. Không thấu hiểu lòng người thì thuyết pháp sẽ không khế cơ, không thông đạt đạo lý thì thuyết pháp sẽ không khế lý. Khế cơ khế lý thì nhất định phải làm đến thông tình đạt lý. Cho nên Phật pháp mới có thể “hằng thuận chúng sanh, tuỳ hỷ công đức”. Đó là điều chúng ta trên kinh luận thường xuyên đọc thấy. Chúng ta cần tuỳ thuận hoàn cảnh sinh sống của bản thân, tuỳ thuận phương thức sinh sống của bản thân, tuỳ thuận thói quen làm việc của chính mình. Tất cả đều tuỳ thuận, trong tuỳ thuận cầu tiến bộ.

Sửa đổi lỗi lầm của chính mình thì sẽ tiến bộ, nhà Phật và nhà Nho đều rất xem trọng việc này. Trong Lục độ của nhà Phật nói “tinh tấn”, nhà Nho nói: “Ngày mới, ngày ngày mới”. Vậy làm thế nào để tinh tấn? Làm thế nào để ngày ngày mới đây? Sửa đổi chính là tinh tấn, chính là ngày ngày mới. Vì vậy gọi là cải tiến. Cách hiểu sai lầm của chúng ta, lỗi lầm của bản thân chúng ta, cách nghĩ sai lầm của chúng ta, cách làm sai lầm của chúng ta, sau khi hiểu rồi thì sửa đổi lại liền tiến bộ thôi.

Cho nên đồng tu học Phật chúng ta nhất định vẫn phải sống cuộc sống bình thường, làm công việc thường ngày của chúng ta. Phật dạy chúng ta buông xuống là buông xuống những ưu tư, vướng mắc, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trong cuộc sống và trong công việc, là dạy buông xuống những điều này. Cuộc sống của chúng ta vui vẻ, công việc vui vẻ, như vậy niệm Phật mới niệm tốt được.

Khi nhân duyên thời khắc đến rồi thì A Di Đà Phật nhất định đến tiếp dẫn bạn. Nếu chưa đến lúc đó mà ngày ngày mong chờ: “Ái chà! A Di Đà Phật sao vẫn chưa đến vậy, vẫn chưa đến đón mình!” Là vì nghiệp chướng của bạn vẫn chưa tiêu trừ. Khi nghiệp chướng tiêu trừ, thời khắc nhân duyên đến rồi thì Phật tự nhiên sẽ hiện tiền, bạn không cần phải lo lắng.

Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 84
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

10 danh hiệu Phật là gì? Ý nghĩa 10 danh hiệu của Đức Phật

Định Tuệ

Trên đền bốn ơn nặng, Dưới cứu khổ ba đường là gì?

Định Tuệ

Chuyện tình kỳ lạ và cái kết đẹp của nàng Ma Đăng Già

Định Tuệ

Tạo sửa tượng Phật công đức phi thường

Định Tuệ

Một lòng một dạ nương tựa Phật, Phật sẽ không chê bỏ chúng ta

Định Tuệ

Làm sao có thể cứu vãn những chúng sanh khổ nạn?

Định Tuệ

Chúng ta có hai ân nhân không thể quên trong đời này

Định Tuệ

5 điều quan trọng mà người niệm Phật cần nên làm

Định Tuệ

Tại sao truyền bá Phật Pháp thì được công đức vô lượng?

Định Tuệ

Viết Bình Luận