Công đức “vô trụ sanh tâm” không thể nghĩ bàn, chỉ cần niệm Phật thật thà miên mật thì tự nhiên thầm hợp đạo mầu, trong mỗi niệm của bạn đã vô niệm rồi, niệm mà không niệm.
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ kể một chuyện có thật như sau, Ngài có một người bạn lớn tuổi là thầy thuốc Đông Y nổi tiếng ở Giang Tô, cũng là một tín đồ Phật giáo kiền thành.
Em trai của thầy thuốc Đông Y ấy là Khoát công tử, sống phóng đãng nên tuổi trẻ mắc bệnh, trước lúc lâm chung tướng địa ngục hiện ra, vô cùng sợ hãi, cầu xin anh trai cứu giúp.
Anh trai nói, hãy mau niệm Phật và mời nhiều người cùng trợ niệm, bản thân người bệnh cũng niệm. Lúc mẹ qua đời anh ta đã từng niệm Phật, lúc này nhìn thấy địa ngục mà vẫn nói không tin thì trong nháy mắt chính mình nằm trong vạc dầu rồi, có muốn tránh khỏi hay không, cho nên niệm Phật lúc này là chân thành.
Người em niệm được một lúc rồi nói, tốt rồi, không còn địa ngục nữa, Phật đã đến tiếp dẫn, rồi ra đi, đây là chuyện có thật.
Có người hoài nghi, trong bổn nguyện nói “chí tâm tín nhạo, nãi chí thập nguyện”, Quán Kinh cũng nói “như thị chí tâm, linh thanh bất tuyệt, cụ túc thập niệm”. Chí tâm ở đây rốt cuộc là chỉ cho tâm gì? Mười niệm rốt cuộc niệm như thế nào? Đối với vấn đề này, xin dẫn chứng lời của đại sư Cưu-Ma-La-Thập là thích hợp nhất.
Đại sư nêu một ví dụ, ví như có người ở nơi hoang vu, không có người để cầu cứu, gặp phải kẻ cướp cầm súng cầm dao muốn đến giết, người đó cố sức chạy, chạy bán sống bán chết, nhưng nhìn thấy trước mặt có con sông chắn ngang, buộc phải qua sông, rắc rối rồi! Phía sau có kẻ truy đuổi, phía trước có sông chắn đường, có mất mạng cũng phải qua sông. Khi qua sông, nếu mặc luôn quần áo mà qua thì bơi không tiện, cởi quần áo ra để qua thì e không còn kịp, chúng đuổi đến thì biết làm sao. Lúc ấy tâm người đó nghĩ chính là việc này: làm sao qua sông? Cởi quần áo hay là không cởi quần áo, không có suy nghĩ nào khác. Người ấy cũng không nghĩ mình còn món nợ 20.000 đồng người khác vẫn chưa trả, làm thế nào để tìm họ đòi nợ, không nghĩ vậy đâu, chẳng nghĩ việc gì cả. Lúc đó chỉ nghĩ đến việc qua sông, chỉ có một ý niệm qua sông, không có ý niệm nào khác.
Nếu lúc niệm Phật chúng ta cũng giống như người này, trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu, không có bất kỳ tạp niệm nào khác thì đúng rồi, chính là chí tâm. Niệm Phật như vậy liên tục 10 câu, đó là “vô sở trụ”, còn câu Phật hiệu trong tâm của mình thể gồm đủ vạn đức rõ ràng rành rẽ liên tục không dứt, đó chính là “sanh kỳ tâm”.
Vì vậy diệu đế “vô trụ sanh tâm” trong Kinh Kim Cang ngay trong thời khắc niệm Phật liền thầm hợp đạo mầu, tự nhiên đạt được. Công đức “vô trụ sanh tâm” không thể nghĩ bàn, chỉ cần niệm thật thà miên mật thì tự nhiên thầm hợp đạo mầu, trong mỗi niệm của bạn đã vô niệm rồi, niệm mà không niệm.
Cho nên dùng tâm phàm phu nhập vào thật tướng các pháp thì chỉ có trì Danh và trì chú là dễ dàng nhất, đó là thầm hợp đạo mầu, khéo nhập vô sanh.
Vì vậy đại sư Liên Trì nói, người ngũ nghịch thập ác lâm chung niệm mười niệm nói trong Quán Kinh thì mỗi niệm là lý nhất tâm, nên mỗi niệm đều có thể tiêu trừ trọng tội trong 80 ức kiếp sanh tử.
Bạn hãy nghĩ xem, 80 ức kiếp là thời gian dài biết bao, trọng tội sanh tử là tội như thế nào? 80 ức kiếp thời gian dài như thế, tất cả trọng tội sanh tử đã phạm niệm một câu đã tiêu trừ rồi, đây là diệu dụng thật không thể nghĩ bàn. Cho nên đại sư Liên Trì được xưng là hóa thân của Di-Đà, chỉ rõ các loại nguyên nhân.
Trích: Kinh Vô Lượng Thọ – Tập 34
Chủ Giảng: Cô Lưu Tố Vân giảng lần thứ 2 năm 2020.