Tâm Hướng Phật
Nghi Thức

Cách lạy sám hối tại nhà khi chưa có bàn thờ Phật

Lạy Phật với tâm thành kính thì có thể tiêu trừ tội lỗi ngã mạn, khiến cho tội diệt phước sinh, căn lành và phước đức tăng trưởng.

Đức Phật dạy: “Trên đời có hai hạng người đáng quý nhất, một là người không mắc phải lỗi lầm gì, hai là người có lỗi nhưng biết sai và sửa chữa”. Ít nhiều chúng ta thường mắc phải những lỗi lầm trong cuộc sống. Nhưng nhận ra lỗi sai và sửa lỗi sẽ khiến chúng ta nhận được sự kính trọng của người khác.

1. Sám hối là gì?

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả Sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối Kỳ hậu quá”, nghĩa là: Ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau. Vậy Sám hối đúng nghĩa theo Chánh Pháp là nhận biết được lỗi đã gây tạo, ăn năn sửa lỗi và hứa không làm những điều này về sau.

Sám hối theo nghĩa thông thường là xin lỗi. Xét về mặt xã hội, xin lỗi là một hành vi đạo đức của con người, khi họ đã gây ra những lỗi lầm và muốn được người bị tổn thương tha thứ. Xin lỗi là một hành động được ba mẹ, nhà trường dạy dỗ khi chúng ta còn bé và đó là điều cần thiết trong cuộc sống.

Các bậc Thánh hiền xưa đã dạy rằng: “Nếu mắc lỗi lầm thì công khai nhận lỗi đó, rồi tìm ra biện pháp và quyết tâm để sửa chữa. Thái độ đối với lỗi lầm như thế là thước đo một người chân chính, trung thực đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng”.

Thế nhưng con người thường rất e dè trước lời xin lỗi bởi họ bị gắn chặt bởi chấp thủ và chấp ngã. Chấp thủ chính là việc gì cũng cho mình là đúng, người khác sai. Đó còn gọi là tính bảo thủ. Chấp ngã là đề cao cái tôi của mình, dù có biết lỗi nhưng không nhận lỗi vì sợ làm mất giá trị của bản thân, người khác coi thường. Vì thế nên đối với những người này, hai từ xin lỗi thường nặng nề và không được sử dụng đến.

2. Sự mầu nhiệm của việc lạy Phật sám hối

Trong Kinh Phật đã dạy lạy Phật có 10 công đức sâu dày. Điều này không ít người đã biết. Trong số không ít người thường xuyên lạy Phật, họ còn phát hiện ra nhiều lợi ích không ngờ tới hơn của phép huân tập này.

Lạy Phật lợi ích vô cùng
Lưu thông máu huyết khiêm cung tánh tình
Vừa có phước vừa dưỡng sinh
Hàng ngày thường lạy an khinh cõi lòng…

Cổ Đức có dạy: “Niệm Phật một câu, phước sanh vô lượng, lạy Phật một lạy tội diệt hà sa”. Làm được thân người là phước báu rất lớn, nhưng nghiệp chướng cũng không ít, vì “nhân vô thập toàn”.

Khi chưa chứng Thánh, thì “nhất cử nhất động” ai ai cũng còn tạo nhiều tội lỗi, vậy cần phải quán chiếu để thấy được lỗi lầm mà thành tâm sám hối, thì mới mong tiêu trừ được tội. Do vậy pháp tu lạy Phật là pháp tu phù hợp, nhiều lợi ích nhất.

Khi lễ lạy chúng ta thực hiện “hồi quang phản chiếu” quay về với “tánh giác” thể hiện được lòng tôn kính và tâm ngưỡng mộ của mình đối với đấng Giác ngộ, hay những bậc Thánh, Thần, Đại ân nhân, thể hiện được lòng biết ơn, đền ơn.

Khi lễ lạy, tiêu trừ được lòng tự cao ngã mạn của mình. Tức là từng bước “quán chiếu thấy năm uẩn đều không, sẽ qua hết tất cả khổ đau ách nạn”.

Khi lạy Phật cúi mình rạp xuống, thể hiện “bội trần hợp giác” hai tay xòe ra đón Phật. Lúc đó Phật tánh trong ta hiển lộ, Đức Phật với lòng từ bi vô lượng sẽ thương cảm đến và gia hộ cho ta được kiết tường như ý và phước đức cũng từ đây sinh khởi.

Trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt có dạy 10 công đức của Lễ Phật:

  1. Tự mình có được sắc thân tươi đẹp nhiệm mầu.
  2. Lời mình nói ra ai nấy đều tin.
  3. Đối với mọi người dù ác độc, mình không sợ hãi.
  4. Chư Phật thường gia hộ phò trì.
  5. Tự mình có đầy đủ oai nghi, được mọi người kính mến.
  6. Mọi người thảy đều muốn làm quen giúp đở.
  7. Chư Thiên đều yêu kính.
  8. Đầy đủ các điều phúc đức, hưởng mọi thanh nhàn.
  9. Khi chết nhận định được vãng sanh.
  10. Tự mình chứng quả vắng lặng Niết Bàn.
3. Cách lạy sám hối tại nhà khi chưa có bàn thờ Phật

Xướng lạy Hồng danh các vị Phật, Bồ-tát, Thánh tăng là pháp tu phổ biến. Hàng ngày, trong các thời khóa tu tập của mọi tông phái hay pháp môn đều có xướng lạy Phật.

Lễ Phật nhằm tỏ bày sự cung kính, tri ân vô hạn với bậc Đạo sư. Lạy Phật với tâm thành kính thì có thể tiêu trừ tội lỗi ngã mạn, khiến cho tội diệt phước sinh, căn lành và phước đức tăng trưởng.

Trong điều kiện nhà bạn không có bàn thờ Phật thì vẫn có thể tiến hành lễ lạy Hồng danh Phật sám hối được.

Trước tiên, bạn nên có một bức tranh tượng Phật nhỏ, sắm thêm hai ngọn nến và ba ly nước sạch nữa thì càng tốt. Đến giờ lạy Phật sám hối, bạn mang tranh tượng Phật ra đặt lên bàn (có thể là bàn làm việc, bàn học, bàn xếp, không bàn thì ghế, đôn hoặc thùng trải khăn sạch), đốt đèn, dâng nước cúng Phật. Sau đó bạn thực hành lễ sám theo như khoa nghi. Lễ sám xong thì thu dọn hết xếp lên kệ hay cất vào tủ. Cách này tuy vất vả vì phải bày ra rồi xếp vào nhưng ưu điểm là có Phật để lễ lạy, cúng dường, thể hiện được lòng thành kính và dễ nhiếp tâm hơn.

Kế đến, có thể lưu ảnh chánh điện của ngôi chùa bạn yêu thích hay ảnh Đức Phật trong máy tính hoặc điện thoại. Đến giờ làm lễ thì chỉ cần mở hình ảnh lên với chánh điện hương hoa rực rỡ và Đức Phật tướng hảo trang nghiêm rồi chí thành lễ sám. Cách này khá tiện lợi, ở nơi nào cũng lễ Phật được.

Cuối cùng, khi không có bất cứ thứ gì bạn cũng lễ sám được. Bạn chỉ cần hướng về nơi nào sạch sẽ, tươm tất nhất trong phòng (không nhất thiết phải hướng về Tây), vận tâm quán tưởng đang hướng về Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo, thấy Ngài đang ngồi trên tòa sen, dưới cội bồ-đề, hào quang sáng chói. Sau đó xướng Hồng danh, quán tưởng và lễ bái. Mặc dù có rất nhiều Hồng danh các vị Phật khác nhau nhưng đối tượng quán tưởng chỉ một Đức Phật Thích Ca, giống như khi lễ bái Hồng danh các vị Phật trên chánh điện vậy.

Lễ bái Hồng danh Phật cần hội đủ nhiều nhân duyên mới trọn phần công đức. Trong đó, tâm chí thành cung kính lễ, quán tưởng thấy rõ hình dung Đức Phật- đối tượng lễ bái, là quan trọng nhất. Vì thế, chỉ cần có tâm kính lễ, có sự quán tưởng rõ ràng thì ở bất cứ đâu chúng ta đều có thể tu hạnh lễ bái Phật. (Nguồn: Chùa Giác Ngộ!)

Tham khảo thêm:

Nghi thức lạy sám hối 35 vị Phật – Trích Kinh Đại Bảo Tích

Nghi thức lạy sám hối 108 lạy tại gia đơn giản dễ nhớ, dễ thực tập

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Nghi thức Kinh tụng hàng ngày – Thích Phước Tiến biên soạn PDF

Định Tuệ

Nghi thức lễ cúng ngày Đức Phật thành Đạo PDF

Định Tuệ

Sám hối 10 nghiệp bất thiện – Hòa Thượng Thích Trí Thoát

Định Tuệ

Nghi thức tụng kinh A Di Đà đầy đủ, chuẩn nhất

Định Tuệ

Bài Sám Thập Phương – Sám Mười Phương chữ Hán và tiếng Việt

Định Tuệ

Nghi thức trì tụng Kinh Đại Bi Sám Pháp PDF

Định Tuệ

Nghi thức tụng kinh, niệm Phật, trì Chú tại gia

Định Tuệ

Nghi thức tụng Kinh Kim Cang tại nhà đúng pháp

Định Tuệ

Cách hồi hướng công đức cho thai nhi sau khi tụng kinh, sám hối

Định Tuệ

Viết Bình Luận