Tâm Hướng Phật
Nghi Thức

Cách hành trì pháp môn Tịnh Độ như thế nào?

Pháp môn Tịnh độ hay còn gọi là pháp môn Niệm Phật. Pháp môn Tịnh độ tu như thế nào và cách hành trì ra sao?

1. Pháp môn Tịnh độ là gì?

Pháp môn Tịnh độ còn gọi là pháp môn Niệm Phật. Ý nghĩa niệm Phật là đem tâm thanh tịnh mà tưởng nhớ đến danh hiệu, công đức mầu nhiệm và thân tướng trang nghiêm của chư Phật. Niệm là nhớ nghĩ, buộc tâm vào một đối tượng Chánh pháp, không rong ruổi theo niệm trần, thường tỉnh thường giác hiện rõ trước mặt. Niệm Phật là quán tưởng thân tướng hay niệm danh hiệu Phật, danh này bao trùm các công đức, trí tuệ, từ bi… của các Đức Phật. Lấy danh hiệu làm đối tượng niệm, tâm thanh tịnh làm chủ thể niệm, thường trụ vào bản tánh bất sanh bất diệt ấy tất sẽ đạt đến cảnh giới an vui chân thật.

Hành giả an trụ vào câu Phật hiệu hay quán tưởng thân tướng trang nghiêm của Phật với tâm thanh tịnh sẽ tạo thành một năng lực mầu nhiệm, quét sạch mọi vọng tưởng điên đảo, khơi dậy tự tánh Di Đà bên trong mỗi chúng sanh. Từ đây vọng tưởng quyết dứt trừ, cảnh giới an vui thanh tịnh nhiệm mầu sẽ hiển lộ.

Đức Phật ra đời suốt bốn mươi năm trời thuyết pháp, có đến hơn tám vạn bốn ngàn pháp môn. Pháp môn chính là phương pháp mở cửa tuệ giác tâm linh. Chúng sanh căn tánh bất đồng, thiên sai vạn biệt, nên đức Phật cũng theo đó mà có nhiều pháp môn để đáp ứng thích cơ hợp tánh chúng sanh. Tâm bịnh chúng sanh đa dạng, biến thái muôn ngàn, nên pháp dược trị liệu cũng có vạn thiên.

Pháp môn có sai khác, giáo pháp diễn đạt những pháp môn đó có cạn sâu. Nhưng dù sai khác cạn sâu thế nào đi nữa, thì giáo pháp đức Phật tựu trung vẫn là chìa khóa mở cửa tâm linh, những phương thuốc thần diệu trị liệu tâm bịnh chúng sinh, giải thoát phiền khổ. Ngài cũng thuyết minh về những hiện tượng thành hoại của vũ trụ, những sai biệt thăng trầm thạnh suy của kiếp người. Nhưng cội gốc của những hiện tượng đó đều do tâm sanh khởi. Tâm là nguồn gốc hình thành tất cả mọi hiện tượng, trạng thái thạnh suy, thành bại, thăng trầm của nhân sanh vũ trụ. Thế nên, giáo pháp của đức Phật là chìa khóa mở cửa tâm linh, là phương thuốc trừ sạch gốc rễ vô minh từ tâm thức con người, là con đường sáng ngời đưa chúng sanh từ phàm đến thánh.

Trong tất cả những pháp môn, những phương thuốc, những con đường sáng tịnh đó, được đức Phật trình bày bàn bạc khắp trong tam tạng giáo điển. Nhưng đặc biệt pháp môn Tịnh độ thì đức Phật nhấn mạnh có tánh cách xác quyết với cả tấm lòng tha thiết khuyến lệ chúng sanh nên thực hành pháp môn này. Điều đó hiển lộ qua những thời pháp đặc thù được kết tụ thành kinh A Di Đàkinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết Bàn v.v … Chẳng những trong pháp hội kinh A Di Đà Ngài diễn tả cảnh giới Tây phương Cực lạc một cách rõ ràng, mà ở pháp hội kinh Vô Lượng Thọ Ngài thuyết minh cho chúng sanh thấy nguyện lực đức Phật A Di Đà và nhân duyên mật thiết giữa chúng sanh cõi Ta bà với đức Phật này. Cũng chính trong pháp hội Vô Lượng Thọ, đức Thích Ca còn khẳng định rằng, chúng sanh cách Phật lâu xa về sau, ngoài pháp môn niệm Phật ra, không có pháp môn nào cứu giúp chúng sanh giải thoát luân hồi sanh tử có hiệu năng bằng pháp môn Tịnh độ. Và khi Phật pháp tận diệt hết trên cõi đời, chỉ còn lại độc nhất kinh Vô Lượng Thọ kéo dài thêm 100 năm nữa trước khi mạt pháp kết thúc. Người tu học Phật mà không đọc, không tin lời đức Phật nói ở kinh Vô Lượng Thọ, thì quả thật khó mà đạt đạo giác ngộ giải thoát.

2. Muốn tu Tịnh độ cầu vãng sanh không thể thiếu Tín Nguyện Hạnh

Tín, Nguyện, Hạnh còn gọi là ba món tư lương của môn Tịnh Độ. Ví như người đi xa phải chuẩn bị chăn, mùng, thuốc men, thức ăn mặc, và tiền bạc, để có đủ sự cần dùng khi lên đường. Người tu Tịnh Độ cũng thế, thiếu lòng tin không thể phát Nguyện. Có Tín, Nguyện mà chẳng thực hành, tức tu phần Hạnh, chỉ là Tín, Nguyện suông. Và nếu Hạnh đầy đủ mà thiếu sót Tín, Nguyện thì sự thật hành đó lạc lõng, không có tiêu chuẩn, đường lối. Cho nên Tín, Nguyện, Hạnh là tư lương của kẻ đi đường xa về Cực Lạc. Đối với sự vãng sanh, ba điều này có tính cách liên đới nhau, thiếu một, tất không thành tựu.

* Ngẫu Ích đại sư, một bậc tôn túc về Tịnh Độ đã dạy: “Được vãng sanh cùng chăng toàn do Tín, Nguyện có hay không, phẩm vị thấp cao, đều bởi hành trì sâu hoặc cạn”.

Ngài lại bảo: “Nếu không Tín, Nguyện, dù trì niệm câu hồng danh cho đến gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt, vững chắc như tường đồng vách sắt, cũng không được vãng sanh”.

Người niệm Phật tinh chuyên mà thiếu Tín, Nguyện, tùy công phu sâu cạn kết quả chỉ được hưởng phước báu nhơn thiên, khi hết phước vẫn phải bị luân hồi như cũ. Như tại Việt Nam ta, vào đời Hậu Lê, có một vị sư ở chùa Quang Minh tên là Huyền Chân, công hạnh niệm Phật tuy sâu mà vì Nguyện tâm không chí thiết, nên khi mãn phần chuyển sanh làm một vị Vua triều nhà Thanh hiệu Minh Thần Tông bên Trung Hoa. Về sau nhà vua nhân dùng nước giếng của chùa ấy để rửa vết chữ son ghi tiền kiếp của mình trên vai, mới cảm khái làm mấy bài thơ. Trong ấy có hai câu:

“Ngã bảng Tây Phương nhất Phật tử,
Vân hà lạc tại đế vương gia?”

Ý nói: Ta vốn là con của Phật A Di Đà ở Tây Phương, cớ sao lại lạc vào nhà đế vương như thế này? Tuy vua biết kiếp trước mình là vị sa môn niệm Phật ở chùa Quang Minh, nhưng vì trong ngôi vị đế vương, cảnh phước lạc quá nhiều, nên cũng không tu hành được. Niệm Phật mà thiếu Tín, Nguyện kết quả là như thế! Cho nên, xét kỹ lại lời của Ngẫu Ích đại sư, ta thấy phẩm vị cao thấp không phải là vấn đề, mà vấn đề chính là: “được vãng sanh hay không?”.

Mà muốn được vãng sanh, Tín Nguyện là điều kiện phải có, và điểm cần yếu nhất lại là chữ Nguyện. Đại sư lại nhấn mạnh: “Nếu Tín Nguyện bền chắc, khi lâm chung, chỉ xưng danh hiệu mười niệm hay một niệm, cũng quyết được vãng sanh.

Trái lại, công hành trì tuy vững như vách sắt tường đồng, mà Tín Nguyện yếu, kết quả chỉ hưởng được phước báo nhơn thiên mà thôi.” Lời này chỉ rõ: thà Tín, Nguyện bền chắc, dù phần Hạnh kém ít cũng được vãng sanh giải thoát. Xem đây ta thấy, đối với người tu Tịnh Độ, tâm Nguyện chân thật có tính cách trọng yếu biết nhường nào!

3. Sự quan trọng của phát nguyện cầu vãng sanh

Về động lực hướng dẫn của chữ “Nguyện”, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm có nói:

“Người này khi sắp mạng chung, trong khoảng sát na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất cả quyến thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai thế thảy đều lui mất. Duy có nguyện vương này chẳng rời bỏ nhau, trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Và trong khoảng một sát na, kẻ ấy liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.”

Bởi thấy rõ công dụng cần yếu của sự phát nguyện, nên trong Kinh A Di Đà, đức Thích Tôn cứ mãi nhắc đi nhắc lại điểm ấy, qua các đoạn văn như sau:

“Lại nữa, Xá Lợi Phất! Chúng sanh về cõi nước Cực Lạc đều là hàng A Bệ Bạt Trí. Trong ấy có nhiều bậc Nhất Sanh Bổ Xứ, số lượng rất đông, không thể dùng toán số tính biết được, chỉ có thể lấy số không lường không ngằn a tăng kỳ để nói mà thôi. Xá Lợi Phất! Chúng sanh nghe rồi, phải nên phát nguyện cầu sanh về cõi kia. Bởi tại sao? Vì được cùng các bậc thượng thiện nhơn như thế đồng họp một chỗ.

… Xá Lợi Phất! Ta thấy sự lợi ích đó, nên nói lời này. Nếu có chúng sanh nào nghe lời nói đây, phải nên phát nguyện cầu sanh về quốc độ ấy.

… Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về nước Phật A Di Đà, những người đó hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh, đều được không thối chuyển nơi quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ở cõi nước kia. Cho nên Xá Lợi Phất! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn nếu có lòng tin, phải nên phát nguyện cầu sanh về quốc độ ấy.”

Như trên, ta thấy đức Thích Tôn mãi nhắc đi nhắc lại hai chữ “phát nguyện” lời ý đều khẩn thiết. Cho đến phần kết cuộc của kinh văn, Ngài cũng vẫn đôi ba phen bảo phải phát nguyện cầu sanh. Tại sao thế?

Vì nếu về cõi Cực Lạc, sẽ được ở cảnh giới vô cùng mầu đẹp trang nghiêm, được thân kim cương đủ ba mươi hai tướng tốt, dứt hẳn nỗi khổ sanh già bịnh chết; được gần gũi Phật, chư đại Bồ Tát và hội họp với các bậc thượng thiện nhơn; được thần thông Tam Muội, không còn thối chuyển nơi quả vô thượng Bồ Đề.

Bởi trí huệ của Phật nhìn thấy rất nhiều sự lợi ích như thế, Ngài mới vận lòng từ bi vì cứu độ loài hữu tình mà khuyên phát nguyện vãng sanh. Lòng bi mẫn của đức Thích Ca Thế Tôn, thật là vô lượng.

Cách hành trì pháp môn Tịnh Độ như thế nào?

3. Cách hành trì pháp môn Tịnh độ như thế nào?
Phương pháp hành trì

Mỗi buổi sáng sớm, súc miệng rửa mặt sạch sẽ rồi đốt hương trầm, cung kính chắp tay hướng về phương Tây (nếu như trong nhà có thờ tượng Phật thì hướng về tượng Phật), đem hết tâm thành nghĩ tưởng đến việc vì báo đền bốn ơn nặng, cùng vì tất cả chúng sinh trong ba cõi pháp giới, cung kính đảnh lễ:

“Nam-mô Ta-bà Thế giới Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.” (ba lạy hoặc một lạy)
Nam-mô Thập Phương Tận Hư Không Giới Nhất Thiết Chư Phật. (một lạy)
Nam-mô Thập Phương Tận Hư Không Giới Nhất Thiết Tôn Pháp. (một lạy)
Nam-mô Thập Phương Tận Hư Không Giới Nhất Thiết Hiền Thánh Tăng. (một lạy)
Nam-mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật. (mười lạy hoặc bảy lạy)
Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát. (ba lạy hoặc một lạy)
Nam-mô Đại Thế Chí Bồ Tát. (ba lạy hoặc một lạy)
Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (ba lạy hoặc một lạy)

Bốn lời nguyện lớn của hàng Bồ Tát

Chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ khắp. (một lạy)
Phiền não vô tận, thệ nguyện dứt sạch. (một lạy)
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện tu học. (một lạy)
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành tựu. (một lạy)

Lễ bái như trên xong thì tụng kinh A-di-đà, hoặc tụng kinh, trì chú theo thông lệ bình thường mỗi ngày. Việc trì tụng không chú trọng nhiều hay ít, chỉ cần hết lòng chú tâm khi trì tụng. Trì tụng xong, niệm hồi hướng về việc vãng sinh Tịnh độ.

Nếu trong nghi thức trên có lược bớt đi phần nào thì ngay sau đó có thể chuyển sang một lòng niệm Phật.

Nghi thức niệm Phật, từ khởi đầu đến kết thúc

Mở đầu tụng bài Tán Phật:

A-di-đà Phật thân kim sắc,
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân.
Bạch hào uyển chuyển ngũ tu di,
Cám mục trừng thanh tứ đại hải.
Quang trung hóa Phật vô số ức,
Hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên.
Tứ thập bát nguyện độ chúng sinh,
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.

Tạm dịch:

Phật A-di-đà thân vàng chói sáng,
Tướng quang minh tốt đẹp chẳng ai bằng.
Mày trắng ẩn hiện Tu-di năm núi,
Mắt xanh trong lặng bốn biển mênh mông.
Giữa hào quang hóa hiện vô số Phật,
Cùng vô biên chúng Bồ Tát vây quanh.
Bốn mươi tám nguyện độ khắp chúng sinh,
Chín phẩm vãng sinh, cùng lên bờ giác.

Nam-mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A-di-đà Phật.

Sau đó tùy ý trì niệm hoặc hồng danh sáu chữ (Nam-mô A-di-đà Phật) hoặc hồng danh bốn chữ (A-di-đà Phật), hoặc mấy trăm biến, hoặc mấy ngàn biến, đều tùy sức mỗi người.

Niệm Phật xong thì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí. Tiếp theo tụng qua một lần bài hồi hướng, hồi hướng về việc vãng sinh Tây phương Cực Lạc.

Nếu thời khóa niệm Phật mỗi ngày lên đến nhiều ngàn biến, nhiều vạn biến, thì nên phân chia thành nhiều lần, mỗi lần trì niệm xong đều tụng bài hồi hướng.

Về bài hồi hướng, có bài đầy đủ tường tận, có bài giản lược ngắn gọn. Tường tận đầy đủ thì theo bài văn do Đại sư Vân Thê (tức Liên Trì đại sư) soạn, giản lược ngắn gọn thì theo bài văn do Sám chủ Từ Vân soạn. Hoặc giản lược hơn nữa thì dùng bài kệ 16 câu trong kinh (có ghi ở phần sau), mỗi người có thể tùy sức mà chọn lựa.

* Bài văn phát nguyện của Liên Trì đại sư:

Cúi lạy phương Tây cõi An Lạc
Tiếp dẫn chúng sanh Đại Đạo Sư,
Nay con phát nguyện, nguyện vãng sanh
Nhờ lượng từ bi thương nhiếp thọ!

Nay con khắp vì, bốn ân ba cõi, pháp giới chúng sanh, cầu đạo Bồ Đề, Nhất Thừa của Phật; chuyên tâm trì niệm, hồng danh muôn đức, Phật A Di Đà, nguyện sanh Tịnh Độ. Lại bởi chúng con, nghiệp nặng phước khinh, chướng sâu huệ cạn, nhiễm tâm dễ động, tịnh đức khó thành, nay đối Từ Tôn, kính gieo năm vóc, bày tỏ một lòng, chí thành sám hối. Con và chúng sanh, khoáng kiếp đến nay, mê bản tịnh tâm, buông tham sân si, nhiễm dơ ba nghiệp, vô lượng vô biên, tội cấu đã gây, vô lượng vô biên, nghiệp oan đã kết, nguyện đều tiêu diệt. Nguyện từ hôm nay, lập thệ nguyện sâu, xa lìa pháp ác, thề không còn tạo, siêng tu đạo thánh, thề chẳng biếng lui, thề thành chánh giác, thề độ chúng sanh. Xin đức Từ Tôn, dùng nguyện từ bi, chứng biết lòng con, thương xót đến con, gia bị cho con.

Nguyện khi thiền quán, hoặc lúc mộng mơ, được thấy thân vàng, A Di Đà Phật, được chơi cõi tịnh, của đấng Đạo Sư, được nhờ Từ Tôn, cam lộ rưới đầu, quang minh chiếu thể, tay xoa đảnh con, áo đắp thân con, khiến cho chúng con, chướng cũ tự trừ, căn lành thêm lớn, mau tiêu phiền não, chóng phá vô minh, viên giác tâm,mầu, sáng bừng mở rộng, tịch quang cảnh thật, thường được hiện tiền. Đến lúc lâm chung, biết ngày giờ trước, thân không tất cả, bịnh khổ ách nạn, tâm dứt tất cả, tham luyến mê hoặc, các căn vui đẹp, chánh niệm phân minh, xả báo an lành, như vào thiền định.

Phật A Di Đà, Quán Âm Thế Chí, cùng chư Hiền Thánh, ánh lành tiếp dẫn, tay báu dắt dìu, lầu các tràng phan, nhạc trời hương lạ, Tây Phương cảnh Phật, bày hiện rõ ràng. Khiến cho chúng sanh, kẻ thấy người nghe, mừng vui khen cảm, phát Bồ Đề tâm. Bấy giờ thân con, ngồi đài Kim Cang, bay theo sau Phật, khoảng khảy ngón tay, sanh vào sen báu, nơi ao Thất Bảo, ở cõi Tây Phương. Rồi khi hoa nở, thấy Phật Bồ Tát, nghe tiếng pháp mầu, chứng Vô Sanh Nhẫn, giây phút lại đi, thừa sự chư Phật, nhờ ân thọ ký. Được thọ ký xong, ba thân bốn trí, năm nhãn sáu thông, vô lượng trăm ngàn, môn Đà Ra Ni, tất cả công đức, thảy đều thành tựu. Từ đó về sau, không rời An Dưỡng, trở lại Ta Bà, phân thân vô số, khắp cả mười phương, dùng sức thần thông, tự tại khó nghĩ, và các phương tiện, độ thoát chúng sanh, đều khiến lìa nhiễm, chứng được tịnh tâm, đồng sanh Tây Phương, lên ngôi Bất Thối.

Nguyện lớn như vậy, thế giới không tận, chúng sanh không tận, nghiệp và phiền não, thảy đều không tận, đại nguyện của con, cũng không cùng tận.

Nay con lễ Phật, phát nguyện tu trì, xin đem công đức, hồi thí hữu tình, bốn ân khắp báo, ba cõi đều nhờ, pháp giới chúng sanh, đồng thành chủng trí.

* Bài văn phát nguyện của Từ Vân sám chủ:

Một lòng quy mạng, thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà. Xin đem ánh tịnh, soi chiếu thân con, dùng nguyện từ bi, mà nhiếp thọ con. Nay con chánh niệm, xưng hiệu Như Lai, vì đạo Bồ Đề, cầu sanh Tịnh Độ. Xưa Phật lập thệ: ‘Nếu chúng sanh nào, muốn về nước ta, hết lòng tin ưa, xưng danh hiệu ta, cho đến mười niệm, như không được sanh, ta không thành Phật.’ Nay con nguyện nương, nhân duyên niệm Phật, được vào biển thệ, của đức Như Lai, nhờ sức Thế Tôn, tiêu trừ các tội, thêm lớn căn lành. Con nguyện lâm chung, biết ngày giờ trước, thân không bịnh khổ, tâm không tham luyến, ý không điên đảo, như vào thiền định. Phật cùng Thánh chúng, tay bưng đài vàng, đến tiếp dẫn con. Trong khoảng sát na, con về Cực Lạc, hoa nở thấy Phật, được nghe Phật Thừa, tỏ thông Phật huệ, độ khắp chúng sanh, mãn Bồ Đề nguyện.

Xin đem công đức trì tụng này
Hồi hướng bốn ân và ba cõi
Nguyện khắp pháp giới các chúng sanh
Đều sanh Cực Lạc thành Phật đạo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Nam Mô A Di Đà Phật – Xin thường niệm !
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tam Bảo!

Pháp môn trì tụng mười niệm

Mỗi buổi sáng sớm, súc miệng rửa mặt sạch sẽ rồi đốt hương trầm. Nếu trong điều kiện không có hương hoa thì nên hướng tâm quán tưởng vô số hương hoa, đều dâng lên cúng dường Tam bảo. Sau đó chắp tay cung kính hướng về phương tây, chí tâm đảnh lễ:

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (một lạy)
Nam-mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật. (ba lạy)
Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát. (một lạy)
Nam-mô Đại Thế Chí Bồ Tát. (một lạy)
Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (một lạy)

Vẫn chắp tay quay mặt về phương Tây, chí tâm niệm thánh hiệu sáu chữ: Nam-mô A-di-đà Phật. Thong thả niệm liên tục cho đến lúc phải dừng lại lấy hơi thì tính là một niệm. Cứ như thế, niệm được mười hơi là mười niệm, mỗi người tùy theo hơi thở dài ngắn mà niệm, không hạn định số Phật hiệu trong mỗi hơi.

Khi niệm phải lưu ý âm thanh không quá cao, không quá thấp, không quá nhanh, không quá chậm, luôn giữ ở mức vừa phải, mười hơi liên tục như thế có thể khiến cho tâm không còn tán loạn. Lấy sự tinh cần chuyên niệm như thế làm công phu, bởi phương pháp trì tụng mười niệm này chính là dựa vào hơi thở để kiểm soát tâm ý.

Sau khi hoàn tất một thời khóa mười niệm thì tụng đọc bài kệ hồi hướng gồm 4 đoạn, 16 câu như sau đây:

Ngã kim xưng niệm A-di-đà,
Chân thật công đức Phật danh hiệu.
Duy nguyện từ bi ai nhiếp thụ,
Chứng tri sám hối cập sở nguyện.
Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thủy tham sân si,
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết ngã kim giai sám hối.
Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời,
Tận trừ nhất thiết chư chướng ngại.
Diện kiến ngã Phật A-di-đà,
Tức đắc vãng sinh An Lạc sát.
Ngã kí vãng sinh bỉ quốc dĩ,
Hiện tiền thành tựu thử đại nguyện.
Phổ nguyện trầm nịch chư chúng sinh,
Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát.

Tạm dịch

Nay con niệm Phật A-di-đà,
Là thánh hiệu công đức chân thật,
Nguyện Phật từ bi thương tiếp nhận,
Chứng minh con sám hối, phát nguyện.
Xưa nay con từng tạo nghiệp ác,
Đều do muôn kiếp tham, sân, si…
Phát sinh ra thân, miệng và ý,
Hết thảy nay con xin sám hối.
Nguyện cho khi con sắp qua đời,
Bao nhiêu chướng ngại đều dứt hết.
Mắt nhìn thấy Phật A-di-đà,
Liền được vãng sinh về Cực Lạc.
Khi vãng sinh về cõi Phật rồi,
Liền được thành tựu nguyện lớn này.
Hết thảy chúng sinh đang khổ não,
Nguyện sớm được về nơi Cực Lạc.

Pháp môn báo ơn

Người tu Tịnh độ, tĩnh tâm quán xét trong suốt một đời mình thì người mình chịu ơn sâu nặng nhất không ai hơn cha mẹ. Từ lúc mang thai ta suốt mười tháng ròng, cho đến ba năm chăm sóc bú mớm, rồi nuôi nấng dạy dỗ cho đến lớn khôn… Ân đức lớn lao ấy, làm sao có thể báo đáp cho hết được?

Lại suy xét rằng, ta từ vô số kiếp đến nay, đã trải qua vô số lần sinh ra. Như vậy thì những ân đức của cha mẹ trong mỗi đời mà ta chưa báo đáp hết cũng là không thể kể hết.

Những bậc cha mẹ của ta trong vô số đời trước như thế, ngày nay ắt không khỏi có những người đang ở trong địa ngục, chịu hình phạt thiêu đốt, nung nấu, cắt xẻ thân thể. Lại cũng không khỏi có những người đang ở trong cảnh giới ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát bị lửa thiêu thân. Lại cũng không khỏi có những người đang ở trong cảnh giới súc sinh, chịu cảnh khổ phải chở nặng, kéo cày… Nếu chúng ta không tin có những điều này, thì chẳng khác nào gà mẹ đã bị giết mà gà con vẫn không tin điều đó. Nếu chúng ta không nghĩ cách cứu độ cho cha mẹ đời trước như thế, thì chẳng khác nào gà con đứng nhìn mẹ bị giết mà không biết làm gì để cứu.

Nói đến đây ắt không khỏi phải rơi lệ bi thương, gieo mình xuống đất, xin phát tâm Bồ-đề thay cho cha mẹ đời này cũng như nhiều đời trước, cùng hết thảy các bậc sư trưởng, quyến thuộc mà ta đã thọ ân, chí tâm xưng niệm thánh hiệu A-di-đà tùy duyên cảnh, không kể số lần nhiều ít. Trong mỗi một niệm như thế, trước là nguyện giải trừ tám mươi ức kiếp tội nặng trong sinh tử cho những người mà ta hướng đến, sau là nguyện khi bản thân ta được vãng sinh Tịnh độ rồi, sẽ quay trở lại cõi Ta-bà này mà nỗ lực hết sức độ thoát cho họ.

Nếu như có những người ruột thịt chí thân vừa mới qua đời, cũng hướng tâm hồi hướng cho họ được vãng sinh Tịnh độ.

Pháp môn trợ duyên

Người tu Tịnh độ, mỗi buổi sáng sớm nên quán tưởng trong khắp cõi Diêm-phù-đề này, lại suy đến trong cả đại thiên thế giới, số lượng trâu, dê, lợn, chó, cho đến các loài cầm thú, cá, rùa… bị mang ra giết hại thật không thể tính đếm nổi. Những con vật bị giết hại ấy, nếu gom thân xác lại ắt chất chồng hơn cả núi cao, máu huyết ắt nhuộm đỏ cả dòng sông đang chảy…

Hết thảy những loài vật ấy, chỉ do đời trước tạo nhiều nghiệp ác, không hề biết đến Tây phương Cực Lạc, nên phải chịu nỗi khổ trong chốn luân hồi. Ta nên thay chúng phát tâm Bồ-đề, chí tâm xưng niệm thánh hiệu A-di-đà tùy duyên cảnh, không kể số lần nhiều ít. Trong mỗi một niệm như thế, trước là nguyện giải trừ tám mươi ức kiếp tội nặng trong sinh tử cho chúng, sau là nguyện khi bản thân ta được vãng sinh Tịnh độ rồi, sẽ quay trở lại cõi Ta-bà này mà nỗ lực hết sức độ thoát chúng.

Tiếp theo quán tưởng trong khắp cõi Diêm-phù-đề này, lại suy đến trong cả đại thiên thế giới, hết thảy loài ngạ quỷ đều đang chịu sự đói khát bức bách, cổ họng bốc lửa, xương cốt cử động khua vang thành tiếng, phải chịu đựng sự khổ não khôn lường.

Lại quán tưởng trong tất cả các địa ngục nóng, địa ngục lạnh, địa ngục lớn, địa ngục nhỏ, vô số chúng sinh đang chịu sự trừng phạt chặt, chém, thiêu đốt, xay giã… trong mỗi một ngày đêm phải chết đi sống lại đến hàng vạn lần, chịu đựng sự khổ não khôn lường.

Tất cả những chúng sinh ấy, chỉ vì đời trước rộng làm các nghiệp ác, không tin có Tây phương Cực Lạc, nên phải chịu khổ não trong chốn luân hồi. Ta nên thay họ phát tâm Bồ-đề, chí tâm xưng niệm thánh hiệu A-di-đà tùy duyên cảnh, không kể số lần nhiều ít. Trong mỗi một niệm như thế, trước là nguyện giải trừ tám mươi ức kiếp tội nặng trong sinh tử cho họ, sau là nguyện khi bản thân ta đã được vãng sinh Tịnh độ rồi, sẽ quay trở lại cõi Ta-bà này mà nỗ lực hết sức để độ thoát họ.

Lại nữa, người tu Tịnh độ trong mỗi một ngày, tùy theo khả năng, hoàn cảnh, nếu có làm được bất kỳ việc thiện nào, chẳng hạn như bố thí cho người nghèo, cúng dường trai tăng, tạo vẽ hình tượng Phật, hay mua vật mạng phóng sinh… dù được đôi chút phước đức nhỏ nhoi cũng đều thay cho tất cả chúng sinh đang chịu khổ não trong mười phương mà hồi hướng, cầu cho tất cả đều được sinh về thế giới Cực Lạc.

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Nghi thức tụng Kinh Niệm Phật Ba La Mật tại nhà đúng pháp

Định Tuệ

Bài văn phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc

Định Tuệ

Nghi thức tụng Kinh Kim Cang tại nhà đúng pháp

Định Tuệ

Những bài sám nguyện PDF

Định Tuệ

Sám hối nghiệp dâm dục

Định Tuệ

Cúng thí thực cô hồn: Một việc không nên quên vào dịp cuối năm

Định Tuệ

Nghi thức trì tụng Chú Lăng Nghiêm tại nhà đúng Pháp

Định Tuệ

Nghi thức tụng Kinh Trường Thọ Diệt Tội tại nhà đúng pháp

Định Tuệ

Nghi thức cầu siêu cho người thân đã mất

Định Tuệ

Viết Bình Luận