Đại Bi Sám Pháp là một trong các nghi sám hối nổi tiếng được sử dụng rộng rãi trong giới xuất gia và tại gia xưa kia cũng như hiện nay.
Thế nào gọi là Đại Bi? Vì muốn phát khởi hết thảy các Bồ-tát làm an lạc, giải thoát rốt ráo cho tất cả chúng sanh.
Trong Kinh có nói “Bồ-tát chỉ từ đại bi sanh chớ không phải từ pháp thiện nào khác sanh” Đây là nói rõ địa vị từ bi trong Bồ-tát đạo. Từ bi lấy nhổ gốc khổ cho niềm vui làm tướng trạng. Nhìn thấy chúng sanh bị khổ não, Bồ-tát liền nghĩ muốn cứu họ, mong cho họ được an lạc. Có được cái tâm đồng cảm, thương xót này thì gọi là tâm bi.
Nhưng sự rộng lớn của tâm đại bi là ở chỗ muốn cho cả thảy chúng sanh được an lạc trọn vẹn. Mục đích của Phật giáo lưu truyền trong nhân gian cái chính là khuyến khiến cho hết thảy chúng sanh chuyển phàm thành thánh. Còn sự từ bi thông thường thì chỉ dừng lại ở chỗ giải trừ sự khó khăn trong đời sống của con người.
Ví như có đau bệnh thì lập bệnh viện; không có tiền đi học thì xây trường học v.v… Nhưng việc này chưa được coi là tâm đại bi, vì những việc này hiệu quả không đáng cậy.
Bệnh có trị khỏi rồi vài ngày sau cũng sẽ bệnh lại. Việc học hành xem ra cũng là tốt, nhưng sau này ra xã hội làm việc, người được học cũng chưa hẵn là có đạo Đức và vấn đề của nhân sinh vẫn chưa thể giải quyết. Những việc này tuy là thiện nhưng trong cái thiện đó vẫn còn ẩn chứa thành phần bất thiện.
Nếu như có thêm nhận thức Phật pháp thì khi giáo hóa chúng sanh, chúng ta cũng có thể sử dụng tiền tài của thế gian để cứu giúp nỗi khó khăn trước mắt của họ; nhưng mục đích chính là phải làm sao cho họ đạt đến vô thượng bồ-đề.
Cho nên tâm đại bi là dùng mọi hình thức, phương tiện khéo léo để cứu giúp bảo vệ chúng sanh, khiến cho họ được vô thượng bồ-đề (thành Phật) hay nói cách khác là khiến cho họ nhập vô dư niết-bàn, mong mỏi họ đạt được công Đức thanh tịnh vô lậu của xuất thế gian, được vậy mới gọi là đại bi.
Trong các Kinh Luận đại thừa như Kinh A Hàm, hoặc là Kinh Bát-nhã, Kinh Phương Đẳng, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Niết-bàn… Đức Phật giáo hóa chúng sanh như thế nào? Đức Phật chủ yếu là dùng trí tuệ để giáo hóa chúng sanh, khiến cho chúng sanh tăng trưởng đại trí tuệ, là thứ căn bản để giải quyết mọi vấn đề.
Tuy Đức Phật cũng có tán thán bố thí ba-la-mật, có tiền của thì nên cứu giúp những chúng sanh bần khổ, nhưng mục đích chính là Đức Phật muốn dạy chúng ta phát đại trí tuệ, thấy rõ sự thật về cuộc đời, được đại giải thoát, vấn đề chính yếu là như vậy. Nếu không thì vấn đề giải thoát sanh tử coi như vẫn còn đó và tâm từ bi như thế là không rốt ráo, đâu có thể gọi là đại bi.
Do bốn duyên nên gọi là đại bi:
1. Duyên nơi cái khổ nhỏ nhít sâu xa của hữu tình chúng sanh làm đối tượng mà khởi đại bi.
2. Tu tập tích chứa trong thời gian lâu dài: nghĩa là các vị Bồ-tát đã tích tập công Đức từ vô lượng đại kiếp mà thành.
3. Duyên nơi tác ý cầu cứu mãnh liệt, nhanh nhẹn của chúng sanh mà phát khởi: nghĩa là các vị Bồ-tát do đây mà khởi lòng thương xót đối tượng cầu cứu. Để dứt trừ nhân duyên các khổ cho chúng hữu tình còn có thể xả bỏ trăm ngàn thân mạng hà huống gì chỉ một thân mạng và số của cải này sao? ở trong tất cả sự trừng phạt chịu đại khổ, vì các chúng sanh nên Bồ-tát thảy đều kham nhẫn.
4. Cực thanh tịnh: nghĩa là các vị Bồ-tát đã đạt đến địa vị Bồ-tát rốt ráo thanh tịnh, cũng giống như các Đức Phật đã đạt đến Phật địa Như Lai thanh tịnh vậy.
“Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm Bồ-tát” có nói đến nguyên nhân vì sao mà Ngài có tên là Quán Thế Âm Bồ-tát “Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát này, một lòng xưng niệm danh hiệu thì tức thời Quán Thế Âm Bồ-tát quán sát tiếng kêu cứu của họ mà cứu thoát.” vì thế nên gọi là Quán Thế Âm Bồ-tát. Đây là do y nơi lòng từ bi cứu độ chúng sanh rộng lớn của Bồ-tát mà lập tên. Chữ quán của Quán Thế Âm là quán sát. Hạng phàm phu nghe âm thanh bằng đôi tai, còn Đức Quán Thế Âm Bồ-tát có thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông nên nghe được tiếng kêu cầu Bồ-tát cứu khổ cứu nạn của chúng sanh ở thế gian khổ não này, nghĩa là khi cất tiếng xưng niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ-tát cầu xin cứu khổ cứu nạn, ngay nơi đó ngài liền dùng đại trí tuệ để quán sát tiếng kêu cứu đó, rồi sau đó mới dùng từ bi cứu độ họ. Cho nên chúng ta trước hết phải nên niệm “Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát” rồi sau đó mới hướng về Ngài trình bày nỗi khốn khổ. ” Tỳ-kheo Thích Minh Kiết”!
Mời quý bạn đọc tụng Nghi thức trì tụng Kinh Đại Bi Sám Pháp tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”3353″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]