Bát công đức thủy hay nước tám công đức có nghĩa là thứ nước chứa đầy đủ tám yếu tố, phẩm hạnh tốt đẹp: Trừng tịnh, thanh lãnh, cam mỹ…
Trong nghi thức sái tịnh của nghi lễ Phật giáo Bắc tông, thường xuất hiện cụm từ “bát công đức thuỷ”. Vậy Bát công đức thuỷ mang ý nghĩa nội hàm như thế nào? Xin được giới thiệu ý nghĩa của cụm từ này với toàn thể đại chúng.
Trong kinh “Xưng tán tịnh độ Phật nhiếp thọ kinh”, Đức Thế Tôn giới thiệu về cảnh giới Cực Lạc có đoạn như sau: “Hựu Xá Lợi tử, Cực Lạc thế giới tịnh Phật độ trung, xứ xứ giai hữu thất diệu bảo trì, bát công đức thủy, di mãn kỳ trung. Hà đẳng danh vi bát công đức thủy: nhất giả trừng tịnh, nhị giả thanh lãnh, tam giả cam mỹ, tứ giả khinh nhuyễn, ngũ giả nhuận trạch, lục giả an hòa, thất giả ẩm thời trừ cơ khát đẳng vô lượng quá hoạn, bát giả ẩm dĩ định năng trường dưỡng chư căn tứ đại, tăng ích chủng chủng thù thắng thiện căn. Đa phước chúng sanh thường lạc thọ dụng”.
Dịch nghĩa: “Lại này nữa, tôn giả Xá Lợi. Cực lạc thế giới ở trong cõi Phật thanh tịnh là thế giới Cực Lạc. Khắp nơi đều có hồ bằng bảy chất liệu quý báu; trong hồ tràn đầy thứ nước với tám phẩm chất tốt đẹp. Vì sao có tên là “thứ nước với tám phẩm chất tốt đẹp”? Một là trong sạch, hai là tinh khiết, ba là ngon ngọt, bốn là mềm nhẹ, năm là tươi nhuận, sáu là an hoà, bảy là uống vào trừ được đói khát và mọi bệnh khổ, tám là uống vào, nhất định tăng trưởng các căn tứ đại và làm lớn mạnh, thù thắng chủng chủng thiện căn. Những chúng sanh nào có phước đức lớn lao thường vui vẻ sử dụng nước ấy”.
Như vậy “Bát công đức thuỷ” có nghĩa là thứ nước chứa đầy đủ tám yếu tố, phẩm hạnh tốt đẹp. Tám phẩm chất tốt đẹp ấy bao gồm:
- Trừng tịnh: trong sạch hoàn toàn.
- Thanh lãnh: tinh khiết, mát mẻ.
- Cam mỹ: đặc tính ngon ngọt.
- Khinh nhuyễn: ôn hoà, nhẹ nhàng.
- Nhuận trạch: tươi nhuận tròn đầy.
- An hòa: êm thuận, an ổn.
- Ẩm thời trừ cơ khát đẳng vô lượng quá hoạn: uống vào, trừ được đói khát và mọi bệnh khổ.
- Ẩm dĩ định năng trường dưỡng chư căn tứ đại, tăng ích chủng chủng thù thắng thiện căn: uống vào, nhất định tăng trưởng các căn tứ đại và làm lớn mạnh, thù thắng chủng chủng thiện căn.
Vì thứ nước này có tám tính chất, tám mùi vị giúp người uống đạt được sự an ổn tuyệt diệu, nhẹ nhàng, trong sạch về thể xác cũng như tinh thần; nên còn được gọi bằng tên “Bát vị thuỷ”.
Trong kinh Di Đà, đức Phật Thích Ca khi giới thiệu về cảnh quan thế giới Cực Lạc có đoạn: “Hựu Xá Lợi Phất, Cực Lạc quốc độ, hữu thất bảo trì, bát công đức thuỷ, sung mãn kỳ trung”. Dịch nghĩa “Lại nữa, này tôn giả Xá Lợi Phất, ở đất nước Cực Lạc, có ao làm bằng bảy thứ quý báu; nước có tám thứ phẩm chất tốt đẹp tràn đầy ở bên trong”. Do đó, “Bát công đức thuỷ” còn được biết đến với tên gọi: “Bát trì thuỷ” – nước ao có tám đặc tính quý báu. Và hồ có thứ nước với tám phẩm chất tốt đẹp đó được gọi với tên là “Bát công đức trì”, “Thất diệu bảo trì”.
Với tám đặc tính vi diệu đó, nước bát công đức tương đồng với giọt cam lộ trên cành dương chi của đức Quán Thế Âm. Thứ nước này không chỉ có khả năng trừ diệt cấu uế, dơ bẩn của thế gian; mà còn có khả năng diệt sạch não phiền và cứu độ mọi hiểm nguy của chúng hữu tình.
Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng lưu ý. “Bát công đức thuỷ” không phải là “nước thánh”, “nước phép” của các bậc quyền năng, các đấng mặc khải ban cho loài người. Muốn có được tám đặc tính cao quý của thứ nước ấy phải nhờ vào năng lực tu tập, năng lực chú nguyện của vị Pháp Sư và toàn thể đại chúng. Chỉ có nhờ nhất tâm bất loạn, an trụ vào “Tánh không” mà gia trì thì mới biến nước trần gian thành thứ “Cam lồ tịnh thuỷ” mà thôi. Vì thế trong kinh có đoạn:
“Dương chi tịnh thuỷ
Biến sái tam thiên
Tánh không bát đức lợi nhân thiên
Pháp giới quảng tăng diên
Diệt tội tiêu khiên
Hoả diệm hoá hồng liên”!
Kính dâng đức Quan Âm đại sĩ – vị toàn năng luôn cứu giúp mọi bệnh khổ, hoạn nạn của chúng sanh nhân ngày vía khánh đản của ngài!
Tác giả: Tuệ Quý!