Chư Phật Như Lai vì pháp giới chúng sanh mà nói ra vô lượng Kinh luận, nhưng quy nạp chung lại cũng chính là hai chữ “trung hiếu” này.
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Hai chữ “trung hiếu” ở trong Cảm Ứng Thiên, chúng tôi đã giảng không ít lần. Trong Vựng Biên, chú giải cũng đã dùng số trang rất lớn để dẫn chứng đối với hai chữ này. Đây là có đạo lý. Hai chữ này mọi người đều biết đọc, mọi người đều biết nói, nhưng hàm nghĩa đích thực của nó, người nhận thức được hoàn toàn không nhiều. Nếu như thật sự minh bạch rồi thì họ nhất định có thể làm được. Họ không làm được chính là do không nhận thức được hai chữ này, hoặc giả là nhận thức chưa đủ thấu triệt. Đây là sự thật. Điều mà cổ nhân và nhất là Phật pháp nói là “biết thì khó, làm thì dễ”. Hành trung hành hiếu, tận trung tận hiếu thì không khó, nhưng đối với ý nghĩa của hai chữ “trung hiếu” này mà thông đạt, sáng tỏ triệt để thì quả thật là quá khó.
Ở phần trước tôi đã báo cáo với quí vị rồi, chư Phật Như Lai vì pháp giới chúng sanh mà nói ra vô lượng Kinh luận, nhưng quy nạp chung lại cũng chính là hai chữ “trung hiếu” này. Qua đó có thể thấy, hàm nghĩa của hai chữ này thật sự có thể nói là tận hư không, khắp pháp giới, không thể nào nói hết được. Thế Tôn thuyết pháp 49 năm, cũng chẳng qua là vì chúng ta nêu ra cương lĩnh này mà thôi. Chúng ta cần phải từ trong cương lĩnh này mà thể hội, mà nhận thức, lĩnh hội thêm, sau đó chắc chắn có thể y giáo phụng hành.
Chữ “hiếu”này, nhà Phật gọi là toàn thể của tâm tánh, trong Kinh Bát Nhã nói là ký hiệu của thực tướng các pháp. Từ chữ này, chúng ta có thể thể hội được ý nghĩa mà nó biểu thị: tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới với mình là một thể. Ai có thể nhận thức được điều này? Ở trong Kinh Phật nói là Pháp Thân Đại Sĩ. Tại sao họ có thể nhận biết vậy? Bởi vì họ chứng được pháp thân. Sao gọi là chứng được pháp thân? Khẳng định tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là chính mình, sự khẳng định này mới gọi là chứng được pháp thân. Ý nghĩa này, chúng tôi ở phần trước đã báo cáo qua với quí vị rồi. Giữa chúng ta với tất cả chúng sanh có biết bao nhiêu mâu thuẫn, có biết bao sự hiểu lầm, có bao nhiêu là xung đột, tất cả đều là do chưa hiểu rõ chân tướng sự thật. Nếu hiểu rõ chân tướng sự thật thì không có những sự việc này. Những sự việc này xảy ra là giống như một người bị bệnh vậy. Bị bệnh là gì? Nhà Phật nói “tứ đại không điều hòa” thì người này bị bệnh. Chúng ta với tất cả chúng sanh không thể điều hòa thì pháp thân bị bệnh, có thể điều hòa với tất cả chúng sanh thì pháp thân khỏe mạnh. Thứ làm chướng ngại pháp thân điều hòa là gì vậy? Phật ở trong Kinh nói rất rõ ràng, rất minh bạch, đó là kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não, những thứ mà chúng tôi ở trong các buổi giảng gọi là “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Bạn có những thứ này, cho nên tứ đại không điều hòa, pháp thân bất hòa, vì vậy khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đã trái ngược pháp tánh. Pháp tánh chính là tự tánh. Tự tánh chính là chân tâm, người thế gian chúng ta gọi là lương tâm. Chúng ta làm trái với lương thiện chân thuần rồi. Làm trái thì liền tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Tạo tội nghiệp thì liền chiêu cảm khổ báo luân hồi. Quả báo làm sao hiện tiền vậy? Phật nói rất hay: “Duy thức sở biến”, “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, cho nên bạn tư duy thiện thì quả báo sẽ thiện, hoàn cảnh đời sống của chúng ta sẽ trở nên thiện; bạn có tư tưởng ác thì hoàn cảnh đời sống của bạn sẽ trở thành ác. Hoàn cảnh thuận nghịch, thiện ác mà chúng ta ở đều là do chính mình làm chủ tể, không liên can gì đến người khác, tự mình phải chịu trách nhiệm; không những chịu trách nhiệm với chính mình mà còn phải chịu trách nhiệm với tất cả chúng sanh. Người thế gian đọc sách rõ lý thì hiểu được, người tu hành học Phật cũng hiểu được. Thế nhưng ngày nay người đọc sách không hiểu, mà người tu hành cũng không biết, nguyên nhân này ở chỗ nào vậy? Người đọc sách thì không đọc sách Thánh Hiền, người tu hành thì không hiểu lời giáo huấn của Phật Bồ-tát. Tùy thuận theo tập khí phiền não của mình thì đâu có đạo lý nào mà không tạo nghiệp?
Phần trước chúng tôi đã giảng qua “hiếu thuận” với quí vị rồi. Chúng ta phải “thuận” như thế nào vậy? Cổ đức nói rất hay: “Phải thuận pháp tánh, không phải thuận theo nhân tình (tình cảm); phải tùy thuận trí huệ, không tùy thuận phiền não”. Khổng Lão Phu Tử đặc biệt nêu ra vua Thuấn để làm tấm gương cho chúng ta. Trong mắt của vua Thuấn không có gì khác với Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm, nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Người biết hiếu, nhận thức hiếu “đều là chư Phật Như Lai”, một chút cũng không giả. Tại sao đều là chư Phật Như Lai vậy? “Duy tâm sở hiện”; tâm là Như Lai, cái mà Như Lai hiện thì đâu có đạo lý nào không phải Như Lai? Cổ nhân có ví dụ rất hay: “Dùng vàng làm trang sức thì mọi trang sức đều là vàng”. Vậy chúng ta mới hiểu ra, hư không pháp giới y chánh trang nghiêm toàn là tự tánh, toàn là chư Phật Như Lai, chỉ có mỗi mình ta là phàm phu. Nói hơi thô một chút, tất cả mọi người ở thế gian đều là người tốt, chỉ có mỗi mình ta là người không tốt. Vua Thuấn thường xuyên phản tỉnh, hằng ngày sửa lỗi, Thiện Tài Đồng Tử cũng như thế, cho nên các Ngài có thể ở ngay trong một đời thành đại Thánh đại Hiền. Trong một đời viên thành vô thượng Bồ-đề, không có gì khác, chính là một chữ “nhận biết” như vậy mà thôi; hằng ngày phản tỉnh, hằng ngày sửa lỗi, học trung, noi theo trung, tận trung.
Trung chính là trung đạo đệ nhất nghĩa. Bát chánh đạo, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp. Ý nghĩa của chữ “chánh” đó chính là “trung”. Trung là chánh, còn lệch là tà, là bất chánh rồi. Chúng ta dụng tâm thì phải dùng trung, nhà Nho dạy người “thành ý, chánh tâm”. Thành ý là hiếu, chánh tâm là trung. Cho nên, chỉ sau khi con người có thành ý rồi thì họ mới biết dùng trung. Trung tâm dạy học của Nho và Phật là ở chỗ này. Thế nhưng chướng ngại lớn nhất hiện nay của chúng ta là gì? Phân biệt, chấp trước không buông xả, tập khí phiền não quá nặng. Mấu chốt vẫn là điều mà chúng tôi thường nói là bạn không ham học, cho nên bạn không có năng lực khắc phục phiền não, không có năng lực khắc phục tập khí của bạn. Nếu bạn thật sự ham học thì bạn nhất định có thể khắc phục được tập khí phiền não của mình. Người khác mắng ta, họ không có đạo lý (vô lý), ta có lý. Người khác mắng ta thì ta phải làm thế nào? Ta chắp tay, “A Di Đà Phật”, rất cung kính lắng nghe họ dạy bảo. Chúng ta có tâm nhẫn nại lắng nghe, thử xem họ có thể mắng ta được mấy giờ? Họ có thể mắng ta được hai giờ, hai mươi giờ hay hai trăm giờ hay không? Họ có thể mắng bao lâu thì ta cứ ở đó cung kính nghe, chẳng sao cả! Bị mắng nhưng không mắng lại. Sau khi họ mắng bạn rồi, qua mấy ngày họ sẽ xin bạn thứ lỗi, vậy là điều hòa rồi, vấn đề được giải quyết rồi. Họ muốn đánh bạn thì hãy mau nằm xuống để họ đánh. Tôi nói với bạn, tôi chính là loại người này. Trước đây khi tôi còn trẻ, vào lúc đó chưa học Phật, người ta mắng tôi, tôi rất cung kính, đứng nghiêm túc ở nơi đó để nghe họ chỉ dạy. Họ mắng được nửa giờ thì xong rồi, có muốn mắng nữa họ cũng không thể mắng được. Trong đoàn thể của tôi, thành tích sát hạch của tôi đứng đầu, phẩm đức đứng đầu. Vì sao tôi được như vậy? Chính những người mắng tôi đã đem tôi nâng lên. Nếu họ không mắng chửi tôi thì cấp trên của chúng tôi đâu biết tôi có tu dưỡng tốt như vậy, cho nên tôi mới được đứng đầu. Thành tích đứng đầu đó của tôi là do họ giúp tôi mà có, cho nên tôi cảm tạ họ, cảm ơn họ. Đây là sự thật. Ba ngày sau thì họ đến sám hối, xin lỗi tôi. Khi bị mắng thì bạn không nên mắng lại, vì vừa mắng lại thì cả hai người đều bị khai trừ, đều không cần hai người nữa. Cho nên, người ta đánh tôi thì tôi để họ đánh. Đánh được mấy cái thì họ sẽ không thể đánh được nữa. Cần phải hai người đánh nhau thì mới đánh tiếp được. Nếu một người đánh, người bị đánh không đánh lại thì người kia không thể đánh tiếp được, vì bên cạnh còn có rất nhiều người nhìn thấy.
Làm người thì phải ham học, phải nghe lời Thánh Hiền, ở trong 53 tham có “trải sự để luyện tâm”. Nếu bạn không trải qua những sự việc này thì làm sao bạn có thể gọt giũa tập khí của bạn, làm sao có thể hàng phục phiền não? Đây là bạn biết dùng trung. Ở trong đoạn này, nội dung vô cùng phong phú và sự giới thiệu của chúng tôi cũng chỉ đến đây thôi. Nội dung bên trong còn nêu ra tiểu bất hiếu và đại bất hiếu. Đây là nguyên nhân gì? Nguyên nhân vô cùng nhiều, vô cùng phức tạp. Những điểm mà chỗ này nêu ra cũng đáng để chúng ta làm tham khảo. Sách Vựng Biên nói, tiểu bất hiếu là do thói quen không tốt tạo nên.
Thứ nhất là từ nhỏ được cha mẹ nuông chiều, hình thành nên cá tính phản nghịch. Việc này không thể nói là không có đạo lý. Cha mẹ nuông chiều, muốn gì được nấy, thứ gì cũng làm thỏa mãn ý của nó, tương lai có một ngày khi không thể thỏa mãn thì phiền phức liền đến ngay. Cho nên, con cái phải được dạy dỗ từ nhỏ, từ nhỏ phải biết nuôi dạy ra làm sao. Thế gian “việc bất như ý thì thường đến tám chín phần mười”, phải để chúng có chỗ thể hội, dứt khoát không để chúng kiêu ngạo, phóng túng. Điều hợp lý thì phải cho chúng, điều không hợp lý thì nhất định phải hạn chế chúng. Hiện nay người làm cha mẹ biết được đạo lý này không nhiều.
Thứ hai là thói quen. Cổ nhân thường nói: “Tập thành từ nhỏ giống như bản tánh, tập quen thành tự nhiên”. Từ nhỏ phải hình thành thói quen tốt cho chúng, khi chúng còn nhỏ thì hình thành dễ dàng. Nếu chúng đã nhiễm phải thói quen xấu, muốn chúng sửa trở lại thì quả là một việc quá khó. Đây là chỗ lơ là trong giáo dục của chúng ta đối với trẻ thơ, không chú ý hình thành một thói quen tốt từ nhỏ. Tiểu học của nhà Nho biết được đạo lý này. Trong Phật pháp, người mới xuất gia phải học giới trong năm năm, đây cũng là bồi dưỡng thói quen tốt. Nhưng hiện nay những việc này đều không còn, trong nhà Nho, nhà Phật đều không thấy nữa. Tập khí, tật xấu của chúng ta hằng ngày đang tăng trưởng, cho nên niệm Phật, tham thiền, học giáo đều không hiệu quả. Lên bục biết giảng Kinh, nhưng xuống bục thì vẫn phạm lỗi như cũ. Nguyên nhân gì vậy? Tập quen thành tự nhiên. Những tập khí này không dễ dàng khắc phục.
Thứ ba là túng dục (phóng túng dục vọng). Dục vọng thì không có cùng tận, không thể “biết đủ thường vui”. Điều thứ ba này cũng có thể nói là không biết đủ.
Thứ tư là quên ân, nhớ oán. Những người này làm sao có thể tận hiếu, làm sao có thể hành hiếu?
Tiểu bất hiếu có bốn nguyên nhân trên. Bốn nhân tố này khiến cả đời chúng ta sống trong tội ác nghiêm trọng. Trong Kinh Địa Tạng nói: “Chúng sanh cõi Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội lỗi”, hay nói cách khác, đời sống của chúng ta là sống ở trong tội báo.
Trong xã hội hiện nay, đi đến bất kỳ chỗ nào lòng người cũng đều lo sợ, trong tâm lý của mọi người đều có linh cảm giống như ngày tận thế sắp đến rồi. Ngày tận thế phải trải qua như thế nào? Nhà tôn giáo dạy người phải tin Thượng Đế, phải sám hối, phải sửa lỗi. Lời của họ nói không sai, nhưng hàm nghĩa rất mơ hồ, không rõ ràng, cho nên vẫn không dễ dàng đạt được hiệu quả. Tin Thượng Đế, vậy Thượng Đế là gì và cách tin như thế nào? Ở phần trước chúng tôi đã giảng qua, đó là thiên tâm chánh trực, vô tư. Từ đó cho thấy, chánh trực, vô tư chính là tin Thượng Đế. Chúng ta còn có một mảy may tự tư tự lợi thì đó là không tin Thượng Đế. Bạn không sửa lỗi, bạn không sám hối thì khi tai nạn đến, bạn vẫn không thể sống sót được. Cho nên chúng ta có thể nhận thức trung, nhận thức hiếu, có thể học trung, học hiếu, tận trung, tận hiếu thì thế gian này sẽ không có tai nạn, tai nạn liền có thể tiêu trừ, chúng ta thường nói: “Gặp hung hóa cát, gặp nạn hóa ra lành”. Người nào có thể làm được vậy? Hiếu tử có thể làm được, trung thần có thể làm được. Những câu chuyện này, trong lịch sử có rất nhiều. Tại sao trung thần, hiếu tử có thể làm được vậy? Tâm của trung thần, hiếu tử là tâm thuần thiện. Thuần là tâm yêu thương tất cả chúng sanh, thuần là tâm lợi ích tất cả chúng sanh thì dù cho hoàn cảnh tồi tệ như thế nào, tự nhiên nó sẽ chuyển đổi trở lại. Cảnh chuyển theo tâm chính là đạo lý này. Tâm chuyển cảnh giới, không phải cảnh giới chuyển tâm. Đây là có căn cứ lý luận. Chúng ta rõ lý thì sẽ biết cần phải làm như thế nào, sẽ biết cần phải hóa giải tai nạn trước mắt như thế nào. Một người hiểu rõ rồi, một người sốt sắng đi làm thì tai nạn của người này không còn nữa. Mọi người đều hiểu rõ rồi, mọi người đều chịu làm thì tai nạn cộng nghiệp sẽ không còn nữa. Nạn nước là do tâm tham, tâm tham làm tăng trưởng lũ lụt. Sân hận là lửa, núi lửa bùng phát, vũ khí hạt nhân bùng nổ, đó đều là thuộc về nạn lửa do tâm sân hận biến hiện ra. Ngu si là nạn gió. Dằn vặt, bất bình tạo nên nạn động đất. Ý niệm như thế nào thì sẽ cảm nghiệp báo như thế ấy. Cho nên, chúng ta thật sự có thể y theo lời dạy của Phật, tu ba gốc thiện là không tham, không sân, không si; đối nhân xử thế tiếp vật, tôi đã giảng rồi, đó là “lễ nhượng, nhẫn nhượng và khiêm nhượng”, thì đời sống của chúng ta có ý nghĩa, có giá trị. Đây gọi là học Phật, như vậy mới là sống đời sống của Phật Bồ-tát. Cho nên, chúng ta nhất định phải quay đầu, quay đầu 180 độ thì chúng ta mới có thể cứu mình, mới có thể giúp đỡ người khác.
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 25