Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

4 môn tam muội – 3 phần hành trì – Cách đối trị hôn trầm tán loạn

Người niệm Phật khi đi đến chỗ tuyệt đỉnh tận cùng duy có một định thể là Niệm Phật Tam Muội. Đây là cảnh hư linh sáng lặng, vọng giác tiêu tan, hành giả duy còn trụ tâm nơi tướng hảo hoặc hồng danh của Phật.

Tiết 31. Bốn Môn Tam Muội

Người niệm Phật khi đi đến chỗ tuyệt đỉnh tận cùng duy có một định thể là Niệm Phật Tam Muội. Đây là cảnh hư linh sáng lặng, vọng giác tiêu tan, hành giả duy còn trụ tâm nơi tướng hảo hoặc hồng danh của Phật. Nhưng tuy nói trụ mà thật ra vô trụ, vì âm thanh sắc tướng đương thể như huyễn, chính đó là không. Tướng Tam Muội ấy như thế nào? – Theo Liễu Dư đại sư thì khi hành giả chuyên nhất niệm Phật, quên hết thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả thời gian không gian, đến lúc sức cực công thuần, ngay nơi đương niệm trần vọng bỗng thoạt tiêu tan, tâm thể bừng sáng, chứng vào cảnh giới vô niệm vô bất niệm. Cảnh ấy như hư không mây tan, trời xanh một vẻ, niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, không thấy biết mới là sự thấy biết chân thật, có thấy biết tức lạc theo trần. Đến đây thì nước bạc non xanh đều là chân đế, suối reo chim hót toàn diễn diệu thừa, tâm quang bao hàm muôn tượng mà không trụ một pháp, tịch mà chiếu, chiếu mà tịch, đều còn đều mất, tuyệt đãi viên dung…

Cảnh giới Tam Muội đại để là như thế, khó tả nên lời, duy chứng mới thể nghiệm được. Niệm Phật Tam Muội vẫn là một thể, nhưng để đi vào định cảnh ấy, người xưa đã căn cứ theo kinh, y nơi ý nghĩa và oai nghi hành trì mà chia thành bốn môn như sau:

1. Bát Chu Tam Muội: – Bát Chu có nghĩa là Phật Lập. Hành trì môn Tam Muội này, có ba oai lực phù trợ: oai lực của Phật, oai lực của pháp Tam Muội, và oai lực công đức của người tu. Khi thật hành Bát Chu Tam Muội, phải lấy chín mươi ngày làm một định kỳ. Trong thời gian ấy, ngày đêm hành giả chỉ đứng hoặc đi, tưởng đức Phật A Di Đà hiện thân đứng trên đảnh mình đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp; hay miệng thường niệm danh hiệu Phật, tâm thường tưởng Phật không xen hở. Khi công thành, trong Tam Muội hành giả thấy đức A Di Đà và chư Phật mười phương hiện ra đứng trước mình khuyến tấn khen ngợi.

Bát Chu cũng gọi là Thường Hành Đạo. Người tu khi đi, mỗi bước mỗi tiếng đều không rời danh hiệu Phật, ba nghiệp hành trì không gián đoạn như dòng nước chảy. Pháp này công đức rất cao, song chỉ bậc thượng căn mới kham tu trì, hạng người trung hạ và tinh lực yếu kém không thể thật hành nổi.

2. Nhất Hạnh Tam Muội: – Nhất hạnh có nghĩa là chuyên nhất về một hạnh. Khi tu môn Tam Muội này, hành giả thường ngồi và chỉ chuyên nhất quán tưởng, hoặc niệm danh hiệu đức A Di Đà. Lại tuy chỉ tu một hạnh mà được dung thông tròn đủ tất cả hạnh, nên Nhất Hạnh cũng gọi là Viên Hạnh. Từ pháp Tam Muội này cho đến hai môn sau, ba hạng căn cơ đều có thể tu tập.

3. Pháp Hoa Tam Muội: – Đây là một môn Tam Muội trong mười sáu Tam Muội như Kinh Pháp Hoa phẩm Diệu Âm Bồ Tát đã trần thuật. Theo ý chỉ của Thiên Thai Tông, thì ba đế viên dung là Pháp, quyền thật không hai là Hoa. Ví như hoa sen khi cánh hoa (quyền) chưa nở, mà gương sen (thật) đã thành, gương với cánh đồng thời; nơi một đóa hoa mà gồm đủ ý nghĩa quyền và thật vậy.

Nói theo tông Tịnh Độ thì tức niệm là Phật, tức sắc là tâm; một câu niệm Phật gồm cả ba đế, nhiếp cả thật quyền. Nếu tỏ ngộ lý này mà niệm Phật, gọi là tu hạnh Pháp Hoa Tam Muội. Khi tu môn Tam Muội này, hành giả dùng hai oai nghi ngồi và đi mà thay đổi để quán Phật hoặc niệm Phật, kỳ cho đến khi nào chứng nhập vào chánh định. Pháp nghi tu tập này lại có phần dễ hơn Nhất Hạnh Tam Muội ở trên.

4. Tùy Tự Ý Tam Muội: – Pháp thức này có nghĩa là tùy tâm hoặc đi đứng, hoặc nằm ngồi, đều nhiếp niệm không rời danh hiệu đức A Di Đà để tu chứng vào Tam Muội. Hành nghi đây lại còn có tên là “Lưu Thủy Niệm Phật”. Ví như ngọn nước nơi dòng sông cứ liên tục chảy mãi, dù gặp cây đá ngăn cản nó chỉ dội lại rồi cũng tìm lối chảy đi. Thông thường người tu theo môn này, cứ mỗi buổi khuya lễ Phật A Di Đà bốn mươi tám lạy, Quán Âm, Thế Chí và Hải Chúng mỗi danh hiệu đều bảy lạy, kế quỳ xuống sám hối. Rồi từ đó cho đến tối, lúc đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật, hoặc lần chuỗi ghi số, hoặc niệm suông, đến trước khi đi ngủ, lại lễ Phật một lần nữa và đem công đức tu trong ngày, mà phát nguyện hồi hướng vãng sanh. Trong khi hành trì nếu có tiếp xúc với các duyên, khi qua rồi vẫn trở lại niệm Phật. Pháp tu này tuy tùy tiện dễ dàng, nhưng phải khéo tránh bớt duyên và có tâm bền bĩ mới mong thành tựu.

Tiết 32. Ba Phần Hành Trì

Về pháp nghi Tịnh Độ, nếu kể cho đủ phải có năm phần hay năm môn, cũng gọi là Ngũ niệm môn. Đó là: Lễ Bái, Tán Thán, Quản Niệm, Phát Nguyện, và Hồi Hướng. Để cho giản tiện, xin ước kết lại thành ba phần là: Tán Lễ Môn, Trì Niệm Môn, và Phát Nguyện Hồi Hướng Môn. Môn Trì Niệm thì hành giả có thể lựa trong mười pháp Trì Danh đã kể, tùy chỗ thích hợp mà tu. Nếu có trì chú hoặc tụng kinh, nên trì tụng trước khi niệm Phật. Về môn Phát Nguyện Hồi Hướng, các liên hữu cũng tùy ý lựa một trong mấy bài nguyện văn ở trước. Riêng về môn Tán Lễ, các sách Tịnh Độ có đưa ra những nghi thức lạy ít hoặc nhiều, tùy theo sở thích của mỗi căn tánh.

Theo thứ tự của Tịnh Độ pháp nghi, khởi đầu là môn Tán Lễ. Trước khi lễ bái, hành giả nên xướng đọc lời văn khen ngợi công đức của Phật, xong mới đến phần lạy. Đây gọi là Tán Lễ Môn. Kế đó tiếp tục trì chú hoặc tụng kinh rồi niệm Phật, hoặc chỉ chuyên niệm Phật. Giai đoạn này gọi là Trì Niệm Môn. Và sau rốt khi niệm Phật xong, hành giả quỳ xuống đọc bài nguyện văn hồi hướng, kế lễ ba lạy lui ra. Phần này gọi là Phát Nguyện Hồi Hướng Môn.

Phần lễ bái cũng có thể tùy tiện đổi thay đôi chút. Có vị trước tiên lạy nhiều một lần, sau cùng chỉ lễ ba lạy Tam Tự Quy Y hoặc Tây Phương Tam Thánh. Có vị ngại trước tiên lạy nhiều thân thể nhọc mệt, niệm Phật không được thanh tịnh, nên chỉ lễ ba lạy thông thường, đợi đến sau khi niệm Phật xong mới lạy nhiều cầu gia bị, rồi quì xuống đọc nguyên văn, sau rốt lễ ba lạy kết thúc.

Tịnh Độ pháp nghi có ba bậc: thượng, trung, hạ để thích hợp với các căn cơ. Nơi đây chỉ xin nêu ra môn Tán Lễ của ba bậc, còn hai môn sau hành giả tùy phần mà tăng thêm hoặc tiết giảm theo ba bậc ấy.

Thượng Pháp Nghi: – Nơi môn Tán Lễ về bậc thượng, trước tiên hành giả tùy ý thích tuyên đọc một bài kệ khen ngợi Phật rồi mới đảnh lễ. Kệ văn tán thán có nhiều, xin đưa ra đây một bài để suy lệ, và kế sau đó là phần hành lễ:

Quang, thọ khó suy lường
Sáng lặng khắp mười phương!
Thế Tôn Vô Lượng Quang
Cha lành cõi Liên Bang.
Thần lực chẳng tư nghì
Sống lâu A tăng kỳ,
A Di Đà Như Lai
Tiến dẫn lên liên đài.
Cực Lạc cõi thuần tịnh
Công đức lạ trang nghiêm
Nơi tất cả quần sanh
Vượt lên ngôi Bất Thối
Mười phương hằng sa Phật
Đều ngợi khen Vô Lượng
Cho nên nay chúng con
Nguyện sanh về An Dưỡng.

Nhứt tâm đảnh lễ: (Bốn chữ này thông dụng cho mỗi đầu câu, mỗi câu một lạy).

1. Tận hư không, biến pháp giới, thập phương tam thế, thường trú Tam Bảo.

2. Ta Bà Giáo Chủ, đại từ bi nguyện, thị hóa ngũ trược, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

3. Đông Phương Thế Giới A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật.

4. Nam Phương Thế Giới Nhật Nguyệt Đăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tu Di Đăng Phật, Vô Lượng Tinh Tấn Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật.

5. Tây Phương Thế Giới Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại Minh Phật, Bảo Tướng Phật, Tịnh Quang Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật.

6. Bắc Phương Thế Giới Diệm Kiên Phật, Tối Thắng Âm Phật, Nan Trở Phật, Nhật Sanh Phật, Võng Minh Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật.

7. Hạ Phương Thế Giới Sư Tử Phật, Danh Văn Phật, Danh Quang Phật, Đạt Mạ Phật, Pháp Tràng Phật, Trì Pháp Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật.

8. Thượng Phương Thế Giới Phạm Âm Phật, Tú Vương Phật, Hương Thượng Phật, Hương Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân Phật, Ta La Thọ Vương Phật, Bảo Hoa Đức Phật, Kiến Nhứt Thiết Nghĩa Phật, Như Tu Di Sơn Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật.

9. Cực Lạc Thế Giới Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang, Vô Đối Quang A Di Đà Phật.

10. Cực Lạc Thế Giới Diệm Vương Quang, Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỷ Quang, Trí Huệ Quang A Di Đà Phật.

11. Cực Lạc Thế Giới Nan Tư Quang, Bất Đoạn Quang, Vô Xứng Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang A Di Đà Phật.

12. Cực Lạc Thế Giới, tứ thập bát nguyện độ hàm linh, tướng hảo nan luân, đại từ đại bi A Di Đà Phật.

13. Cực Lạc Thế Giới, thọ mạng vô biên, quang minh vô lượng, phổ ứng thập phương, lâm chung tiếp dẫn A Di Đà Phật.

14. Cực Lạc Thế Giới, chánh báo Phật Bồ Tát đẳng sở thuyết diệu pháp, cập y báo thủy điểu thọ hoa đẳng sở diễn pháp âm, nhứt thiết thanh tịnh nghĩa kinh.

15. Phật Thuyết A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Xưng Tán Bất Khả Tư Nghì Công Đức Nhứt Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, cập thập phương tam thế nhứt thiết tôn pháp.

16. Cực Lạc Thế Giới, diệu tướng trang nghiêm, đồng Phật tiếp dẫn, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát.

17. Cực Lạc Thế Giới, Mạn Thù Thất Lỵ Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, chư Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát Ma Ha Tát.

18. Cực Lạc Thế Giới, A Bệ Bạt Trí, đồng Phật thọ lượng, chư Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.

Trên đây tất cả gồm mười tám lạy, tạm gọi là thượng pháp nghi về Tán Lễ Môn. Thật ra, đó chỉ là giản ước tùy căn cơ hiện thời, môn Tán Lễ về bậc thượng không phải chỉ có như thế. Theo cách lễ bậc thượng, có vị xưng lễ đức A Di Đà 48 lạy, Quán Âm Thế Chí, Thanh Tịnh đại hải chúng, đều 7 lạy. Có vị lạy xưng lễ đức A Di Đà 108 lạy, ba danh hiệu sau đều 21 lạy.

Trung Pháp Nghi: – Môn Tán Lễ bậc trung của Tịnh Tông vừa chừng, rất thích hợp với sức khỏe và khả năng của phần đông. Cách thức xưng lễ này, mọi người đều có thể hành trì, xin diễn dịch ra như sau:

Từ bi thệ độ khắp quần sanh
Hỷ xả cứu an chúng hữu tình
Tướng tốt trang nghiêm thân rực rỡ
Nay con đảnh lễ chí tâm thành.

Chí tâm đảnh lễ: (câu này thông cả 12 câu dưới đều xướng ở đầu câu, mỗi câu một lạy).

1. Hoằng Dương Tịnh Lạc Độ, Thích Ca Văn Như Lai, ngàn trăm ức hóa thân, khắp pháp giới chư Phật.

2. Thường Tịch Quang Tịnh Độ A Di Đà Như Lai, pháp thân mầu thanh tịnh, khắp pháp giới chư Phật.

3. Thật Báo Trang Nghiêm Độ, A Di Đà Như Lai, thân tướng hải vi trần, khắp pháp giới chư Phật.

4. Phương Tiện Thánh Cư Độ, A Di Đà Như Lai, thân trang nghiêm giải thoát, khắp pháp giới chư Phật.

5. Cõi Cực Lạc Phương Tây, A Di Đà Như Lai, thân căn giới Đại Thừa, khắp pháp giới chư Phật.

6. Cõi Cực Lạc Phương Tây, A Di Đà Như Lai, thân hóa đến mười phương, khắp pháp giới chư Phật.

7. Cõi Cực Lạc Phương Tây, giáo hạnh lý ba kinh, cực y chánh tuyên dương, khắp pháp giới tôn pháp.

8. Cõi Cực Lạc Phương Tây, Quán Thế Âm Bồ Tát, thân tử kim muôn ức, khắp pháp giới Bồ Tát.

9. Cõi Cực Lạc Phương Tây, Đại Thế Chí Bồ Tát, thân trí sáng vô biên, khắp pháp giới Bồ Tát.

10. Cõi Cực Lạc Phương Tây, Văn Thù Đại Bồ Tát, thân thị hiện trí mầu, khắp pháp giới Bồ Tát.

11. Cõi Cực Lạc Phương Tây, Phổ Hiền Đại Bồ Tát, thân hạnh nguyện sát trần, khắp pháp giới Bồ Tát.

12. Cõi Cực Lạc Phương Tây, Thanh Tịnh đại hải chúng, thân phước trí trang nghiêm, khắp pháp giới thánh chúng.

Hạ Pháp Nghi: – Phép Tán Lễ bậc hạ, chỉ lễ A Di Đà ba lạy, Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh hải chúng, mỗi hồng danh đều một lạy. Đây là nghi thức để cho những vị sức yếu và người bận nhiều công việc. Ngoài ra có vị căn tánh tối không thể ghi nhớ nhiều, chỉ thành tâm lễ ba lạy lúc khởi đầu và ba lạy trước khi lui ra cũng được. Về môn phát nguyện, những người này chỉ đọc câu nguyện vắn tắt gồm ngày, tháng, năm, như chương trước đã nói.

Tiết 33. Cách Đối Trị Hôn Trầm Tán Loạn

Người tu có lúc tâm tư lạc vào trạng thái mê mờ, nặng nề muốn ngủ; đó là vọng chướng hôn trầm. Hoặc có lúc miệng tuy niệm Phật, song tâm lại vẩn vơ tưởng chuyện đâu đâu; đó là vọng duyên tán loạn. Hôn trầm và tán loạn hai chướng duyên này rất nguy hại, vì nó phá hoại người tu, khiến cho không thể vào chánh định.

Nhiều vị trong lúc đang hành trì, vọng tưởng thoạt nhiên chìm lặng, câu niệm Phật vẫn nghe đều đều, tâm tư êm dịu quên cả nóng bức, hoặc sự cắn đốt của muỗi mòng. Trạng thái này thường thường kéo dài từ nửa giờ đến một giờ đồng hồ, có khi ra mồ hôi ướt cả áo mà không hay; đến lúc chợt giác tỉnh mới cảm biết trong người nóng bức khó chịu. Hành giả thấy thế đừng vội mừng cho rằng tâm mình được an định, công phu đã có đôi phần thành tích. Thật ra đó chỉ là trạng thái hôn trầm thuộc phần vi tế nhẹ nhàng. Cổ nhơn đã bảo: “Nhè nhẹ hôn trầm khôn phát giác. Trọn ngày hạng quỉ mãi sinh nhai!” Trong trường hợp này hành giả phải đề khởi tinh thần, dụng công chặt chẻ, vừa niệm vừa soi vào bên trong mới phá trị nó được. Theo chỗ kinh nghiệm, đại khái khi hôn trầm sắp kéo đến, tất trước tiên có vọng niệm tán loạn nổi lên. Cũng có lúc hôn trầm và vọng tưởng đồng thời sanh khởi. Nhưng đây là hiện tượng thô, rất dễ phát giác. Đến khi hôn trầm vi tế sắp hiện, trước tiên một loại tạp tưởng vi tế nổi sanh, hành giả cảm biết có một điểm mê mờ từ sau ót kéo lên đỉnh đầu, kế xuống đôi mắt và sau rốt vào tâm tạng. Hôn trầm đi đến đâu tất nơi đó bị ảnh hưởng, như đến đầu thì hơi gục xuống, đến mắt, đôi mắt nhắm lại; đến tâm tạng, tâm liền mê mờ. Về loại hôn trầm nhẹ, phải có trí tinh tế mới nhận xét được.

Vọng tưởng cũng có hai phần: thô và tế. Vọng tưởng thô ai cũng biết, bởi hành tưởng nó rất rõ ràng. Người xưa bảo: “Mới tu sợ vọng tưởng, tu lâu sợ hôn trầm.” Lời này duy đúng một phần, không được cứu cánh lắm, vì đó chỉ nói về phần tán loạn thuộc vọng tưởng thô. Đến như về phần vọng tưởng vi tế, người tu già dặn cũng phải e ngại. Bởi khi niệm Phật dụng công chặt chẻ kín đáo, tạp tưởng thô phù cố nhiên phải lặng chìm, song rất khó nhận được tướng qua lại của phần vọng tưởng vi tế. Ví như một ao nước đục, khi bọt nổi lên mặt ao ta mới nhận thấy. Còn phần khí thể nhỏ nhẹ từ dưới đáy ao được cổ động lên, hoặc sôi tim nhỏ trên mặt nước, hoặc đến nửa chừng rồi không lên được, muốn thấy rõ nó, cần phải có một ao nước thật trong. Người niệm Phật lâu, đến trình độ nước tâm trong lặng, mới thấy biết được vọng tưởng vi tế. Bạch Thánh pháp sư, một buổi sáng từ nơi giường bước lại ghế ngồi, trong khoảng chừng ba giây đồng hồ, đã phát giác trong tâm mình nổi lên đến vài mươi vọng niệm sai biệt. Chừng ấy Ngài mới chứng minh được lời nói trong kinh Phật: “Một niệm có chín mươi sát na, một sát na có chín trăm sanh diệt.” Đây là vọng tưởng thuộc loại vi tế.

Nhân tiện xin nhắc lại một câu chuyện về vọng tưởng vi tế, cho các bạn đồng tu thêm phần nhận thức: Quang Huệ và Giới Diễn là hai vị thiền sư đều ngộ đạo. Một hôm trong khi đồng ngồi thiền, nơi tiềm thức của ngài Giới Diễn thoạt nổi lên một niệm sắc ái, Ngài liền diệt trừ; song bên kia Quang Huệ thiền sư đã hay biết. Sau khi xuất định, ngài Quang Huệ làm bài kệ có ý trêu cợt ngài Giới Diễn. Giới Diễn thiền sư buồn thẹn, liền thâu thần nhập diệt. Ngài Quang Huệ hối hận, gọi đệ tử đến phó chúc rằng: “Bạn ta trong khi thiền định có một niệm sắc ái, sau tất lụy về sắc; vì phiền ta mà thị tịch, sau sẽ phá hoại Tăng Bảo. Lỗi ấy một phần do ở nơi ta, nếu ta không theo hóa độ, tất sẽ mang lấy hậu quả.” Dặn dò xong, Ngài cũng viên tịch theo luôn. Sau Quang Huệ chuyển thân làm thiền sư Phật „n; Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha. Đông Pha do kiếp trước có tu nên làm quan, thông minh trí huệ mà cũng đa tài đa tình. Ông có đến bảy người thiếp, và thường đem sự thông minh bác lảm của mình mà vấn nạn các vị thiền sư. Về sau bị ngài Phật „n chiết phục, ông mới quay lại đường lối tu Phật. Cho nên vọng tưởng vi tế, người tu lâu cũng phải e ngại là thế. Tiên đức có câu:

Công phu không thiếu cũng không dư.
Muôn kiếp tham si chữa dễ trừ!

Vậy người tu khi có chút cảnh giới tốt chớ vội khoe khoang tự đắc, phải nhìn gương ngài Giới Diễn. Và cũng đừng vội tự thị chê bai kẻ khác, mà phải xem gương Quang Huệ thiền sư.

Hôn trầm và vọng tưởng vi tế, người tu lâu tự biết lối giải trừ. Nơi đây, chỉ lược bàn qua cách đối trị về phần thô. Thông thường, khi loạn tưởng nhiều, hành giả nên ngồi yên nhiếp tâm niệm Phật. Lúc hôn trầm đến, nên đứng lên vừa niệm vừa kinh hành. Cứ dùng hai oai nghi này thay đổi mãi, lâu ngày hai chướng duyên ấy sẽ tiêu trừ. Theo chỗ kinh nghiệm, lắng tai ghi nhận rành rõ từ tiếng từ câu niệm Phật theo lối Phản Văn Trì Danh, có lẽ là phương pháp kiến hiệu nhứt để đối trị tán loạn. Và, Lễ Bái Trì Danh, là phương thức tối thượng để đối trị với mối chướng hôn trầm nặng nề.

Nhưng, mỗi hành giả đều có chỗ kinh nghiệm và thích hợp riêng. Trên đây chỉ lược đưa ra vài quan điểm để góp phần khuyến ích.

Trích: Niệm Phật Thập Yếu – Đi Vào Đường Lối Thật Hành!

Bài viết cùng chuyên mục

Vận mạng là do chính mình tạo ra không phải do người khác

Định Tuệ

Thần chú Diệt nghiệp chướng chân ngôn của Quán Thế Âm Bồ Tát

Định Tuệ

Lúc bình thường tại sao bạn cần phải niệm Phật?

Định Tuệ

Trong xã hội hiện nay rất nhiều người tạo tội ngũ nghịch thập ác

Định Tuệ

Tứ chánh cần là gì? Ý nghĩa của Tứ chánh cần

Định Tuệ

Phật Bồ Tát có diệt độ hay không?

Định Tuệ

Hướng dẫn cách chép kinh cho người mới bắt đầu

Định Tuệ

Vì sao ngày nay thế giới hỗn loạn như vậy, tai nạn nhiều như thế?

Định Tuệ

Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất trong đời người

Định Tuệ

Viết Bình Luận