Làm sao để dẫn dắt chúng sanh? Làm sao để họ giác ngộ? Hiện tại chúng sanh đã mê, mê ở chỗ nào, bị mê nặng nhất ở điểm nào?
Làm sao để dẫn dắt chúng sanh? Làm sao để họ giác ngộ? Hiện tại chúng sanh đã mê, mê ở chỗ nào, bị mê nặng nhất ở điểm nào? Tôi nghĩ rằng các đồng tu đều biết, nghiêm trọng nhất có lẽ phải xếp đầu tiên là tiền tài. Mê ở tại chỗ này đã quá nặng.
Lão tổ tông của chúng ta đều biết được chúng sanh đối với chuyện này mê rất nặng, cho nên bạn xem thời xưa khi chế tạo tiền, đồng tiền ở giữa có một cái lỗ. Bạn hãy xem cho kĩ, nó giống cái gì? Giống gông cùm, dụng cụ tra tấn, làm cho bạn xem cái này thật đáng sợ, nó không phải là vật tốt. Bạn xem chữ tiền này, bên cạnh chữ tiền này là hai người, mỗi người cầm một con dao đang đấu nhau. Người vì tiền tài mà chết.
Cho nên lúc tạo ra chữ này đều có ý nghĩa rất sâu, để cho bạn vừa nhìn thấy chữ này phải giác ngộ. Cho nên chữ viết tiếng Hoa là kí hiệu trí huệ, làm cho bạn nhìn thấy liền có thể biết cảnh giác, mỗi phút mỗi giây nhắc nhở bạn, không để cho bạn mê đắm vào đó.
Bởi vì chúng sanh tham tiền, bạn xem tướng thị hiện của Thích Ca Mâu Ni Phật, một đồng Ngài cũng không cần. Thời xưa xuất gia, không cần phải nói tì kheo, là Sa Di thôi, trong mười giới của Sa Di thì có một giới là trong tay không thể cất giữ tiền. Bạn mà cất giữ tiền thì đã phạm giới rồi.
Bản thân của Thích Ca Mâu Ni Phật đã làm tấm gương cho chúng ra xem, các bạn ham muốn tiền tài, còn Ngài thì xả bỏ, xả đến sạch sẽ như vậy. Nhu cầu trong cuộc sống, mỗi ngày ăn một bữa, ăn đúng giờ ngọ, nghỉ dưới gốc cây, đi ra ngoài khất thực ăn một bữa. Đi khất thực có người cúng dường, cúng dường cái gì thì ăn cái đó, tuyệt đối là không phân biệt, không chấp trước. Một ngày đi khất thực mà không được gì thì trở về rồi ngồi tĩnh tọa, tham thiền niệm Phật, tư duy về những điều Phật dạy trong Kinh giáo. Tâm luôn luôn ở trong định.
Bạn xem, công phu thuận nhẫn này của các Ngài, một chút ý niệm phan duyên cũng không có. Chúng ta nên học, cũng phải làm gương cho đại chúng trong xã hội xem. Bạn không làm gương, thì bạn nói chẳng có ai tin, chẳng có ai nghe.
Bạn dạy người ta không tham tài, còn bạn thì muốn càng nhiều càng tốt, như vậy thì làm sao được? Làm gì có đạo lý này chứ. Bản thân mình phải thật sự buông xả, khuyên người khác buông xả thì họ mới chịu nghe. Buông bỏ là thật sự được đại tự tại. Đây là nói người xuất gia.
Người tại gia trong tay không thể không có tiền, không có tiền thì chẳng làm chuyện gì được, vậy phải làm như thế nào? Trong tay có tiền nhưng trong tâm không có tiền, vậy thì đúng rồi. Công phu này là công phu đỉnh cao, ở trong tâm một chút chấp trước cũng chẳng có, cũng chẳng có một chút ý niệm về sự được mất. Bạn có được tiền cũng không sanh tâm vui mừng, tiền mất rồi nhất định chẳng buồn phiền, tâm được mất đã đoạn được rồi. Cái này gọi là tùy thuận.
Chúng ta xem Viên Liễu Phàm. Ông Viên Liễu Phàm là người phàm, không phải là một người giác ngộ, ông tin vào số mạng, trong mạng có quyết lòng bỏ cũng bỏ không được, trong mạng không có muốn cầu cũng cầu không được, tâm ông đã định rồi. Gặp được Thiền sư Vân Cốc, Thiền sư Vân Cốc dạy cho ông, cái vận mạng này là có thể thay đổi, không phải là không thay đổi được, nhờ vậy ông mới giác ngộ ra.
Làm thế nào để chuyển đổi vận mệnh của bạn? Thực tại mà nói, người thế gian có người nào mà mỗi ngày không chuyển đổi vận mệnh của mình? Chỉ là bạn không biết chuyển thôi, càng chuyển càng gay go, càng chuyển càng hư. Người mà biết chuyển thì càng chuyển càng tốt. Người không biết chuyển thì trong ý niệm của họ luôn luôn muốn lừa gạt người khác, cái này gọi là tổn người lợi mình, họ luôn có cái tâm này. Cái tâm này không biết chuyển thì càng chuyển càng tệ, đem phước báo ít ỏi của bản thân chuyển mất hết, thật đáng tiếc.
Người biết chuyển thì như thế nào? Người biết chuyển thì tu phước. Phật dạy cho chúng ta bố thí, chúng ta có tiền tài thì dùng tiền tài bố thí, càng thí càng giàu. Bố thí pháp thì tăng trưởng thông minh trí huệ, bố thí vô úy thì khỏe mạnh sống lâu, gieo nhân gì thì được quả báo đó, đây chính là nhân quả bất không. Vậy tại sao không học bố thí?
Trong các bố thí, thù thắng nhất, đây là trong tất cả Kinh Phật đều nói như thế này, bố thí pháp là thù thắng nhất. Bố thí thất bảo trong đại thiên thế giới cũng không sánh bằng bố thí pháp vì người mà nói bốn câu kệ. Câu nói này người thông thường nghe xong cũng không nghĩ là đúng, nhưng trên thực tế nó là sự thật, là đúng.
Cái lý ở bên trong quá sâu sắc, người thế gian không thấu hiểu, cho nên họ không thể tin được. Người thật sự hiểu rõ, người đã giác ngộ thì đâu có lý nào không tùy thuận lời giáo huấn của Phật Đà? Đây là tùy thuận nhẫn, nhất định sẽ được lợi ích.
Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 273
Tâm Hướng Phật/St!