Đi lễ Chùa ngày xuân thế nào cho đúng thì không phải ai cũng tường tận. Đây là những điều cần lưu ý khi đi lễ Chùa đầu năm và các dịp lễ khác.
Đi Chùa đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt. Mục đích chính của đi lễ Chùa là nhờ nguyện lực vô biên của Phật, chư vị Bồ Tát và các bậc Thánh hiền mà được thiện duyên, giác ngộ, mong tâm được thanh tịnh, đạo được mở mang để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người. Chính vì vậy mà người ta thường có câu: “Đến chùa nhìn Phật tướng để soi lại Phật tâm”, chính là với ý nghĩa đó.
Tuy nhiên, đi lễ Chùa thế nào cho đúng thì không phải ai cũng tường tận. Đây là những điều chúng ta cần lưu ý khi đi lễ Chùa đầu năm và các dịp lễ khác.
1. SẮM SỬA LỄ VẬT
Đầu năm chúng ta nên ăn chay, đi Chùa, tích phước cho cả năm được bình an.
– Đến dâng hương tại các Chùa chỉ được sắm các lễ chay: Hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè… không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả…
– Hoa tươi lễ Phật thường là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu, hoa hồng, hoa cúc… tuyệt đối không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
– Quả chín dâng lên ban thờ tốt nhất là các loại quả như chuối, thanh long, nho, bưởi, táo, hồng, đu đủ, hồng xiêm…
– Tuyệt đối không đặt lễ mặn và cúng lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính điện) và các nơi thờ tự khác của ngôi Chùa.
– Tại Chùa, không được để tiền thật lẫn tiền âm phủ lên ban thờ hay mâm lễ. Phật tử không nên đốt vàng mã mà nên lấy tiền đó để cúng vào Chùa hoặc làm phước rồi hồi hướng cho khắp chúng sinh thì sẽ được phước.
2. TIẾNG TĂM CỦA NGÔI CHÙA LÀ KHÔNG QUAN TRỌNG
Chúng ta nên lựa chọn địa điểm một ngôi Chùa nào đó mà chúng ta thực sự muốn đi. Điều này nghe có vẻ khó hiểu nhưng chúng ta không nên lựa chọn Chùa theo tiêu chí ‘có linh thiêng’ hay không.
Theo quan niệm Phật giáo, các Chùa đều Thờ Phật và các chư Vị Bồ Tát, A La Hán, Thanh Văn, Duyên giác, đều là các Bậc Đại từ bi và Giác ngộ, nên chùa nào cũng như chùa nào. Ta đến Chùa là để nhìn Tướng của Phật để soi xét lại Tâm ta.
3. KHÔNG ĐI CỬA CHÍNH VÀO CHÙA
Cổng chính vào Chùa còn gọi là cổng Tam quan. Theo nghi lễ nhà Chùa, cửa chính là cửa dành riêng cho đức Phật, Ngọc đế, quốc vương, những vị tối cao. Chính bởi thế, nhiều ngôi Chùa thường hay đóng cửa chính và mở cửa ngách cho Phật tử, khách tham quan.
Với người phàm trần, bình thường như chúng ta, khi đi vào Chùa nên kiêng tuyệt đối không bước vào từ cửa chính. Khi đi qua cổng Tam quan vào Chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái).
Cũng tránh dẫm chân lên bậc cửa, dù là cửa ngách hay cửa phụ vì đây là hành động thể hiện sự bất kính với bề trên và đức Phật, dù vô tình hay không.
Và khi vào các nhà chính của Chùa là nên bước vào từ cửa bên, không bước vào cửa chính giữa, đồng thời không dẫm lên bậu cửa mà phải bước qua bậu cửa để tránh phạm tội bất kính.
4. KHÔNG ĐI XE QUA CỔNG CHÙA VÀ TRONG KHU VỰC KHUÔN VIÊN CỦA CHÙA
Tuỳ theo không gian và khuôn viên của từng ngôi Chùa, chúng ta không nên đi xe qua nơi Cổng Chùa, vì ở cổng Chùa có Long Thần Hộ Pháp ngự ở đó để hộ pháp cho Chùa, nên chúng ta đi xe qua như thế sẽ phạm tội bất kính. Chúng ta nên gửi xe ở ngoài hoặc dắt bộ qua tuỳ trường hợp.
5. KHÔNG ĂN MẶC XUỀ XOÀ HOẶC PHẢN CẢM
Khi đi lễ Chùa cần phải ăn mặc giản dị, sạch sẽ, đặc biệt không mặc váy ngắn, quần cộc, áo hở lườn hở nách… Nhiều người thậm chí còn phơi bày nhiều vị trí nhạy cảm ra ngoài khi đi lễ chùa, đây là điều phạm giới uế tạp Phật đường, phạm giới bất kính, khẳng định công quả tiêu tán hết, quả báo vô cùng, cho dù siêng năng đi lễ Chùa cũng không mang lại tác dụng gì.
Vào Chùa cũng cần đầu tóc được chải ngay ngắn, áo quần phẳng phiu. Không nên để tóc hay trang phục luộm thuộm, cẩu thả. Như vậy sẽ không tỏ lòng thành kính khi bước chân vào cửa Phật.
6. DÙNG CÂU NÓI “A DI ĐÀ PHẬT” ĐỂ CHÀO SƯ TRỤ TRÌ VÀ CÁC TĂNG NI
Đi Chùa đầu năm, ngày rằm mùng một hay bất cứ khi nào, nếu gặp sư Trụ trì hay Tăng ni trong Chùa, hãy chào và bắt đầu nói chuyện bằng câu “A di đà Phật”. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt, sẽ đem lại công đức vô lượng cho bản thân và chính nhà Chùa.
7. KHÔNG NÊN THẮP NHANG NHIỀU
Phật chứng là chứng cái tâm thành của chúng ta, chứ Phật không đếm số lượng cây hương mà chứng giám. Thắp nhang nhiều có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí và khói toả cay mắt người xung quanh.
Nếu nhà Chùa có lư hương ngoài sân, quý vị nên thắp tại đó và sau đó vào Chùa lạy Phật, cúng dường. Không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ…
8. KHÔNG ĐI GIÀY DÉP VÀO PHẬT ĐƯỜNG, TAM BẢO
Đi giày dép vào Tam bảo, Phật đường là điều kiêng kị khi đi lễ Chùa. Ở hầu hết các Chùa ở Việt Nam đều hướng dẫn người đến lễ đặt dép, giày ở ngoài vì khu vực Tam bảo, Phật đường là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
Và ở trong khuôn viên của Chùa cũng vậy.
Cũng cần tránh hút thuốc nhai trầu, đi lại nói chuyện ồn ào hay hỗn tạp, không khiêm cung lễ phép, vì tất cả những hành động này đều gây ra ồn áo hỗn tạp, nặng hơn là náo loạn tam bảo. Theo nghi lễ nhà Phật thì tội làm náo loạn tam bảo lại chính là tội không hề nhỏ.
9. KHÔNG ĐƯỢC KHẠC NHỔ BỪA BÃI HAY NẰM NGẢ NGỐN TRONG PHẬT ĐƯỜNG
Ngoài việc không được đi giày dép, nói chuyện ồn ã trong Phật đường và Tam bảo, chúng ta cũng chú ý, tránh tuyệt đối không bao giờ được to giọng bình phẩm, không chạy đi chạy lại, nằm ngồi ngả ngốn hay khạc nhổ bừa bãi, hắt hơi tùy tiện trong hai khu vực này và trong khuôn viên Chùa. Những hành động này đều là bất kính, bất nhã vô cùng.
10. VÀO ĐIỆN TAM BẢO BÁI PHẬT KHÔNG NÊN MANG THEO ĐỒ ĐẠC LỈNH KỈNH
Khi vào điện Tam bảo lễ bái Phật, nên nhớ tuyệt đối không được mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh như túi xách, quần áo, khăn, gậy gộc…
Nếu vô tình đặt những vật dụng và đồ dùng cá nhân này trên bàn, tại chiếu hoặc để ở một góc Tam bảo thì sau này mọi công quả tu dưỡng sẽ đều tiêu tan hết. Vì thế khi đi lễ Chùa ta nên hạn chế mang quá nhiều tư trang, nhất là khi đi vào hành lễ ở điện Tam bảo.
Ngoài ra cũng không được để trẻ em nghịch ngợm nô đùa ỗn ĩ ở khu vực Tam bảo, hay nghịch phá đồ cúng tế, đưa tay sờ tượng Phật..
.
11. KHÔNG QUỲ HOẶC ĐỨNG Ở CHÍNH GIỮA PHẬT ĐƯỜNG
Khi vào làm lễ ở bên trong Phật đường, nên lưu tâm tránh đứng hoặc quỳ ở chính giữa Phật đường, dù là để lễ Phật hay niệm Kinh. Hãy quỳ hoặc đứng chếch sang một bên để hành lễ.
Khi lễ ở các ban thì ta nên lưu ý tốt nhất nên đi vòng quanh tượng Phật ngược chiều kim đồng hồ từ phải sang trái, niệm “A di đà Phật”.
Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.
Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương và cũng tránh gây trở ngại cho những người khác đang đi lại trong thiền đường.
12. GIỮ THÁI ĐỘ CUNG KÍNH, TÔN NGHIÊM KHI ĐỨNG TRƯỚC TƯỢNG PHẬT
Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.
Khi hành lễ hay đứng khấn trước tượng Phật ta cần luôn giữ thái độ cung kính, tôn nghiêm, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước Tam Bảo. Nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật nên đứng từ ngoài để quan sát.
13. KHÔNG CHẠM, SỜ VÀO TƯỢNG PHẬT
Nhiều người vẫn có những quan niệm hết sức sai lầm rằng sờ mó, xoa tiền hay chạm vào tượng Phật sẽ được nhiều lợi lộc, sức khỏe. Không hề có chuyện như vậy.
Những hành vi bất kính như vậy chỉ làm nhiễu loạn không khí thanh tịnh, linh thiêng vốn có nơi cửa Phật.
Dùng tay xoa tượng Phật vuốt đầu: họa phước là do mình tạo. Muốn bình an mạnh khỏe, tấn lộc, tấn tài là phải Tu. Dùng tay xoa tượng chỉ làm bôi bẩn và hư tượng Phật mà thôi, không hiểu gì, chỉ nhìn người khác làm rồi làm theo, đó là mê tín.
14. CÁCH LỄ LẠY TAM BẢO
Chắp tay phải ngay ngắn, các ngón tay không so le, tay không cầm vật gì. Nếu quán tưởng hai bàn tay là búp sen, thì có thể có chỗ trống giữa lòng hai bàn tay.
Không đụng các ngón tay vào cằm hoặc vào lỗ mũi.
Thở nhẹ và sâu ba hơi rồi quán tưởng trước khi lạy.
Khi lạy, đưa búp sen hai tay lên ngang trán, rồi hạ xuống ngang ngực trước khi xòe hai tay sang hai bên để lạy xuống. Đưa tay lên ngang trán và đi ngang qua bình diện trái tim ngụ ý đem cả tim và óc mình mà lễ lạy.
Khi lạy xuống, năm vóc phải thực sự sát đất.
Trong tư thế năm vóc sát đất, ngửa hai bàn tay ra hai bên đầu, tỏ ý trình bày hết con người thật của mình lên Phật, không dám dấu diếm một điều gì.
Lạy xuống, phải buông bỏ hoàn toàn ý niệm về ngã. Mình không là gì cả, mình không có gì cả, tất cả cơ thể, sức khỏe, tài năng, thông minh, kiến thức của mình chỉ là hạt bụi, tất cả đều vô thường, vô ngã. Mình trải lòng yêu thương khắp tất cả chúng sinh, để không thấy mình còn một cái ta riêng rẽ và khổ đau.
Trong tư thế năm vóc sát đất, nên thở thật thoải mái ba lần, để cảm thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng và không lo lắng gì trong giờ phút ấy.
Đây là một phép thực tập quay về nương tựa nơi Chân như Thanh tịnh, Trùm khắp của Đức Phật.
15. KHÔNG ĐẶT TIỀN THẬT, VÀNG MÃ VÀ TIỀN ÂM PHỦ LÊN BÀN THỜ PHẬT
Khi đi lễ Chùa, ta không nên sắm tiền âm phủ hoặc vàng mã đặt lên bàn thờ để cúng Phật. Riêng tiền thật, tốt nhất nên bỏ chung vào hòm công đức.
Nhét tiền vào tượng Phật: Nếu muốn cúng dường, nên cúng thẳng vào thùng phước điền, số tiền lớn nhỏ tuỳ theo khả năng mình. Đừng chia nhỏ ra, nghĩ rằng nhét càng nhiều tượng là mình càng có phước. Trái lại, làm vậy là mang tội bất kính với Tam Bảo.
16. KHÔNG DÙNG MIỆNG THỔI TẮT HƯƠNG, NẾN
Chúng ta vẫn nên hạn chế thắp hương trong Chùa, đặc biệt là các dịp đông người tham dự như Tết nguyên đán hay dịp lễ lạc quan trọng.
Tuy nhiên, nếu thắp hương, tuyệt đối tránh việc châm hương sau đó thổi tắt bằng miệng. Hãy nhẹ nhàng dùng tay phẩy nhẹ. Đồng thời, cần giữ tâm trạng bình tĩnh, thái độ ôn hòa, tránh lo lắng, vội vã.
17. ĐẾN CHÙA VAN XIN PHẬT ĐỦ ĐIỀU, KHÔNG CHỊU THỰC HÀNH LỜI PHẬT DẠY
Theo quan niệm của Phật giáo, Đức Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho chúng sinh chứ không độ về đường công, danh, tài, lộc.
18. KHÔNG TUỲ TIỆN SỬ DỤNG HAY TỰ Ý LẤY ĐỒ DÙNG CỦA NHÀ CHÙA
Khi đi Chùa, dù là hành lễ hay vãn cảnh, tuyệt đối không bao giờ được tự ý lấy hay sử dụng bất cứ món đồ nào của nhà Chùa.
Theo Kinh sách và lễ nghi truyền thống của châu Á đây được gọi là hành vi “đạo dụng thập phương thường trụ”, chính là trộm dùng đồ lễ của chúng sinh cúng dường.
Người nào phạm vào giới luật này thì khi chết sẽ bị đọa vào Vô gián địa ngục, chịu khổ vô biên.
Không được tự ý lấy những vật trong Chùa dù nhỏ nhất. Không leo trèo lên cây hay ngồi lên tượng Phật, thấy Chùa có rác hay dơ chỗ nào thì mình cầm chổi quét, công đức vô lượng.
19. KHI THỤ LỘC TÀI CỦA CHÙA VẪN NÊN LƯU LẠI CHÚT CÔNG ĐỨC
Sử dụng đồ của Chùa, như ăn uống, thụ lộc, nên lưu công đức, dù ít dù nhiều. Không nên coi đó là của Chùa, sư Trụ trì cho thì nhận mà không bố thí chút công đức, vì sẽ phạm tội “luân đạo thực quả báo” là một trong những căn nguyên rơi vào Địa ngục khi chết.
20. KHÔNG ĐƯỢC MANG DÉP NGƯỜI KHÁC
Vào Chùa lễ Phật, sắp đôi dép cho ngay, không được cố ý mang dép người khác về nhà, đó là trộm cắp, tham của người khác, Phật trời nào chứng cho.
21. ĐẾN CHÙA BÓI TOÁN, COI XĂM
Đây đều là các hình thức mê tín dị đoan, là người Phật tử chúng ta không tham gia vào các hình thức như vậy.
22. HÁI LỘC XUÂN
Thiệp lì xì trong Chùa mang tính cách tượng trưng, dù vậy đã được chư Tăng chú nguyện gia trì, không nên khởi tâm phân biệt ít nhiều, tự tiện lấy nhiều bao đem về.
23. HÁI LỘC GIAO THỪA
Phần nhiều dịp Tết chư Tăng đều phát Lộc, lì xì trực tiếp cho Phật tử và khách du xuân đến viếng Chùa- Cây cối quanh Chùa là nơi chư thiên, quỷ thần, vong linh trú ngụ, đến Chùa tự ý bứt bẻ cây lá mang về là phá hoại chỗ ở của họ, vô tình mà phạm lỗi với họ. Thực tế việc làm này là theo phong tục, hủ tục, chỉ gây xâm hại môi trường cây cảnh, chứ chẳng mang chút Phước, chút Lộc gì về cho mình đâu!!
Quý Phật tử lưu ý những điều trên để bản thân mình không mắc tội và tăng trưởng thiện tâm , phước báo khi đến Chùa.
– Phật dạy:
” Nhân nào quả nấy”;
“ Ai trồng dưa ăn dưa, trồng đậu ăn đậu”;
“ Thiện có thiện báo, ác có ác báo”.
Chẳng thể dựa vào phong thủy, thánh thần mà trọn mong quả phúc. Nếu y theo đó, chẳng tự tu sửa, bỏ ác làm lành đều là mê tín. Do đó, rất mong quý Phật tử lấy Chánh Kiến làm trọng. Dùng Phật pháp soi lại ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình, như thế sẽ biết được họa phúc trong tương lai.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Xin thường niệm Phật!
Tâm Hướng Phật/St!