Kinh Phổ Môn là bài kinh nói về hạnh nguyện độ sanh của Bồ Tát Quan Thế Âm, người trì tụng cảm được sự linh ứng của Kinh Phổ Môn rất nhiều.
Thủy ách
Theo Pháp Hoa cảm thông lục.
Về đời nhà Đường có một người là Sầm Cảnh Nhơn, lúc thiếu niên chuyên tụng kinh Phổ môn. Một hôm mướn thuyền đi Tô Châu, rủi bị thuyền chìm, anh ta rơi xuống nước! Bên tai nghe có tiếng người nói: Cho người tụng kinh Phổ môn thoát nạn. Nghe như vậy ba lần, liền thấy mình nổi lên mặt nước và tấp vào bờ, được sống sót.
Hỏa tai
Thuật theo thư của ngài Ấn Quang Pháp sư
Dân quốc năm thứ 11, nạn địa chấn ở Nhật Bản, đại biểu hội Phật giáo Phổ tế là các ông Bao Thừa Chí, Dương Thức Các… đi qua Nhật điếu ủy về, báo cáo tình hình, các ông cho biết: Dân số Nhật chết trong nạn địa chấn này ước chừng hơn ba mươi vạn người, thi hài chất cao như núi! Cứ riêng một địa phương mà nói thì khu vực Thiền thảo ở Đông Kinh là hoàn toàn trở thành tiêu thổ! Ở trong khu vực Thiền thảo ấy có một công viên, trong công viên có một hồ nước và một tòa Quán âm các ba gian, kiến trúc theo lối Nhật Bản cũ. Khi nhân dân bị hỏa tai, bốn phía bao bọc lửa cháy. Không biết trốn tránh vào đâu, nhân dân đua nhau chạy vào công viên.
Tất cả tụ tập vào tòa Quán âm các ước chừng hơn ba vạn người; trong lúc tình hình bức thúc, mọi người đều niệm danh hiệu đức Quán thế âm Bồ tát, chí thành cầu nguyện may ra thoát khỏi tai nạn! Từ trong ra ngoài, dị khẩu đồng âm, vang dội tiếng niệm Nam mô Đại từ đại bi Cứu khổ cứu nạn Linh cảm ứng Quán thế âm Bồ tát. Lửa lan đến hồ, đốt cháy khô cả hồ nước rồi dừng lại. Thật là một việc chưa từng có! Không những đám dân không ai bị tai nạn mà luôn cả ba gian nhà kia hiện nay vẫn còn. Chính phủ Nhật hiện bảo tồn để làm nơi thánh tích kỷ niệm. Ai là người đã đến Nhật Bản chắc không khỏi đến tham bái ở đó. Đức từ bi cứu khổ của Bồ tát Quán thế âm thật cùng khắp đúng như lời Phật dạy trong kinh Phổ môn.
Lao tù
Trích Pháp uyển châu lâm.
Đời nhà Đường có một người tên Đổng Hùng, ông ta làm chức Đại lý quang về triều vua Đường Thái Tôn, lúc nhỏ đã ăn chay thờ Phật rất thành kính. Nhơn vì có hiềm khích với bạn đồng liêu, bị vu cáo phải tống giam vào ngục. Không biết kêu cứu vào đâu, chỉ nhất tâm đọc tụng Quán thế âm Bồ tát Phổ môn phẩm và niệm danh hiệu ngài. Rất lạ là gông xiềng tự nhiên được cởi mở mà khóa xiềng vẫn y nguyên. Giám mục bẩm lên, ngự sử Trương Thủ Nhất đích thân đến khám nghiệm, cho là kỳ quái, cho xiềng khóa lại rất kỹ lưỡng. Đổng Hùng chiếu thường lệ chí thành tụng kinh, khóa xiềng lại tự nhiên rớt xuống đất mà niêm phong vẫn như cũ. Nhờ thế được xét lại mới biết là oan, liền được trả lại tự do.
Ấn tống kinh sách
Theo Trần Hoài Tích Bút Ký.
Uông Mậu Huy ở Kỳ Môn không có con nối dõi, đền phủ cầu khấn nhiều năm mà không được. Về sau nhân khi vãn cảnh chùa, được người mách cho mẹo cầu con là: Niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát và ấn tống kinh sách. Ông ta tin theo nên hàng ngày niệm danh hiệu Bồ Tát không chán mỏi. Lại cùng vợ in Phẩm Phổ Môn biếu tặng khắp nơi, rộng làm các thiện sự để cầu con.
Như thế sáu tháng sau, một đêm ông mộng thấy Quán Thế Âm Bồ Tát ẵm một đứa trẻ bảo: “Ngươi hãy khéo đỡ lấy. Sáu ngày sau sẽ đến ẵm đi, sẽ lại ẵm đến một đứa trẻ nữa”. Thế rồi ông sanh liên tiếp hai đứa con trai, trưởng là Nhân Trung, thứ là Nhân Tín. Sau này, Nhân Trung mất năm sáu mươi tuổi. Lúc ấy, người nhà ông Uông mới hiểu được ẩn ngữ trong giấc mộng.
Bảy mươi tuổi vẫn cầu được con trai
Theo Quái Viên.
Chương Tảo tuổi gần bảy mươi không có con trai. Một hôm nhân theo bạn bè đi lễ chùa. Ông thổ lộ nỗi sầu muộn thì thấy có một cụ già bảo: Muốn cầu con trai nối dõi, nếu không phải nơi Quán Thế Âm Bồ Tát thì không thể nào được. Nghe vậy ông quỳ dưới chân tượng Bồ Tát chí thành cầu khẩn: Nguyện từ nay dứt ác hành thiện, hàng ngày tụng Phẩm Phổ Môn. Xin Bồ Tát rủ lòng từ ban cho một đứa con trai.
Kế đó, phàm những việc có lợi cho người, dù lớn hay nhỏ đều tận tâm làm. Trong vùng hễ các nhóm Phật tử làm từ thiện, phóng sinh, cầu siêu, không lần nào ông vắng mặt. Một năm sau ông mộng thấy mình quỳ trước tượng Bồ Tát, nơi chuỗi hương vòng in một chữ Tử sáng chói. Cuối năm đó người thiếp của ông sanh được một trai. Chí tâm cầu nguyện Tam Bảo nhiệm mầu như thế đó!
Tụng kinh cầu được con hiện tướng lạ
Theo Cao Vương Cảm Ứng Ký, đời Đường.
Cát Trường Niên ở Hành Dương hơn 40 tuổi mà không người nối dõi. Ông mang thân trưởng tộc nên lời vào tiếng ra trong họ quanh năm, khổ không còn chỗ nói. Hai vợ chồng ông hễ nghe đền phủ nào linh thiêng, thầy thuốc nào hay giỏi là đến ngay. Sau nhiều năm cầu cúng khắp nơi, gia cảnh cùng kiệt mà chẳng linh nghiệm gì.
Một hôm có vị lão Tăng đi du hóa trong vùng, ông Dương mời đến nhà thọ trai. Nhân lúc uống trà, ông than thở với lão Tăng về nỗi khổ không con, bao nhiêu năm cầu cúng khắp nơi mà chẳng được toại nguyện. Vị lão tăng bảo:
Ông kiếp trước lỡ khuyên người phá thai, nên kiếp này chịu quả báo không con. Trước nay lại lầm lạc cầu cúng quỷ thần, do sát sinh cúng tế nhiều nên tổn mạng, phước càng ngày càng mỏng. Giờ mong thọ còn chẳng được nữa là cầu con nối dõi ư?.
Vợ chồng ông nghe vậy hoảng sợ, đồng quỳ xuống cầu xin chỉ cách cứu mạng. Lão Tăng bảo: “Chỉ có cách từ nay giới sát, phóng sinh. Hàng ngày tụng Phẩm Phổ Môn rồi hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sinh để chuộc lại lỗi lầm. Nếu vợ chồng cùng bền chí thực hiện, sẽ tiêu nghiệp tăng phước. Sau này có con sẽ có điềm lạ là bọc thai kép màu trắng.”
Từ đó hai vợ chồng ông dứt ác hành thiện. Hàng ngày sáng sớm và tối khuya tụng kinh, ban ngày thì niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Khi tụng kinh đủ một tạng( 5024 biến) thì vợ có tin vui. Về sau lượt sanh được ba con trai, đều có bọc thai kép màu trắng. Quan Thái Thú chính mắt thấy sự linh nghiệm ấy, bèn cho khắc ván ấn tống. Vợ chồng Giang Tể ở Vũ Dương thọ trì kinh cũng được quả báo tốt đẹp.
Cầu nguyện như ý
Tôi tên là Tống Ngọc Lê, pháp danh Thanh Nhẫn hiện ở tại San Jose. Tôi nghe lời mẹ dạy nên thường đi chùa lễ Phật, nghe quý thầy giảng đạo và biết ăn chay kỳ từ thuở còn bé. Mẹ tôi cũng bày cho tôi cách ngồi thiền, tụng kinh và niệm Phật. Mẹ tôi hay nhắc nhở, có khi rầy la, vì tôi ngồi thiền cứ ngủ gục hoài. Tụng kinh và niệm Phật thì tôi thích hơn. Mẹ tôi biết ý nên khuyên tôi tụng kinh Phổ Môn để làm yếu chỉ tu học.
Sau một thời gian tụng kinh, tôi có đọc 108 danh hiệu Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát. Hồi còn trẻ, tôi tụng kinh niệm Phật không đều, bữa siêng, bữa nhác; nhưng bây giờ thì đã thuần thục rồi. Tôi thường tụng kinh, niệm Phật hang ngày không hề bỏ sót.
Ngược dòng thời gian, năm tôi hai mươi tuổi bị bệnh nặng, người nhà đưa tôi vào nhà thương Phúc Kiến ở chợ Lớn cấp cứu. Tôi bị bệnh thường hàn nhập lý và lên cơn sốt dữ dội. Tôi bị mê man suốt hai ngày đêm. Các bác sĩ cho người nhà tôi biết là bệnh khó chữa trị, kinh mạch xáo trộn, độc tố đã nhiễm vào tim. Cả nhà tôi ai cũng khóc, song mẹ tôi rất bình tĩnh và khuyên mọi người đem tâm thành niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tiếp niệm danh hiệu Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát luôn trọn ngày và trọn đêm dậy cả một góc nhà thương.
Ngay đêm đó, khoảng hai giờ sáng, tôi đang trong cơn mê mà cảm nghe như có dòng suối nước chảy, có tiếng chim hót và tiếng chuông chùa. Tôi thấy mình bước chân lên từng cấp của một cảnh nguy nga, hùng vĩ trên một ngọn núi cao. Trước cổng lên núi và chùa có đề ba chữ Phổ Ðà Sơn, bên bờ biển Nam Hải, nơi mà Ðức Quán Thế Âm thường cư ngụ. Trong chùa có khoảng vài trăm người đang ngồi thiền, xây mặt ra hướng biển Ðông. Người nào cũng có tóc và mặc áo nhiều mà rất đẹp nên tôi không nhận biết họ là đàn ông hay đàn bà. Riêng tôi thì được một người đàn bà mặc áo trắng dẫn vào trong một ngôi nhà tranh nhỏ, nằm giữa khóm trúc nên thơ. Trong cái thất ấy có đến hai co thanh nữ mặc áo xanh; nét mặt cô nào cũng rất đoan trang và vui vẻ. hai vị này cho tôi biết người mặc áo trắng là thầy của họ mà người xưng là Bạch Y Quán Thế Âm.
Tôi mừng quá liền cúi xụp lạy, nhưng Ðức Bạch Y đưa tay cản lại không cho lạy. Ngài bảo một cô Thanh y rót nước trong bình tịnh thủy cho tôi uống. Uống xong, tôi cảm thấy khỏe khoắn vô cùng, tâm thần nhẹ nhàng và đầy sung sướng. Tôi bèn ngỏ lời Bạch Y Quán Âm đại sĩ và hai tiểu đồng rối rít. Kế đó, tôi đột nhiên mở mắt và thấy nhiều người đang đứng chung quanh giường và niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm. Hai hôm sau thì tôi xuất viện, vì bệnh tình của tôi khỏi hẳn. Ðiều này khiến cho các bác sĩ trong bệnh viện vô cùng kinh ngạc về bệnh trạng của tôi. Mẹ tôi bảo cho họ hay rằng, tôi được cứu thoát căn bệnh ngặt nghèo là nhờ sự mầu nhiệm của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi cũng tin như vậy, và câu chuyện này đã gây tín tâm rất nhiều cho tôi và mọi người trong gia đình thân nhân của tôi.
Tôi là con dâu trưởng sinh sống với chồng tôi nhiều năm mà không có con. Chồng tôi thì thương tôi hết mực, song những người thân phía chồng tôi nói vào nói ra làm cho tôi rất buồn tủi. Họ bảo tôi rằng: “Ðàn bà chi mà không biết sanh đẻ”.
Thay vì giận, đau buồn, khóc lóc, tủi hổ thân phận thì tôi lại vui và âm thầm trì tụng kinh Pháp Hoa, niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm và mong có được một đứa con gái ra đời cho vui nhà.
Ðiều mơ ước lại đến, sau suốt nhiều năm tu tập và cầu nguyện, một đêm tôi thấy mình trở lại núi Phổ Ðà vào viếng thăm chỗ sơ sài của Ðại Sĩ Bạch Y Quán Thế Âm ở. Tôi mới bước chân nửa thềm đá cao, thì thấy hai thanh nữ hầu Ðức Quán Thế Âm bước lại gần tôi và trao cho một bé gái nhỏ xinh xinh. Tôi tỉnh dậy và bắt đầu có thai từ đó.
Con tôi ra đời đã đem lại cho tôi và chồng tôi một niềm vui rất lớn. Bé Hiền năm nay đã tám tuổi. Cháu rất ngoan hiền, học giỏi và chí mực hiếu thảo. Cả nhà, các bác, các chú, bà ngoại, bà nội hai bên ai cũng thương cháu.
Trong kinh cứu khổ có bài kệ mà tôi thấy rất hợp với hoàn cảnh của tôi:
Người vô tự quạnh hiu sau trước
Sửa tất lòng tác phước khẩn cầu
Từ bi linh hiển pháp mầu
Cho trai hiển đạt gái cầu hiền lương.
Cuối năm 1979, gia đình tôi rời khỏi Việt Nam vượt biên ra nước ngoài. Khi tàu rời bến được độ hai ngày đêm thì chết máy tàu, không nổ, không đi được nữa. Mọi người trên tàu đều bối rối, lo âu.
Nước biển, sóng gợn ì ầm át cả tiếng khóc của trẻ con, tiếng cãi vả của nhiều người với chủ tàu là “ Lấy tiền người ta mà làm ăn bê bối”. Riêng tôi ngồi nhìn đứa con đang ngủ trên tay và định tâm niệm Nam Mô Ðại Từ Ðại Bi Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát. Kỳ lạ thay, vài tiếng đồng hồ sau thì con tàu chúng tôi nổ máy và chạy khoảng bốn tiếng đồng hồ thì gặp tàu tuần tiễu của hải quân Trung Hoa Quốc Gia giúp đưa chúng tôi vào địa phận Hồng Kông.
Nếu không có chiếc tàu cứu khổ này thì chúng tôi đã đắm xuống biển 150 mạng vì con tàu bị chết máy, vừa bị sóng đánh mạnh nên thân tàu bị bể và nước tràn vào ầm ầm không sao tát ra kịp.
Khi được đến Mỹ, gia đình tôi ở một ngôi nhà không đủ phòng rộng rãi, nhưng tôi quyết sắp xếp để nguyên một căn phòng có nhiều ánh sáng, đẹp làm nơi tĩnh tâm và thờ phượng Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi có làm bài thơ tám câu để tạ thâm ân cứu khổ của mẹ hiền Ðức Quán Thế Âm như sau:
Quán Âm Bồ Tát Ðấng Mẹ Hiền
Cứu khổ muôn loài hạnh vô biên
Ứng thân diệu dụng vô cùng tận
Ðại nguyện từ bi rải mọi miền.
Con xin sám hối những sai lầm
Tinh tấn tu học để thanh tâm
Ngày đêm thiền tịnh không lơ đễnh
Giác ngộ chân tâm đẹp sáng ngời.
Mộng thấy bà nội
Nãi Viên
Và nội tôi đã qua đời, bà không giống như lão thái phu nhân được miêu tả trong tiểu thuyết, hưởng thọ hạnh phúc, vui vẻ trăm năm. Vào những năm cuối đời, nội bất cẩn bị ngã, nằm liệt một chỗ, ăn uống, sinh hoạt đều do con cháu chăm lo. Nhớ đến bà, tôi luôn thấy xót thương.
Khi tôi học năm thứ 6 cấp Tiểu học, đại tỉ đang học đại học trên thành phố về thăm nhà, lần ấy, đại tỉ mang theo quyển kinh Phật rất quí do Phật Học xã tặng; thấy tôi có vẻ hiếu kì, đại tỉ biếu. Tôi vui lắm, ngày nào cũng qui định thời khóa tụng kinh, có khi tụng phẩm Phổ Môn, trì chú Đại Bi, hoặc niệm thánh hiệu Phật, Bồ-tát. Lễ Phật xong, tôi mới đi làm bài và học bài, cảm giác an lành mãn nguyện. Thấy sự hiểu biết của mình cũng tương đối, lúc ra chơi, khi rảnh rỗi, tôi đều giảng nói sự thâm áo, vi diệu vĩ đại của Phật pháp cho bạn bè. Tan học, nhất là lúc nghỉ hè, bạn cùng lớp đến nhà tôi cùng niệm Phật, lễ bái, tụng kinh.
Một tối, tôi mộng thấy bà nội đã mất về tìm, bụng bà lớn như người có bầu sắp sinh, tôi nhớ ngay đoạn kinh trong phẩm Phổ Môn: “Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ bái cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm, liền sinh con trai phước đức trí tuệ; giả sử muốn cầu con gái, bèn sinh con gái có tướng mạo xinh đẹp, trước đã trồng cội phước đức, nên mọi người đều kính mến…” Tôi vui mừng, chạy đến nói chuyện, thưa hỏi bà nội cách biệt hơn một năm:
Thưa nội! Nội hãy mau trì niệm thánh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, như vậy em bé trong bụng khi sinh ra mới trắng mập dễ thương…
Nội hỏi tôi: Phải niệm như thế nào, nội không biết!
Tôi chắp tay lại thưa: Nội phải niệm một cách hết sức thành khẩn “Nam mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ-tát…”
Nội niệm theo, nhưng chỉ mấy câu rồi không niệm nữa. Sắc mặt nội bất ngờ chuyển sang xanh, tròng mắt biến thành màu đen, mặt bỗng trở nên hung tợn rất đáng sợ, bóp chặt cổ tôi không chịu bỏ ra, tôi sợ quá quỵ xuống lăn lộn dưới đất, giằng co với nội… Nay nghĩ lại, cổ nội nhỏ như cây kim, bụng to như trống, ấy là tướng ngạ quỉ!
Giật mình tỉnh giấc, tôi sợ hãi khôn cùng. Đợi đến sáng mới dám hỏi đại tỉ về giấc mộng tối qua, chị nói:
Theo như những gì em thấy, rất có khả năng sau khi chết bà nội bị đọa vào đường ngạ quỉ hoặc địa ngục chịu quả báo, biết ngày nào em cũng tụng kinh niệm Phật, nên về báo mộng, hi vọng em cứu bà, vậy từ đây em nên tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, hồi hướng công đức cho bà siêu sinh…
Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện ghi: “Như những chúng sinh đời sau, trong giấc ngủ hoặc trong chiêm bao thấy các hạng quỉ thần cho đến các hình lạ, buồn bã, khóc lóc, rầu rĩ, than thở, hãi hùng hoặc sợ sệt… Đó đều là cha mẹ, con em, chồng vợ hoặc quyến thuộc trong một đời, 10 đời, trăm đời hay ngàn đời về thuở quá khứ bị đọa lạc chưa được ra khỏi, không biết trông mong phước lực nơi nào cứu vớt để xa lìa khổ não, mới về mách bảo với người có tình cốt nhục trong đời trước, cầu mong họ dùng phương tiện giúp thoát khỏi đường xấu ác”.
Qua đoạn kinh này, nghĩ đến hình trạng răng chĩa ra ngoài, mặt mày hung tợn của bà nội lúc đó xuất hiện trước mặt tôi, chắc chắn bà đang mong mình tụng kinh siêu độ. Đêm trước khi bà nội mất, bà mộng thấy ông nội đã chết 5 năm ở bên kia bờ sông gọi bà, vẫy tay bảo qua bên đó, bà nội liền xắn quần lội xuống sông vượt qua. Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện ghi: “Người làm lành ở cõi Diêm- phù-đề, lúc sắp mạng chung, cũng có trăm ngàn vạn ức quỉ thần, hiện làm cha mẹ, cho đến bà con quyến thuộc, dẫn dắt thần hồn, đi vào đường xấu ác”. Sáng sớm hôm sau, bà kể lại cho cả nhà nghe giấc mơ đêm qua, khi ấy nhà tôi chưa ai biết Phật pháp, không biết đấy là điềm báo bà sắp ra đi mãi mãi.
Sáng hôm sau, trước khi dâng cơm sáng, tôi vào cuốn màn cho bà, vừa cuốn lên, thấy sắc mặt bà biến đổi rất nhiều, hai mắt lộ vẻ giận dữ, hai hàm răng nghiến kịt kịt, hơi thở rất gấp. Lúc bấy giờ tôi chỉ là cô bé tiểu học, thấy bà như vậy sợ hãi vô cùng, vội chạy ra đóng cửa lại, lên lầu thưa với cha… Cha liền chạy xuống, tông cửa vào phòng. Thấy bà như thế, cha lo lắng nhỏ nhẹ hỏi, hình như bà có gì đó rất muốn nói, nhưng hai hàm răng vẫn nghiến chặt mở không ra. Càng lúc bà càng quằn quại đau đớn, hơi thở càng khó khăn, sắc mặt rất xấu… Chỉ cần dựa vào hai điểm, thứ nhất trước khi chết, thấy ông nội về rủ đi, thứ hai sắc mặt hung tợn, rất xấu, không còn nghi ngờ gì nữa, nhất định bà đã bị đọa vào đường xấu thọ khổ.
Lúc bà nội qua đời, tôi chưa học Phật nên không biết trợ niệm giúp bà vãng sinh, trong vòng 49 ngày sau khi chết cũng không thỉnh chư tăng đạo cao đức trọng đến siêu độ, bây giờ đã biết chỗ thác sinh của bà nội, tôi thật khó chịu, đau đớn. Tôi phát tâm phải cứu bà thoát nơi dầu sôi lửa bỏng, đưa thần thức bà thoát khỏi đường xấu ác. Tôi làm theo những gì kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện dạy: “Chí tâm đọc tụng kinh này, hoặc thỉnh người khác đọc tụng, đủ số ba biến hoặc bảy biến. Như vậy quyến thuộc đang đọa vào đường xấu ác kia, khi nghe đủ số mấy biến đó, liền được giải thoát…”
Từ ngày đó, sau bữa cơm tối, tôi tắm rửa, thay y phục, thắp hương, chí thành cầu nguyện, ngày ngày đều kiền thành tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, tụng xong quyển nào hồi hướng công đức cho bà quyển đó, cầu nguyện ánh sáng từ lực của chư Phật, Bồ-tát gia hộ cho bà sớm ngày giải thoát, sinh về cõi lành. Tụng khoảng 10 biến, hình tướng đáng sợ của nội trong giấc mơ không còn thấy hiện về mỗi đêm nữa!
Cảm ơn từ lực cứu độ của Bồ-tát Địa Tạng, cảm kích đức từ phụ Thích-ca Mâu-ni, đã tuyên thuyết 84.000 pháp môn tu tập, thích ứng với các loại nhu cầu và căn tính không giống nhau của chúng sinh, nhờ đó chúng con mới biết có chư vị đại Bồ-tát từ bi rất mực thương yêu chúng sinh, như Bồ-tát Quán Thế Âm có tâm đại từ đại bi, Bồ-tát Địa Tạng có sức hoằng nguyện rộng lớn, Bồ-tát Văn-thù Sư-lợi có trí tuệ siêu việt, Bồ-tát Phổ Hiền có hạnh nguyện thâm sâu… Các Ngài thị hiện vào thế giới khổ nạn này, hầu giáo hóa cứu độ hết thảy chúng sinh. Tôi thấy đời này mình thật may mắn, vì có khả năng học Phật, nhận thức Phật pháp, nhờ đó mới tụng kinh hồi hướng công đức cho bà. Song nhân loại trên địa cầu và chúng sinh trong sáu đường luân hồi sinh tử, được bao nhiêu phần trăm có được nhân duyên này, quả thật chúng sinh có đủ phước duyên được nghe phương pháp giải thoát của Phật-đà quá ít!
Đức Phật cũng dạy: “Được thân người giống như bụi trên móng tay, mất thân người giống như đất trên đại địa”. Nên biết một khi đã mất thân người, vạn kiếp sau chưa chắc có lại được; ở trong ba đường xấu ác mà muốn phát tâm học Phật, tinh tấn hành trì, chẳng khác nào đứng dưới đất mà nhảy một cái lên tới trời, thật đáng thương làm sao! Viết tới đây, tôi nhớ lại đại nguyện vĩ đại của Sư phụ Thánh Khai thượng nhân. Ngài nguyện đời đời kiếp kiếp ở lại thế giới Ta-bà này để hóa độ chúng sinh, làm người quét đường, quét sạch cấu uế của nhân gian; làm như vậy cho đến 56 ức 7 ngàn vạn năm sau, Tịnh độ nhân gian hình thành, hoan nghênh Bồ-tát Di-lặc thị hiện xuống trần tu hành thành Phật. Mỗi lần nghĩ đến đại nguyện đó, tôi dâng trào niềm xúc cảm. Nghĩ đến con đường Bồ-tát khó làm, chúng sinh khó độ (cả chúng sinh bên trong mình và chúng sinh bên ngoài). Mỗi khi tâm buông lung phóng dật, chỉ cần nghĩ đến tinh thần đại Bồ- tát không sợ gian khổ, nhẫn những điều khó nhẫn, làm những việc khó làm của ân sư, trong lòng hổ thẹn và kính ngưỡng vô biên, nhờ đó nỗ lực hành trì, lúc nào cũng cảnh tỉnh chính mình.
Thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó bà nội qua đời đã được 6, 7 năm. Ngưỡng nguyện bà sớm siêu sinh về cõi lành, đời sau sinh ra gặp Phật pháp, tinh tấn tu trì. Cũng cầu nguyện đời này cho đến tận đời vị lai, sẽ có ngàn vạn “người quét đường”, cùng nhau quét sạch những thứ ô uế của nhân gian, hoằng dương chân đế của Phật pháp, ban rải nước cam lộ của Phật pháp khắp Tam thiên Đại thiên thế giới.
Tâm Hướng Phật/St!