Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Ý nghĩa ngày Đức Phật thành đạo

Sự kiện ngày Thành đạo của Đức Phật là điểm son trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản, bình đẳng, vô ngã và từ bi.

Sự thành đạo của Đức Phật ngày đó là một kết quả thành tựu do đã trải qua hằng sa vô số kiếp Đức Phật không ngừng tu tập hạnh Bồ tát “Vì xót thương chúng sinh”.

1. Ngày Đức Phật thành đạo – 8/12 âm lịch

Theo Phật giáo Bắc truyền, ngày Thành đạo diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch.

Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sinh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, và đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ở cõi trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới.

Cuối cùng Ngài nhận ra rằng, chỉ nên tìm học ở ngay chính mình chứ không tìm cầu bên ngoài mà được. Miệt mài thiền định dưới cội Tất bát la (Bồ đề), Ngài chứng quả vị tối thượng vào đêm thứ 49, khi sao Mai vừa mọc. Từ đó, Sa môn Cù Đàm trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đêm lịch sử ấy được gọi là Đêm Thành đạo.

“Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.”

“Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.” (Tăng chi I phẩm Một người, tr. 28, xb. 1980).

2. Ngày Phật thành đạo là dấu ấn quan trọng trong lịch sử nhân loại

Nhờ có ngày mùng 8 tháng 12 mà hôm nay thế giới loài người đã tôn vinh và công nhận đạo Phật là đạo của con người, vì con người mà sống thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim có hiểu biết.

Ngày Phật Thành Đạo là sự ra đời của đạo Phật, sự ra đời của những con người mang theo thông điệp hòa bình, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội với chất liệu từ bi hỷ xả, nhằm giúp cho con người sống yêu thương nhau bằng trái tim hiểu biết.

Nhờ có ngày Phật thành Đạo mà chúng ta ngày hôm nay mới biết được cách thức làm chủ bản thân, để sống đời vô ngã vị tha mà vẫn làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội.

Trong mười đức hiệu của Phật có một danh hiệu là Thiên Nhân Sư, tức Thầy của trời người. Vì sao đức Phật lại được tôn xưng như thế? Kinh nói “Như Lai ra đời vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người”.

(…. )Từ đêm thành đạo thiêng liêng ấy, Phật mở ra cánh cửa giải thoát để giúp cho mọi người biết cách làm chủ bản thân mà sống đời an vui, hạnh phúc. Nhờ có ngày mùng 8 tháng 12 mà hôm nay thế giới loài người đã tôn vinh và công nhận đạo Phật là đạo của con người, vì con người mà sống thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim có hiểu biết.

Nhờ vậy, chúng con bớt si mê cuồng dại trong tối tăm mờ mịt mà gây ra biết bao điều tội lỗi, làm khổ đau cho mình và người khác. Nếu không có đạo Phật ra đời, chúng con sẽ quay cuồng theo vòng xoáy thế thế gian mà đắm chìm trong đau khổ lầm mê.

Kể từ khi hiểu được đạo Phật, chúng con biết dừng lại dù cuộc đời có đẩy xô lôi kéo với những danh vọng quyền lực, phù phiếm xa hoa, chúng con từng bước đi vào cánh cửa giải thoát thiêng liêng kia. Cánh cửa giải thoát này là ánh sáng từ bi vô ngã, để chuyển hóa bóng tối vô minh điên đảo làm cho mình và người khác khổ đau vô cùng tận. Cánh cửa giải thoát không phải ở đâu xa xôi huyền bí, mà cánh cửa này có sẵn ngay nơi thân của mỗi người. Nếu ta biết tiếp nhận thì mình sẽ bình yên hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.

… Ánh sáng trí tuệ được xuất hiện nơi cội Bồ-đề năm xưa với chất liệu từ bi hỷ xả, đã giúp cho nhân loại ngày hôm nay thoát ra mê lầm từ muôn kiếp. Điểm đặc biệt đáng để cho chúng con ghi nhớ mãi, ánh sáng trí tuệ này ai cũng có nhờ biết cách buông xả những điên đảo vọng tưởng sai lầm.

Nhờ sự ra đời của đạo Phật với những lời dạy cao quý và thiết thực, đã giúp cho chúng con biết cách sống tốt đạo đẹp đời với tinh thần đạo pháp và dân tộc đất nước Việt Nam. Dù chúng con chưa thật sự giải thoát hoàn toàn như vị cha già kính yêu, nhưng lý tưởng và niềm tin vào tuệ giác của Phật đã dìu dắt chúng con đang dần tiến bước đến đích điểm của an lạc hạnh phúc.

Nhân ngày kỷ niệm đức Phật thành đạo, một lần nữa tất cả chúng con lại được đảnh lễ năm vóc sát đất dưới chân Phật bằng hết lòng thành quy ngưỡng kính tin trước một bậc Thầy vĩ đại của chư Thiên và loài người.

Ý nghĩa ngày Đức Phật thành đạo

3. Ý nghĩa ngày đức Phật thành đạo

Trước hết, Phật thành đạo có ý nghĩa đối với bản thân Ngài là một thành công viên mãn. Có trải qua biết bao tháng ngày dài trăn trở quên ăn bỏ ngủ, sáu năm trường khổ hạnh, công phu nhọc nhằn gạn lọc chân lý cạn sâu, dám hy sinh thân mạng và tất cả mọi thứ trên đời để tìm tòi mối đạo mới cảm nhận hết giá trị chói lọi huy hoàng của cái Ngày lịch sử Ngài được suy tôn lên ngôi Đại Giác. Một niềm an lạc sung mãn thấm đượm nơi Ngài đến nỗi Ngài trải qua tuần lễ đầu tiên sau khi Thành đạo để chứng nghiệm hạnh phúc tâm linh giải thoát và chính thức tuyên ngôn đoạn tuyệt với vòng luân hồi sanh tử khổ đau: “Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp. Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng nên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.”

Phật thành đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Ngài mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại, chúng sanh vì chí nguyện xuất gia của Ngài là để tìm phương cứu chữa cho đời sống chúng sanh ngập chìm trong đau thương, tăm tối như chính lời Ngài phân tỏ với Xa-Nặc lúc chia tay: “Chính vì đêm tối Ta mới đi tìm ánh sáng.” Trong khoảng thời gian 49 năm còn lại của đời mình, Ngài soi rọi Ánh Đạo Vàng đến khắp muôn phương và hiển thị rõ ràng rằng: “Nếu cõi đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã chẳng xuất hiện ở đời.” Ngài ra đời là “Vì an lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người” (Tăng Chi I). Động cơ cao thượng này khiến Ngài cảm thất thất vọng nơi chứng đắc tối hậu của hai đạo sĩ Alara Kalama và Uddaka Ramaputta mà bỏ ra đi.

Phật dạy, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Lời dạy ấy là đứng trên Phật quả. Nhưng theo tinh thần kinh Lăng Già thì “Chúng sanh đã là Phật”, tức nhắm trên Phật nhân. Đã là Phật, vì chúng sanh nào cũng có trí tuệ đức tướng Như Lai. Như kẻ ăn mày trong kinh Pháp Hoa không biết mình có hạt châu trong chéo áo, cứ phải sống đời lang thang cơ nhỡ. Đến lúc được bạn nhắc nhở, lấy ra dùng thì trở nên giàu sang phú quý. Hạt châu có sẵn như Đạo sẵn đủ tại tâm, chỉ vì ta quên nên mê, còn nhớ ra là ngộ Đạo.

Đức Phật thành đạo nơi cội Tất bát la cách đây gần 26 thế kỷ, nhưng câu chuyện tìm đạo của Ngài vẫn luôn là bài học lớn cho hàng đệ tử Phật chúng ta. Khi mới phát tâm tu, chúng ta cần có thầy hướng dẫn đường lối đúng đắn để khỏi lạc lầm. Đang trong giai đoạn dụng công, ta cũng cần thầy bạn sách tấn và sửa chữa những sai sót, để khỏi sa vào những cám dỗ của ngoại ma. Nhưng vấn đề ngộ đạo lại khác, tự thân hành giả nỗ lực công phu, phải tự nhận ra Phật tâm nơi chính mình chứ không ai làm thay cho ai được.

Hiểu và tin mình có khả năng thành Phật, chúng ta có sự vững vàng trên đường tu. Ta không tìm cầu Phật bên ngoài, không tin có một quyền năng ban phước giáng họa, mà chỉ tin chính tâm mình có chánh nhân thành Phật. Ta cứ một lòng một dạ tiến bước trong Chánh pháp mà không khởi ý niệm mong cầu, thì khi đủ thời tiết nhân duyên, tất nhiên trổ ra chánh quả. Đến lúc ấy, ta mới thấm thía và biết ơn vô cùng lời-dạy-vô-ngôn của Đức Bổn Sư khi cầm cành sen, hay gậy tổ Hoàng Bá khi đập cho đệ tử xuất cách Nghĩa Huyền ba gậy.

Vậy thì rốt cuộc, Thành đạo là nhận ra và hằng sống với con người chân thật chính mình.

Sự kiện Thành đạo của Đức Thế Tôn là điểm son trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản, bình đẳng, vô ngã và từ bi. Ngài là bậc thầy vĩ đại của nhân loại, một con người kỳ vĩ xuất hiện trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu xuất thể hiện qua ngôn ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch sử tôn giáo và triết học.

Thời gian trôi đi, thế giới loài người cũng đã bao lần đổi thay, nhưng những lời dạy của Đức Phật vẫn mãi mãi là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành. Đức Phật chỉ là một con người, nhưng là một con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào, người ta cũng thấy được hiện thân của Ngài. Đó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi.

4. Ngày Thành Đạo, con dâng lời cầu nguyện

Nếu nghìn xưa Phật không ngồi bất động
Thì giờ này con đang ở nơi đâu?
Trong rừng thẳm, ngoài bãi bể nương dâu
Hay đọa đày địa ngục sâu tăm tối.

Nếu nghìn xưa Người không ngồi tĩnh lặng
Liệu bây giờ thế giới có niềm tin
Trong ước mơ một trái đất thanh bình
Nơi loài người biết hướng về lẽ phải

Nếu nghìn xưa Người không ngồi nhập định
Có khi nào thế giới bớt khổ đau
Bởi vô minh trong ác độc thẳm sâu
Tâm con người vẫn còn dày bản ngã

Nếu nghìn xưa Người không thành Phật Quả
Liệu bây giờ nhân loại có hướng đi
Hay lạc vào những nẻo tối cuồng si
Trôi lăn mãi trong luân hồi đau khổ

Đời vẫn khổ, nhưng vì Người Thành Đạo
Sáng một niềm tin soi giữa cuộc đời
Cho nhân thế dẫu đương còn tăm tối
Vẫn mơ về giác ngộ ở tương lai

Con ngồi nơi đây đêm hôm giá lạnh Kính thương
Người từng lặn lội rừng thiêng
Trong mênh mông giữa sương sớm u huyền
Người giác ngộ, Người trở thành bất diệt

Xin dâng Phật cả trái tim, mạng sống
Làm hạt bụi nhỏ theo bước Người đi
Để tu hành, diệt ngã chấp, ngu si
Và giữ gìn ánh mặt trời còn mãi

Ngày Thành Đạo, con dâng lời cầu nguyện
Cho muôn loài biết tìm về chân như
Cho tinh cầu ngập trong ánh đạo từ
Phật pháp sáng soi trường tồn bất diệt!

5. Ngày Đức Phật thành đạo là ngày Tết của đạo Phật và của cả nhân loại

Gần 2.600 năm trước, giữa nhân gian, trong tâm hồn của một con người bừng lên chân lý tuyệt đối, bừng lên ánh sáng giác ngộ. Kể từ đó, bóng đêm từ từ lui ra, ánh sáng từ từ lan tỏa. Đó là bình minh của nhân loại. Đó là ngày đặc biệt quan trọng để cho chúng ta tôn vinh, ca ngợi, tưởng niệm, tôn thờ.

Chúng ta tôn vinh ngày sinh của Đức Phật, chúng ta được phước là mình hay được chúc mừng sinh nhật. Nếu chúng ta tôn vinh ngày Thành Đạo của Phật thì sau này chúng ta được cái phước là sẽ Đắc Đạo. Ngược lại, nếu chúng ta coi thường Lễ Thành Đạo tức là trong tâm mình không có cái nhân của sự Đắc Đạo. Vì vậy, chúng ta phải xem Lễ Thành Đạo là ngày lễ quan trọng nhất, long trọng nhất trong tất cả những ngày lễ khác.

Chúng ta phải tôn vinh, phải làm cho ngày Thành Đạo trở thành một niềm vui lớn chung của mọi người. Vào ngày này, chúng ta phải mặc đồ đẹp, đi thăm hỏi nhau, tặng quà, gửi thiệp cho nhau, để nhắc mọi người nhớ là ngày này hơn 2.500 năm trước đã có một con người đạt được sự giác ngộ tuyệt đối.

Nếu chúng ta không đến chùa dự lễ được thì ở nhà mình cũng phải thắp hương tưởng niệm và ngày đó phải tổ chức cho thật vui. Chúng ta phải gặp nhau, phải vui mừng đối xử tốt và chúc nhau những câu chúc tốt đẹp nhất. Ví dụ như, Tết mình chúc anh năm mới an khang thịnh vượng, ăn nên làm ra, cầu gì được nấy,… Nghĩa là chúc nhau đủ điều tốt đẹp, nhưng đó đều là những lời chúc tầm thường.

Còn lời chúc cao quý nhất nhân ngày Thành Đạo là: “Tôi xin chúc bạn sẽ được Đắc Đạo”. Đó là lời chúc cao quý nhất trong tất cả những lời chúc. Nên từ nay và mãi mãi về sau vào ngày Thành Đạo, chúng ta gặp nhau, chúng ta chắp tay chào nhau và xin chúc tất cả chúng sinh sẽ Đắc Đạo. Đó là lời chúc tốt đẹp nhất, cao quý nhất trong mọi lời chúc.

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Phật nói “Tại sao bạn có được thân người”

Định Tuệ

Bất Tương Ưng Hành Pháp là gì?

Định Tuệ

Tỳ Kheo có nghĩa là gì? Năm đặc tính của Tỳ-kheo

Định Tuệ

Người tu đạo cần tuyệt đối tránh tâm sân hận

Định Tuệ

Tu là để cầu bình an hay sửa đổi xấu thành tốt?

Định Tuệ

Thờ cúng Địa Tạng Bồ Tát có công đức lợi ích gì?

Định Tuệ

Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật

Định Tuệ

Cuộc sống của Chư Thiên như thế nào? Chư Thiên có sinh con cái không?

Định Tuệ

Phật thuyết Đại như ý bảo châu Luân Ngưu Vương thủ hộ thần chú Kinh

Định Tuệ

Viết Bình Luận