Hạnh phúc của sáu trần thế gian rất dễ bị tấn công. Mình đang toại ý, chỉ cần tí ti bất toại chen vào là mình nổi điên lên. Hạnh phúc đó mất sạch.
Chúng ta có là Phạm thiên, là ngạ quỷ, là súc sanh, là thần tiên, là thánh hay bất cứ là cái gì trong cuộc đời này chúng ta cũng chỉ là sự có mặt của Lục Căn mà thôi, dĩ nhiên là tùy cõi, có cõi có ba căn hay chỉ có một căn.
Phạm thiên cõi Vô sắc, trong thời gian sanh về cõi Vô sắc thì chỉ có ý căn; trong thời gian sanh về cõi Phạm Thiên thì chỉ có ba căn, nhãn, nhĩ, ý căn; trong thời gian chúng ta ở cõi Dục giới có lúc chúng ta có đủ sáu căn, có khi không đủ.
Ở cõi Phạm thiên không đủ sáu căn vì người ta không cần tới nên không có; còn ở cõi Dục giới, những khi ta không có đủ sáu căn thì đó là tàn tật, khuyết hãm. Làm người, bẩm sinh sinh ra đã mù là không có nhãn căn, sinh ra đã điếc thì không có nhĩ căn.
Súc sanh bàng sanh có những loài không đủ sáu căn, có loài chỉ sống bằng xúc giác hay vị giác, có loài sống nhiều bằng khứu giác. Ví dụ như rắn, chúng tấn công dựa vào thân nhiệt của con mồi, chúng dùng xúc giác cảm hơi nóng của con mồi rồi cắn, chớ nói nó dùng mắt, mũi, tai thì không đúng. Hoặc có trường hợp nó dùng mắt, nếu con mồi ở dưới nước.
Như vậy toàn bộ đời sống của chúng sanh chỉ là một chuỗi dài ghép nối của những hoạt động của sáu căn, nói như vậy có nghĩa là sinh tử hay giải thoát chỉ nằm quẩn quanh trong sáu căn.
Chúng ta làm gì với sáu căn? Phải có sáu trần để biết mới gọi là sáu căn, nếu chỉ có căn mà không có trần thì không gọi là sáu căn. Ví dụ móc con mắt ra để trên bàn thì không còn là nhãn căn nữa, vì lúc bấy giờ chức năng nhìn thấy được của cục thịt đó không còn nữa. Gọi là con mắt, nhưng rốt ráo nó chỉ là cục thịt mà thôi, nó được gọi là nhãn căn chỉ trong trường hợp nó còn nằm trong cơ thể và còn sử dụng được.
Thu thúc lục căn nghĩa là vẫn tiếp tục sống bình thường, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, nhưng hồi xưa giờ là mình đi tìm cái để mình nhìn, tìm cái để mình nghe, tránh nhìn cái này lại muốn tìm cái khác để nhìn, bây giờ thì không, cứ làm chuyện cần làm, còn 6 căn thì tùy lúc chúng hoạt động ra sao thì chuyện của chúng, chứ không đi kiếm.
Ví dụ bây giờ chín rưỡi rồi, tới giờ tôi đi kinh hành. Tôi bước, tôi chánh niệm, tôi biết rõ tôi bước. Tôi nghe “độp” biết cái gì rớt sau lưng. Cái gì nổi bật tôi ghi nhận cái đó. Tôi giựt mình: Ồ giựt mình! Ồ sợ! Mình đang sợ! Tâm sân! Hoặc biết đang giận, giờ này đang kinh hành mà sao ai gây tiếng động, biết là sân. Hoặc không sợ thì biết đang nghe, nhĩ căn đang làm việc. Mười giờ rưỡi, ngồi xuống, thấy đau lưng, biết đau, biết đây là khổ thọ. Nếu sợ hãi: Ồ, sợ hãi! Đang sân nghen! Cái gì nổi bật thì ghi nhận cái đó. Bây giờ niệm cái gì ta? Cái gì nổi bật nhất là tôi niệm. Niệm là ghi nhận chớ không phải là réo gọi tên nhau. Ghi nhận: Ố ồ, tôi đang sợ! Ố ồ, tôi đang đau! Khổ thọ đang có mặt. Cứ nhớ là ở đây chỉ có danh, chỉ có sắc, không có Tèo, không có Tý gì hết.
Phải có học giáo lý thì thu thúc lục căn mới phát huy có hiệu quả. Vị tỳ kheo nói riêng và hành giả cầu đạo giải thoát nói chung khi nghe cái gì thì biết rõ tâm mình đang thiện, đang sân hay đang tham. Chỉ biết cái tâm đằng sau việc ghi nhận trần cảnh đó thôi. Thu thúc lục căn ở đây không có nghĩa là nhắm chặt mắt, bịt kín tai mà là nhận biết mọi sự trong khả năng kiểm soát triệt để của mình.
Làm sao làm được việc này? Có người coi việc này rất khó, có người coi việc này rất dễ? Vì sao, vì họ có học giáo lý. Họ biết 6 trần có ngọt cách mấy thì nó cũng không phải là của mình, nó có ngọt cách mấy đi nữa thì nó cũng đang vô thường. Khi ta nhận biết được cái gì đang có mặt thì đối tượng ấy đang vô thường, hoặc nó không còn nữa.
Cho nên, nói một cách chung chung, tu Tứ Niệm Xứ là sống ngay trong hiện tại, nhưng phải hiểu rằng hiện tại là không nghĩ về chuyện cũ, không truy về chuyện mới, chứ còn hiện tại mà nói theo nghĩa thời gian là trật lất.
Khi ta nhận biết ta đang tham thì lúc đó cái tham đã mất rồi. Vì sao, tâm nào biết? Tâm thiện! Làm sao mà hai cái tâm cùng lúc có mặt được nên khi tâm thiện xuất hiện để làm cái chuyện biết thì lúc đó tâm tham mất tiêu. Nhưng vì đâu khi mình niệm ‘sân, sân, sân’ mà sân vẫn còn đó? Phải học mới biết! Khi cái sân xuất hiện thì phải có tâm thiện xuất hiện mới biết được, nhưng tại sao thấy sân vẫn còn? Bởi vì sân mới xuất hiện xen kẽ. Vì niệm mình yếu, tuệ mình yếu, nên mình có biết nhưng cái biết đó chưa đủ dài, chưa đủ mạnh để choán chỗ hẳn hoi cái loạt tâm sân tiếp theo, cái loạt tâm tham tiếp theo.
Cho nên mình vừa biết đây là sân, đây là tham thì bất thiện khác ập tới, nên lúc đó niệm của mình giống như cọng cỏ lác trên dòng chảy của phiền não. Một hành giả mà niệm tuệ yếu thì cái niệm lúc ghi nhận tham và sân sẽ yếu như cọng cỏ lác trên dòng chảy của phiền não. Với một người niệm mạnh, khi họ ghi nhận thì chánh niệm, thiện tâm của họ choán chỗ toàn bộ, cái bất thiện đâu còn chỗ chen nữa. Niệm của mình yếu quá nên mới ở dưới mới trồi lên được một cọng niệm thôi thì nguyên một dòng bất thiện tràn tới, cuốn phăng. Rồi thì lúc đó cái niệm đó mất đi. Rồi lại xuất hiện một cái niệm khác để ghi nhận, nhưng trước khi vừa mất xong thì cái bất thiện khác ập tới. Quí vị sẽ nói: “Ủa sao người ta nói niệm thì bằng tâm thiện, tâm thiện có mặt thì tâm bất thiện vắng mặt, sao tôi niệm hoài mà nó vẫn có mặt?” Vì nó yếu quá! Một tay cảnh sát ốm tong teo gầy gò (như tui) làm sao có thể trấn áp một triệu người biểu tình với gậy gộc đất đá tràn tới. Như cái sức của tôi bây giờ hai cô gái mảnh mai chỉ xô là đã diệt tôi được rồi chớ đừng nói một triệu người.
Thu thúc lục căn là sống bằng sáu căn nhưng sống trong kiểm soát. Buổi đầu anh chỉ là anh cảnh sát gầy gò, từ từ cái niệm, cái tuệ của anh trở thành một tiểu đội cảnh sát, một trung đội cảnh sát, một đại đội cảnh sát, một tiểu đoàn cảnh sát. Còn đám bạo dân thì mới đầu là một triệu từ từ giảm xuống, còn 500 ngàn, 300 ngàn, 100 ngàn và đến khi cân bằng lực lượng thì mới khá, mới trấn áp được.
Tôi cũng phải nói một chuyện rất là khó tin ở đây đó là hồi xưa giờ mình chạy theo cái mình thích, bây giờ có kẻ bèn nói với mình muốn an lạc thì phải thu thúc lục căn đừng chạy theo 6 trần nữa và hứa với mình rằng như vậy sẽ an lạc hơn. Xin hỏi, sẽ an lạc chỗ nào? Làm sao tin được? Tôi tin không nổi rồi đó! Tuy nhiên, tại sao chúng ta tin không nổi? Vì chúng ta không có học giáo lý và không có thực tập nên không biết được chuyện này. Hồi đó đến giờ mình chạy theo cái mình thích thì mình hạnh phúc, xin hỏi:
1. Chạy theo sáu trần mình muốn thì sẽ có được bao nhiêu phần trăm toại ý?
2. Những cái toại ý ấy liên tục biến mất, liên tục thay đổi, mình giữ được bao lâu? Nó chưa kịp bỏ mình là mình bỏ nó.
3. Hậu quả của những lần thưởng thức ấy để lại là không hề nhỏ.
Đó là lý do phải sống chánh niệm, phải thu thúc lục căn.
Hạnh phúc của thế gian chỉ được có khi ta sống bằng sự u mê trong bóng tối. Khi ta sống tỉnh táo quá, minh bạch quá, sáng sủa quá thì nó mất sạch. Ví dụ như khi đói nhũn gặp món ăn yêu thích là phải phóng dật, nhai ngấu nghiến thất niệm ăn mới ngon, chứ còn từ từ múc lên nhai biết đang nhai, tâm tham biết là tâm tham thì bớt ngon nhiều lắm. Quí vị có thể kiểm chứng được điều này. Đó là hạnh phúc thế gian. Còn sự an lạc của người tu hễ càng sáng rực, càng minh bạch rõ ràng, càng niệm, càng tuệ chừng nào thì sự an lạc đó càng lớn, càng rõ ràng như vậy.
Hạnh phúc của sáu trần thế gian rất dễ bị tấn công. Mình đang toại ý, chỉ cần tí ti bất toại chen vào là mình nổi điên lên. Hạnh phúc đó mất sạch. Người an lạc bằng niệm bằng tuệ thì lại khác, đã có niệm có tuệ thì hạnh phúc này không bị thử thách, tuy có bị vô thường, nhưng mất là có cái khác thế vô. Niệm và tuệ không để chúng ta bị thử thách đắng cay như khi chúng ta hưởng dục. Người sống bằng chánh niệm thì cái gì cũng biết, đắng biết đắng, ngọt biết ngọt. Buổi đầu thì hành giả biết đắng biết ngọt, cuối cùng thì hành giả biết đây là danh đang sanh, danh đang diệt, sắc đang sanh, sắc đang diệt, chứ không còn bận tâm đắng hay ngọt nữa. Hành giả chỉ chìm sâu trong cảnh chân đế, làm gì có đắng, có ngọt.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nguồn: Nhật ký chép bằng Kinh.