Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Vô minh là gì? Vô minh là không biết vô thường, sinh diệt

Vô minh là gì? Vô minh tức là tham, sân, si, mạn, nghi. Năm thứ ác nghiệp nầy có thể khiến cho con người điên đảo đến phát cuồng.

1. Vô minh là gì?

Vô minh tức là tham, sân, si, mạn, nghi. Năm thứ ác nghiệp nầy có thể khiến cho con người điên đảo đến phát cuồng.

Tâm tham: Là đối với cảnh thuận, chúng ta sẽ khởi lòng tham ái đến nỗi không có thì không được. Thậm chí có người vì muốn được mục đích của mình mà bất chấp các thủ đoạn, bằng không họ chẳng cam lòng.

Tâm sân: Là khi gặp cảnh nghịch, chúng ta sẽ giận hờn và nổi nóng, như không chửi người thì cũng đánh người, thậm chí còn giết hại người nữa. Đó đều là do tâm sân hận tác quái, nó khiến con người mất cả lý trí và ý chí xử sự mọi việc. Người có tâm như thế, ắt sẽ làm cho xã hội chẳng được an ninh, trật tự.

Tâm si: Là người không có trí huệ, không biết phải trái, cũng không phân biệt được thiện ác, cho nên hồ đồ điên đảo, hậu quả là thành kẻ bất lương, tạo nhiều nghiệp tội.

Tâm mạn: Là tự đề cao mình và đè ép người khác. Tự cho chuyện gì mình cũng hay hơn, nổi bậc hơn người. Thứ hành vi cống cao ngã mạn nầy là điều tối kỵ, chúng ta không nên có.

Tâm nghi: Là người đối với việc chánh đáng lại sanh lòng hoài nghi, không tin lời nói của bất cứ ai. Người có thứ tâm lý như vậy là bất thường, là sai lầm vì đã tự hạ thấp mình.

Năm loại tâm lý nầy đều là không bình thường, đều là do cái nhân vô minh dẫn đến. Người tu hành nhất định phải tiêu diệt vô minh, đừng để nó gây sóng gió thành tai họa vô cùng tận như vậy.

Vô minh khiến cho kẻ phàm phu chỉ biết dụng công vào mấy thứ tình dục. Họ nghĩ rằng chuyện tình ái ở thế gian là thật, cho nên họ không thể xa rời và cũng không nỡ buông bỏ nó.

Do đó họ gắn bó với lục thân quyến thuộc một cách rối ren mà buông xả không đành. Rồi họ tạo ra biết bao thiện ác lẫn lộn, họ cũng không phân biệt được giữa ô nhiễm và thanh tịnh.

Đời đời kiếp kiếp, họ cứ quay quanh trong vòng sanh tử luân hồi, vĩnh viễn không bao giờ ngừng. Cho nên nói vô minh là căn bản của sanh tử. Người tu hành không có mấy thứ rắc rối đó đè nặng trong tâm, cho nên họ dễ được thanh tịnh, giải thoát và hết sanh tử.

Nếu không cắt đứt vô minh, chúng ta vĩnh viễn sẽ bị nó chi phối, để rồi xuống địa ngục, chạy lên núi đao, hay là vào chảo dầu sôi. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ hối hận là lúc đầu sao mình không chịu tu hành tinh tấn. Nhưng rất tiếc là đã không còn kịp nữa.

Tôi xin khuyên quý vị nên tu hành cho kịp thời, đừng có tưởng là ngày tháng còn dài mà hẹn lần, hẹn lựa. Bậc cổ đức có nói: “Đừng đợi đến già mới học đạo, mồ lẻ loi lắm kẻ thiếu niên.”

Học đạo được một ngày là gần được Tịnh Độ thêm một chút. Như vậy từng chút từng chút, quý vị sẽ đến được cõi Tịnh Độ. Nếu quý vị không chuyên cần tu đạo mà lại muốn đến Tịnh Độ, thì sẽ không đến được đâu!

Công việc trên đời, dù chúng ta có lãng phí thời gian để làm, rốt cuộc cũng chẳng được lợi ích gì. Nhưng chỉ có pháp môn tu hành là không lãng phí thời gian. Nếu quý vị tu được một phút thì được một phút lợi lạc. Cho nên nói: “Gom cát thành tháp,” tức là từng bước, từng bước không ngừng tiến tới, tự nhiên quý vị sẽ đến được bờ bên kia. -“Hòa Thượng Tuyên Hoá“!

2. Vô minh là cấu uế lớn nhất

Cấu uế tức các phiền não nói chung là nhân tố chính làm trở ngại sự thăng hoa tâm trong lộ trình tu tập. Tâm của chúng ta có vô vàn cấu uế, mỗi loại có một ảnh hưởng đến một khía cạnh khác nhau trong quá trình thanh lọc tâm.

Một thời, Thế Tôn ở Vesàli, tại Mahavàna, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có tám cấu uế này. Thế nào là tám?

Này các Tỷ kheo, không đọc tụng là cấu uế của Thánh điển; không thức dậy là cấu uế của nhà; biếng nhác là cấu uế của dung sắc; phóng dật là cấu uế của phòng hộ; ác hạnh là cấu uế của đàn bà; xan tham là cấu uế của bố thí; các ác pháp là cấu uế của đời này và đời sau. Nhưng này các Tỷ kheo, còn có cấu uế lớn hơn các cấu uế, vô minh là cấu uế lớn nhất.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Lớn, phần Các cấu uế [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.553)

Lời bàn:

Cấu uế tức các phiền não nói chung là nhân tố chính làm trở ngại sự thăng hoa tâm trong lộ trình tu tập. Tâm của chúng ta có vô vàn cấu uế, mỗi loại có một ảnh hưởng đến một khía cạnh khác nhau trong quá trình thanh lọc tâm. Chung quy cấu uế là dơ bẩn, làm trở ngại, chướng ngại thanh tịnh cần phải chuyển hóa, loại trừ.

Không tìm hiểu, nghiên tầm để nhận thức đúng đắn về giáo pháp là một chướng ngại. Giáo pháp giải thoát của Thế Tôn thật quý giá nhưng sự tôn kính giáo pháp phải được thể hiện nơi học tập, tìm ra con đường và thân chứng. Vì thế, Thánh điển sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí bị mai một dần nếu chúng ta thỉnh về chỉ để… thờ.

Các phương diện khác của đời sống cũng vậy, từ nhà cửa cho đến thân thể sẽ bị biếng nhác, giải đãi làm cho cấu uế. Sự buông thả, phóng túng sẽ trở ngại việc phòng hộ, giữ gìn; giữ sáu căn không loạn động khi tiếp xúc với trần cảnh. Tâm ích kỷ, ganh tỵ cùng với những hành động xấu ác sẽ làm hoen ố nhân cách con người. Sự xan tham sẽ làm chùng tâm bố thí, những ý niệm tốt đẹp về san sẻ dễ dàng bị lòng tham che lấp, ngăn ngại. Và những điều xấu ác đang xảy ra trong hiện tại chắc chắn sẽ làm cấu bẩn sự tốt đẹp, tươi sáng ở tương lai.

Tuy nhiên, cấu uế lớn nhất và chi phối mạnh mẽ nhất đối với mọi lãnh vực hoạt động của con người đó là vô minh. Chính sự si ám, không sáng suốt, thiếu tuệ giác là cội nguồn của tham ái, chấp thủ và cấu uế. Mọi khổ đau của chúng sanh đều bắt nguồn từ vô minh. Vì thế, đoạn trừ vô minh để khai mở tuệ giác là trọng tâm của tu tập. Do vậy, chúng ta không lạ khi phương châm tu học của hàng Phật tử luôn là “Duy tuệ thị nghiệp”. – Quảng Tánh!

3. Vô minh là không biết vô thường, sinh diệt

Minh trong đạo Phật là tuệ giác, thấy biết như thật về vạn pháp. Đức Phật khi thành đạo Ngài chứng Tam minh (Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh). Các bậc Thánh A-la-hán chứng đạo thì vô minh diệt và minh sinh. Hàng đệ tử Phật chúng ta mỗi phút giây vẫn đang thực tập minh sát, phát huy chánh niệm và tỉnh giác để thấy tất cả pháp đều vô thường, sinh diệt, vô ngã.

“Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật. Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

-Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

-Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời.

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

-Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh?

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

-Là không biết. Không biết tức là vô minh. Không biết cái gì? Không biết như thật mắt là vô thường; đó gọi là không biết. Không biết như thật mắt là pháp sanh diệt, đó gọi là không biết. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Như vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đối với sáu xúc nhập xứ này mà không như thật thấy, biết, không vô gián đẳng, ngu si, không sáng, tối tăm, đó gọi là vô minh.

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

-Gọi là minh, vậy thế nào là minh?

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

-Là biết. Biết tức là minh. Biết những gì? Mắt là vô thường, nên biết như thật mắt là vô thường; mắt là pháp sanh diệt, nên biết như thật mắt là pháp sanh diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đối với sáu xúc nhập xứ này mà như thật biết, thấy, sáng tỏ, giác ngộ, có trí tuệ, có vô gián đẳng, đó gọi là minh.

Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ đều tùy hỷ, mỗi người trở về chỗ của mình.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 251)

Thì ra, minh hay tuệ giác không ở đâu xa mà có ngay trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Ngay nơi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của mình, hãy quán sát để thấy biết rõ chúng vô thường, là pháp sinh diệt. Cái khó là chúng ta không phải lúc nào cũng tỉnh giác để hiện quán (vô đẳng giác), thấy rõ đương tại các pháp đang sinh diệt trong từng sát-na.

Sáu căn vô thường sinh diệt lại tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) cũng vô thường sinh diệt. Do tiếp xúc làm duyên nối căn trần lại với nhau mà từ đó sinh yêu ghét. Vô minh hay có minh xuất hiện trong khoảnh khắc này và dẫn ta đi về vô tận thăng trầm khổ vui hay nhẹ nhàng an yên trong cuộc sống.

Không thường biết (vô minh) thì mọi thứ đều thật, mọi khổ vui trong cuộc đời đều hiện hữu rất thật. Từ đó mà rong ruổi tìm cầu, nắm giữ điều yêu thích và chối bỏ, xua đuổi những điều chán ghét. Vòng luẩn quẩn yêu ghét của cuộc sống sẽ chấm dứt khi tâm ta sáng tỏ, thấy căn trần đều hư giả thì nhẹ nhàng xả buông mọi thứ. Thường minh, tức luôn thấy biết rõ ràng tính duyên sinh giả hợp của pháp thì tự khắc an yên. – Quảng Tánh!

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Táo Quân là có thật, quyết không phải giả

Định Tuệ

Vì sao cần phải thoát vòng sinh tử luân hồi?

Định Tuệ

Thần chú Phá địa ngục chân ngôn

Định Tuệ

7 cách lạy Phật – Lễ Phật phải xuất phát từ lòng kính

Định Tuệ

Ý nghĩa của bố thí là gì?

Định Tuệ

Từ bi bình đẳng, yêu thương tất cả mọi vật

Định Tuệ

Nghiệp là gì? Nghiệp lực từ đâu sinh ra? Khi nào thì nghiệp chuyển?

Định Tuệ

Bảo Tạng Thiên Nữ Đà La Ni – Cầu Tài Chú

Định Tuệ

Phong thủy tốt hay xấu là do chính bạn

Định Tuệ

Viết Bình Luận