Đức Phật dạy nếu người Phật tử muốn tỏ lòng tôn kính và biết ơn Ngài thì nên cúng dường Ngài bằng sự thực hành giáo pháp vì đó là món quà giá trị và cao quý nhất.
Thật vậy, nếu ta hành đạo đạt đến giải thoát đau khổ, ta mới thực sự an vui. Rồi đem cái an vui ấy lên dâng cúng Ngài. Lúc ấy ta mới thật là con trai, con gái của Ngài. Con thì phải giống cha: không tham, sân, si.
Như vậy, cũng không cần phải bỏ nhà cửa, vợ con đến bái lạy Ngài mới gọi là cúng dường. Chỉ cần thực hành để thấy cho được nhân, quả của khổ, của vui. Đó là cách tỏ lòng tri ân Đức Bổn Sư một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất.
Ta thường bắt đầu sự tu tập bằng 10 cách niệm (Phật, Pháp, Tăng, Chư Thiên, Bố Thí, Trì Giới, Thân Bất Tịnh, Hơi Thở, Sự Chết, Niết Bàn). Tất cả cách niệm đều do đức tin. Dần dần, ta phải biết tách rời chúng, xem cách nào có lợi ích hay thích nghi. Chẳng hạn như niệm Phật là do niềm tin vào sự giác ngộ của một bậc có trí tuệ, một bậc đã giải thoát vòng sanh tử luân hồi.
Nhưng để đạt những phẩm tính này, Đức Phật đã hành trì thành công pháp thiền Minh Sát Niệm Xứ (Vipassanā) và đã truyền lại công thức cho ta. Đức Phật không thể loại trừ tham, sân, si ra khỏi tâm ta mà chính ta phải tự làm việc ấy bằng cách hành thiền Minh Sát Niệm Xứ cũng giống như Ngài đã làm.
Khi ngồi thiền, ta luôn chạm mặt với hành khổ vì “các pháp hữu vi đều không bền vững, luôn sanh diệt nên có sự khổ”. Ta hay nói sanh, già, đau, chết là khổ của kiếp nhân sinh nhưng đó chỉ là thấy quả của chúng thôi, chứ không thấy cái khổ từ trong thai bào chịu đựng chín tháng mười ngày. Thấy tóc bạc, răng rụng, lưng còng cũng chỉ là thấy cái quả của già chứ không thấy nhân của già trong từng giây phút.
Phải thấy rõ từng cái nhân của các sự khổ này mới có cái phước thật sự để cúng dường lên Tam Bảo. Cúng dường Phật lúc thân còn trẻ trung khỏe mạnh, tâm còn sáng suốt thì phước nhiều hơn.
Ví như đối với bác sĩ, thân chủ còn trẻ, khỏe, dễ chữa trị hơn người già yếu. Bác sĩ hay yêu cầu thân chủ mỗi năm phải đi khám tổng quát, chích ngừa đúng hạn. Bác sĩ sẽ vui khi thấy thân chủ nhờ làm đúng theo lời dặn của mình mà có sức khỏe tốt, tuổi thọ tăng. Ta đừng đợi đến khi hết cách chữa mới đi kiếm thầy, chạy thuốc thì dù thầy giỏi, thuốc tiên cũng không trị được bệnh.
Vậy ta cũng không nên đợi đến lúc già, bệnh mới nhớ cúng dường Phật để cầu Ngài cứu độ mà phải biết cách đoạn diệt cái khổ ngay từ bây giờ trong từng giây phút. Loại trừ được cái chết trong từng giây phút chính là cúng dường Tam Bảo từng giây phút.
Thực hành Pháp để báo ơn Phật
Sau khi Thành đạo dưới cội bồ-đề, Đức Bổn Sư đã suy nghĩ đến việc liệu có nên đem Chánh pháp mà Ngài liễu ngộ được truyền bá để làm lợi lạc quần sanh hay lập tức nhập vô dư y Niết-bàn.
Bởi lẽ Chánh pháp mà Ngài chứng ngộ khó tin, khó hiểu, khó thực hành; trong khi chúng sanh nhiều dục vọng, si mê và ưa chạy theo những thứ phù phiếm, ưa được thỏa mãn ý muốn tức thời.
Hạnh phúc thay, Đức Bổn Sư đã dùng nhiều phương tiện thiện xảo để giáo pháp của Ngài có thể phổ cập quần sanh – những chúng sanh được Ngài ví như những nụ sen còn chìm trong bùn, những nụ sen còn đang trong nước và những nụ sen bắt đầu vươn lên để nở thành hoa.
Nhưng nụ sen chỉ như những cái ngó nằm sâu trong bùn lúc nào cũng nhiều hơn, rất nhiều. Còn những chúng sanh có duyên với Chánh pháp, không phải ai cũng có thể vươn lên khỏi bùn lầy nước đọng để khoe sắc, tỏa hương. Hành trình vươn lên đòi hỏi nỗ lực phi thường và bền bỉ trong việc thực hành Chánh pháp với niềm tin bất hoại.
Thuở Phật còn tại thế, kinh điển (Tiểu bộ kinh) ghi lại trường hợp 500 người bạn của trưởng giả Cấp Cô Độc, được Đức Thế Tôn thuyết pháp “với một phạm âm đầy đủ tám phần tuyệt hảo, kỳ diệu làm tai thích thú,… một pháp thoại dịu ngọt và chói sáng với nhiều vẻ đẹp khác nhau”, nên “tâm được tịnh tín, liền đứng dậy đảnh lễ bậc Ðạo sư, phá vỡ pháp quy y ngoại đạo, rồi quy y Phật”. Nhưng sau đó, “trong thời gian Như Lai đi vắng, họ phá vỡ pháp quy y Phật. Rồi họ lại quy y ngoại đạo, trở lui nguyên trạng của họ”. Khoảng bảy đến tám tháng sau, Đức Phật trở lại, gặp 500 cư sĩ đó, Ngài quở trách “các ông đã làm một việc sai lạc”. May thay, các cư sĩ này đã bỏ pháp ngoại đạo, trở lại quy y Tam bảo, nỗ lực tu tập và chứng được quả Dự lưu, không bao giờ còn thoái lui nữa.
Phật dạy: “Ai quy y Đức Phật, Chánh pháp và chư Tăng. Ai dùng chánh tri kiến, thấy được Bốn sự thật, thấy Khổ và Khổ tập, thấy sự khổ vượt qua, thấy đường Thánh tám ngành, đưa đến khổ não tận. Thật quy y an ổn, thật quy y tối thượng, có quy y như vậy, mới thoát mọi khổ đau”. Lời dạy này của Phật không chỉ dành riêng cho 500 cư sĩ, mà dành cho tất cả chúng ta. Những ai đã quy y Tam bảo, muốn có niềm tin sâu sắc, hẳn phải hiểu và thực hành Chánh pháp, căn bản phải thấy được Tứ diệu đế, Bát Chánh đạo, là những giáo lý căn bản của Phật để có được sự an ổn và giải thoát.
Hiện tượng những Phật tử đã quy y Phật, hoặc sinh ra trong gia đình hướng Phật, vì lý do nào đó, đã đến quy y ngoại đạo, không phải là chuyện hiếm trong xã hội ngày nay. Việc quy y đó thường do những cái lợi trước mắt; hoặc cũng có thể bởi họ mất niềm tin vào Tam bảo. Đây là một vấn nạn lớn của Phật giáo nói chung.
Phật giáo không chạy theo “thành tích” trong việc gia tăng số lượng tín đồ. Mà hoằng pháp chính là bổn hoài của chư Phật, nhằm đem lợi lạc đến với quần sanh.
Do đó, người con Phật tự thân phải hành trì Chánh pháp và hướng dẫn người khác hành trì như mình để mang lại an lạc, hạnh phúc thực sự. Người có niềm tin sâu sắc và biết thực hành Chánh pháp sẽ không vì cái lợi trước mắt mà phá vỡ pháp quy y Tam bảo. Sự hành trì đó là tiếp nối bổn hoài và để báo ân chư Phật vậy.
Nguồn: Phatgiao.org!