Kinh Kim Quang Minh hay Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, Ánh Sáng Hoàng Kim. Dưới đây là nội dung Phẩm Mộng thấy trống vàng phát tâm sám hối.
Bồ-tát Diệu Tràng, sau khi đích thân nghe Phật nói pháp, lòng rất vui mừng, một lòng suy nghĩ nghĩa lí sâu xa, rồi về trụ xứ. Đêm đó bồ-tát nằm mộng thấy một chiếc trống bằng vàng, phát ra ánh sáng vô cùng rực rỡ giống như mặt trời. Trong vầng ánh sáng có vô lượng Phật ngồi tòa lưu li nơi cội cây báu, đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh. Lúc ấy có một vị Bà-la-môn đánh vào trống vàng, phát ra âm thanh chuyển tải rất nhiều bài kệ nhiệm mầu. Bài kệ này nói về pháp sám hối. Diệu Tràng nghe xong, liền ghi nhớ kĩ, định tâm an trụ. Đến sáng hôm sau, bồ-tát cùng với vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, mang các vật cúng, rời thành Vương Xá đến núi Linh Thứu. Khi đến trước Phật, tất cả đều lễ nơi chân Như Lai, bày biện hoa thơm, nhiễu quanh ba vòng, rồi ngồi một bên, chắp tay chiêm ngưỡng tôn dung Đức Phật, rồi đồng bạch rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Đêm qua trong mộng, con thấy một vị Bà-la-môn kia đánh chiếc trống vàng, từ trống phát ra âm thanh chuyển tải lời kệ nhiệm mầu về pháp sám hối, bây giờ con vẫn còn ghi nhớ rõ. Cúi xin Thế Tôn rủ lòng từ bi cho phép con được nói lại bài kệ. Thế Tôn chấp nhận, bồ-tát Diệu Tràng, ở trước Đức Phật lặp lại bài kệ:
Đêm trước con nằm mộng
Thấy một chiếc trống vàng
Thật vô cùng đẹp lạ
Toàn chiếc trống phát sáng
Như mặt trời giữa trưa
Ánh sáng thật rực rỡ
Chiếu soi khắp mười phương.
Khắp nơi đều có Phật
Ngồi trên tòa lưu li
Nơi cội cây trân bảo
Vô lượng trăm ngàn chúng
Đang cung kính vây quanh.
Lại có Bà-la-môn
Cầm dùi đánh trống ấy
Phát ra các âm thanh
Diễn nói kệ nhiệm mầu.
Trống Kim quang minh phát diệu âm
Vang đến khắp cùng cõi tam thiên[64]
Diệt trừ tội nặng trong ba cõi
Và các khổ nạn chốn nhân gian.
Do sức oai thần tiếng trống vàng
Các phiền não chướng thật đã tan
Sợ hãi cũng trừ, luôn an lạc
Tâm được tự tại, giống Năng Nhân..
Trong biển tử sanh chuyên tu tập
Nhất thiết trí[65] thành, chứa hạnh lành
Lại giúp chúng sanh tròn giác đạo
Biển công đức ấy, trọn đưa về.
Do trống vàng này phát tiếng mầu
Khiến người nghe rõ được Phạm âm
Chứng đắc Bồ-đề, quả tối thượng
Chuyển đại pháp luân thật tịnh thanh.
Số kiếp thọ mạng chẳng nghĩ bàn
Tùy cơ thuyết pháp lợi chúng sanh
Đoạn trừ phiền não, lìa các khổ
Tham sân si độc cũng không còn.
Nếu có chúng sanh trong cõi ác
Lửa lớn đốt cháy khắp thân hình
Mà nghe âm thanh của trống ấy
Lập tức lìa khổ nương Phật-đà.
Sau đó chứng đắc trí Túc mạng[66]
Nhớ lại quá khứ kiếp trăm ngàn
Lòng luôn nhớ nghĩ Mâu-ni Phật
Nghe Ngài thuyết pháp thật sâu mầu.
Do nghe âm thanh tiếng trống này
Thường được gần gũi Phật Thế Tôn
Nên luôn xa lìa các nghiệp ác
Chỉ thanh tịnh tu các việc lành.
Tất cả trời người, chúng hữu tình
Những ai tha thiết, nguyện chí thành
Được nghe diệu âm của trống ấy
Tất cả mong ước trọn đủ đầy.
Những kẻ rơi vào ngục Vô gián[67]
Nổi khổ lửa dữ đốt cháy thân
Chẳng ai cứu thoát luân hồi khổ
Nếu nghe tiếng trống khổ nạn tan.
Trời người, ngạ quỉ và bàng sanh
Những kẻ hiện đời gặp khổ nguy
Nếu được nghe qua tiếng trống ấy
Xa lìa khổ nạn được an lành
Các bậc Lưỡng Túc Tôn[68]
Thường trụ trong mười phương
Xin dùng tâm đại bi
Nhớ nghĩ thương xót con.
Chúng sanh không chốn nương
Cũng không ai cứu giúp
Xin vì những kẻ này
Làm nơi nương tựa vững.
Tội con tạo đời trước
Các nghiệp ác cực nặng
Nay quì trước các Ngài
Chí thành xin sám hối.
Tội không tin chư Phật
Cũng không kính mẹ cha
Không chịu tu pháp thiện
Thường tạo các việc ác.
Hoặc tự cậy tôn quí
Giòng họ, tiền, địa vị
Tuổi trẻ, quen buông lung
Mà tạo các nghiệp ác.
Tâm hằng khởi tà kiến
Miệng luôn nói lời dữ
Không nhận ra lỗi lầm
Mà tạo các nghiệp ác.
Quen theo thói phàm phu
Vô minh che lấp tâm
Kết bạn với kẻ xấu
Mà tạo các nghiệp ác.
Hoặc do quá vui đùa
Hoặc do lòng sầu não
Bị tham sân si buộc
Cho nên con tạo ác.
Gần gũi kẻ bất thiện
Hoặc do tâm bỏn xẻn
Bần cùng và dua nịnh
Cho nên con tạo ác.
Tuy không thích tội lỗi
Nhưng do tâm sợ hãi
Và chẳng làm chủ mình
Cho nên con tạo ác.
Do ăn uống và mặc
Và yêu thích người nữ
Bị lửa phiền não thiêu
Cho nên con tạo ác.
Đối với Phật pháp tăng
Tâm con không cung• kính
Gây các tội như thế
Nay con xin sám hối.
Ngu si chê chánh pháp
Bất hiếu với mẹ cha
Tạo tội lỗi như thế
Nay con xin sám hối.
Do ngu si kiêu mạn
Và sức ép tham sân
Con tạo tội như thế
Nay đều xin sám hối.
Con nay xin cúng dường
Vô số Phật mười phương
Xin các Ngài giúp con
Nhổ trừ các khổ nạn.
Cầu cho mọi hữu tình
Đều trụ nơi Thập địa
Đầy đủ phước trí rồi
Thành Phật độ quần mê.
Con vì các chúng sanh
Khổ hạnh trăm ngàn kiếp
Dùng sức đại trí huệ
Giúp họ vượt biển mê.
Con vì các chúng sanh
Giảng nói kinh sâu mầu
Tối thắng Kim quang minh
Có sức trừ nghiệp ác.
Nếu người trăm ngàn kiếp
Tạo các tội cực nặng
Tạm thời thật sám hối
Các ác liền tiêu trừ.
Y kinh Kim quang minh
Thực hành pháp sám hối
Thì tất cả nghiệp khổ
Sẽ chóng được tiêu trừ.
Trăm ngàn loại thiền định
Tổng trì chẳng nghĩ bàn
Căn, lực, đạo, giác chi[69]
Tu tập không mỏi mệt.
Con sẽ chứng Thập địa
Đến nơi nhiều báu vật
Tròn đầy công đức Phật
Vượt qua dòng tử sanh.
Đối với biển chư Phật
Tạng công đức sâu xa
Diệu trí chẳng nghĩ bàn
Con đều đã đầy đủ.
Xin chư Phật mười phương
Soi xét giúp đỡ con
Rũ lòng đại từ bi
Thương nhận con sám hối.
Do từ trong nhiều kiếp
Con tạo nhiều nghiệp ác
Vì thế sanh khổ não
Xin Phật thương giúp trừ.
Do con tạo nghiệp ác
Trong lòng luôn lo sợ
Mọi cử chỉ, hành động
Chẳng bao giờ an vui.
Chư Phật đại từ bi
Giúp chúng sanh hết sợ
Xin nhận con sám hối
Khiến lìa được sợ lo.
Con có phiền não chướng
Và cả những nghiệp báo
Xin dùng nước đại bi
Rửa thân tâm con sạch.
Quá khứ và hiện tại
Con tạo bao nghiệp ác
Nay trước Phật tỏ bày
Cầu mong được trừ sạch.
Con cũng nguyện giữ gìn
Vị lai không khởi ác
Dẫu nay lỡ gây tạo
Trọn không dám che dấu.
Thân nghiệp ba, miệng bốn
Nơi ý cũng có ba
Trói buộc các hữu tình
Xưa nay chưa đoạn dứt.
Do thân miệng và ý
Tạo ra mười nghiệp ác
Nay con xin sám hối
Những tội lỗi như thế.
Con tạo các nghiệp ác
Phải tự nhận khổ báo
Hôm nay quì trước Phật
Xin chí thành sám hối.
Tại cõi Diêm-phù này
Và các thế giới khác
Được bao nhiêu nghiệp thiện
Con• xin vui thuận theo.
Nguyện lìa mười nghiệp ác
Tu tập mười nghiệp thiện[70]
An trú trong Thập địa
Hằng thấy Phật mười phương.
Những phước trí có được
Do tu tập ba nghiệp
Con xin nương vào đó
Mong chóng thành Phật huệ.
Nay con đối trước đấng Thập Lực[71]
Bao nhiêu nạn khổ con tỏ bày:
Nạn phàm ngu mê nơi ba cõi
Nạn gây tạo biết bao trọng ác
Nạn chứa nhóm dục tình, tà kiến
Nạn thường khởi tham ái lưu chuyển
Nạn luôn đắm trước cõi thế gian
Nạn tất cả phàm phu phiền não
Nạn tâm cuồng, tán loạn, đảo điên
Cùng nạn thân gần những bạn ác
Nạn tham nhiễm trong chốn tử sanh
Nạn giận ngu, tối tăm tạo tội
Nạn sanh vào tám chỗ không an[72]
Nạn chưa từng chứa nhóm công đức
Nay con đối trước đấng Tối Thắng
Sám hối vô biên tội nghiệp này.
Thiện Thệ[73] tôn kính, con về nương
Lễ bậc biển đức thật vô thượng
Như núi vàng lớn chiếu khắp nơi
Xin Ngài từ bi thương nghĩ tưởng.
Thân màu vàng ròng luôn sáng sạch
Mắt như lưu li đẹp trong xanh
Uy đức cát tường[74] thật lừng lẫy
Đại bi, trí huệ diệt tối tăm.
Mặt trời Phật sáng, chiếu muôn nơi
Thuần tịnh, sáng soi, chẳng bụi nhơ
Vầng nguyệt Mâu-ni hằng mát dịu
Dứt trừ phiền não, trọn thanh lương.
Thân ba hai tướng thật đoan nghiêm
Tám mươi tùy hình thật vẹn tuyền
Phước đức vô biên không gì sánh
Như mặt trời kia chiếu muôn nghìn.
Thân như lưu li không tì vết
Giống như mặt nguyệt giữa hư không
Lưới pha lê hồng, ánh thân vàng
Tạo vô số sắc màu rực rỡ.
Trong dòng thác tử sanh đau khổ
Già bệnh, sầu lo cuốn chúng sanh
Biển khổ như thế, thật khó kham
Mặt trời Phật chiếu cho khô cạn.
Nay con đảnh lễ Nhất thiết trí
Đấng hi hữu trong cõi ba ngàn[75]
Thân sắc vàng ròng, soi rực rỡ
Với bao tướng quí đẹp trang nghiêm.
Giống nước biển lớn thật khó lường
Hạt bụi trên đất cũng khó biết
Như núi Diệu Cao[76] không thể lượng
Như cõi hư không thật vô bờ.
Công đức chư Phật cũng như thế
Tất cả hữu tình chẳng thể hay
Dù vô lượng kiếp suy nghĩ kĩ
Không sao biết được công đức này.
Tất cả núi non trên mặt đất
Nghiền nát thành bụi còn tính được
Lại cũng tính xong bao nước biển
Mà công đức Phật chẳng thể lường.
Tất cả chúng sanh đồng ca ngợi
Uy danh, công đức của Như Lai
Tướng quí, vẻ đẹp tự nghiêm thân
Chẳng thể tính lường, biết giới hạn.
Tất cả nghiệp thiện con có được
Hồi hướng mau chứng Vô thượng tôn
Nguyện thuyết chánh pháp lợi chúng sanh
Khiến họ thoát khỏi bao đau khổ.
Hàng phục ma vương và quân chúng
Chuyển bánh xe pháp thật vô cùng
Thường trụ thế gian vô số kiếp
Ban phát chúng sanh vị cam lồ.
Giống như chư Phật thời quá khứ
Đầy đủ sáu pháp ba-la-mật[77]
Diệt trừ tham dục và sân si
Hàng phục phiền não, trừ các khổ.
Con luôn nguyện được trí túc mạng
Nhớ lại quá khứ kiếp trăm ngàn
Cũng hằng nhớ nghĩ Mâu-ni Phật
Được nghe diệu pháp của Như Lai.
Con xin đem hết nghiệp thiện này
Phụng sự vô biên đấng tối tôn
Lại lìa tất cả nhân bất thiện
Luôn được tu hành pháp sâu mầu.
Nguyện cả chúng sanh các thế gian
Xa lìa nạn khổ được bình an
Những người các căn không đầy đủ
Giúp họ thân tướng được vẹn toàn.
Nếu có chúng sanh gặp bệnh khổ
Thân thể ốm gầy, chẳng chốn nương
Con nguyện giúp họ trừ diệt hết
Toàn thân sắc lực được tràn đầy.
Người phạm quốc pháp, sắp hành hình
Khổ lo bức ép, lòng buồn đau
Trong lúc đớn đau và buồn ấy
Không người cứu giúp và tựa nương.
Người bị gông cùm và đánh đập
Các loại hình cụ bức ép thân
Lúc chịu muôn ngàn đau khổ ấy
Bức ép thân tâm chẳng mảy vui.
Con nguyện giúp họ thoát tất cả
Nỗi khổ gông cùm và đánh đập
Người sắp hành hình, được toàn mạng
Xa lìa vĩnh viễn những khổ đau.
Nếu có chúng sanh bị đói khát
Con giúp họ được thức ăn ngon
Giúp mù được sáng, điếc được nghe
Người què vững bước, câm trọn lời.
Chúng sanh bần cùng được kho báu
Của cải đầy nhiều, hết thiếu nghèo
Tất cả đều giúp cho thuốc tốt
Không còn một ai chịu khổ đau.
Trời người khắp nơi đều muốn thấy
Dung nghi hòa nhã, lại đoan nghiêm
Hiện đời thân tâm vui vô lượng
Thọ dụng trọn vẹn, phước đức đầy.
Nếu những chúng sanh thích âm nhạc
Âm thanh tuyệt diệu liền hiện tiền
Những người đang khát, nước trong hiện
Sen vàng trải khắp mặt hồ ao.
Tùy thuận chúng sanh lòng nghĩ đến
Nào là y phục cùng uống ăn
Giường nằm, lưu li và vàng bạc
Anh lạc trang nghiêm tự hiện đầy.
Không để chúng sanh nghe lời ác
Cũng không để thấy điều trái lòng
Thân tướng đoan nghiêm và xinh đẹp
Luôn khởi lòng từ thương yêu nhau.
Vật dụng và• nhạc cụ thế gian
Tùy tâm nghĩ đến liền có đủ
Tiền của có được, con không tiếc
Phân phát hết cả cho chúng sanh.
Hương đốt, hương bột và hương xoa
Và các tạp hương nhiều màu sắc
Mỗi ngày ba thời nhặt từ cây
Tùy tâm thọ dụng lòng vui vẻ.
Nguyện khắp chúng sanh đều cúng dường
Tất cả Như Lai trong mười phương
Pháp môn tịnh diệu chính ba thừa[78]
Bồ-tát, Độc giác cùng Thanh văn.
Thường nguyện không sanh nơi hèn kém
Và nơi tám nạn cũng chẳng vào
Sanh trong loài người nơi tôn quí
Hằng được phụng sự Phật mười phương.
Nguyện luôn sanh vào nhà sang giàu
Của tiền, báu vật thảy đầy kho
Dung mạo, tiếng tăm không ai sánh
Thọ mạng kéo dài chẳng tính lường.
Nguyện cho người nữ biến thành nam
Thông minh trí huệ lẫn oai hùng
Tất cả luôn hành bồ-tát đạo
Siêng tu sáu độ đến bờ kia.
Thường gặp vô lượng Phật mười phương
Đồng ngự nơi cội cây Bảo vương[79]
Tại tòa sư tử lưu li đẹp
Chính thân nghe Phật chuyển pháp luân.
Nếu từ quá khứ đến hôm nay
Luân hồi ba cõi tạo nghiệp nhân
Chiêu cảm đường ác thật nhàm chán
Nguyện được tiêu trừ chẳng còn chi.
Tất cả chúng sanh nơi biển hữu[80]
Vướng lưới sanh tử thoát chẳng ra
Nguyện dùng kiếm trí mà rạch nát
Giúp chóng lìa khổ chứng bồ-đề.
Chúng sanh trong cõi Diêm-phù này
Hoặc tại bất kì thế giới nào
Tất cả phước điền họ đã tạo
Hôm nay con nguyện được vui theo[81].
Tất cả phước đức vui theo này
Cùng các pháp thiện ba nghiệp tạo
Nguyện cho ngày đêm luôn tăng trưởng
Để con mau chóng chứng bồ-đề.
Tất cả công đức khen ngợi Phật
Với lòng thanh tịnh, không bợn nhơ
Hồi hướng phát nguyện phước vô biên
Vượt qua đường ác mười sáu kiếp.
Nếu có người nam và người nữ
Dòng họ tôn quí Bà-la-môn…
Chắp tay một lòng khen ngợi Phật
Đời đời nhớ được việc đã qua.
Các căn thanh tịnh, thân hoàn hảo
Công đức to đẹp đều trọn thành
Nguyện rằng bất cứ nơi sanh đến
Cũng được trời người cùng ngưỡng chiêm
Chẳng phải nơi một, hay mười Phật
Phải từ trăm ngàn đức Như Lai
Gieo trồng vô số những căn lành
Mới nghe được pháp sám hối này.
Thế Tôn nghe nói đoạn kệ này xong, liền khen Diệu Tràng: “Hay thay, hay thay! Âm thanh trống vàng khen ngợi công đức chân thật của các Như Lai Thế Tôn, và pháp sám hối mà ông mộng thấy, nếu ai nghe được, phước đức rất nhiều, còn làm lợi ích cho các hữu tình, diệt trừ tội chướng. Ông nên biết rằng, sự nghiệp quí này đều do nhân duyên phát nguyện khen ngợi ở đời quá khứ, và do uy lực của Phật gia hộ. Về nhân duyên này, Ta sẽ giảng nói cho ông biết sau”.
Nghe pháp này rồi, tất cả đại chúng vui mừng tin nhận, cung kính hành trì.
Chú thích:
[1] Hóa thân, Ứng thân, Pháp thân: Ba thân của Phật. Hóa thân là thân tuỳ căn cơ chúng sanh mà biến hóa, thị hiện nhiều hình để cứu độ; Ứng thân hay Báo thân là thân viên mãn công đức, báo đáp vô lượng hạnh nguyện khi tu nhân, thân này ứng hiện cho hàng bồ-tát tam hiền-thập thánh thấy; Pháp thân là thân chân thật của Phật, không sanh diệt, vô lậu vô vi, hai thân trên đều từ thân này thị hiện.
[2] Chân đế: nghĩa chắc thật của chân lí, tức thật nghĩa mà bậc thánh chứng ngộ.
[3] Trí như như như như: tức pháp thân.
[4] Giả danh hữu: các hiện hữu (pháp) do nhân duyên hòa hợp, không có thật thể, chỉ có tên suông.
[5] Chân thật hữu: những hiện hữu chân thật, không do nhân duyên hoà hợp, không sanh diệt, không thuộc tạo tác, không biến chuyển.
[6] Pháp như như: tất cả các pháp khế hợp với trí như như.
[7] Trí như như: tức trí huệ thể đạt nhị không, cũng tức là thật tướng bát-nhã.
[8] Định Vô tâm: tức Diệt tận định, khi vào định này sẽ không còn tâm thức phân biệt loạn động.
[9] Niết-bàn hữu dư: niết-bàn vẫn còn nương thân bốn đại; tức đã đoạn tận phiền não, chấm dứt nhân sanh tử vị lai, chứng niết-bàn, nhưng thân quả báo đời này chưa hết; đó là mới diệt trí chứ chưa diệt thân.
[10] Niết-bàn vô dư: niết-bàn đã hoàn toàn không còn nơi nương tựa, tức đã đoạn trừ phiền não, chấm dứt thân năm uẩn; đã diệt thân diệt trí.
[11] Niết-bàn vô trụ: niết-bàn mà không lìa sanh tử cũng không trụ niết-bàn.
[12] Tướng Biến kế sở chấp: trạng thái chấp trước, suy lường, tính toán tất cả các pháp, là đặc tánh của vọng tâm phàm phu.
[13] Tướng Y tha khởi: tánh nương vào nhân duyên mà sanh khởi, hoặc diệt tận.
[14] Tướng Thành tựu: tánh chân thật, thành tựu viên mãn tất cả công đức.
[15] Tâm khởi sự: tâm tương ưng với phiền não kiến tư hoặc; khi các phiền não này phát khởi, khiến tạo tác các sự nghiệp, cảm quả dị thục. Hoặc cho rằng phiền não chướng và các sự nghiệp do nó phát khởi là tâm khởi sự. Tức sáu thức trước duyên với sáu trần, sanh khởi các pháp nhiễm tịnh.
[16] Tâm y căn bản: tức thức tứ bảy, vì thức này nương căn bản mà sanh, cùng với thức thứ tám truyền dẫn khởi các pháp nhiễm tịnh.
[17] Tâm căn bản: tức thức thứ tám, vì thức này hàm chứa các chủng tử thiện ác, khiến phát sanh các pháp nhiễm tịnh.
[18] Phục đạo: đạo hữu lậu hay vô lậu chế phục phiền não tuỳ miên, không cho hiện hành.
[19] Đoạn pháp đạo: gọi tắt là Đoạn đạo, đạo vô lậu chế phục, đoạn trừ phiền não và có năng lực đưa đến chứng ngộ.
[20] Tối thắng đạo: tức vô thượng bồ-đề.
[21] Sự-Ý-Thể: sự tức sự tướng, ý tức tâm , thể tức thật tánh.
[22] Pháp bất cộng: những pháp chỉ riêng Phật mới có, không chung với Thanh văn, Bồ-tát, như mười tám pháp bất cộng…
[23] Hữu vi: những pháp do tạo tác mà thành, tức những pháp do nhân duyên sanh.
[24] Diệt thanh tịnh: cảnh sở chứng thanh tịnh, tức niết-bàn rốt ráo thanh tịnh. Trí năng chứng thanh tịnh gọi là huệ thanh tịnh.
[25] Thập địa: tức Thập thánh, mười giai vị trong quá trình tu tập của bồ-tát để tiến lên quả vị Phật: Hoan Hỷ địa, Li Cấu địa, Minh địa, Diệm địa, Nan Thắng địa, Hiện Tiền địa, Viễn Hành• địa, Bất Động địa, Thiện Huệ địa và Pháp Vân địa.•
[26] Vô sở hữu:: •còn gọi là vô sở đắc, tên khác của không.•
145 Tướng và tướng xứ: tướng tức là trí, xứ tức là cảnh; tướng xứ tức là cảnh sở quán của trí. Hoặc cho rằng tướng là nhân ngã, tướng xứ là pháp ngã.
[28] Đạo đế: con đường chắc thật dẫn đến sự diệt khổ, tức phương pháp mà hành giả cần phải tu tập để đạt đến niết-bàn.
[29] Diệt đế: cảnh giới của sự diệt khổ, tức niết-bàn. Cũng là kết quả đạt được sau khi tu tập thành tựu đạo đế.
[30] Bất thoái địa: giai vị không còn lui sụt, ở đây chỉ cho giai vị bồ-tát Sơ địa.
[31] Nhất sanh bổ xứ: chỉ cho bồ-tát Đẳng giác, vì bồ-tát này cần phải một lần sanh đến nhân gian mới thành Phật.
[32] Kim cang tâm: tâm cuối cùng của bồ-tát, giai vị bồ-tát Đẳng giác.
[33] Tam-muội: còn gọi định, chính định. Trạng thái tâm an trụ vào một chỗ, một cảnh.•
[34] Bốn thiền-bốn định: bốn thiền cõi Sắc: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền; bốn định Vô Sắc: Không vô biên, thức vô biên, Vô sở hữu, Phi tưởng phi phi tưởng. •
[35] Thủ-lăng-nghiêm định: môn thiền định gom giữ bền chắc tất cả pháp, là môn thiền định mà Phật và bồ-tát Thập địa đạt được.•
[36] Niệm xứ: niệm là trí huệ, xứ là đối cảnh, tức trí huệ quán xét đối cảnh. Như bốn niệm xứ: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp; hoặc sáu niệm…
[37] Đại niệm pháp: tức niệm pháp trong sáu niệm: Phật, pháp, tăng, thí, giới, thiên.
[38] Đà-la-ni: Trung Quốc dịch là Tổng trì, tức năng lực của trí tuệ tóm thâu, giữ gìn vô lượng Phật pháp không để quên sót.
[39] Mười lực: mười năng lực siêu việt của đức Phật: 1. Xứ phi xứ trí lực; 2. Nghiệp dị thục trí lực; 3. Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực; 4. Căn thượng hạ tri lực; 5. Chủng chủng thắng giải tri lực; 6. Chủng chủng giới trí lực; 7. Biến thố hành trí lực; 8. Túc trụ tùy niệm trí lực; 9. Sinh tử trí lực; 10. Lậu tận trí lực.
[40] Bốn vô sở úy: bốn tâm tự tin, không sợ hãi mà lại an định, dõng mãnh thuyết pháp trước đại chúng của chư Phật và đại bồ-tát. Đó là: Chư pháp hiện đẳng giác vô úy, Nhất thiết lậu tận trí vô úy, Chướng pháp bất hư quyết định thọ kí vô úy, Vị chứng nhất thiết cụ túc xuất đạo như tánh vô úy.
[41] Bốn vô ngại biện: bốn năng lực diễn đạt ngôn từ và giảng giải nghĩa lí thông suốt, không ngăn ngại của Phật và bồ-tát: 1.Từ vô ngại; 2. Ngữ vô ngại; 3. Nghĩa vô ngại; 4. Nhạo thuyết vô ngại.
[42] Mười tám bất cộng: mươi tám năng lực chỉ Phật mới đạt được: 1. Thân vô thất; 2. Khẩu vô thất; 3. Niệm vô thất; 4. Vô dị tưởng; 5. Vô bất định tâm; 6. Vô bất tri dĩ xả tâm; 7. Dục vô giảm; 8. Tinh tấn vô giảm; 9. Niệm vô giảm; 10. Huệ vô giảm; 11. ••••••••••••••Giải thoát vô giảm; 12. Giải thoát tri kiến vô giảm; 13. Tất cả thân nghiệp tùy trí tuệ mà thực hành; 14. Tất cả khẩu nghiệp tuỳ trí huệ mà nói năng; 15. Tất cả ý nghiệp tuỳ trí huệ mà tư duy; 16. Trí huệ thấy biết quá khứ vô ngại vô chướng; 17. Trí huệ thấy biết vị lai vô ngại vô chướng; 18. Trí huệ thấy biết hiện tại vô ngại vô chướng.
[43] Trung đạo: con đường trung chính, xa lìa cực đoan, không thiên về bất cứ bên nào, quan điểm nào, phương thức nào.
[44] Sở thủ-năng thủ: chủ thể nhận thức (năng thủ) và đối tượng nhận thức (sở thủ). Tâm ý thức có khả năng nhận thức gọi là năng thủ; ngoại cảnh như sắc… là đối tượng bị nhận thức, nên gọi là sở thủ.
[45] Học xứ: những điều mà các tì-kheo, tì-kheo-ni cần phải học, phần nhiều chỉ cho giới luật.
[46] Trạo hối: tức là trạo và hối. Trạo là trạng thái tâm lăng xăng, loạn động không yên; hối là tâm lo buồn, hối tiếc với việc mình đã làm. Hai thứ phiền não này làm cho tâm không yên tĩnh, chướng ngại thánh đạo.
[47] Sơ địa: tức Hoan hỉ địa, giai vị đầu tiên của mười địa, cũng là giai vị thứ bốn mươi mốt trong năm mươi hai giai vị nói trong kinh Hoa nghiêm.
[48] Thiện phương tiện: phương pháp khéo léo, thích hợp với mọi loài, mọi nơi chốn và thời gian.
[49] Chân tục: chân đế và tục đế. Chân đế chỉ cho lí chân thật bình đẳng; Tục đế là đạo lí thế gian, tức đạo lí mà tất cả người đời đều biết.
[50] Hành tướng: trạng thái ảnh tượng hiển hiện nơi tâm, hoặc tác dụng nhận thức của tâm và tâm sở khi đối cảnh.
[51] Tướng diệt: tướng hoại diệt của các pháp hữu vi, trong khoảng sát-na liền trở về quá khứ.
[52] Tướng sanh: khiến cho pháp hữu vi từ vị trí chưa hiện hữu chuyển thành hiện hữu.
[53] Lục thông: sáu năng lực thù thắng của bậc thánh tam thừa: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mệnh thông và lậu tận thông.• •
[54] Khổ tập: khổ đế và tập đế. Khổ đế là đạo lí chắc thật về sự khổ thế gian; Tập đế là đạo lí chắc thật về nguyên nhân của khổ.
[55] Tập khí: những thói quen hình thành nơi tâm do tư tưởng và hành vi tương tục huân tập vào;
nói cách khác, đó là những kinh nghiệm, thói quen mà con người tích luỹ được.
[56] Hoặc chướng: những phiền não mê lầm chướng ngại Thánh đạo.
[57] Nghiệp chướng: những tư tưởng, hành vi bất thiện của thân miệng và ý chướng ngại thánh đạo
[58] Trí chướng: những sở tri chướng ngại cho trí huệ giác ngộ.
[59] Bất dị• như như: ba pháp hoặc, nghiệp, trí thanh tịnh bình đẳng, không sai biệt.
[60] Nhất vị như như: chỉ thuần một vị vô lậu.
[61] Ba cõi: cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.•
[62] A-tăng-kì: một đơn vị số lượng của Ấn Độ, là số cực lớn không thể tính đếm được.•
[63] Thọ kí: lời báo trước cho một người sẽ chứng quả, cùng danh hiệu, cõi nước của vị đó ở đời vị lai.
[64] Cõi tam thiên: tức tam thiên đại thiên thế giới; một thế giới được thành lập bởi một ngàn tiểu thế giới, một ngàn trung thế giới và một ngàn đại thế giới.
[65] Nhất thiết trí: trí huệ thông đạt tất cả pháp, tức trí Phật, một trong ba trí.
[66] Trí túc mạng: trí nhớ biết những việc đời trước của mình.
[67] Ngục Vô gián: địa ngục nằm dưới cùng trong số tám địa ngục chồng lên nhau rất sâu bên dưới cõi Diêm-phù-đề. Người phạm một trong các tội ngũ nghịch, sau khi chết sẽ bị đọa ngay vào địa ngục A-tì mà không qua thân trung ấm, chịu khổ ngày đêm, không phút giây gián đoạn trong một kiếp.
[68] Lưỡng Túc Tôn: danh hiệu của Phật, gồm hai nghĩa: một, đấng tôn quí nhất trong loài chúng sanh hai chân; hai, đấng đầy đủ phước và trí.
[69] Căn, lực, đạo, giác chi: năm căn: tín, tấn, niệm, định, huệ; năm lực: tín, tấn, niệm, định, huệ; tám giác đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; bảy giác phần: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỉ, khinh an, định và xả.
[70] Mười nghiệp thiện: mười hành vi lành giúp con người sau khi chết sanh về cõi trời: không sát sinh; không trộm cướp; không tà dâm; không vọng ngữ; không ỷ ngữ; không lưỡng thiệt; không ác khẩu; không tham; không sân; không si.•
[71] Đấng Thập Lực: Đức hiệu của chư Phật, vì Phật đầy đủ mười năng lực.
[72] Tám chỗ không an: tám nơi mà hữu tình sanh vào, sẽ khó gặp Phật, nghe pháp: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, Bắc Câu-lô châu, trời Trường Thọ, điếc đui câm ngọng, trí huệ thế gian luận biện thông suốt, sanh trước hoặc sau Phật.
[73] Thiện Thệ: từ tôn xưng Đức Phật; cũng là một trong mười hiệu của Phật, nghĩa là Như Lai đã thật đến bờ kia, nhưng khéo trở lại biển sanh tử độ chúng sanh.
[74] Cát Tường: tướng chữ Vạn trên thân Đức Phật, một kí hiệu của điềm lành.
[75] Cõi ba ngàn: tức tam thiên đại thiên thế giới.
[76] Diệu Cao: núi Tu-di, vốn là ngọn núi trong thần thoại Ấn Độ, được Phật giáo sử dụng. Núi này là trung tâm của tiểu thế giới, có tám lớp núi và chín lớp biển vây quanh.•
[77] Sáu pháp ba-la-mật: Sáu pháp đưa hành giả đến bờ giải thoát bên kia: bố thí, giữ giới, tinh tiến, nhẫn nhục, thiền định và trí huệ.
[78] Ba thừa: ba cổ xe, tức là ba phương tiện đưa người đến chốn giải thoát: Thanh văn, Duyên giác và bồ-tát.
[79] Cây Bảo vương: một loại cây báu ở tịnh độ Phật.
[80] Biển hữu: biển ba cõi.
[81] Vui theo: tùy hỉ, tức vui theo việc làm hoặc thành quả của người khác.
Mời bạn đọc tụng trọn bộ Kinh Kim Quang Minh tại: Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương trọn bộ PDF