Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Tu hành chính là điều chỉnh hành vi sai lầm của chúng ta

Tu hành chính là điều chỉnh hành vi sai lầm của chúng ta. Hành vi thì rất nhiều, Phật đem nó quy nạp thành ba loại lớn là “Thân-Khẩu-Ý”.

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Nhà Phật nói tu hành, định nghĩa của hai chữ này chúng ta nhất định phải hiểu cho rõ ràng. Tu hành chính là điều chỉnh hành vi sai lầm của chúng ta. Hành vi thì rất nhiều, Phật đem nó quy nạp thành ba loại lớn là “Thân-Khẩu-Ý”. Cho dù hành vi có nhiều đi nữa cũng không thể vượt khỏi ba phạm vi này. Hành vi của thân chính là động tác cử chỉ của chúng ta; hành vi của khẩu là lời nói; hành vi của ý là tư tưởng, kiến giải. Hành vi đã có sai lầm, đem sai lầm điều chỉnh trở lại thì gọi là tu hành. Chúng ta phải hiểu cho thật rõ ràng, thật minh bạch điều này.

Tổ sư Đại đức dạy chúng ta, tu hành phải “tu từ căn bản”. Cái gì là căn bản? Ý niệm là căn bản, tư tưởng là căn bản. Cho nên, tu từ căn bản cũng tức là nói, hành vi cho dù có nhiều đi nữa thì cũng đều phát sinh từ tư tưởng. Tư tưởng thuần chánh thì tất cả đều thuần chánh, tư tưởng tà lệch thì tất cả đều bất chánh. Đây là ý nghĩa của việc khuyên chúng ta tu từ căn bản. Thế nhưng cách nói này rất cạn, ý nghĩa đích thực của căn bản này là gì, chúng ta nhất định phải biết. Đó chính là “xứng tánh khởi tu, toàn tu tại tánh” (khởi sự tu hành tương hợp với tự tánh, hết thảy pháp tu đều ở nơi tự tánh). Đây mới thật sự tìm ra được căn bản.

Tu tánh, tánh là căn bản của tâm; tánh là thể, tâm là tác dụng. Ở trong Phật pháp Đại Thừa thường gọi tâm là thức (tâm thức hay thức tâm). Đây là tác dụng của nhất niệm tự tánh. Khi đang mê, phàm phu gọi nó là tám thức, năm mươi mốt tâm sở. Từ đó cho thấy, tác dụng của nó tuy tương đối phức tạp, nhưng thể của nó là một, là nhất niệm tự tánh. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm chính là từ gốc này sinh ra. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Hiện tượng của mười pháp giới là tâm tánh, hiện tượng thiên biến vạn hóa. Sự biến hóa này từ đâu mà có vậy? Là do “thức” biến. “Thức” chính là ý nghĩ, chính là tư tưởng, chính là kiến giải. Phật nói cho chúng ta biết, sự thiên biến vạn hóa của mười pháp giới sinh ra từ tư tưởng, ý nghĩ của chúng ta, đây mới là căn nguyên. Người tu hành phải bắt tay làm từ chỗ này. Căn nguyên này chính là “trung hiếu” mà chúng tôi giảng mấy ngày nay.

Ý nghĩa của“thuận thân, dưỡng chí” (thuận theo cha mẹ, nuôi dưỡng tâm chí) rất sâu. Hiếu nhất định phải thuận, không thuận thì không gọi là hiếu, cho nên “hiếu – thuận” là đi cùng với nhau. Phải thuận như thế nào mới được xem là hiếu chân thật vậy? Phải thuận tánh, vậy mới là thật sự biết hiếu, nhận thức được hiếu. Phật pháp Đại thừa nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, tùy thuận Phật tánh mới là đại hiếu, mới là chân hiếu. Cha mẹ của chúng ta có Phật tánh, chúng ta tùy thuận Phật tánh của cha mẹ mà tận hiếu, không phải tùy thuận phiền não. Cha mẹ cũng là phàm phu, họ có phiền não, chúng ta không thể tùy thuận theo phiền não của họ, mà là tùy thuận Phật tánh của họ. Ý nghĩa này chúng ta phải thể hội cho được. Giúp đỡ cha mẹ làm Phật, giúp đỡ cha mẹ giác ngộ, vậy mới được xem là tận hiếu. Từ đó cho thấy, nếu chúng ta muốn giúp đỡ cha mẹ giác ngộ, nhưng bản thân chúng ta không giác ngộ thì làm sao có thể giúp đỡ được? Cho nên chúng ta phải biết, muốn tận hiếu, hành hiếu thì trước tiên cần tự mình giác ngộ, cần tự mình thành tựu, vậy mới có thể giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác, đối tượng đầu tiên là cha mẹ.

Chữ “hiếu” này chính là nhất niệm tự tánh mà Phật nói trong Kinh. Chữ “trung” này chính là Phật hạnh, Bồ-tát hạnh. Phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo chính là tận trung. Đây là cách giảng sâu hơn một bậc của hai chữ này, là ý nghĩa đích thực của hai chữ này. Ý nghĩa đích thực này, nhà Nho cũng có nói, nhưng nói không nhiều. Tại sao không nói nhiều vậy? Vì nói người ta không thể hiểu, cho nên không chịu nói sâu, chỉ nói ở mức cạn, dạy cho người sơ học. Trong Phật pháp nói nhiều về hai chữ “trung hiếu” này. Nền tảng tu học Phật pháp, khi so sánh thì sâu dày hơn nhiều, thời gian tu học Phật pháp cũng tương đối dài hơn, đặc biệt là chú trọng ở “thâm nhập một môn, trường kỳ huân tu”. Hai câu tám chữ này vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể có thành tựu hay không, mấu chốt là ở chỗ này. Tu học Phật pháp điều kiêng kỵ nhất là tạp tu. Trong sáu Ba-la-mật có tinh tấn Ba-la-mật. Như thế nào gọi là tinh tấn? Tinh là thuần chứ không tạp, tạp thì không tinh; một môn là tinh tấn, hai môn thì không tinh tấn rồi.

Quí vị phải biết, niệm Phật thật sự thành tựu cũng là nhờ thâm nhập một môn. Bồ-tát Đại Thế Chí dạy chúng ta phương pháp niệm Phật là “thâu nhiếp lục căn, tịnh niệm tiếp nối”. Thế nào gọi là tịnh niệm? Chúng ta đối với Tây Phương Tịnh Độ, đối với A Di Đà Phật không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Không hoài nghi, không xen tạp gọi là tịnh niệm. Không gián đoạn chính là tương tục. Tịnh niệm nối tiếp như thế này mới có thể thâu nhiếp sáu căn, phẩm vị vãng sanh mới cao. Có rất nhiều người không biết điều này, họ cho rằng muốn tiêu nghiệp chướng thì phải niệm Kinh Dược Sư, phải niệm Phẩm Phổ Môn, phải niệm Kinh Địa Tạng, phải niệm Chú Đại Bi hoặc là niệm những cái khác nữa. Đây là sai lầm, đều là xen tạp; nghiệp chướng có thể tiêu chút ít, không thể tiêu triệt để. Nếu như họ biết được Quán Kinh, biết được một câu Phật hiệu này thì nghiệp chướng của họ sẽ tiêu diệt triệt để, họ vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc với phẩm vị cao; còn không thì họ cũng có thể vãng sanh, nhưng phẩm vị không cao, vì tu xen tạp. Ngày nay người tu xen tạp quá nhiều. Mọi người không biết được sức mạnh của câu Phật hiệu, họ cho rằng niệm câu Phật hiệu này để tiêu nghiệp chướng nhưng vẫn không bằng tụng Kinh Dược Sư, vẫn không bằng trì Chú Đại Bi. Bạn nói xem, có gay go hay không? Đây là hoài nghi, sự hoài nghi này khiến công phu của mình tổn giảm rất lớn.

Chú giải Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh có tên là “Quán Kinh Trực Chỉ”, tôi đọc qua rồi hoát nhiên đại ngộ. Ngài nói rất hay: “Chúng sanh tạo tác tội nghiệp cực nặng như tội ngũ nghịch thập ác, tất cả mọi kinh luận, mọi cách sám hối, thần chú đều không thể tiêu nổi tội nghiệp này, duy chỉ còn một câu “A Di Đà Phật” là có thể khiến tội nghiệp này tiêu trừ”. Chúng ta mới biết, một câu Phật hiệu “A Di Đà Phật” này chiến thắng thiên kinh vạn luận, chiến thắng tất cả các câu thần chú, là chú ở trong chú, là kinh ở trong kinh, không có gì thù thắng hơn câu Phật hiệu này. Thế nhưng không có người tin, vì họ cho rằng một câu “A Di Đà Phật” quá dễ dàng, quá đơn giản, e rằng không có hiệu quả, cho nên họ vẫn muốn đi tìm những thứ khác để xen tạp.

Vãng sanh được hay không là quyết định ở “tín – nguyện có hay không”. Nếu không thật tin sâu, không có nguyện thiết thì phẩm vị vãng sanh của bạn sẽ hạ rất thấp. Hiện tượng này, Đại Sư Thiện Đạo gọi là “cửu phẩm vãng sanh chung quy bởi gặp duyên khác nhau”. Bạn không gặp được thiện tri thức, không có người dạy bạn thì nghi hoặc của bạn không thể đoạn trừ. Chúng ta ngày nay xây đạo tràng tại Singapore, chúng ta biết tin sâu không nghi, cho nên niệm Phật đường chúng ta chỉ niệm một câu Phật hiệu, còn trong giảng đường thì chỉ giảng một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, một mảy may xen tạp cũng không có.

Ở nơi đây, chúng tôi giảng bộ Kinh Địa Tạng là vì Pháp sư Nhân Đức mời tôi lên núi Cửu Hoa giảng Kinh, tôi không có thời gian đến đó, cho nên tôi thu một bộ băng ghi hình để tặng cho núi Cửu Hoa. Ý nghĩa là như vậy. Còn việc khai giảng bộ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm này với các đồng học, đây cũng là việc bất đắc dĩ. Mười mấy năm gần đây, rất nhiều đồng tu trong và ngoài nước khải thỉnh tôi, hy vọng tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm một lần để lưu lại một bộ tư liệu ghi hình cho người hậu học làm tham khảo. Tôi đã nhận lời. Vì nguyên nhân này chúng tôi mới giảng Hoa Nghiêm. Nếu theo ý riêng của tôi, xin nói lời thành thật, một bộ Kinh Di Đà tôi sẽ giảng đến cùng, tôi sẽ không thay đổi. Xưa nay, có Đại đức cả đời chỉ giảng một bộ Kinh Di Đà, giảng đến 300 lần. Tôi nhìn thấy vô cùng hoan hỷ, vô cùng ngưỡng mộ. Trong một đời tôi giảng nhiều kinh luận như vậy, đều là do bất đắc dĩ, ứng phó lời khẩn cầu của đại chúng. Nếu muốn thật sự thành tựu thì quyết định phải chuyên tinh, quyết định ở một môn thâm nhập, một đời tuyệt đối không thay đổi.

Chúng ta nhất định phải noi theo chư Phật Bồ-tát. Chư Phật Bồ-tát là điển hình, là mô phạm của chúng sanh trong chín pháp giới, đích thực là “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Chúng ta ngưỡng mộ, chúng ta yêu cầu quá cao, chúng ta cũng muốn trong một đời này có thể được thành tựu như chư Phật Bồ-tát. Có người hỏi, có thể thành tựu hay không? Đáp án là khẳng định có thể. Như lời của Đại Sư Thiện Đạo đã nói là do “gặp duyên khác nhau”, bạn có thể gặp được duyên thù thắng thì một đời thành tựu. Thiện Tài Đồng Tử gặp duyên thù thắng, cho nên một đời thành Phật. Long Nữ cũng gặp duyên thù thắng nên tám tuổi thành Phật. Trong Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm đã nói, phàm những điều mà Phật đã nói ở trong kinh luận, đều là cái mà người thế gian có thể làm được. Người thế gian chúng ta không thể làm được thì Phật sẽ không nói, vì nếu như Phật nói ra là có lỗi với chúng ta. Nói ra mà chúng ta không thể làm được, há chẳng phải là giễu cợt, là trò đùa hay sao? Nếu vậy thì lời nói của Phật sao có thể gọi là chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, bất hư ngữ, bất cuống ngữ? Tiêu chuẩn này sẽ không thể đạt được rồi. Cho nên, từng câu mà Phật Bồ-tát nói với chúng ta đều là lời chân thật. Chỉ cần chúng ta thể hội thật kỹ, y giáo phụng hành thì một đời này chúng ta có thể viên thành Phật đạo.

Mấy ngày gần đây, có rất nhiều đồng tu từ Trung Quốc đến nói với tôi là họ dụng công rất khó đắc lực. Tôi thường khuyên mọi người là “giải – hành” phải xem trọng như nhau thì công phu mới có thể đắc lực. Tại sao niệm Phật đường của chúng ta mỗi ngày vẫn phải giảng hai thời Kinh vậy? Vì chúng ta dùng “giải” để giúp cho “hành”, dùng “hành” để giúp cho “giải”, “giải – hành” phụ trợ lẫn nhau. Bạn không hiểu nghĩa thì bạn tu hành sẽ giải đãi, sẽ thoái chuyển. Tại sao vậy? Vì phiền não tập khí trong đời quá khứ rất sâu, một chút công phu nhỏ nhoi này, một chút đạo lực nhỏ nhoi này của chúng ta không thắng nổi phiền não, cho nên hằng ngày chúng ta phải nghe Kinh. Niệm Phật là tu định, nghe Kinh là tu huệ. Thế nhưng mỗi ngày bạn niệm Phật, nghe Kinh mà công phu vẫn không đắc lực, vấn đề rốt cuộc là ở chỗ nào vậy? Nói thực ra, vấn đề ở chỗ bạn không chịu làm theo; bạn niệm Phật mà trong tâm không có Phật; miệng niệm Phật mà trong tâm cứ vọng tưởng thì công phu đương nhiên không đắc lực. Tuy hằng ngày nghe Kinh dường như đã sáng tỏ rồi, nhưng không chịu làm theo. Trong Kinh dạy chúng ta bố thí, dạy chúng ta trì giới, dạy chúng ta nhẫn nhục, nhưng một điều chúng ta cũng không làm được; trong đời sống thường ngày vẫn cứ tùy thuận tập khí phiền não, như vậy công phu đương nhiên không đắc lực.

Trong mỗi bộ Kinh, câu cuối cùng Phật nói: “Y giáo phụng hành, hành lễ lui ra”. Phật dạy chúng ta phải y giáo phụng hành. Phật ở trong mỗi bộ Kinh không ngại phiền phức, nhắc nhở chúng ta “thọ trì đọc tụng, vì người diễn thuyết”. “Vì người diễn thuyết” chính là y giáo phụng hành, chúng ta chưa chịu làm thì công phu của bạn làm sao đắc lực được? Cho nên, hiểu được một phần thì làm một phần, hiểu được hai phần thì làm hai phần. Bạn có thể làm được hai phần thì bạn có thể hiểu được ba phần. Hiểu được ba phần thì bạn có thể tiếp tục làm được ba phần. Làm được ba phần thì bạn sẽ hiểu được bốn phần. Giải giúp cho hành, hành giúp cho giải, như vậy mới có thể đạt đến cứu cánh viên mãn. Hiểu rồi mà không thể hành thì không có lợi ích gì!

Chướng ngại lớn nhất của hành là gì? Là không buông bỏ được. Nếu không buông bỏ được những tham ái thì sự việc này phiền phức rồi, đây là chướng ngại lớn căn bản. Cho nên ái dục, thị dục nhất định phải xả cho thật sạch sẽ. Đại Sư Huệ Năng đã nói: “Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ”. Bạn có một vật là bạn đã bị dính bụi nhơ. Bụi nhơ là phiền não, phiền não của bạn không thể đoạn. Cho nên, nhất định phải xả cho thật sạch sẽ, thân tâm thế giới không nhiễm mảy bụi thì đời này bạn mới có hy vọng thành Phật. Nếu mảy may không thể buông xả thì không có hy vọng thành Phật, làm Tổ. Cho nên, y giáo phụng hành chính là “tận trung – tận hiếu”, chính là “hành trung – hành hiếu”. Đạo lớn của chư Phật là “trung – hiếu” mà thôi. Hy vọng các đồng tu chúng ta thể hội thật kỹ, nỗ lực nghiêm túc phụng hành. Có như vậy thì tiền đồ của chúng ta sáng sủa vô lượng, tất cả tai nạn đều có thể hóa giải.

Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 23

Bài viết cùng chuyên mục

Bồ Tát Địa Tạng là ai? 19 công đức chí tâm niệm danh hiệu, tán thán ngài

Định Tuệ

Thức ăn lương thực nếu bị chà đạp, bỏ thừa thì tội rất nặng

Định Tuệ

Không đoạn tâm dâm mà tu thiền định, như nấu cát mong thành cơm

Định Tuệ

Tại sao người tu hành chẳng thể thành tựu như người đời xưa?

Định Tuệ

Thế gian này làm việc gì công đức lớn nhất, thù thắng nhất?

Định Tuệ

Nằm ngủ nghe kinh Phật có phạm tội bất kính hay không?

Định Tuệ

Tứ như ý túc là gì? Nội dung của Tứ như ý túc

Định Tuệ

Trong pháp Đại Thừa, viên mãn nhất là hạnh Bồ Tát Phổ Hiền

Định Tuệ

Niệm Phật mà còn tham tài, sắc, danh, lợi chẳng thể vãng sanh

Định Tuệ

Viết Bình Luận