Chỉ trừ ra Phật là cái sống tự nhiên chơn thật tuyệt đối, không còn phân biệt bởi đã trọn sáng, trọn lành, cho nên hết khổ trọn vẹn.
Quả địa cầu trước kia là cái bọt nước. Mặt NƯỚC có màng màng là tấm kiếng thấy kêu gọi là sắc trần. Cái thấy hình dạng kêu là sắc căn. Sự sống của nước kêu là sắc thức. Về sau chúng sanh có cái thức, xúc đối với sắc trần sanh thọ cảm, tư tưởng tượng nhãn căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ, “Nước có đủ màu”.
ĐẤT cù lao nổi lên, đất là thể chất đụng chạm kêu khua gọi là thinh trần. Đất có lỗ trống, rút nghe thâu các thứ tiếng kêu là thinh căn. Sự sống của đất kêu là thinh thức. Về sau chúng sanh có cái thức, xúc đối với thinh trần sanh thọ cảm tư tưởng tượng nhĩ căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ. “Đất có đủ giọng”.
CỎ do nước, đất, lửa, gió, không thường nên sanh ra lắm mùi, gọi là hương trần. Cỏ có lổ hơi hít thâu các thứ mùi kêu là hương căn. Sự sống của cỏ kêu là hương thức. Về sau chúng sanh có cái thức, xúc đối với hương trần sanh thọ cảm tư tưởng tượng tỹ căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ. “Cỏ có đủ mùi”.
CÂY do mùa tiết tứ đại thay đổi, nên sanh ra lắm vị khác nhau, gọi là vị trần. Cây có lổ rút nếm các thứ vị, kêu là vị căn. Sự sống của cây kêu là vị thức. Về sau chúng sanh có cái thức, xúc đối với vị trần, sanh thọ cảm; tư tưởng tượng thiệt căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ. “Cây có đủ vị”; và cây là loại đã có thọ cảm già. Nên cây có thể nhập thai trong người, thú, hoặc thành ma tác quái được. Thọ cảm là thức ưa chịu, cũng kêu là thọ thức.
THÚ do ấm tứ đại và cây cỏ sanh ra đủ cách khác nhau, tác dụng nó gọi là xúc trần, thân hình có đủ tay chưn, đi đứng, nắm rờ vật. Kêu là xúc căn. Sự sống của thú kêu là xúc thức. Về sau, chúng sanh có cái thức, xúc đối với xúc trần sanh thọ cảm; tư tưởng tượng thân căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ. “Thú có đủ thân thể”. Và thú là loại đã có tư tưởng già. Nên thú có thể nhập thai thú, người, hoặc làm ma quái hay sanh vào cõi Trời. Tư tưởng là thức tưởng tượng cũng kêu là tưởng thức.
NGƯỜI là một loại thú tiến hóa ra. Bởi có tay chơn, rờ xúc, làm việc lâu ngày, mới sanh ra các pháp, các việc hay khéo, chế biến mở mang, theo sự vô thường tương đối, sanh ra pháp trần. Người hay lo nhớ, tưởng, về các sự việc, kêu là pháp căn. Sự sống của người, kêu là pháp thức. Về sau chúng sanh có cái thức, xúc đối với pháp trần, sanh thọ cảm, tư tưởng tượng ý căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ, “Người có đủ phương pháp”. Và người là loại đã có hành vi già, nên có thể nhập thai người, thú, hoặc làm ma quái, làm Trời.
Người có thể thành Phật, đi tắt, nhảy lớp. Hành vi là thức cử động, cũng kêu là hành thức. Ý căn là sự muốn và cố chấp rất mạnh của thức. Sau khi chết bỏ xác, ý căn còn là một cái bóng dạng thân người chưa tan bởi thức, có kẻ gọi là bóng vía hay thần hồn. Nếu là bậc có tu luyện rèn tập, tư tưởng được định, ý thêm cứng vững và lộ rõ rệt, có thể xuất nhập ra vào và biến hóa như Trời Phật, mà cũng như ma quỉ nữa.
Trời Phật và ma quỉ khác nhau ở chỗ thiện hay ác, thiệt hay giả, chánh hay tà. Cái hình bóng ấy của ma quỉ hay kẻ ác thì đen, và có khi tan mau, của Trời thì trắng bởi thiện và lâu tan hoại.
Trái lại bóng thức của Phật thì trong suốt, và chói rực sắc vàng, gọi là kim thân đời đời kiếp kiếp không tiêu hoại bởi thanh tịnh, trí huệ, bác ái, và không không các sở chấp.
Thân ấy mới thiệt chơn thân, thân của ta, thân là ta, hay Phật thân, thân của giác. Thân ấy tức là thức, cũng kêu là thân thức hay thân sống, thân của cái sống. Thân thức sống ấy phát sanh từ nơi ấm của tứ đại.
Trước nhứt cỏ là con của tứ đại hiệp thành. Cỏ mọc lên, là bởi phía dưới đất đặc, ăn xuống không được nên đâm vượt lên khoảng trống không, và bởi có rể nuôi sống thêm, rút chất nhựa phía dưới, nên lá ngọn càng vượt lên mãi, cái ấm nhựa không phải tròn hay dài nhứt định, hình của nó tùy theo kẹt đất đá. Bởi càng nở lớn.
Tùy theo kẽ đất mà mọc tay chơn, cũng gọi miệng ăn đất. Phía trên khi vượt khỏi đất rồi, thì gặp sương tuyết nắng mưa, nên nó cũng nhóng lên, và đâm tủa ra để hứng ăn. Cả khắp mình cây đều có lổ trống là miệng; khi thiếu ăn uống, nó biết bò ngã theo phía có nước đất để kiếm ăn. Cỏ là một vật sống tùy duyên cảnh mà ra hình thể. Theo loài người thì gọi nhánh lá là trên, chớ loại côn trùng trong đất ắt xem rễ cỏ là tàng nhánh ở trên vậy.
Thân thú, thân người ở nơi khoảng trống, là theo thể thức của cỏ cây từ trên mặt đất; đó là nguồn gốc của sự sanh thân. Cây cỏ là loại trong đất nước sanh ra, nên đầu miệng ở dưới; đuôi miệng ở trên, trái hoa là chất tinh ba, hột giống của nó. Phẩn tiểu của cỏ cây tuôn ra, trên là mủ và chất thúi dơ. Cái thức của thú vì duyên cảnh của khổ ép ngặt mà tượng sanh đầu đuôi ngang nhau. Và khi đến loài người thì đầu trở lên, chơn trở xuống. Hình thể của thân mỗi lúc tùy duyên biến sửa, do nơi thức và sự ép ngặt là khổ.
Cái thọ cảm của cây giống như một làn khói. Cái tư tưởng của thú là làn khói ấy kết đặc thành hình, theo thân thể cố chấp tưởng tượng của nó. Cái hành vi của người là một hình bóng rõ rệt của thức, khi đến tuổi Phật thì hình bóng ấy lại không tan; và màu sắc của thức thân ấy lại do nơi sự thiện ác các pháp. Thân thể có từ nơi cỏ, hình bóng có từ nơi thân, thảy do nhơn duyên tập lần sanh nảy.
Cho đến nam căn và nữ căn tương đối cũng vậy, không phải ai cho nam cho nữ để sanh sẵn cả. Nam nữ phát sanh tại loài cây. Cái ấm tứ đại sanh cỏ là thức, tượng hình theo duyên, bởi chịu nắng mưa thay đổi, là pháp tương đối nơi ngoài, mà sanh cảm giác tương đối, khi ưa vầy, khi chịu khác, kêu là thọ cảm.
Thọ cảm có hai: hết thương đến ghét, hết khổ đến vui, hết mừng đến giận, hết thích ưa đến nhàm chán, khi thì muốn, lúc lại chê bởi thọ thức thay đổi theo chiều mưa nắng, pháp tương đối bên ngoài.
Thọ cảm tức là tình dục phát sanh tại cỏ. Cỏ có thọ cảm thành cây, cây có tương đối âm dương, đực cái theo duyên cảnh. Cây có lần tư tưởng mà sanh thú, thú có đực cái theo hình thức cây. Và loài người có nam nữ là bởi hành thức theo thú.
Trời cũng còn bóng thức của người, nên có tiên nữ, tiên nam. Chỉ trừ ra Phật là cái sống tự nhiên chơn thật tuyệt đối, không còn phân biệt bởi đã trọn sáng, trọn lành, cho nên hết khổ trọn vẹn. Tương đối là pháp vô thường khổ não, còn phân biệt là cái ta chưa nhứt định.
Vậy thì, cỏ sanh tình thọ làm cây đực cái. Cây tuy đực cái nhưng chẳng giao dâm. Đến thú tư tưởng mạnh khó dằn mà giao cấu. Chất tinh ba là giống của cây, thú, người, sanh bông, trái, hột, trẻ con.
Người còn nhục dục theo thú. Trời biết là sái quấy khổ hại nên đã bỏ rồi. Phật là chơn nhơn nên trong sạch không không tự nhiên sau khi giác ngộ. Đã giác ngộ tởn sợ, được kinh nghiệm, đã học rồi, chán nản rồi mau lo tiến hóa, diệt khổ an vui là chót hết.
Trích: Chơn Lý của Tổ Sư Minh Đăng Quang!