Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Con người chỉ cần một niệm hồi tâm thì chư Phật liền hộ niệm

Con người có thể quay đầu, có thể hướng thiện, chỉ cần một niệm hồi tâm thì chư Phật liền hộ niệm, chư thiên thiện thần liền hoan hỷ, liền bảo hộ, tuyệt đối sẽ không giáng tội cho người đó.

Các vị đồng học, ngày hôm qua chúng ta đọc Cảm Ứng Thiên, giảng đến người tạo ác: “Nhân giai ố chi, hình họa tùy chi”. Cổ Thánh tiên hiền, chư Phật Như Lai thật sự từ bi yêu thương che chở chúng sanh. Chúng sanh không tin, tạo ác nghiệp là bởi vì không có người dạy họ. Sự việc này Phật đã nói rất rõ ràng ở trong Kinh Vô Lượng Thọ. “Tiên nhân bất thiện (người đời trước không thiện)”, không có ai dạy bảo họ cho tốt, cho nên cũng không nên quở trách họ. Trong hoàn cảnh bất thiện này, nếu họ không tạo ác thì thực tại mà nói, đó là Thánh Hiền tái lai, là Phật Bồ-tát chuyển thế, họ nhất định không phải là phàm phu. Nếu họ là phàm phu thì chắc chắn họ sẽ tạo ác. Cho nên tạo ác là sự việc tất nhiên. Con người có thể quay đầu, có thể hướng thiện, chỉ cần một niệm hồi tâm thì chư Phật liền hộ niệm, chư thiên thiện thần liền hoan hỷ, liền bảo hộ, tuyệt đối sẽ không giáng tội cho người đó. Đây gọi là “thiên tâm nhân thuật” (lòng trời đầy nhân ái), sẽ không giáng hình phạt cho những người biết hối lỗi. Chúng ta phải nên tin tưởng đạo lý này.

Từ đây thấy được tránh hung hóa kiết đích thực là ở trong một niệm. Thiên đường hay địa ngục đều ở ngay trước mắt. Một niệm thiện thì thiên đường hiện tiền. Một niệm ác thì địa ngục hiện tiền. Bản thân mỗi người chúng ta biết được trong quá khứ đã làm sai, biết hối cải, biết hướng thiện. dùng tâm chân thành đoạn ác tu thiện mà người này vẫn gặp phải ác báo thì tuyệt đối không có đạo lý này. Nếu người này vẫn gặp phải ác báo thì tâm sám hối của người đó vẫn chưa đủ chân thành. Họ đối với giáo huấn của Thánh Hiền vẫn còn do dự phân vân. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là dùng tâm hoài nghi mà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, không phải là không có lợi ích. Cũng có lợi ích, là sanh đến biên địa nghi thành của thế giới Cực Lạc. Cùng một đạo lý như vậy, nếu dùng tâm nghi hoặc để đoạn ác tu thiện, họ có tâm nghi hoặc, họ sám hối không triệt để cho nên vẫn còn chiêu cảm đến ác báo. Thế nhưng cái ác báo này cũng giảm nhẹ rồi. Địa ngục Vô Gián có thể giảm nhẹ thành địa ngục Du Tăng. Địa ngục Du Tăng giảm nhẹ đến địa ngục Cận Biên, nhất định là sẽ có lợi ích. Cho nên chúng ta đối với giáo huấn của chư Phật Bồ-tát, của Thánh hiền, điều kiện đầu tiên là tin sâu không nghi.

Chúng ta dùng tâm bất thiện đối đãi với người khác, chúng ta không tin tưởng ở thế gian có người thiện, không tin ở thế gian có người tốt. Cùng đạo lý như vậy, người thế gian cũng không tin chúng ta là người thiện, không tin là người tốt, là cùng một đạo lý mà! Thế nhưng thế gian quả thực là có người thiện, thật sự là có người tốt. Không phải vì mọi người nghi ngờ họ mà họ không làm người tốt, không giữ tâm tốt, không có cái đạo lý này.

Chư Phật Bồ-tát, người thật sự giác ngộ đều là những người thiện thật sự, người tốt thật sự. Cả thế giới này dù có hủy báng họ, sỉ nhục họ, hãm hại họ thì họ vẫn dùng tâm yêu thương chân thành để đối đãi với chúng sanh. Đây là người nào vậy? Là người giác ngộ. Nền giáo dục của Phật pháp, cái hạt nhân giáo học chân chánh chính là giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ. Họ biết giác ngộ là Bảo. Nhà Phật nói Tam Bảo, giác ngộ là Phật Bảo. Phật Bảo hiện tiền thì Pháp Bảo và Tăng Bảo sẽ tự nhiên theo đó mà hiện tiền. Pháp Bảo là chánh tri chánh kiến. Tăng Bảo là chung sống hòa mục, tương thân tương ái với hết thảy chúng sanh. Quan trọng nhất là Phật Bảo. Có Tăng Bảo, có Pháp Bảo chưa chắc có Phật bảo, nhưng có Phật Bảo thì nhất định có Pháp Bảo, có Tăng Bảo. Cho nên chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực học tập theo Phật Bồ-tát.

Chúng ta tiếp tục xem câu kế tiếp, câu thứ năm: “cát khánh tị chi” (chẳng gặp những sự tốt lành, mừng vui). “Cát khánh” nghĩa là sự việc tốt lành. Người tạo ác, tâm ác, ngôn ác, hành ác thì không gặp được việc tốt lành. Họ chỉ gặp được tai họa. Trong chú giải giải thích ý nghĩa chữ “tị” là “cầu không được”. Họ không đạt được những mong cầu, không được xứng tâm vừa ý. Trong chú giải có mấy câu nói rất hay, như câu “thiên đạo vô thân”. Chữ “thân” này là ý nói tư lợi, tình riêng, chư Phật Bồ-tát không có, thiên địa quỷ thần cũng không có. Lại nói “duy thân thiện nhân” (chỉ gần gũi người thiện). Nghĩa là hễ con người có tâm thiện, hành thiện thì chư Phật Bồ-tát, thiên long thiện thần liền tự nhiên đến thân cận người đó. Đây là đạo lý “đồng sanh tương ứng”. Trong Kinh Dịch có nói “nhân dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân” (người nhóm theo loại, vật tụ theo bầy) cũng là đạo lý này. Đó gọi là chí hướng hợp nhau. Phật Bồ-tát thiện, thiên long thiện thần cũng thiện, khi thấy người nào thiện thì sẽ tự nhiên tìm đến nhau. Những hành vi của bạn là bất thiện, cho nên trở thành xa lạ, bạn không thích họ, họ cũng không ưa thích bạn. Như vậy thì gọi là “cát khánh tỵ chi”.

Cho nên một người mà thật sự giác ngộ rồi, giác ngộ điều gì? Thiện ác lợi hại. Hễ bạn hiểu rõ ràng đạo lý này thì bạn có thể thân cận thiện thần, được Phật Bồ-tát chiếu cố. Một người quả thật có thể phát tâm, có nghị lực kiên định để sửa lỗi đổi mới thì đó gọi là “cung kỷ thuận thiên” (cung kính thận trọng giữ mình, thuận theo đạo trời). Chữ “cung” là cung kính, cẩn thận. “Thuận thiên”. Chữ “thiên” ở đây đại biểu cho thiện hạnh, tu Thập Thiện Nghiệp Đạo mới có thể sanh thiên. Người trời có thiện tâm thiện hạnh. Tự nhiên sẽ cảm ứng đạo giao với Phật Bồ-tát, thiên địa thiện thần. Bạn sẽ gặp được cát tường, phước lợi.

Nếu tâm hạnh của bạn tương phản với những gì đã nói ở trên. Tâm ác, khẩu ác, hành ác thì ở thế gian này bạn sẽ gặp phải rất nhiều hình phạt. Pháp luật của thế gian có đủ loại hình phạt dành cho bạn. Đây là việc rất rõ ràng. Còn những thứ mà mắt thường của bạn không nhìn thấy được nhưng quỷ thần thiên địa đang ghi chép. Bạn trong đời quá khứ có tu phước, bởi vì tạo ác nghiệp mà cái phước này bị tổn giảm. Trong đời quá khứ đã tu tích được thọ mạng, đời này cũng bị giảm ngắn lại. Việc tốt lành, mừng vui đều tránh xa bạn. Việc hung tai họa hoạn thì lại thường kéo đến. Bạn không có cách nào để tránh khỏi. Là do ác nghiệp chiêu cảm, bạn phải nên hiểu điều này.

Ở đoạn này, trong chú giải có nêu ra một câu chuyện. Những câu chuyện này đều là thật, thật sự có những con người như vậy, có những sự việc như vậy. Câu chuyện này kể ngày xưa có một người đọc sách, tâm hạnh của người này bất thiện, tất cả những gì đã làm đều trái nghịch với thiên lý, lương tâm. Thế nhưng người này có tài, rất giỏi văn chương nên đã tham gia thi cử. Vị quan khảo thí rất xem trọng văn chương của ông, nên tuyển chọn ông. Đến khi điền tên lên bảng danh sách thi đậu thì bài thi của ông biến mất, tìm thế nào cũng không thấy. Thế là không có tên của ông trên danh sách. Sau khi công bố danh sách thi đậu xong thì liền tìm thấy bài thi của ông. Nó nằm ở đâu vậy? Nó nằm ở trong tay áo của quan khảo thí. Thiên địa quỷ thần đã trêu đùa ông. Quan khảo thí có ý muốn đề bạt ông, muốn xếp tên ông trước tiên nên đặc biệt để nó ở trong tay áo, nhưng khi đề bảng tên thì lại quên mất. Việc tốt lành vì cơ duyên này mà thảy đều tiêu tán mất, cho nên ông cũng rất đau lòng. Quan khảo thí đối với ông trước sau đều rất tốt. Về sau vị quan khảo thí này được thăng chức nhưng vẫn muốn đề bạt ông. Rất nhiều lần tạo ra cơ hội nhưng khi cơ hội đến thì đều phát sinh chướng ngại. Đã xảy ra những tình huống không thể nghĩ đến nên đã làm lỡ hết việc tốt của ông. Người này trong lòng vô cùng chán nản. Vì sao có nhiều cơ hội tốt đến như vậy, rõ ràng cái cơ hội này là sắp thành tựu rồi mà đột nhiên xảy ra một biến cố nên bị mất đi. Vì quá phiền muộn nên người này đã sanh bệnh. Sau khi đổ bệnh thì cũng không nhẹ, ông đã nằm liệt giường suốt ba năm. Một hôm đột nhiên ông giác ngộ được. Ông nói cả đời gặp phải những việc đều là báo ứng của việc tích lũy tạo ác của chính mình. Sau khi ông hiểu rõ và hối hận thì bệnh tình liền thuyên giảm. Sau khi khỏi bệnh, ông liền nỗ lực sửa lỗi đổi mới, cả đời làm thiện.

Người đọc sách ngày xưa, chúng ta ở chỗ này lĩnh hội được, có tâm bất lương, hành vi xấu ác thì dẫu sao vẫn còn được sự giáo dục của gia đình, vẫn nhận được sự giáo huấn của thầy. Nhất thời mê lầm nên tạo tội nghiệp ở trong ngũ dục lục trần. Gặp phải đại khổ nạn họ vẫn có thể giác ngộ được. Người hiện nay tạo tác tội nghiệp thì dù có chết cũng không giác ngộ. Vì sao vậy? Vì không có chủng tử giác ngộ. Người xưa có chủng tử của sự giác ngộ. Người hiện nay đáng thương biết bao! Chủng tử của sự giác ngộ đều không có.

Cổ đức đã khích lệ chúng ta về sự phúc lộc ở trong trời đất. Chúng tôi xin dùng lời hiện nay để nói. Tài nguyên của đại tự nhiên chính là phúc lộc trong trời đất. Nếu bạn không giữ gìn cái tâm thiện, hành thiện, nỗ lực phấn đấu để tu dưỡng bản thân cho tốt thì bạn sẽ không thể nào hưởng thụ được những tài nguyên này. Bạn trong đời này không tu mà nhờ đời trước đã tu tích rất nhiều, cho nên trong đời này bạn đã có được hết thảy phúc lộc. Ngày nay chúng ta nói là hưởng thụ vật chất. Nói lời thành thật, ngày nay nếu như bàn đến đời sống tinh thần thì không có.

Có ai hiểu được đời sống tinh thần chứ? Hiện nay mọi người cho rằng đời sống tinh thần là ở những nơi vui chơi. Các vị đi xem ca hát nhảy múa, chè chén say sưa. Đó mà là đời sống tinh thần sao? Dùng ma túy, dùng chất gây nghiện. Đó là đang tìm sự kích thích. Họ làm gì hiểu được đời sống tinh thần chứ? Đời sống tinh thần là phải có văn minh cao độ, có sự tu dưỡng cao độ thì họ mới hiểu được, họ mới có thể lĩnh hội được. Ngày nay hoàn toàn đều là đời sống vật chất. Bạn nếu có được rồi, nhưng nếu không làm sự nghiệp lợi ích cho xã hội, cho chúng sanh nhiều một chút thì bạn sẽ không thể tiêu hóa nổi. Đây là việc mà người xưa đã giác ngộ được, đã lĩnh hội được. Phật ở trong kinh còn nói rõ ràng minh bạch hơn nữa: “Hạt gạo của thí chủ, lớn như núi Tu-di, đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả”. Bạn tưởng rằng người xuất gia dễ ăn chén cơm này lắm hay sao? Hãy xem tỉ mỉ Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh thì bạn sẽ hiểu rõ. Thế nhưng quyển kinh điển này ở trong Đại Tạng kinh lại không có người xem. Phật không chỉ nói ở trong bộ kinh này. Những sự việc đại loại như vậy, Phật đã nói rất nhiều lần ở rất nhiều bộ kinh. Bạn không đọc Đại Tạng kinh thì bạn làm sao biết được?

Chúng tôi đã trích lục một phần từ trong Đại Tạng kinh. Đã giảng qua vài lần và cũng đã in thành một quyển sách nhỏ để cúng dường cho mọi người. Có được bao nhiêu người từ trong giáo huấn này mà tỉnh ngộ trở lại, giác ngộ trở lại chứ? Đây là việc đáng để cho chúng ta phản tỉnh, đáng để cho chúng ta học tập. Thật sự sám hối, sửa đổi lỗi lầm, từng giây từng phút cảnh tỉnh chính mình, không thể tạo ác nghiệp thêm nữa. Phải học theo chư Phật Bồ-tát dùng tâm chân thành để đối đãi với người. Bất luận là người nào, dù là oan gia trái chủ cũng phải dùng tâm yêu thương chân thành để đối đãi với họ. Giống như Phật Bồ-tát vậy, một mực bình đẳng, chân thành từ bi đối đãi với hết thảy chúng sanh.

Hết thảy chúng sanh ai có duyên thì tự họ sẽ tiếp nhận. Chưa có duyên thì họ không tiếp nhận. Ai là người có duyên vậy? Người có thiện tâm thiện hạnh thì tiếp nhận sự từ bi của Phật Bồ-tát. Người có tâm ác hạnh ác thì sẽ bài xích sự từ bi của Phật Bồ-tát. Không phải Phật Bồ-tát không từ bi. Không phải Phật Bồ-tát không yêu thương. Mà là họ đã bài xích, họ đã không tiếp nhận. Tuy rằng họ bài xích, không chịu tiếp nhận nhưng tâm yêu thương, tâm từ bi chân thành của Phật Bồ-tát đối với họ cũng không hề có một chút giảm bớt. Chúng ta học Phật là phải học tập từ chỗ này.

Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 7
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Muốn giải thoát, hàng ngày phải luôn hành trì niệm Phật miên mật

Định Tuệ

Ba món tư lương Tịnh Độ: Tín, Nguyện và Hạnh

Định Tuệ

Sai một chút thì tu tập không có cảm ứng

Định Tuệ

Hễ nghe Pháp, tụng Kinh, niệm Phật mà buồn ngủ phải làm sao?

Định Tuệ

Cúng vái lạy cầu vong linh về ăn uống có chứng hưởng không?

Định Tuệ

Vì sao người vãng sanh về Cực Lạc lại được bất thối chuyển?

Định Tuệ

Miệng thường niệm câu Phật hiệu, sẽ có hai tác dụng

Định Tuệ

Chúng ta tin khoa học hay tin vào giáo huấn của Phật Đà?

Định Tuệ

Cái gì mình không muốn, chớ đem cho người

Định Tuệ

Viết Bình Luận