Đới nghiệp vãng sanh là mang theo nghiệp mà vãng sanh về cõi Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi.
1. Đới nghiệp vãng sanh là gì?
Đới nghiệp là mang theo nghiệp, vãng sanh là sanh về cõi Tây Phương Tịnh Độ. Đới nghiệp vãng sanh là mang theo nghiệp mà vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi. Đây là siêu thế nguyện của đức Phật A Di Đà dùng để độ thoát chúng sanh thời mạt. Bởi chúng sanh nghiệp lực tích tụ lại từ vô thỉ kiếp đến nay là vô lượng vô biên. Nghiệp lực này “nếu có hình tướng thì hư không cũng không thể chứa hết cho được”. Mà trong giáo pháp của Như Lai, muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi chỉ có hai cách:
1. Trì giới tinh nghiêm mà Tu Thánh Đạo Môn như Thiền, Mật; Đoạn Hoặc chứng Chân, diệt sạch phiền não Hoặc nghiệp mà chứng quả A La Hán.
2. Tin sâu, nguyện thiết, trì danh hiệu Phật. Nương Đại Nguyện Lực của đức Phật A Di Đà mà Đới Nghiệp Vãng Sanh Tây Phương Tịnh Độ.
2. Đới nghiệp vãng sanh trọng yếu như thế nào?
Tổ Ấn Quang bảo: “Các giáo lý tu chứng thông thường trong cả một đời đức Như Lai đã nói tuy có nhiều pháp khác nhau, nhưng không có một pháp nào khiến cho kẻ còn đầy rẫy Hoặc nghiệp có thể liễu sanh thoát tử cả!
Riêng một pháp Tịnh Ðộ: Chỉ cần lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, dùng tâm chí thành trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Chẳng luận là Hoặc nghiệp dày hay mỏng, công phu cạn hay sâu; khi lâm chung đều cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Ðã vãng sanh liền siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử.
Từ đấy, lần lượt tấn tu, liền chứng được Vô Sanh, thậm chí viên mãn Phật Quả! Ðây chính là pháp môn đặc biệt thương xót chúng sanh căn cơ hèn kém, muốn cho họ mau thoát khỏi luân hồi của đức Như Lai”.
Tổ Ấn Quang là hóa thân của đức Đại Thế Chí Bồ Tát. Lời dạy của Ngài đơn giản và dễ hiểu như thế. Không hiểu tại sao nhiều người vẫn còn rao giảng: “niệm Phật được nhất tâm mới được vãng sanh”. Không hiểu sao vẫn có kẻ rao giảng: “Phải tụng bao nhiêu biến kinh A Di Đà, niệm bao nhiêu câu Phật hiệu đó mới được vãng sanh; Không hiểu sao nhiều người vẫn còn nghi hoặc chuyện: “Còn nghiệp là chẳng thể vãng sanh”? … Thật đúng là bội phản lại lời Phật dạy, vô cùng đáng trách!
Đới nghiệp vãng sanh, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi vô cùng đơn giản. Chỉ sợ bạn thích làm việc khó nên không làm được việc đơn giản mà thôi. Việc đơn giản ấy được Tổ Ngẫu Ích dạy thế này: “Được vãng sanh hay không, hoàn toàn do tín nguyện có hay không? Phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn“. Bạn chỉ cần nắm chắc lời này của Tổ, chắc chắn được vãng sanh!
Tu Thánh Đạo Môn như Thiền, Mật phải trì giới cực tinh nghiêm mới mong Đoạn Hoặc chứng Chân. Diệt sạch phiền não Hoặc nghiệp mới mong chứng được quả A La Hán. Người tu trì chỉ dùng tự lực của mình, không nương nơi Phật lực. Lại cậy tự lực tu hành, đoạn Hoặc chứng Chân thật chẳng dễ dàng! Ðoạn Kiến Hoặc như cắt ngang dòng nước rộng bốn mươi dặm, huống hồ là Tư Hoặc! Kiến Hoặc đoạn được liền chứng Sơ Quả, dự vào dòng thánh, vẫn còn phải bảy lần sanh lên trời, bảy lần sanh xuống nhân gian mới đoạn sạch được Tư Hoặc để chứng Tứ Quả.
Tuy nói là mười bốn lần sanh tử, nhưng trên trời tuổi thọ dài lâu, cố nhiên chẳng thể dùng năm tháng để luận. Thánh nhân Sơ Quả muốn liễu sanh tử còn khó khăn như thế, huống hồ là phàm phu đầy dẫy Hoặc nghiệp ư? Nếu chứng Tứ Quả sẽ vĩnh viễn đoạn được căn bản sanh tử, siêu xuất lục đạo luân hồi.
Nếu phát tâm Ðại Bi, nhập thế độ sanh, nương theo nguyện thị hiện hạ sanh, sẽ chẳng giống như kẻ đầy dẫy Hoặc nghiệp bị nghiệp thiện ác lôi kéo thăng trầm trong lục đạo, tự mình chẳng mảy may làm chủ được!
Tự lực liễu sanh tử nếu chẳng phải là hạng túc căn thâm hậu sẽ chẳng thể làm được; Chúng sanh đời mạt mong bằng được sao? Bởi thế, Như Lai đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Ðộ để hết thảy dù thánh hay phàm, thượng trung hạ căn cùng được liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Lòng từ bi cứu hộ ấy tột bậc không chi hơn được!
Ðể tu trì pháp này chỉ cần sanh lòng tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm lực tinh thuần, ngay trong hiện đời cũng có thể chứng thánh, lâm chung lên ngay thượng phẩm, dự vào địa vị Bồ Tát, chứng địa vị Bất Thoái.
Nếu như căn cơ hèn kém, chưa làm được như thế, cứ chí thành niệm Phật thì tâm và Phật khế hợp nhau, cảm ứng đạo giao. Lúc lâm chung ắt được Phật rủ lòng từ tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh. Thậm chí kẻ ngũ nghịch, thập ác, lúc lâm chung tướng địa ngục hiện; nếu tâm thức chẳng mê, có thiện tri thức dạy cho niệm Phật. Người ấy sanh lòng sợ hãi lớn lao, sanh lòng hổ thẹn lớn sám hối; dù niệm mấy tiếng rồi liền mạng chung, cũng vẫn được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh.
3. Chỉ riêng có pháp môn Tịnh Độ là đới nghiệp vãng sanh
Hòa Thượng Tịnh Không giảng giải
Hiện tại mọi người chúng ta đang cùng nhau học tập “Hoa Nghiêm”. Nếu chúng ta muốn ở ngay trong một đời khế nhập cảnh giới quả địa Như Lai, thực tế là quá khó, không cần nói là Như Lai quả địa, Tiểu thừa Tu Đà Hoàn, Đại thừa Bồ Tát Sơ Tín vị đều không dễ dàng. Đích thực rõ ràng, không phải ngay trong đời này chúng ta dựa vào năng lực của chính mình mà có thể làm đến được.
Cho nên, chúng ta không thể không tiếp nhận pháp môn phương tiện của Như Lai, đó chính là Tịnh Độ “đới nghiệp vãng sanh”. Chúng ta chỉ có một con đường này để đi, đích thực là đới nghiệp vãng sanh. Bởi vì ngoài pháp môn này ra, tất cả pháp môn khác đều là tiêu nghiệp, không có đới nghiệp, chỉ riêng có Tịnh Độ là đới nghiệp.
Bốn chữ “Đới Nghiệp Vãng Sanh” này không có trong kinh Phật. Lúc trước ở Hoa Kỳ có một số người phản đối “đới nghiệp vãng sanh”, cũng nổi lên làn sóng rất lớn trong một thời gian, làm cho người niệm Phật hoài nghi, gần như mất đi lòng tin, bao gồm lão cư sĩ Châu Tuyên Đức.
Có một năm, tôi đến Lusanchi, lão cư sĩ Châu Tuyên Đức nghinh tiếp tôi ở phi trường. Từ phi trường đến thành phố, lái xe đại khái khoảng một giờ. Lúc ở trên xe, ông hỏi tôi: “Hiện tại, có người nói đới nghiệp không thể vãng sanh. (Câu “Đới nghiệp vãng sanh” này có rất nhiều người không thể tra tìm trong “Đại Tạng Kinh”). Chúng ta tu Tịnh Độ đã nhiều năm như vậy, chẳng phải đã uổng phí sao? Vậy phải làm sao?”.
Ngữ khí, biểu thái của ông đều rất áo não, bi thảm. Lúc đó lão cư sĩ đã hơn 80 tuổi, ông và lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam có quan hệ rất mật thiết, lúc đó lão sư Lý mới vãng sanh không bao lâu. Ông nêu ra vấn đề này với tôi. Tôi mỉm cười, nói với ông: “Không vãng sanh thì thôi vậy, không cần đi đến thế giới Cực Lạc”.
Ông nghe tôi nói lời nói này rồi, liền ngẩn người ra, nhìn vào tôi rất lâu. Ông không hiểu lời của tôi nói. Tôi lại nói với ông: “Nếu như không đới nghiệp vãng sanh, thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ có A Di Đà Phật một mình cô độc, chúng ta đến đó làm gì? Không cần thiết!”. Ông vẫn không hiểu.
Sau đó tôi lại nói với ông: “Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát là Bồ Tát Đẳng Giác, ông có biết hay không?”. Ông biết, ông liền gật đầu. “Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, họ có xem là đới nghiệp hay không?”. Bấy giờ ông mới tường tận.
Bồ Tát Đẳng Giác còn một phẩm sanh tướng vô minh, vậy là đới nghiệp. Chỉ có Phật là không đới nghiệp, Bồ Tát Đẳng Giác đều là đới nghiệp. Sau đó, tôi lại hỏi ông: “Trên kinh tuy không có nói đới nghiệp vãng sanh, thế nhưng trên kinh có nói bốn cõi, ba bậc, chín phẩm hay không?”. Ông nói: “Có!”. “Nếu như không đới nghiệp thì làm gì có ba bậc, chín phẩm, làm gì có bốn cõi? Bốn cõi, ba bậc, chín phẩm là mang nghiệp nhiều hay ít. Nếu mang nghiệp ít thì phẩm vị cao, mang nghiệp nhiều thì phẩm vị thấp. Đây không phải đã rõ ràng, tường tận, thông suốt thấu đáo rồi sao? Lẽ nào nhất định phải Phật nói ra bốn chữ “Đới Nghiệp Vãng Sanh” thì chúng ta mới hiểu được?”. Vậy ông mới hiểu ra.
Tôi nói: “Lão thật niệm Phật, quyết định không sai”. Cõi Thật Báo Trang Nghiêm vẫn là đới nghiệp vãng sanh, chúng ta phải hiểu được đạo lý này.
Thù thắng của thế giới Tây Phương Cực Lạc là ở 48 nguyện của A Di Đà Phật, bổn nguyện gia trì chúng sanh. Điều này thật cừ khôi. Chúng ta là dựa vào bổn nguyện oai thần gia trì của A Di Đà Phật, đới nghiệp vãng sanh. Cái chí xứ này là thù thắng không gì bằng, một đời thành tựu.
Chúng ta xem thấy trong kinh luận, mười phương ba đời tất cả chư Phật, không vị nào không tán thán A Di Đà Phật. Thế Tôn làm đại biểu cho tất cả chư Phật, tán thán A Di Đà Phật là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”.
Bạn phải rõ lý, học Phật nhiều năm như vậy, đọc kinh nhiều năm như vậy, nếu như những tình lý này bạn đều hiểu hết, đều thông tình đạt lý, cho dù tà tri tà kiến như thế nào, vừa gặp được, tự nhiên liền phá hết, tự nhiên liền hóa giải, thì làm gì bị họ mê hoặc, làm sao có thể tin được họ?
Bạn bị những lời nói này ảnh hưởng dao động, mất đi tín tâm, cũng có nghĩa là bạn hiểu chưa đủ sâu đối với Phật pháp. Ngày ngày đọc kinh, ngày ngày niệm Phật, nhưng trên lý luận vẫn chưa có nền tảng, cho nên dễ dàng bị người dao động.
Tâm Hướng Phật/St!