Tâm Hướng Phật
Nhân Quả

Thoát chết ba lần nhờ Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ

Phật tử ấy cảm thấy sự linh nghiệm của Quan Âm Đại Sĩ thật là không thể nghĩ bàn nên từ đó về sau, tụng niệm càng tinh tấn, lễ bái càng kiền thành.

Vương Lương Phong là người ở Hàn Châu đã kể lại câu chuyện Quan Âm cứu khổ như sau:

Ở tại Thương Ngu, tỉnh Chiết Giang có một Phật tử làm nghề buôn gạo, tánh tình hiền lương. Trong nhà người này có thờ Quan Âm Đại Sĩ rất trang nghiêm, hàng ngày lại chiêm bái, xưng niệm Thánh hiệu Đại sĩ.

Gia đình Phật tử này chỉ có hai vợ chồng. Một ngày nọ Phật tử này sắp đi xa thì đêm ấy nằm mộng thấy Quan Âm Bồ Tát đến bảo:

“Ngươi sắp có đại nạn nên Ta đến để cứu độ.”

Nói dứt lời, Bồ tát đọc bài kệ bốn câu như sau và căn dặn Phật tử ấy phải ghi nhớ cho kỹ:

“Gặp cầu chớ đậu ghe
Gặp dầu liền xoa đầu
Đấu thóc ba thang gạo
Ruồi xanh đậu ngòi bút”.

Phật tử ấy khi thức dậy vẫn nhớ rõ ràng và rất lấy làm lạ về bài kệ nói trên nhưng vẫn dặn lòng cố nhớ đừng quên…

Phật tử này sau đó thuê chiếc ghe chở gạo đi bán. Đi đến ngày thứ hai thì gặp phải mưa to gió lớn giữa đường, người lái ghe có ý muốn đậu lại dưới chiếc cầu lớn để tránh gió mưa thì Phật tử này lúc ấy bỗng nhớ lại lời dặn trong mộng của Bồ Tát: “Gặp cầu chớ đậu ghe”. Nên hối thúc người lái thuyền đi nhanh qua chớ không đậu lại.

Quả nhiên, khi chiếc ghe vừa qua khỏi cầu thì nghe một âm thanh chát tai, ngó lại thì chiếc cầu vừa bị sập xuống.

Phật tử ấy cảm thấy sự linh nghiệm của Quan Âm Đại Sĩ thật là không thể nghĩ bàn nên từ đó về sau, tụng niệm càng tinh tấn, lễ bái càng kiền thành.

Một ngày nọ, khi Ông vừa trở về nhà, lúc đang cúi xuống lễ Phật trong nhà thì chiếc đèn lưu ly treo trước Phật đài bỗng rớt xuống đất, đổ dầu lênh láng. Lúc ấy, Ông nhớ đến câu kệ thứ hai của Bồ tát đã dạy: “Gặp dầu liền xoa đầu”. Nên liền dùng tay xoa dầu đổ dưới đất lên đầu mình.

Vào lúc nửa đêm, khi đang ngủ thì Ông chợt nghe có mùi máu tanh hôi, Ông đốt đèn lên xem thì thấy vợ Ông đã bị giết chết. Ông chạy vội sang nhà cha mẹ vợ báo tin xấu thì nhạc phụ của Ông liền căn vặn về nguyên do cái chết của vợ Ông, nhưng Ông không thể đáp lại được lời nào.

Lúc ngày thường, Ông là người rất tín phụng Phật pháp nhưng vợ ông thì ngược lại nên nhạc phụ Ông lúc ấy nghi ngờ là do có chuyện bất hòa thất thường giữa hai vợ chồng Ông nên mới xảy ra vụ việc này.

Nhạc phụ Ông vì thế đâm đơn đến Quan huyện tố cáo Ông tội giết người. Quan huyện cho người đến bắt Ông, khi giải Ông về đến Nha môn, quan huyện nhìn sắc diện thì thấy hoàn toàn không có vẻ gì là người sát nhân.

Khi lấy khẩu cung của Ông thì quan huyện nhận thấy trong nhà Ông, dù tiền bạc và đồ vật không phải là ít nhưng hoàn toàn không bị cướp đi món nào, khám xét hiện trường thì cửa sổ nhà thì không bị phá, vách tường cũng không bị đào lỗ… Nên đoán chắc hung thủ chắc không phải là trộm.

Quan huyện lại tiếp tục tra hỏi giữa gia đình Ông và hàng xóm có hiềm khích gì không thì Ông liền đáp: “Từ nào đến giờ đối với hàng xóm gia đình Ông không hề mất lòng”.

Quan huyện suy nghĩ: “Nhà này không có kẻ oan gia đối đầu, đây không phải là vụ trộm cướp, mà thời điểm án mạng lại xảy ra trong lúc nửa đêm, vậy thử hỏi ai vào đây giết người, hung thủ chỉ có thể là Phật tử buôn gạo này mà thôi, không còn nghi ngờ gì nữa.”

Quan huyện sau khi lấy khẩu cung hoàn tất và suy nghĩ như vậy định hạ bút xuống phê vào lời khai thì bỗng nhiên có một con ruồi xanh bay đến, đậu vào ngòi bút. Quan huyện đang lấy làm lạ tại sao có con ruồi đậu trên ngòi bút thì Phật tử này la lớn: “Ruồi xanh đậu ngòi bút”. Thật là ứng nghiệm không sai!

Quan huyện nghe Ông la lớn như vậy nên hỏi nguyên do thì Phật tử buôn gạo bèn đem sự việc trong mộng mà Bồ tát đã dạy và những việc ứng nghiệm đã trải qua thuật lại hết cho quan huyện nghe.

Lúc bấy giờ Quan huyện cùng với nha đầu mới cùng nhau suy nghĩ về bài kệ thì thấy câu 1, 2 và 4 đều ứng nghiệm, giờ chỉ cần hiểu được câu kệ thứ 3 là gì thì chắc sẽ tìm ra hung thủ. Suy đi nghĩ lại thì quan huyện bắt đầu hiểu được câu kệ thứ 3: “Đấu thóc ba thang gạo”. Vậy thì 7 thang còn lại phải là thang trấu, như vậy thì tên nghi phạm hoặc là tên Thất Khang (trấu) hay là Khang Thất.

Nghĩ ra như vậy thì quan huyện lập tức cho người đi dọ hỏi thì quả nhiên gần nhà của Phật tử buôn gạo có người tên Khang Thất. Quan huyện liền bắt đưa về nha môn để tra hỏi, chỉ sau một lần dùng hình phạt hỏi cung thì tên này đã vội vàng khai:

“Trước nay, Khang Thất có tư tình với vợ của Phật tử này nên đêm ấy, lúc Phật tử buôn gạo trở về thì Khang Thất không kịp chạy trốn bèn vội núp trong phòng, lúc ấy hắn nảy sinh ý định giết Ông để cho tiện thỏa ý tư tình với vợ Ông. Do trong phòng tối không có đèn nên chờ cả nhà ngủ say, hắn bò ra để giết Ông. Khi sờ vào đầu của Ông bị dính dầu hắn tưởng là của vợ Ông nên quay sang nhằm đầu người không dầu mà giết, ngờ đâu giết lầm tình nhân của mình”.

Quan huyện lấy lời khai xong thì ra lệnh hạ ngục Khang Thất và cho người đưa Phật tử buôn gạo về nhà. Quan huyện được chứng kiến sự việc nói trên và cảm thấy sự linh nghiệm của Quan Âm Bồ Tát phi thường, không bỏ rơi người có thiện tâm khi bị nạn nên liền phát tâm thâm tín với Phật pháp và chính mình cũng nguyện thờ Quan Âm Đại Sĩ hàng ngày, chiêm bái xưng niệm cúng dường.

Riêng Phật tử buôn gạo sau sự việc đã xảy ra thì cảm thấy sự dâm nhiễm là nguyên nhân gây ra thống khổ cho thế gian nên sanh lòng chán ngán, Ông bèn xuất gia tu hành và sau này cũng có chỗ sở đắc.

LỜI BÌNH:

Phật tử buôn gạo này được sự cảm ứng với Bồ tát là do Ông lúc ngày thường nhất tâm thành kính xưng niệm danh hiệu Đại sĩ nên đến lúc cấp nạn thì Đức Quán Thế Âm ở trong tự tánh của chúng sanh thùy từ cứu độ mà được giải thoát.

Nếu hằng ngày, Ông không chí thành khẩn thiết niệm cho thường, đến lúc đại nạn đối đầu với hiểm nguy, trong tâm sợ sệt hãi hùng, tinh thần không sáng suốt thì làm sao còn nhớ mà niệm.

Chúng ta lúc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát cần phải xem như đang trong tình cảnh sắp bị xử tử, như người bị lửa cháy bao tứ bề mà cầu cứu, phải nhiếp cả sáu căn, một lòng vắng lặng, tâm nhớ miệng niệm cho rõ ràng rành rẻ, tai nghe cho rõ ràng rành rẻ, để Ý nhớ cho rõ ràng rành rẻ. Tâm, khẩu nghiệp tương ứng thì đây là bí quyết tối yếu của người trì danh, bất luận là niệm Phật hay niệm Quán Âm, nếu không được như vậy thì tâm viên, ý mã rất khó được đại lợi ích.

(Nguồn: Thiện Như)

NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỨU KHỔ CỨU NẠN LINH CẢM ỨNG QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT!

(Trích “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn – Phẩm Giảng Lục”)

Bài viết cùng chuyên mục

Sát sinh để cúng tế vong linh là làm hại người chết

Định Tuệ

Dát vàng trang nghiêm tượng Phật, lửa nhảy qua khỏi nhà

Định Tuệ

Chuyện nhân quả: Người ăn mày và Đức Phật

Định Tuệ

Trì Chú Đại Bi được thăng chức, sinh con trai như ý

Định Tuệ

Vì đâu sinh con nghịch tử? Nhân quả báo ứng không hề sai

Định Tuệ

Nhất quyết không sát sinh, bất ngờ khỏi ung thư máu

Định Tuệ

Nhân ác lớn nhất là sát sinh – Hãy từ bỏ những nghề sát sinh hại vật

Định Tuệ

Vì sao đứa trẻ chỉ muốn đầu thai vào nhà bạn?

Định Tuệ

Dùng phúc đức cải lại tướng số

Định Tuệ

Viết Bình Luận