Tôi ghi câu chuyện này ra là muốn chia sẻ, mách mọi người con đường làm giàu: Đó là in kinh hoằng pháp, cúng dường Phật, Pháp, Tăng.
Người ta ai cũng ưa phát tài, có người biết nắm lấy cơ hội nên “tâm muốn, sự thành”. Có người tùy khả năng mà vươn lên theo thời, nỗ lực phấn đấu, dốc hết cả đời, cuối cùng cũng thành tựu. Có người dù tích lũy lắm tiền của, tuy được tài phú nhưng không bền lâu, vì “sai lầm một chút mà ôm hận thiên thu”.
Hơn mười năm nay Tôi (Quả Khanh) theo hầu Hòa thượng Diệu Pháp, chứng kiến nhiều người đến thỉnh giáo ngài vắn đề này, vì vậy tôi tuyển chọn hai câu chuyện có thực tiêu biểu, chia sẻ cho độc giả nghe.
Như đã thuật trong quyển Báo ứng Hiện Đời tập 1, nơi mục: “Pháp ngữ của Hòa thượng”có cư sĩ hỏi: – Làm sao để tụ nhiều tiền tài, nhằm giúp kiến thiết đạo tràng…?
Hòa thượng đã dạy: -“Tiền tài như củi, tụ nhiều vô ích, chỉ cần cho một mồi lửa là chiêu họa đốt thân. Củi dễ tìm, cần thì lượm nhặt, nhưng không nên tham, vì tiềm ẩn họa ở trong”…
Thực ra, câu chuyện này còn nửa phần sau chưa kể hết… Vì sao cư sĩ này thỉnh giáo, muốn tụ nhiều tiền tài để xây cất chùa? – Bởi ông là một người giàu có, sự nghiệp cực kỳ thành công – Mời quý vị xem câu chuyện dưới đây:
NỬA CÁI BÁNH
Gia đình ông Trình có ba người, sau khi qui y Phật rồi thì giữ giới rất nghiêm. Nhà ông giàu có ngàn vạn, lại một bề trì giới chu toàn, khiến mọi người rất kính phục. (Xem ra phú quý học đạo cũng không khó? Mấu chốt nằm ở chỗ bạn có huệ căn và cùng Phật có duyên hay chăng thôi).
Con trai của ông là Trình Vĩ vừa mới lên cao trung. Ngày nọ tan học chàng ra về cùng các bạn, trong nhóm có bạn X đang đói bụng, nên đã mua một cái bánh nướng, vừa mới cắn một miếng, thì X nhổ ra ngay rồi vứt miếng bánh ra xa.
Trình Vĩ hỏi: – Sao lại ném bánh đi?
X nói: – Dở quá! Ăn không ngon.
Đang trả lời thì X đi đến gần cái bánh vừa ném đó. Thuận chân anh đá nó văng ra xa thêm mấy mét nữa. Trình Ví vội chạy đến lượm cái bánh lên, đưa cho bạn, ôn tồn nói: – Đừng có vứt bỏ bánh như vậy rất uổng, bạn hãy ăn đi nha. Lãng phí lương thực là có tội nhiều lắm đó!
X cười khẩy, bảo: – Bánh này tôi mua, không ưa thì ném đi, có tội gì chứ hả? Nếu anh sợ lãng phí thì tự mà ăn đi!
Trình Vĩ nói: – Vậy tôi ăn thay anh nha!
Nói xong, liền ăn cái bánh đó. Khi mẹ Trình Vĩ mách Hòa thượng chuyện này, mắt bà đỏ lên. Bà nói mình đã khóc khi nghe con trai thuật lại cảnh trạng đó.
Hòa thượng nghe xong, nhìn thật lâu vào cậu con đang ngồi im lặng bên mẹ, mỉm cười khen: – Con trai ngoan, học tập giỏi, tiền đồ xán lạn vô cùng a!
Ba Trình Vĩ nói: – Trình Vĩ ngày nhỏ rất ưa tĩnh tọa, có lúc nó chơi đùa trong nhà, khi tìm thì chẳng thấy đâu. Do chẳng nghe tiếng mở cổng lớn, nên con và mẹ nó rất thắc mắc, cùng đi tìm thì bỗng nghe tiếng động trong tủ quần áo. Chúng con mở tủ ra, nhìn vào thấy thằng bé đang ngồi xếp bằng trang nghiêm trong đó, mắt nhắm, miệng chẳng nói lời nào, nhưng giống như đang niệm gì đó. Con kéo cháu ra, hỏi: – Ngồi trong đây làm chi?
Nó đáp: – Con không biết.
– Thưa sư phụ, Ngài nói xem, thằng bé này có duyên với Phật phải không? Nó luôn nói tương lai mình không kết hôn, chẳng thèm chuốc phiền làm chi.
Hòa thượng bảo: – Đúng đấy! Các ngươi ráng nuôi dạy nó cho tốt, để nó làm thiện tri thức cho Phật giáo, tương lai sẽ cống hiến rất lớn cho đạo.
Ba Trình Vĩ nói: – Con có một việc nghĩ hoài không hiểu, ôm thắc mắc mãi suốt bao năm nay. Xin thỉnh giáo sư phụ. Con vốn chỉ có tấm bằng cao trung, sau đó gặp cơ hội, chỉ tính làm ăn nhỏ thôi, ngờ đâu việc hết sức phát đạt, thuận lợi vô cùng, mãi cho tới giờ. Sự nghiệp quá thành công có lúc khiến bản thân con cũng lấy làm lạ. Vì có nhiều người bằng cấp rất cao, lại cực kỳ thông minh, thậm chí ra làm việc sớm hơn con, nhưng trước sau không phát, hoặc có hưng thịnh được mấy năm thì bị suy sụp, còn con thì không những phát đạt thuận lợi, mà còn may mắn được gặp Phật pháp, biết niệm Phật, tụng kinh, in ấn kinh, tạo Phật tượng… công việc làm ăn ngày càng tốt. Đây không thể nói là không có phúc báu. Sư phụ có thể giảng cho con hiểu, con đã trồng nhân tốt gì trong quá khứ mà được kết quả như hôm nay chăng?
Sư phụ nói: – Vấn đề này phải do chính mình tự tham thiền, công phu đạt, thì sẽ hiểu minh bạch thôi. Chắc hẳn anh làm ăn, từ sáng đến tối toàn lo kiếm tiền, không có thời gian tĩnh tọa? Để cháu Trình Vĩ và mọi người hiểu rõ nhân quả, tôi sẽ kể cho nghe một câu chuyện:
“Thời Phật Thích Ca Mâu Ni trụ thế, lần nọ, có hơn ngàn vị đệ tử Phật đang ngồi trong giảng đường, chăm chú nghe Ngài thuyết pháp. Khi đó có một vị Tỳ kheo ngồi ở tận ngoài cùng, gần cổng lớn, Trong bụng đột nhiên vang lên tiếng sôi rồn lột, nhưng do các Tỳ kheo quanh đó đang chú tâm nghe pháp nên không ai để ý. Vị Tỳ kheo này bỗng nghe phía sau mình có tiếng cười, liền quay đầu lại dòm, thì thấy ngoài cổng có một bé trai khoảng 9 tuổi đang cười hi hi, mồm đang nhai gì đó, tay còn cầm nửa cái bánh, nhỏ tiếng hỏi: – Sư đói hả?
Tỳ kheo gật đầu. Thế là thằng bé tặng nửa cái bánh cho vị Tỳ kheo rồi xoay mình bò đi chơi tiếp”.
Hòa thượng bảo ba Trình Vĩ:
Đứa bé đó là tiền thân của anh, do biếu vị tỳ kheo nửa cái bánh đang lúc đói lòng, giúp ông ta vững tâm nghe pháp, công đức này hết sức lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến đời này anh giàu có sung túc.
Trong “Kinh Địa Tạng” nói: “Đời vị lai nếu có thiện nam thiện nữ, ở trong Phật pháp, trồng chút thiện căn bằng hạt cát, mảy tơ, sợi tóc, thì phúc lợi được hưởng không thể ví dụ… Trong đời vị lai, nếu có thiện nam thiện nữ gặp kinh điển đại thừa, hoặc nghe một câu, một bài kệ, phát tâm ân trọng, tán thán cung kính, bố thí cúng dường, thì người đó được phúc báu lớn vô lượng vô biên, nếu có thể hồi hướng cho pháp giới, thì phúc này không thể ví dụ’.
Đứa bé kia do hiếu kỳ mà đến cổng giảng đường nghe mấy câu Phật pháp, có thể bé chẳng hiểu rõ nghĩa lý, nhưng trong nhiều đời sau, từ đó đến nay, nhân duyên chín mùi, bé không những thành đệ tử Phật, mà còn rất giàu có, chính là anh đấy. Phải biết vị Tỳ kheo được bé tặng nửa cái bánh lót dạ lúc đói lòng, nhờ vậy mà vững tâm nghe pháp Phật, được khai ngộ và chứng quả. Nhân đây mà có duyên với anh, biết đâu chừng đời này cũng đến tụ hội hoặc cùng anh gặp gỡ, chung sức hoằng dương Phật pháp… Chỉ cần anh không ngừng tu tinh tấn, chịu khó tham thiền tĩnh tọa, sẽ có ngày anh hiểu rõ hết.
Còn những người làm ăn mà sự nghiệp không thành công, đa phần do đời trước hoặc đời này họ không chịu bố thí, hoặc đã từng tạo nhiều chướng ngại khác. Muốn chuyển biến vận mệnh thì phải biết cách bố thí, làm nhiều việc từ thiện ích quốc, lợi dân… và nhất là không nên sát, đạo, dâm, vọng. Thực hành trì chí bền tâm thì có ngày sự nghiệp sẽ thành.
Những người giàu sang mà sau đó tiền tài bị tán thất, đa số là tại họ tiêu tiền tạo nghiệp mà ra. Chẳng hạn như: tạo nghiệp tà dâm hừng thịnh, vì muốn ăn ngon sướng miệng mà tạo lắm sát nghiệp… hoặc là họ kiếm tiền bất chánh (thí như kiếm tiền bằng cách tạo các nghiệp sát, đạo, dâm, vọng). Một khi nhân duyên chín mùi, ác báo sẽ hiện tiền. Cho nên những ai làm ăn sinh sống theo nghiệp tà, thì nên sớm chuyển nghề, phải gìn giữ thân, khẩu, ý, sửa đổi hành vi xấu, sám hối tội lỗi, bỏ ác hành thiện…thì sẽ thay đổi được ác báo vị lai”.
(Tiếp theo là câu chuyện thứ hai cũng liên quan đến CON ĐƯỜNG LÀM GIÀU):
NGHIÊM CƯ SĨ
Nghiêm Đại cư sĩ là nhân vật khá nổi tiếng đối với các tự viện trong nước. Sở dĩ người ta gọi ông là “Đại cư sĩ”, là do ba điều: Thứ nhất: ông rất giàu, sở hữu nhiều hãng tiệm khắp các thành phố lớn trong nước. Thứ hai: hùng tâm in kinh tạo tượng cúng dường bố thí cực kỳ mạnh. Thứ ba: tính khí nóng nảy cũng bự tương đương…
Người như Nghiêm Đại cư sĩ đây, tôi đã sớm nghe danh, nhưng bây giờ mới có dịp quen biết, khi ông đến bái kiến Hòa thượng Diệu Pháp.
Ông khoảng chừng sáu mươi mấy tuổi, nhưng đầu tóc bạc trắng hết. Thoạt nhìn, thấy ông chẳng có phong độ đại gia chi, ngược lại còn giống hệt một người làm công già thoái hưu. Ông mặc cái áo lạnh màu lam, quần cũng màu lam nhưng nhăn nhúm, chân mang giày du lịch, mà giầy cũng nhếch nhác.
Bề ngoài lôi thôi này ít khơi gợi sự chú mục của người. Nhưng vì tôi đã nghe nhắc nhiều về thành tích của ông, vốn nổi danh là kẻ “xem kim tiền như rác rưởi”, tính rất hào phóng rộng rãi. Có người kể: ông có một tượng Phật bằng vàng, rất quý, chỉ cần khách đến thăm tán thán ngưỡng mộ, ngợi khen… là ông liền hai tay bưng tặng, dâng cho. Hễ gặp kinh sách Phật giáo hay thì lập tức cho sắp xếp in ấn, số lượng ít nhất thì cũng phải đầy một Container hai mươi tấn. ông mà đến chùa nào, chỉ cần phát hiện bàn ghế chén mâm… (nghĩa là thấy vật dụng chùa Không đủ dùng hay bị hư hao), thì lập tức bỏ ra số tiền kếch xù để ủng hộ.
Sau này ông tuyên bố: -“Bây giờ tôi không đưa tiền nữa mà sẽ trực tiếp mua vật chùa cần đem tới”. Bởi vì từ khi ông phát hiện trong tự viện có cư sĩ nhận tiền ông xong, không những chẳng mua đồ mà còn biến mất tăm.
-Tôi cúng dường mà tạo dịp cho họ xuống địa ngục thì tôi cũng có tội, nên từ nay về sau tôi chỉ cung ứng đò chứ không đưa tiền! – ông trợn mắt, nói với vẻ rất tức giận.
Ông còn vì ngôi chùa nọ tạc một tôn tượng Quan Thế Âm cao 22m bằng gỗ thơm, cho thếp vàng toàn bộ là hai kí, tiêu hơn trăm vạn nhân dân tệ.
Hòa thượng Diệu Pháp mời ông ngồi, hiền hòa hỏi: – Sớm đã nghe nói về ông, có chuyện gì mà muốn tìm ta, hiện tại ông đã thoái hưu rồi có phải không?
Nghiêm cư sĩ kể hai chân mình đi đứng khó khăn, cảm giác rất nặng, ngoài ra còn bị nhức đầu mấy mươi năm nay, đã khám đủ các bệnh viện nổi danh trong nước lẫn ngoài nước, tốn bộn tiền, nhưng không hiệu quả.
Ông cũng có bái thỉnh mấy vị Phật sống Tây tạng, xin quán đỉnh cho, nhưng cũng không dứt được chứng nhức đầu. Hiện tại ông giao xí nghiệp cho các con quản, tự mình niệm Phật, tới lui các tự viện. Thực tế là muốn cầu chư Phật Bồ-tát gia trì cho bệnh thuyên giảm nếu không, ông án ngủ đều bị phiền muộn, cho nên hay phát cáu bực.
Ông thành thật thưa với sư phụ: – Con thừa hiểu tiền tài thế lực dù lớn cũng không thắng nổi nghiệp lực, không giúp giải hết ưu tư. Cho nên mấy năm nay con tận lực làm chút việc cho Phật giáo, hi vọng tương lai lúc ra đi có thể yên lành vãng sinh không thống khổ. Đọc cuốn “Báo ứng Hiện Đời’’ rồi con mới biết danh sư phụ, thông qua nhiều mối giao lưu, dò la dữ lắm mới rõ được chỗ Ngài cư trú, nên mạo muội tìm đến bái kiến… Con cũng hiểu Ngài bế quan tu không tiếp khách, nhưng con vẫn cố chấp, ráng tìm đến trước cửa, xin Hòa thượng từ bi hiểu cho mà tha thứ, con một mực rất muốn biết, tại sao con vì Phật giáo tạo nhiều công đức lớn nhỏ có đủ, thậm chí đã ăn chay bao năm nay, chẳng những bệnh nhức đầu không lành mà chân cũng có vấn đề, mong Hòa thượng từ bi khai thị.
Hòa thượng bảo: – Cư sĩ chẳng nên khách sáo, Tôi sở dĩ không tiếp khách là vì khí lực chưa đủ. Lúc sách “Báo ứng Hiện Đời” chưa ra, tôi có thể tùy duyên mà giảng nhân quả để cảnh tỉnh thế nhân. Nhưng khi sách ra rồi, lại thành giống như “quảng cáo” về tôi, khiến nhiều độc giả không minh bạch đạo lý, chỉ biết hướng ngoại cầu, đi khắp nơi tìm Hòa thượng Diệu Pháp, biến tôi thành thần y, làm vậy là quá sai lầm. Nếu như không biết hướng nội cầu, tự sửa ngôn hạnh cho minh chánh, thì dù có gặp Quan Thế Âm Bồ-tát, cũng không thể ly khổ đắc lạc. Những chuyện khác của ông tôi không cần bàn, trình độ văn hóa ông không cao, nhưng ông biết tại sao sự nghiệp mình quá thành công không?
Nghiêm cư sĩ đáp: – Dạ… đây là nhờ chính sách tốt của quốc gia.
Sư phụ bảo: – Nói thế chỉ là duyên phụ, một phần nào thôi, toàn quốc người mở xưởng làm ăn rất nhiều, nhưng thành công như ông đây có rất ít.
Nghiêm cư sĩ hỏi: – Vậy… nhất định là nhờ nhân gieo đời trước của con?
Sư phụ nói: – Vì sao ta nhắc việc này với ông? Bởi nó liên quan đến chứng nhức đầu của ông. À, vợ ông vì sao không đi theo hả?
– Vốn là vợ con cũng định đi, nhưng do trong nhà có nuôi một con chó Đức. nếu bà đi thì không ai chăm sóc nó. Thưa sư phụ, vì sao ngài hỏi về bà ấy?
Sư phụ nói: – Bởi vì ông đi đâu vợ ông đều quấn quýt đeo theo mà?
Nghiêm cư sĩ cười đáp: – Dạ đúng vậy! Con đi đâu bà cũng đòi theo, xa một chút thì không yên tâm, có lúc con cũng cảm thấy hơi phiền…
Sư phụ nghiêm trang nói: – Ta kể cho ông nghe một chuyện được không? Nhưng nghe rồi không được nổi giận đấy!
Nghiêm cư sĩ cung kính thưa: – Dạ không dám đâu ạ. Con đã xem qua “Báo ứng Hiện Đời”, chính vì nghe Ngài giảng như vậy mà tìm tới. Nói xong liền lễ ba lạy.
Sư phụ kể:
-“Cách đây trăm năm, có một cậu bé mồ côi khoảng mười mấy tuổi, đi xin ăn rồi trôi giạt đến ngôi chùa nằm lưng chừng núi. Hòa thượng trụ trì hỏi thăm thằng bé, thấy nó bơ vơ không chỗ nương, nên tội nghiệp thu nhận, cho nó ngụ tại một gian phòng trống trong chùa, làm tạp vụ, lúc cần thì cũng sai nó xuống núi đi chợ. Sau đó chẳng biết nó nhặt được ở đâu một con chó vàng, một tối nọ dẫn về ở chung. Lúc nào nó xuống núi thì có con chó đi theo bầu bạn, giúp tăng thêm can đảm. Mỗi khi nó về đến chùa thì con chó vàng luôn tiến đến trước, đập cửa sủa “gâu gâu” gọi người giùm. Ban đêm cậu bé và con chó ngủ cạnh nhau. Cả hai cùng nương nhau mà sống.
Mỗi mồng một hay ngày rằm, thường có nhiều thiện nam tín nữ dưới núi lên viếng chùa, nhìn thấy gái, trai già trẻ hân hoan bái Phật thắp hương, vui đùa hớn hở, cậu bé càng thêm thèm thuồng ước ao, tự cảm thán và hay nói với con chó: – Tao tương lai chỉ cần cưới được cô vợ nghĩa tình cỡ như mày là tốt rồi, ngày ngày quấn quýt đeo theo tao, bầu bạn rất tuyệt!
Lại một hôm, khách ra về cả rồi, trong lòng cậu có chút thắc mắc liền lên đại điện thắp hương, đứng trước tượng Phật, cậu ngẩng đầu chiêm ngưỡng từ dung tôn nghiêm rất lâu, rồi tự lẩm bẩm một mình: – “Đức Phật ơi! cũng chẳng biết Ngài có thật hay không? Nếu như mà thật có, thì Ngài hãy cho con giàu một chút, có thể sở hữu các thứ chi đó”…
Đang nói đến đây thì cậu bỗng nghe tiếng Hòa thượng vang lên phía sau: – Chẳng phải là ngươi đang mơ ước phát tài sao?
Cậu quay đầu lại, thưa: – Bạch sư phụ, ai mà không muốn phát tài chứ hả, nếu mà con giàu thì có thể thành gia lập nghiệp rồi…
Hòa thượng bảo: – Đúng! Sung túc thì có thể thành gia lập nghiệp, nhưng bất kể giàu sang đến mấy, người ta ai cũng phải già, bệnh, và sớm muộn gì cũng chết trong tiếng khóc vĩnh biệt tiễn đưa của con cái, ngươi xem có đúng vậy không?
Cậu nghe sư phụ nói, ngẩn ngơ một lúc rồi thưa: – Như thế thì dù con giàu cũng chẳng sướng được bao nhiêu năm, một khi bệnh, chết đến… thì vẫn khổ ư?
– Đúng vậy! Bất kỳ ai cũng không trốn thoát quy trình “sinh, lão, bệnh, tử’. Tới lúc chết thì vẫn phải ra đi trắng tay, thây vùi xuống mộ, rục rã… rồi cuối cùng biến thành bụi đất. Còn thần thức thì tiếp tục luân hồi, đi đầu thai làm trâu, làm ngựa, thọ khổ sinh tử không cùng tận.
– Bạch sư phụ, thực có chuyện đầu thai chuyển thế ư?
Hòa thượng chỉ vào con chó ở bên cạnh cậu, giải thích: – Thì đây, con Vàng này kiếp vừa qua là một Sa-di trong chùa, nơi đuôi mày phải chú ấy có một nốt ruồi. Bởi do lúc dọn cơm chú đã lén ăn trước một cái bánh bao. Khi Tri khố phát hiện thiếu một cái bánh bao, bèn hỏi chú thì chú một mực phủ nhận, còn thề rằng: – “Nếu như tôi có lén ăn bánh bao thì tương lai sẽ biến thành con chó!”…
Sau đó chú sa di mắc bệnh chết, quả nhiên đã đầu thai thành con chó và đến chùa này. Khi ngươi dẫn con chó về đây là ta nhận ra ngay. Bây giờ ngươi hãy xem kỹ đuôi mày phải của nó, thực có nốt ruồi màu nâu hay không?
Nghe Hòa thượng nói vậy cậu bé hơi hoài nghi, bèn khom xuống đưa tay vạch lông gần đuôi mày con chó ra xem. Cậu kinh ngạc kêu lên: – Ôi trời ơi! Quả có nốt ruổi đây nè! Sư phụ, con chó này theo con bao năm, con không hề biết, vậy mà sư phụ lại phát hiện nó có nốt ruồi!”… (nghe đến đây Nghiêm cư sĩ có vẻ rất kích động).
Hòa thượng Diệu Pháp kể tiếp:
“Vị Trụ trì bảo cậu bé: – Người phạm sai lầm nhất định phải can đảm nhận lỗi và sửa chữa, không thể che giấu, ương bướng chối phăng, rồi còn dùng lời thề độc để chứng minh mình trong sạch. Giả như đương sự không có lỗi thì không sao, còn cứ một mực nói điêu, thề ẩu – thì sớm muộn gì lời thề cũng hiện thành sự thực – Sau khi con chó trả xong nghiệp báo rồi thì nó tái sinh làm người, lại tiếp tục tu hành.
-Thưa sư phụ, vậy phải làm sao mới không tiếp tục luân hồi đau khổ? – Cậu bé hỏi.
Trụ trì nói: – Người ta chẳng biết lúc nào mình chết, cho nên phải mau gấp tu hành xuất gia để liễu sinh tử. Tại gia cưới vợ sinh con cũng có thể tu, nhưng đương nhiên đời sống xuất gia ít chướng ngại hơn.
– Thế con muốn xuất gia tu liễu sinh tử, sư phụ có thu nhận không? – Cậu bé lại hỏi.
Vị trụ trì mỉm cười đáp: -Ta đợi câu nói này của con từ lâu rồi!”…
Hòa thượng Diệu Pháp kể tiếp: “Cậu bé đó sau khi làm Sa-di rồi, quyết tâm đời này tu thoát tam giới, dụng công hết sức gian khổ. Nhưng mới được mấy năm thì mắc bệnh lìa đời, tâm nguyện thực hiện chưa tròn. Nhiều năm trôi qua cho đến hiện tại, cậu sinh vào thế giới này, lý đáng phải tiếp tục xuất gia cho tròn tâm nguyện quá khứ. Nhưng trong tiền kiếp, hồi chưa xuất gia cậu từng nhen nhúm nhiều ước mơ khác nữa. Và những hạt giống tư tưởng đó đời nay đã trổ thành quả.
Phần con chó vàng nhờ đời trước có công coi nhà hộ chùa, nên nó cũng chuyển lên cõi người, tái sinh làm một cô gái mỹ lệ, hơn nữa vỉ “ứng với lời nguyện” của cậu mồ côi kia, nên đời này nó kết duyên làm vợ cậu”…
Kể đến đây hòa thượng Diệu Pháp mỉm cười hỏi Nghiêm cư sĩ: – Ông biết ta nói ai rồi chứ?
Nghiêm cư sĩ hưng phấn gật đầu, hồi đáp: – Thưa biết, sư phụ vừa nói là con đã rõ ngay, vợ con có một nốt ruồi ở đuôi mày ạ!
Hòa thượng bảo: – Ông sở dĩ đời này có được phước báu, là do nhân thiện đời trước dốc hết sức lực cống hiến cho chùa. Còn chuyện nhức đầu, chỉ cần ông xuất gia thì khỏi ngay. Đôi chân ông đau là do trong thời gian làm việc, đã tặng quà, nhận quà hối lộ mà tạo thành nghiệp chướng, cộng thêm nhiều tội nặng chèo kéo theo, làm sao mà có thể bước đi dễ dàng được?
Nói xong, Hòa thượng tỏ dấu chào khách: – Nếu ông thực tâm sám hối các tội nghiệp thì bệnh sẽ dứt. Ta hơi mệt rồi, hãy để Quả Khanh lo cho ông dùng cơm. Những gì cần nói ta đều báo cho ông biết hết cả, đã đáp ứng cho ông mãn nguyện rồi. Phần ông muốn làm gì, là việc của ông!
Nghiêm cư sĩ vội đảnh lễ bái tạ và thưa: – Rất đội ơn Hòa thượng đã khai thị, chuyện xuất gia con sẽ suy nghĩ.
Rốt cuộc Nghiêm cư sĩ có xuất gia hay chăng, điều này tuyệt chẳng quan trọng. Hiện nay chẳng phải người ta ai cũng ham phát tài giàu có sao?
Tôi ghi câu chuyện này ra là muốn chia sẻ, mách mọi người con đường làm giàu: Đó là in kinh hoằng pháp, cúng dường Phật, Pháp, Tăng. Bất kể bạn gặp duyên tốt đến đâu, nếu bản thân không gieo nhân thì chẳng thể gặt quả. Giống như bạn không trồng trọt, thì dù có ban cho bạn vùng đất mầu mỡ đến mấy, bạn cũng không thể thu hoạch được gì!
Nguồn: Báo ứng hiện đời
Cư sĩ Quả Khanh
Việt dịch: Ni sư Hạnh Đoan