Bát Nhã Tâm Kinh là một bài kinh cơ bản và phổ biến nhất của Phật Giáo Đại Thừa. Đây là bài kinh trọng yếu nhất trong Bộ Kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.
Lời đầu sách
Hệ Bát-nhã là một bộ phận trọng yếu trong Tam tạng Thánh giáo, cánh cửa thật tướng mở toang từ đó, chân trời Tánh Không, kho tàng pháp bảo cũng toàn bày nơi đó, để thấy pháp xưa nay bình đẳng và rồi một phen các hành giả đủ cụ nhãn sẽ thể nhận chân lý hoát thông giải thoát.
Bộ Bát-nhã 600 quyển của ngài Huyền Trang, một bậc Thánh triết đã dày công sưu tầm Phạn bản từ Ấn Độ và đã dịch sang Hán ngữ vào giữa thế kỷ thứ VII, đời Đường. Đồng thời quyển Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa Tâm kinh, gọi tắt là Bát-nhã Tâm kinh, cũng được vị pháp sư Thánh triết này chuyển sang văn Hán. Tuy vỏn vẹn chỉ có 260 chữ, nhưng nội dung hàm chớa cả thực chất, là viên bảo châu vô giá của chánh pháp Như Lai.
Từ khi bộ kinh thần diệu này có mặt ở Trung Hoa, nôi Phật giáo Bắc truyền Đông Á, chẳng những chư Tổ Không tông tích cực quảng bá, mà liệt Tổ các phái cũng lấy đó làm chỗ lập cước để hoằng dương Phật pháp, mở cửa Đại thừa, Tối thượng thừa, dọn một con đường thông suốt thẳng vào đất trời pháp giới thể tánh Chân Không. Lại, một phen giúp các hành giả trong Tông môn thật sự từ đây, một nhảy vào thẳng đất Như Lai, cũng khiến biết bao chuyên gia chuyên thu cái hay, nhặt cái quí của pháp bảo, phải choáng mắt, kinh tâm trước cửa mở vào chân trời thậm thâm Bát-nhã với bạt ngàn hoa thơm cỏ lạ.
Riêng bộ Tâm kinh này, cho dù chỉ có 260 chữ, mà vẫn đảm nhận vai trò cương lĩnh của Thánh giáo. Thời khóa tu tập xưa nay của các hành giả trong tùng lâm, Tổ Tổ đều công nhận không thể vượt qua kinh này được. Có lẽ do đây mà có quan niệm Tâm kinh là kinh bổ khuyết các kinh trong mọi thời khóa khi hành trì.
Nay tại các Thiền viện ở Việt Nam, Hòa-thượng Viện trưởng chủ giảng kinh này, là bài pháp mở đầu cho các khóa thiền tại các Thiền viện Chân Không, Thường Chiếu. Bộ Bát-nhã Tâm kinh Giảng giải Việt văn này được ra mắt quí vị độc giả vốn ngưỡng mộ nó lâu nay, và lần ra mắt này với sự đóng góp ghi chép, tu chỉnh của các thiền sinh, hy vọng bản kinh sẽ hoàn bị hơn.
Thiền viện Thường Chiếu, ngày 26-08-1997.
Kính ghi,
THÍCH NHẬT QUANG
Giảng đề Kinh
Bài Bát-nhã Tâm kinh do ngài Huyền Trang đời Đường dịch vào năm 649 dương lịch, tại chùa Từ Ân. Toàn bài kinh gồm 260 chữ.
Bát-nhã Tâm kinh nói đủ là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh, gồm một phần chữ Phạn phiên âm là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa và một phần chữ Hán là Tâm kinh.
Ma-ha, Trung Hoa dịch là đại, nghĩa là lớn. Bát-nhã là trí tuệ. Ba-la-mật-đa là đáo bỉ ngạn, nghĩa là đến bờ kia, gần đây dịch là cứu kính. Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa là trí tuệ rộng lớn cứu kính.
Tâm kinh là kinh nói về tâm. Nếu hiểu rõ thì Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tức là tâm kinh. Vì sao? Vì trí tuệ rộng lớn cứu kính, còn gọi là trí tuệ Bát-nhã, tức là Tâm vậy.
Trong kinh Bát-nhã có nói: Bát-nhã vô tri vô sở bất tri, nghĩa là Bát-nhã không biết mà không chỗ nào chẳng biết. Không biết tức Bát-nhã đối với cảnh không khởi vọng thức phân biệt. Không chỗ nào chẳng biết vì Bát-nhã là trí tuệ hằng sáng hằng giác dụ như gương sáng, tất cả cảnh vật hoặc người qua lại đều hiện rõ ràng không thiếu sót. Biết mà không khởi vọng thức phân biệt là cái biết của Tâm.
Mời quý bạn đọc Bát Nhã Tâm Kinh giảng giải – Hòa Thượng Thích Thanh Từ tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”3010″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]