Người biết lỗi xin cầu xám hối mà đối phương không chịu tha thứ là kẻ ngu si, thiếu trí tuệ sẽ chịu khổ lâu dài như lời dạy của Thế Tôn như sau.
Khi đức Thế Tôn còn tại thế, có một thời gian Ngài an trú tại nước Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc.
Một hôm, trời vừa sáng, đức Thế Tôn khoác cà sa, hai tay ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực. Khất thực xong Ngài trở về tịnh xá, thu dọn y bát, rửa sạch hai chân, lấy tọa cụ đặt lên trên vai phải, đi vào rừng An Đà gần tịnh xá Kỳ Viên, trải tọa cụ ở dưới một gốc cây, ban ngày một mình ngồi dưới gốc cây tọa thiền, tịnh quán tư duy.
Lúc ấy, trong tịnh xá Kỳ Hoàn có hai vị Tỳ kheo có sự tranh chấp, trong đó một người chửi mắng đối phương, người còn lại im lặng không nói lời nào. Sau đó, vị Tỳ kheo chửi mắng kia nhận ra sai lầm, tìm đến đối phương sám hối, cầu xin được tha thứ, nhưng vị Tỳ kheo bị mắng kia lại không muốn bỏ qua. Do vì người kia không chịu thứ lỗi, cho nên nhiều Tỳ kheo trong tịnh xá đến khuyên gián, gây ra sự huyên náo, ồn ào không ngớt.
Lúc ấy, Đức Phật với thiên nhĩ thanh tịnh siêu phàm, nghe có tiếng ồn náo từ tịnh xá Kỳ Hoàn, liền xả thiền, trở về tịnh xá. Người trải tọa cụ ra ngồi trước đại chúng, rồi nói chuyện với các thầy Tỳ kheo: “Như Lai buổi sáng khất thực, trở về rừng An Đà, đang ngồi thiền tịnh quán tư duy, nhưng nghe trong tịnh xá có tiếng ồn ào, huyên náo, là ai? Và do chuyện gì mà tranh cãi?”
Có thầy Tỳ kheo đáp: “Trong tịnh xá có hai vị Tỳ kheo vì một vài việc mà sinh sự, trong đó có một vị lớn tiếng la mắng, đối phương im lặng không mở lời. Sau đó, vị la mắng nhận ra sai lầm, liền tìm đến xin lỗi, nhưng đối phương không chịu chấp nhận. Vì thế có nhiều vị Tỳ kheo đến khuyên thầy ấy, dẫn đến tiếng nói càng lúc càng lớn dần, vô cùng ồn ào.”
Đức Phật bảo Tỳ kheo: “Thầy ấy sao lại thiếu trí tuệ như thế, người khác đến xin sám hối, tại sao lại không tiếp nhận sự sám hối chứ? Nếu có người đến xin sám hối mà không nhận, người ngu này phải chịu khổ dài dài, chẳng được ích lợi gì. Các thầy Tỳ kheo! Một kiếp trong quá khứ, lúc người trong ba mươi ba tầng trời tranh cãi lẫn nhau, Thích Đề Hoàn Nhơn đã từng nói kệ giáo huấn họ: ‘Nếu người không làm cho người khác khổ đau, tâm sân hận không tồn tại trong lòng họ. Nếu không lưu giữ sự oán hận, thì sân hận sẽ không ở mãi trong lòng. Nếu cơn phẫn nộ đang bốc cháy, tuyệt đối không nên mở miệng nói lời nguyền rủa. Đừng tìm lỗi của người. Không nên nhân cơ hội mà chia rẽ đoàn kết, chớ tuyên truyền điểm yếu kém của người. Cần phải trở về chăm sóc cái tâm của chúng ta, lấy những lời chỉ dạy của đức Phật tư duy thức tỉnh. Đừng bực tức và đừng khởi tâm làm tổn thương người, được như thế sẽ sống chung với bậc thánh hiền. Nếu thường thân cận với người bất thiện, thì những tập khí sân hận sẽ càng kiên cố khó mà thay đổi.
Tự mình kiềm chế được cơn giận, cũng giống như điều phục được con ngựa hoang không khác. Tôi ca ngợi người phu xe tài giỏi, không phải là người phu cầm cương giỏi, mà quan trọng là người ấy khéo léo nhiếp phục cái tâm của mình”.
Đức Phật dạy đại chúng: “Thích Đề Hoàn Nhơn ở tại tầng trời thứ ba mươi ba được tôn xưng là Tự Tại Vương, là nhờ thường thực hành hạnh nhẫn nhục và khen ngợi hành giả tu nhẫn nhục. Tỳ kheo các thầy do có chánh tín sống đời sống xả ly, đã xuất gia học đạo rồi, càng nên tinh chuyên tu tập và tán thán người thực hành nhẫn nhục, cần phải tu tập như thế!”
Đức Thế Tôn nói bài kinh này xong, chúng Tỳ kheo đều rất hoan hỷ, nguyện thực hành theo.
Ngoài ra, ở trong kinh Biệt Dịch Tạp A Hàm (kinh thứ 37), có nội dung tương tự như thế, trong Đại Tạng Kinh, quyển số 2, trang 385b-c, chỉ khác nhau một chút ở phần nội dung của bài kệ, bài kệ có nội dung như sau: “Tỷ như dùng quả bầu hồ lô, cắt đôi làm cái gáo múc dầu đổ vào đèn để thắp, nhưng vì ngọn lửa quá lớn, nên cái gáo bị cháy. Tâm sân hận cũng như thế, sẽ thiêu cháy thiện căn của chúng ta; chỉ cần tâm chúng ta lúc nào cũng giữ cho được vắng lặng, thì tâm sân hận sẽ tự nhiên biến mất.
Đừng để chúng tuần hoàn như dòng nước chảy, cứ trôi đi trở lại không ngừng, cho dù gặp hoàn cảnh rất giận dữ, tuyệt đối không nên mở miệng nói lời ác, càng không nói điều mà người ta kiêng kỵ.
Điều người ta kiêng kỵ, cũng giống như thân tộc của họ vậy, bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta tuyệt đối không xúc phạm. Chỉ cần chúng ta điều phục cái tâm của chính mình, như thế đối với tất cả đều tốt, đối với bản thân càng tốt hơn.
Người không có tâm sân hận sẽ không hại người, người như thế chính là bậc thánh hiền, hay là đệ tử của thánh hiền, chúng ta cần phải tìm đến thân cận những người như thế.
Người mà trong tâm lúc nào cũng nuôi dưỡng đầy sự bực tức oán hận, thì muốn làm gì cũng sẽ gặp nhiều khó khăn chướng ngại, chẳng khác nào bị núi bao bọc xung quanh.
Người nào khi phát hiện sự nóng giận, bực tức dấy khởi, mà có thể chế ngự, khống chế được bản thân, được gọi là đang tạo thiện nghiệp, giống như người dùng dây cương điều phục con ngựa hoang chưa từng được huấn luyện vậy.
Trong “Du Già Bồ Tát giới” có hai giới điều nội dung cũng tương tự như thế. Có hai hạng người ngu, hạng thứ nhất là phạm sai lầm mà tự mình không biết sám hối; hạng thứ hai là có người biết lỗi đến xin sám hối mà không chịu tha thứ.
Trong “Du Già Bồ Tát giới bổn” cũng có hai giới điều, thứ nhất là không biết nhận lỗi, hạng còn lại là không nhận sự sám hối của người. Giới này nói như vậy: Nếu Bồ tát an trụ nơi tịnh giới Bồ tát, hoặc có xâm phạm đến chúng sanh, hoặc cho dù mình không xâm phạm, nhưng họ lại cho rằng chúng ta đã xâm phạm đến họ rồi, nếu lúc ấy vì khởi tâm bực tức, đố kỵ hoặc có tâm khinh mạn mà không như pháp sám hối, thì đã phạm vào giới của Bồ tát, đây là vi phạm thanh tịnh giới, nhưng nếu vì lười biếng, giải đãi hay phóng túng mà không tìm đến sám hối đối phương thì cũng bị phạm giới, nhưng tội lại nhẹ hơn, tuy phạm giới nhưng không mất thanh tịnh.
Hạng thứ hai là không nhận sự sám hối của người, nếu Bồ tát an trú trong tịnh giới luật nghi, có người xâm phạm đến chúng ta, nhưng sau đó người ấy như pháp đến sám hối, nếu chúng ta vì sân giận mà không cho sám hối, thì phạm giới của Bồ tát. Vì người ấy không được sám hối, tâm của họ bất an, khiến cho họ càng phiền não hơn. Có người vì muốn cho đối phương phiền não hơn, nên không để cho họ được sám hối, như thế là đã vi phạm, đây là phạm thanh tịnh giới.
Đức Phật dạy: “Chúng ta nếu có sai lầm, nên nhanh chóng sám hối, cũng giống như y áo, giày vớ dơ bẩn mang ra giặt sạch phơi nắng, cho gió thổi khô, vẫn có thể sạch; còn nếu mang đồ dơ gói lại rồi dấu kín, lâu ngày thì càng thối, không thể thơm được, vì thế phải sám hối để được thanh tịnh!
Ngoài ra có một đoạn kinh ghi rằng: Chúng ta muốn điều phục con ngựa bên ngoài, không đến nỗi khó, nhưng muốn điều phục làm chủ được con ngựa bên trong tâm, thì sẽ khó khăn hơn nhiều.
Trích “Phước Huệ Tập 4 – Việt dịch: Thích Vạn Lợi, Thích nữ Hạnh Tín, Thích nữ Phước Ngọc“
1. Sám hối là gì?
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả Sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối Kỳ hậu quá”, nghĩa là: Ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau. Vậy Sám hối đúng nghĩa theo Chánh Pháp là nhận biết được lỗi đã gây tạo, ăn năn sửa lỗi và hứa không làm những điều này về sau.
Sám hối theo nghĩa thông thường là xin lỗi. Xét về mặt xã hội, xin lỗi là một hành vi đạo đức của con người, khi họ đã gây ra những lỗi lầm và muốn được người bị tổn thương tha thứ. Xin lỗi là một hành động được ba mẹ, nhà trường dạy dỗ khi chúng ta còn bé và đó là điều cần thiết trong cuộc sống.
Các bậc Thánh hiền xưa đã dạy rằng: “Nếu mắc lỗi lầm thì công khai nhận lỗi đó, rồi tìm ra biện pháp và quyết tâm để sửa chữa. Thái độ đối với lỗi lầm như thế là thước đo một người chân chính, trung thực đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng”.
Thế nhưng con người thường rất e dè trước lời xin lỗi bởi họ bị gắn chặt bởi chấp thủ và chấp ngã. Chấp thủ chính là việc gì cũng cho mình là đúng, người khác sai. Đó còn gọi là tính bảo thủ. Chấp ngã là đề cao cái tôi của mình, dù có biết lỗi nhưng không nhận lỗi vì sợ làm mất giá trị của bản thân, người khác coi thường. Vì thế nên đối với những người này, hai từ xin lỗi thường nặng nề và không được sử dụng đến.
Các pháp sám hối: Chúng biết lỗi lầm là do tâm tạo, cho nên cũng phải do tâm ăn năn sám hối, chính vì lẽ đó mà các vị tổ sư đã chọn lọc một số phương pháp sám hối trên cả hai phương diện sự và lý. Bài văn sám hối mà người Phật tử thường đọc nhất mỗi khi tác pháp sám hối:
Xưa nay đã tạo bao ác nghiệp,
Đều bởi vô thỉ tham sân si
Từ thân miệng ý mà sanh ra
Tất cả, nay con xin sám hối.
Về sự sám hối:
Tác pháp sám hối: Lập đàn thỉnh chư Tăng chứng minh, người sám hối trình bày lỗi lầm của mình thành khẩn ăn năn, sám hối không tái phạm nửa.
Thủ tướng sám hối: Người sám hối đến trước bàn thờ Phật và Bồ Tát thành tâm lễ bái từ 1 ngày, 7 ngày cho đến 49 ngày, khi nào thấy được tướng hảo của Phật và Bồ tát hoặc hoa sen thì mới thôi.
Hồng danh sám hối: Đây là pháp sám hối do Bất Động pháp sư đời Tống biên sọan lấy từ 53 danh hiệu Phật trong Kinh Ngũ Thập Tam Phật và rút 35 danh hiệu trong kinh Quán Dược vương, Dược Thượng.
Đây là nghi thức sám hối phổ thông nhất được các Chùa Việt Nam thường dùng trong những ngày Sám hối.
Về lý sám hối:
Vô sanh sám hối: lý sám hối dành cho những người có căn cơ cao, cho nên ở đây chúng ta chỉ biết qua một pháp này với hai cách quán:
Quán tâm vô sanh: Đây là lý được rút từ Kinh Kim Cang: ” Tâm qúa khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được và tâm vị lai cũng không thể được”. Dùng pháp quán để thấy rõ: ” Tội từ tâm sanh cũng từ tâm mà diệt “.
Quán pháp vô sanh: Quán sát thật tướng không sanh diệt “ở thánh không tăng ở phàm không giảm”; đây chỉ cho chơn tâm, Phật tri kiến, Pháp thân… Vì khi nhận được chơn tâm rồi thì các tướng sanh diệt không còn.
Tuy có nhiều phương cách khác nhau về sám hối nhưng người Phật tử chúng ta phải tự chọn cho mình một cách thích hợp với mình nhất để nương nơi đó mà sám hối, miễn sao chúng ta đọc và hiểu được nghĩa lý của việc làm thì thật sự mới có lợi ích. Trái lại, miệng đọc mà không hiểu ý nghĩa thì chẳng được lợi lạc gì.
2. Ý nghĩa của việc sám hối
Sám hối đúng Pháp trên tinh thần quán xét lại tội lỗi mình đã gây tạo và thành tâm ăn năn, tự mình cải thiện không lặp lại hành động đó. Đây chính là Ý nghĩa sám hối của đạo Phật.
Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phổ Hiền Bồ Tát đã nói: “Nếu tội của chúng sanh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết”. Bởi tội từ tâm mà sanh ra, không hình tướng nên chúng ta phải diệt tội từ trong tâm có nghĩa là dùng tâm thành kính để hối lỗi.
Sám hối, cũng được cho là để “tỏ bày lỗi lầm của mình trước Phật, Bồ-tát, Sư trưởng hay đại chúng với mục đích mong được diệt tội”. Vậy sám hối có xóa sạch được tội? Và ai là người có thể “giải tội” cho mình?
Nếu sám hối mang ý nghĩa chỉ bày tỏ lòng hối tiếc hối hận những gì mình đã làm với mình, với người, với chúng sinh hoặc với một ai đó, và từ bỏ những lỗi lầm từ nay trở về sau, nhưng suy cho cùng thành thật nhìn lại thì tội ta gây ra đã hết chưa? Chưa. Vì vậy sám hối hết tội hay không nó đòi hỏi cả một quá trình còn lại của chúng ta trong ý nghĩa bày tỏ sám hối ăn năn đó.
Sám hối đúng nghĩa theo Chánh Pháp là nhận biết được lỗi đã gây tạo, ăn năn sửa lỗi và hứa không làm những điều này về sau. Các bậc Thánh hiền xưa đã dạy rằng: “Nếu mắc lỗi lầm thì công khai nhận lỗi đó, rồi tìm ra biện pháp và quyết tâm để sửa chữa. Thái độ đối với lỗi lầm như thế là thước đo một người chân chính, trung thực đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng”.
Thế nhưng con người thường rất e dè trước lời xin lỗi bởi họ bị gắn chặt bởi chấp thủ và chấp ngã. Chấp thủ chính là việc gì cũng cho mình là đúng, người khác sai. Đó còn gọi là tính bảo thủ. Chấp ngã là đề cao cái tôi của mình, dù có biết lỗi nhưng không nhận lỗi vì sợ làm mất gía trị của bản thân, người khác coi thường. Vì thế nên đối những người nay, hai từ xin lỗi thường nặng nề và không được sử dụng đến.
Những người gây tội lỗi thường cảm thấy không yên ổn trong cuộc sống bởi lương tâm ray dứt hoặc sau đó gặp những chuyện không may xảy ra. Vì thế, chỉ cần sám hối một cách thành tâm sẽ làm cho tâm hồn được nhẹ nhàng thanh thản.
Ý nghĩa của sám hối, song song với việc nhìn nhận lỗi lầm mình đã gây tạo, phải thường xuyên chính niệm tỉnh giác đánh bật gốc rễ thành kiến, phiền não. Dù ở bất kì góc độ nào, luôn làm chủ lời nói, hành vi của mình và nghĩ nhiều đến lợi ích tha nhân.
Đọc thêm: Sám hối là gì? Sám hối có xóa sạch được tội lỗi hay không?