Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đại thừa, là vua trong các kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.
BỒ-TÁT THIÊN THÂN
Bồ-tát Thiên Thân là em của bồ-tát Vô Trước, người Tây Vực. Thuở nhỏ, bồ-tát Thiên Thân học theo giáo nghĩa Tát-bà-đa bộ (Hữu bộ); lớn lên, tinh thông năm bộ luật. Thời gian đầu, bồ-tát tu học theo Tiểu thừa và soạn năm trăm bộ luận Tiểu thừa. Bồ-tát Vô trước thương em mình là người thông minh mà chưa phát tâm tu học theo Đại thừa, mãi say mê ca tụng giáo lí Tiểu thừa mà không bàn đến giáo pháp Đại thừa, nên giả vờ bệnh để hóa độ em. Bồ-tát Vô Trước sai người gọi em đến để dẫn dụ và sách tấn, giảng cho em hiểu về nghiệp nhân của bệnh. Nghe xong, bồ-tát Thiên Thân lớn tiếng đọc tụng các bộ kinh mà lâu nay người anh đã thụ trì, đó là các kinh Duy-ma, Pháp hoa, Niết-bàn, Hoa nghiêm v.v… Bồ-tát Vô Trước lắng nghe mà trong lòng vui buồn lẫn lộn.
Đọc các bộ kinh ấy suốt mấy ngày như vậy, bồ-tát Thiên Thân mới tin tưởng và tỏ ngộ, hết lòng kính trọng giáo nghĩa Nhất thừa của kinh Hoa nghiêm, biết đây là cảnh giới của chư Phật, nên xả bỏ Tiểu thừa, tu theo Đại thừa và vô cùng hối hận về lỗi lầm trước đây. Lúc này, bồ-tát định lấy dao bén cắt lưỡi để tạ tội, nhưng bồ-tát Vô Trước khuyên can:
– Trước đây, em dùng miệng để ca tụng giáo lí Quyền thừa, bài xích giáo pháp Chân thừa. Nay, em cũng nên dùng miệng mình để khen ngợi giáo pháp Chân thừa thì tội lỗi sâu nặng ấy sẽ tự tiêu tan, đâu cần cắt lưỡi làm gì!
Từ đó, bồ-tát Thiên Thân vào núi, thụ trì kinh Hoa nghiêm. Sau, bồ-tát soạn bộ luận Thập địa, hễ chỗ nào chưa thông suốt thì đến hỏi bồ-tát Vô Trước. Nếu bồ-tát Vô Trước cũng chưa hiểu thấu thì vận thần thông bay lên cõi trời Tri Túc để thỉnh bồ-tát Từ Thị quyết đoán. Bộ luận vừa viết xong thì đại địa chấn động và từ nơi bộ luận ấy phóng ra vầng hào quang chiếu sáng vài trăm dặm. Thấy vậy, cả nước vui mừng và đều lấy làm lạ. Điều này được ghi đầy đủ trong truyện Vô Trước.
TĂNG LINH BIỆN NGƯỜI TINH CHÂU, ĐỜI NGỤY
Sư xuất gia từ thuở nhỏ, để tâm vào Phật thừa, chuyên lấy kinh Hoa nghiêm làm sự nghiệp. Lúc ấy chưa có sớ luận, nên sư thường nghĩ đến ý chỉ sâu mầu của kinh nhưng không biết cầu thỉnh vị nào. Thế là sư trang nghiêm đạo tràng, ngày đêm lễ lạy kinh Hoa nghiêm. Trải hơn sáu năm kinh hành suốt ngày đêm, cứ mỗi bước chân đều rướm máu, sư chí thành thỉnh cầu bồ-tát Văn-thù gia hộ, mong hiểu rõ giáo nghĩa uyên áo.
Lòng chí thành không gián đoạn, bỗng đêm nọ, sư mộng thấy có một đồng tử và thấy rõ ràng bảy chỗ chín hội của pháp giới Hoa Nghiêm. Ngay đó, sư nhập định sâu mầu thì thấy pháp hội ấy lúc đương thời như đã từng được mắt thấy, tai nghe và tâm lĩnh hội. Thế là những điều trước kia sư chưa hiểu thì nay đều được thông suốt. Từ đó, sư vào núi Ung, huyện Tây, Tinh châu và soạn bộ luận Hoa nghiêm gồm 100 quyển.
PHÁP SƯ HUỆ CỰ ĐỜI BẮC TỀ
Thuở nhỏ, sư đã chán cuộc sống thế tục; lớn lên, chuyên tu học theo kinh Hoa nghiêm. Đến tuổi 15-16, sư vào trong đạo tràng, ngày đêm sáu thời, lễ bái, trì tụng không hề xao lãng. Đêm nọ, sư mộng thấy có một đồng tử tự xưng là Thiện Tài đến nói với sư:
– Thầy đã chuyên tâm trì tụng kinh Hoa nghiêm, lại muốn tìm hiểu cảnh giới Phật. Ngày mai, thầy hãy đi về phương nam, tôi sẽ cho thuốc thông minh giúp thầy lĩnh hội yếu chỉ kinh văn.
Sáng ra, sư kể điềm mộng ấy cho chư tăng nghe, rồi lấy nước thơm tắm rửa, mặc y phục sạch sẽ, tay bưng lư hương, đỉnh lễ tam bảo, nguyện cho sự mong cầu của mình được thành tựu giống như trong mộng.
Thế là, theo lời đồng tử, sư đi về phương nam, thân tâm chí thành niệm danh hiệu bồ-tát Văn-thù. Đi dọc theo đường được vài dặm, sư bỗng thấy một cái ao chu vi khoảng nửa dặm, xung quanh có nhiều loại hoa, bên trong có cây xương bồ. Thầm nghĩ: “Xương bồ là thuốc thông minh”, nên nhớ lời đồng tử, sư lội xuống ao hái xương bồ, thì bỗng gặp một rễ cây lớn bằng trục xe. Sư đem rễ cây ấy về chùa, giã mịn rồi vo thành viên bằng trái táo. Vừa uống vào, sư cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, tinh thần sảng khoái, một ngày tụng cả vạn chữ. Từ đó, sư hiểu tường tận kinh Hoa nghiêm và soạn bộ sớ về kinh này gồm hơn mười quyển, tụng kinh hơn năm mươi lần.
CƯ SĨ PHÀN HUYỀN TRÍ
Vào niên hiệu Vĩnh Huy (650-655), đời Đại Đường (618-907), có cư sĩ Phàn Huyền Trí là bạn học với ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm.
Năm 20 tuổi, cư sĩ học đạo, thông suốt năm bộ kinh của Nho giáo và ba tạng của nhà Phật, nhưng chuyên lấy kinh Hoa nghiêm làm sự nghiệp. Cư sĩ sống trong núi Phương Châu, chỉ ăn lá tùng. Hơn 60 tuổi, cư sĩ vẫn thường trì tụng kinh Hoa nghiêm, không hề ngừng nghỉ.
Trước độ tuổi 50, cư sĩ cảm được nơi mình ở xuất hiện một dòng suối ngọt, cung cấp đủ nước khiến cho khu rừng ấy chẳng những kết trái thơm ngon mà cây cây trĩu quả, mọi người khắp nơi đến hái đem về vẫn không hết.
Bỗng một hôm, trời đổ mưa tuyết dày đặc, khách buôn qua lại không được nên lương thực cạn kiệt. Ngay lúc ấy, thần núi dâng lên một loại thuốc giống như đề hồ có vị ngọt như sữa. Cư sĩ uống vào một muỗng thì bảy ngày không thấy đói, tinh thần sảng khoái, thân thể nhẹ nhàng, mắt sáng hẳn lên. Nếu cư sĩ lễ bái, trì tụng vào ban đêm thì đèn tự nhiên hiện ra, nếu trì tụng vào ban ngày thì có các loài chim tụ tập, nghe kinh. Quyến thuộc của thần núi hiện thân vây quanh, thường dâng trái ngon, đồng thời có mùi hương lạ bay khắp. Đêm nọ, khi cư sĩ đang tụng kinh, trong miệng phóng ra ánh sáng có màu như vàng ròng, chiếu xa hơn bốn mươi dặm, ai nấy đều kinh ngạc. Có người lần theo ánh sáng ấy đi đến núi thì chỉ thấy cư sĩ tụng kinh, trong miệng phát ra ánh sáng.
Năm 92 tuổi, cư sĩ không bệnh mà qua đời. Khi trà-tì (hỏa thiêu) thì răng biến thành xá-lợi, được hơn trăm viên, viên nào cũng phóng ánh sáng rực rỡ suốt mấy ngày vẫn không tắt. Bấy giờ, tăng tục nhặt lấy xá-lợi, xây tháp cúng dường.
Đại Sư Ấn Quang giảng giải
Một Bộ Kinh Hoa Nghiêm, là Vua trong các Kinh, chỗ quy tông cuối cùng, hướng dẫn sanh Tây Phương. Không cơ nào chẳng độ, không pháp nào chẳng nhiếp. Dẫu có muốn tán dương, hết kiếp vẫn chẳng trọn. Nếu chẳng có túc căn, tên Kinh chẳng được nghe, huống là được biên chép, thọ trì siêng ròng ư?
Nghĩa lý của Kinh này, chẳng thể nghĩ bàn được. Quả báo cùng công đức, cũng lại giống như thế. Ấn loát vừa xong xuôi, Hồi Lộc đã đến cửa, vượt lệ giao trong đêm, người vừa đi, tiệm cháy. Chép rồi, đóng bìa xong, chợt gặp phải đại kiếp, cả nhà phải trốn xa, mọi vật đều bị cướp, chỉ riêng Bộ Kinh này, trọn chẳng bị thương tổn.
Trở về vừa trông thấy, khôn ngăn nỗi mừng vui. Kiếp vốn thuộc cộng nghiệp, lòng thành thuộc biệt nghiệp. Do lòng thành cảm vời, nên Ứng cũng đặc biệt. Nghĩa lớn lao trong Kinh, đã nêu trong lời tựa, nay soạn bài tụng này, tỏ lòng thành, linh ứng. Nguyện những người thấy nghe, ai nấy chăm tu trì, để mong hết tuổi thọ, sẽ dự hội Liên Trì.
Ấn Quang Pháp Sư lại vì Cư Sĩ Tung Kiều soạn thêm bài Tả Kinh Linh Cảm Tụng ca tụng sự linh cảm do chép Kinh, gửi thư dặn dò phải đem những sự thực về mấy lần nguy hiểm được bình an không tai nạn để viết mấy câu giải thích sau bài kệ, ngõ hầu người đọc đều cùng sanh tín tâm.
Theo Cư Sĩ Tung Kiều, Cư Sĩ chép Kinh Hoa Nghiêm xong, giao cho xưởng in Văn Tân in ra. In lần đầu một ngàn trang, in xong vào bảy giờ tối ngày nọ. Nhà in có lệ hễ sau sáu giờ sẽ không giao hàng hóa ra ngoài. Lần này chợt phá lệ, giao đến nhà Cư Sĩ. Vừa mới chở đến cửa thì xưởng Văn Tân bị chập điện cháy rụi.
Ấy là do thiện căn đặc biệt xui khiến như vậy, chứ nếu không thì sao lại bảo giao ra ngoài để rồi có sự xảo hợp như thế?
Ngày 13 tháng 3 năm Giáp Tuất 1934, Trời đã hoàng hôn, hàng xóm ở nơi cư ngụ của Cư Sĩ thiếu cẩn thận gây cháy nhà, chỉ cách một bức tường vây, tình thế nguy ngập sắp giáng xuống nhà Cư Sĩ.
Cư Sĩ chép Kinh, tâm trí chẳng để ý chuyện bên ngoài, rốt cuộc tai không nghe thấy gì, đến khi người nhà kinh hoàng lôi Cư Sĩ tránh đi thì vẫn còn hai hàng viết chưa xong.
Do từ khi chép Kinh đến nay, đối với mỗi một trang chưa hề bỏ dở giữa chừng. Cư Sĩ chẳng muốn dễ dãi phá lệ ấy, nên vẫn ngồi yên chép cho xong. Đến khi chép xong, thế lửa đã suy, rốt cuộc bình yên không sao cả. Chuyện này lại dường như ngầm được thần che chở vậy.
Mùa Xuân năm Bính Tý 1936 chép Kinh viên mãn, giao cho Tích Cổ Trai tại Thang Gia Cảng đóng thành sách. Đóng xong, giao trả về. Ngày hôm sau, tiệm bán giấy Cao Vạn Phong ở ngay trước cửa bị hỏa hoạn. Đã thoát khỏi tai ương, lại còn không bị một giọt nước nào làm ố trang Kinh.
Giống như khi đánh nhau, người đời hay nói: Đạn bắn trúng người quả thật có mắt. Nếu không có thần linh che chở, làm sao được như thế?
Mùa Thu năm Đinh Sửu 1937, Ngô Môn thất thủ, bị vây hãm, kiếp nạn lớn lao xảy ra, cả nhà Cư Sĩ phải tỵ nạn nơi xa. Tất cả đồ đạc đều bị cướp phá sạch bách, chỉ riêng Kinh còn nguyên, chẳng bị tổn hoại mảy may. Cứ tưởng nhà cửa sẽ bị phá hủy tan hoang, may nhờ vào Kinh này mà được thoát nạn.
Phật Pháp chẳng thể nghĩ bàn, nên rốt cuộc có chứng cớ rõ ràng như vậy. Người đời phần nhiều chẳng tin, ngược ngạo sanh lòng hủy báng, quả thật là những kẻ được Đức Như Lai gọi là Phường đáng thương xót.
Vì thế, Lão Nhân nói: Nguyện những ai thấy nghe, ai nấy chăm tu trì, để mong hết tuổi thọ, sẽ dự hội Liên Trì. Quả thật là lời khẩn thiết mổ tim vẩy máu, cầu cho khắp mọi người trong cõi đời đều cùng gắng sức.
Một ngày mùa Thu năm Mậu Dần 1938, vâng theo mạng lệnh của Ấn Lão Pháp Sư, Đức Sâm viết thay.
Tâm Hướng Phật/St!