Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Vì sao phải siêu độ vong nhân? Phương pháp siêu độ vong nhân

Nếu như chính mình có thể tụng Kinh, niệm Phật, hoặc có thể hợp bạn bè thân thích lại vì người chết mà tụng 1 thời Kinh, niệm 1 thời Phật hiệu thì quá tốt.

1. Nguồn gốc của việc siêu độ

Trong nhà Phật, việc siêu độ vô cùng phổ biến. Có thể nói thời đại này, vong nhân là đối tượng chủ yếu của Phật sự. Trước đây Phật giáo dạy người sống, Phật giáo ngày nay lại độ cho người chết. Đó là lý do Phật giáo bị nhìn nhận dưới góc độ mê tín dị đoan. Nhiều người cho rằng Phật giáo là tôn giáo thấp kém, họ kịch liệt bài xích. Trong khi Phật giáo đích thực không phải để siêu độ người chết.

Lão pháp sư Đạo An đã từng giảng, nguồn gốc của việc siêu độ bắt đầu từ thời đại Đường Minh Hoàng. Thời đức Phật không có, Phật giáo truyền đến Trung Quốc thời kỳ đầu cũng không ghi chép sự việc này.

Đến thời đại của Đường Minh Hoàng, vì vua Đường sủng ái Dương Quí Phi, khiến nhân dân và triều thần bất mãn, mới có loạn An Lộc Sơn nổi tiếng trong lịch sử suýt nguy cấp đến cả quốc gia dân tộc.

Với sự đắc lực của Quách Tử Nghi, một vị đại tướng đương thời đã bình định cuộc nổi loạn, tuy nhiên, quân dân tử thương rất nhiều. Sau khi bình định cuộc nổi loạn, triều đình tại mỗi chiến trường chính, xây dựng một miếu thờ gọi là Khai Nguyên tự, vì đúng vào niên hiệu Khai Nguyên, thỉnh cao tăng đại đức, tụng kinh, bái sám truy điệu cho quân dân tử nạn.

Đây là lễ truy điệu do triều đình cử hành, gọi là pháp hội siêu độ. Từ đó dân chúng học theo, mỗi khi có người qua đời, người dân cũng thỉnh pháp sư đến làm Phật sự siêu độ, tạo phong tục cho đến ngày nay.

Tuy nhiên pháp hội siêu độ vào thời đó cũng không nhiều, một năm chỉ có đôi ba lần, công việc chủ yếu của tự viện am đường vẫn là giảng kinh thuyết pháp. Chúng ta cần hiểu rõ đạo lý này.

Chúng tôi đã xây dựng đạo tràng ở Đài Bắc, thư viện nghe nhìn Phật giáo, mỗi năm cũng chỉ có ba lần pháp hội siêu độ: Thanh Minh, Trung Nguyên, Đông Chí. Phương thức chủ yếu là mở khoá Phật thất, dùng công đức niệm Phật hồi hướng cho người mất. Ngày cuối cùng Phật thất, tổ chức tam thời hệ niệm.

Hiện tại, rất nhiều nơi cũng dùng phương cách này. Ấn Quang đại sư năm xưa còn sống, niệm Phật đường của chùa Linh Nham Sơn không có Phật sự. Phật tử yêu cầu siêu độ tổ tiên, người thân quyến thuộc thì đều để bài vị ở niệm Phật đường, chùa không làm riêng lẻ cho bất cứ ai mà lấy công đức niệm Phật của đại chúng ở niệm Phật đường hồi hướng. Cách làm này rất đáng được học tập và nhân rộng. “Pháp sư Tịnh Không”!

2. Vì sao phải tụng kinh siêu độ?

Ý nghĩa của tụng kinh siêu độ so với hình thức truy điệu của thế gian hẳn nhiên là sâu hơn. Truy điệu thế gian chỉ mang mục đích kỷ niệm, tưởng nhớ, tuyên dương những cống hiến lúc người đó còn sống, xong rồi quên lãng. Nhưng ý nghĩa tưởng nhớ trong Phật pháp thì sâu hơn. Tụng kinh, niệm danh hiệu Phật Bồ Tát là kiểu truy điệu có ý nghĩa thực chất nhất.

Vậy dùng cái gì để tưởng nhớ người mất? Dùng cái gì để truy điệu? Đó là “đoạn ác tu thiện”, dùng công đức hành thiện chân thực của chính bản thân để tưởng nhớ họ, như thế mới có ý nghĩa. Cho nên tụng kinh là để được kinh nhắc nhở, sau đó chúng ta căn cứ theo giáo huấn của Phật Bồ Tát mà thực hành. Phật Bồ Tát dạy chúng ta chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh, dùng tâm hạnh chân thật để truy điệu người mất.

Người xưa có câu: “Thế gian hảo ngữ Phật thuyết tận”. Việc tốt ở thế gian đức Phật đều đã làm. Cho nên chúng ta hãy học theo lời đức Phật để truy điệu người quá cố bằng những việc tốt mà thuật ngữ nhà Phật gọi là công đức chân thực.

Người mất nhìn thấy việc làm của chúng ta, họ vô cùng hoan hỷ. Người sống thực tập như lý như pháp thì lợi ích người mất nhận được một phần. Đạo lý này người bình thường khó có thể hiểu được, đôi khi còn cho là hoang đường. Chỉ khi tu học, chúng ta mới liễu ngộ, mới hiểu được chân tướng sự thật. Ngày nay ít người hiểu hoặc hiểu sai quá nhiều. Cho nên cần phải nâng cao cảnh giới của mình thì mới có thể có nhận thức chân thực triệt để.

Kinh Địa Tạng đưa ra hình ảnh nữ Bà la môn siêu độ mẹ mình, không thỉnh pháp sư đến làm Phật sự, không hề mời người đến tụng kinh, mà cô dùng phương pháp tu học. Dùng bản thân đích thực quay đầu, đoạn ác tu thiện, sửa chữa lỗi lầm, chân thành sám hối. Sau đó lấy công đức này để tưởng nhớ mẹ. Mẹ cô nhờ đó mới triệt để đoạn ác tu thiện, đích thực phá mê khai ngộ, bà từ địa ngục liền được sinh thiên.

Thế nhưng nếu tư duy và quan sát tỉ mỉ, chúng ta sẽ thấy nữ Bà la môn nhờ mẹ tạo ác, đọa địa ngục, nên cô mới có động lực quyết tâm tu hành nghiêm túc. Công phu của cô là cảnh giới A La Hán, thật sự chuyển phàm thành thánh. Người giúp cô đạt đến cảnh giới này chính là mẹ cô.

Nhờ duyên của mẹ thúc đẩy cô tu hành chứng quả. Khi đã chứng quả, công đức đạt được lại làm vẻ vang cho mẹ mình. Mẹ cô siêu sinh từ địa ngục lên cung trời Đao Lợi. Chúng sinh ngày nay chỉ biết làm theo hình tướng mà không hiểu nội dung thực chất cho nên không đạt hiệu quả lớn. “Pháp sư Tịnh Không”!

Vì sao phải siêu độ vong nhân? Phương pháp siêu độ vong nhân

3. Phương pháp siêu độ vong nhân

Trong Kinh, Phật bảo với chúng ta, con người sau khi chết đi chẳng phải liền lập tức đi đầu thai. Người mà sau khi chết liền lập tức đi đầu thai duy chỉ có 2 hạng người:

Một là đại Thánh Nhân khi vừa đứt hơi thì liền lên Trời để hưởng thiên phước. Hoặc là người niệm Phật được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, thì vừa đứt hơi liền tức khắc đi ngay. Hai là người đại ác tạo tội Vô Gián địa ngục, nên chẳng có cách khoảng, vừa đứt hơi thì rơi xuống địa ngục liền.

Ngoài 2 hạng người này ra thì tất cả mọi người sau khi chết đều trải qua thời kỳ thân trung ấm.
Đức Khổng Tử trong Dịch Kinh thì gọi thân trung ấm này là Du Hồn, bởi vì tánh hoạt động của nó rất lớn, tốc độ cũng rất nhanh, nó chẳng cố định một chỗ, thường bay qua bay lại, cho nên gọi nó là du hồn rất có đạo lý.

Người thế gian gọi thân trung ấm này là linh hồn, vậy là sai rồi. Vì sao lại sai?

Vì nó có linh đâu, nếu như nó linh còn phải đi đến tam ác đạo để mà đầu thai hay sao? Nhất định chẳng chọn tam ác đạo. Do đó, thân trung ấm này chỉ có thể gọi là Mê hồn mà thôi, là mê hoặc điên đảo, một tí cũng chẳng linh.

Trong 49 ngày này, cứ mỗi 7 ngày là 1 chu kỳ. Trong mỗi một chu kỳ này họ rất là đau khổ. Cho nên, chúng ta phải vì họ mà tụng Kinh, niệm Phật, hồi hướng để giúp họ giảm thiểu đau khổ. Làm thất là do đây mà có. Nếu như công đức ta làm đó càng là chân thật, chân thành thì họ nhận được đó là thọ thắng diệu lạc, quả thật có thể giúp họ lìa khổ được vui, đây là tự tha lưỡng lợi.

Cho nên, các bạn đồng tu cần phải biết rằng, tuyệt đối chẳng phải chỉ làm thất đầu và thất cuối, còn các thất giữa thì không cần làm là sai. Mỗi một thất đều cần phải làm. Cũng chẳng phải nói người già qua đời mới phải làm thất, còn trẻ con thì không cần làm thất. Người già và trẻ con đều chịu đau khổ như nhau, trong Kinh chẳng có phân biệt giữa người già và trẻ con. Đây đều là do người thế gian hư vọng phân biệt mà thôi.

Trong 49 ngày này thù thắng nhất chính là mỗi ngày chúng ta đều vì họ tụng Kinh, đều vì họ niệm Phật hồi hướng. Nếu như chính mình có thể tụng Kinh, niệm Phật, hoặc có thể hợp bạn bè thân thích lại vì người chết mà tụng 1 thời Kinh, niệm 1 thời Phật hiệu thì quá tốt.

Nếu như mình không biết về Kinh điển thì hãy mời vài vị pháp sư đến thay cho chúng ta tụng niệm. Khi pháp sư tụng Kinh thì chúng ta nương theo họ cùng tụng, tâm địa chân thành mới có được lợi ích chân thật. Nếu như chỉ có miệng mà không có tâm thì Kinh tụng đó đều là vô ích, chẳng thể giúp ích gì được cho người đã chết.

Bên cạnh việc tụng Kinh, niệm Phật hồi hướng, chúng ta nếu có điều kiện thì nên tu thêm thật nhiều điều phước thiện như: phóng sanh, cứu tế cho người nghèo, cúng dường Tam Bảo, in Kinh ấn tống, quyên góp xây dựng cầu đường, xây dựng chùa chiền, ăn chay… Sau đó mỗi ngày đều hồi hướng tất cả phước đức này đến cho người đã chết. Được như vậy mới có thể giúp cho người chết không rơi vào tam ác đạo, có thể tái sanh vào Nhân, Thiên 2 đường. “Pháp sư Tịnh Không”!

4. Cầu siêu có ảnh hưởng vong linh không?

Phật giáo tin cầu siêu có ảnh hưởng đến sự siêu độ của vong linh. Thế nhưng, tác dụng ấy có giới hạn nhất định.Cầu siêu chỉ là một sức mạnh thứ yếu, không phải là sức mạnh chủ yếu.

Vì thời gian chủ yếu để tu thiện, làm thiện là thời gian khi người đang còn sống. Sau khi người chết rồi, chính người sống tổ chức lễ cầu siêu cho người chết và hồi hướng công đức tu thiện, làm thiện của mình cho người chết.

Kinh Địa Tạng cho biết, lợi ích của lễ cầu siêu có bảy phần, thì sáu phần thuộc về người còn sống (tức là người tổ chức lễ cầu siêu) còn chỉ có một phần lợi ích thuộc về người đã chết.

Đồng thời, Phật giáo chính tín, đối với phương thức lễ cầu siêu, có quan niệm hơi khác với tập tục dân gian. Nói siêu độ là nói độ thoát cõi khổ, siêu thăng đến cõi vui, là dựa vào cảm ứng của nghiệp lực tu thiện của bạn bè, gia thuộc người chết, chứ không phải do một mình tác dụng tụng kinh của tăng ni. Đó là sự cảm ứng do phối hợp nghiệp thiện của người tổ chức siêu độ và sự tu trì của người tụng kinh.

Do đó, Phật giáo chính tín cho rằng, chủ thể của công việc cầu siêu không phải là tăng ni mà là gia thuộc của người chết. Gia thuộc người chết, trong giờ phút lâm chung, nếu biết đem các đồ vật ưa thích của người sắp chết, cúng dường Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo, và làm cho người sắp chết hiểu rõ, đó là làm công đức hộ cho anh ta, thì sẽ có tác dụng rất lớn đối với vong linh người chết. Đó là do sự cảm ứng của một niệm thiện nghiệp, do tâm người lúc lâm chung được an ủi, nhờ vậy mà nghiệp thức của người chết hướng tới cõi lành. Đó không phải là mê tín, đó là đạo lý tâm thiện hướng tới cõi thiện.

Nếu khi người thân đã chết mà con cháu, gia thuộc có lòng thành kính thiết tha, tổ chức trai tăng, bố thí, làm điều thiện lớn, tỏ lòng hiếu thảo khẩn thiết cũng có thể có cảm ứng, giúp cho vong linh được siêu linh cõi thiện. Thế nhưng, tác dụng không bằng việc làm khi người đang còn sống, chưa chết.

Khi người con có lòng hiếu chí thành, như Bồ Tát Địa Tạng, để cứu mẹ mà phát lời nguyện đại bi, nguyện vì để cứu mẹ mà đời đời kiếp kiếp sẽ cứu độ chúng sinh ra khỏi biển khổ. Dựa vào sức mạnh của lời nguyện vĩ đại ấy, mà cảm thông được với người chết, giúp người chết giảm bớt hay trừ bỏ được tội ác.

Đó không phải là mê tín, mà là sự cảm thông của lòng hiếu vĩ đại, của tâm nguyện vĩ đại, khiến cho tâm lực và nguyện lực của người siêu độ hòa nhập và cảm thông với nghiệp lực của người siêu độ, cả 2 thông suốt cùng một khí, nhờ vậy, mà người chết được siêu độ.

Vì vậy đối với Phật giáo chính tín, con cái gia thuộc nếu muốn cứu độ người chết, thì nên làm các việc như cúng dường Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo, chứ không nhất thiết phải mời Tăng Ni đến tụng kinh. Tăng Ni khi được cúng dường, thì chỉ chú nguyện cho thí chủ mà thôi. Vì Tăng Ni tụng kinh là công việc làm hàng ngày của họ trong các khóa lễ, tụng kinh là một phương pháp tu hành, mục đích của tụng kinh không phải là để siêu độ người chết. Thí chủ cúng dường chư Tăng là để cho chư Tăng có thể tu hành và đạt mục đích của tu hành.

Phật giáo tuy có nói tụng kinh để siêu độ người chết, nhưng đó là hy vọng mọi người đều tụng kinh. Chỉ trong trường hợp mình không biết tụng kinh hay là tụng kinh quá ít, mới thỉnh Tăng Ni tụng kinh thay cho mình..

Thực ra, chức năng của Tăng Ni là duy trì đạo Phật ở thế gian, lấy Phật pháp để hóa độ chúng sinh, chứ không phải chuyên làm việc siêu độ cho người chết. Công đức của tụng kinh là nhờ ở lòng tin Phật pháp và tu hành Phật pháp, cho nên không phải chỉ có Tăng Ni mới tụng kinh, lại càng không phải chỉ khi có người chết mới tụng kinh.

Hơn nữa, thời hạn siêu độ tốt nhất là trong vòng 49 ngày. Bởi vì, Phật giáo tin rằng, chỉ trừ những trường hợp như người có phúc nghiệp lớn, chết thì tái sinh ngay ở sáu cõi trời Dục giới, hay là những người tu định có kết quả, khi chết thì tái sinh ở các cõi trời Thiền định, hay là người có ác nghiệp nặng, chết thì đọa địa ngục lập tức; còn thì đối với người bình thường mà nói, chết xong còn trải qua thời gian 49 ngày chờ đợi cho nghiệp duyên chín mùi mới quyết định tái sinh ở cõi nào.

Nếu trong thời gian này mà con cái, thân nhân biết lấy công đức cúng dường Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo để hồi hướng cầu siêu độ thì người chết, nhờ công đức thiện nghiệp ấy cảm ứng hỗ trợ mà được sinh lên cõi thiện (Trời, Người) và được siêu độ. Nếu để qua 49 ngày mới tổ chức cầu siêu thì chỉ có thể tăng thêm phúc đức cho người đó, chứ không thể ảnh hưởng gì đến hướng tái sinh của họ nữa.

Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, trong trường hợp người thân bị chết oan, chết thê thảm, do oan trái chưa trả cho nên có thể sinh ở cõi quỷ, và tiếp tục vòi vĩnh, đòi hỏi đối với người. Thông thường, người ta gọi đó là quỷ ám. Trong trường hợp đặc biệt này, thì cần có tụng kinh siêu độ (nghĩa là thuyết pháp cho quỷ nghe để cho quỷ rõ hướng đi). Nhờ Phật lực giúp cho vong linh tái sinh ở cõi thiện.

Phật giáo thường gọi cõi quỷ là “ngã quỷ” (quỷ đói), cho nên thường dùng mật pháp (như trì chú biến thực, thí thực) để giúp đỡ, tạo ra tác dụng lớn, đặc biệt là đối với loại quỷ lành. Công việc Phật sự đặc biệt này, các tôn giáo khác, kể cả Thần giáo đều không biết. -“HT. Thích Thánh Nghiêm”.

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Bố thí Ba la mật là gì? Sự hào phóng siêu nhiên

Định Tuệ

Di cư đến Thế Giới Tây phương Cực Lạc

Định Tuệ

Cảnh sách đại chúng: Hãy chuyên tâm niệm Phật

Định Tuệ

Sinh tử đại sự – Thệ nguyện giải quyết cho xong việc sinh tử

Định Tuệ

Tướng tùy tâm chuyển

Định Tuệ

16 điềm lành vi diệu lúc Đản sinh của Đức Phật

Định Tuệ

Lợi ích khi trì tụng kinh Phổ Hiền Quảng Nguyện Vương

Định Tuệ

Tại sao Phật muốn tu khổ hạnh, tán thán tu khổ hạnh?

Định Tuệ

Ðừng chờ đến lúc khát mới đào giếng

Định Tuệ

Viết Bình Luận