Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Niệm Phật có thể vãng sanh, dễ hơn bất cứ cách nào

Niệm Phật có thể vãng sanh, dễ hơn bất cứ cách nào. Vì vậy, Trì Danh Niệm Phật là phép Quán thứ mười sáu; pháp môn này độ trọn hết thảy chúng sanh hữu duyên.

Tổ tiên Trung Quốc chẳng đơn giản, quý vị thấy điều thứ nhất trong Ngũ Luân là “phụ tử hữu thân”, “thân” (親) là thân ái. Hiếu được biểu hiện như thế nào? Là thân ái. Cha con thân ái là hiếu. Chữ Hiếu thuộc loại Hội Ý, quý vị hãy nhìn vào sự sáng tạo văn tự; vì thế, văn tự Trung Quốc chẳng thể sửa. Hễ sửa, ý nghĩa chẳng còn nữa! Quý vị thấy phù hiệu này sẽ nghĩ đến ý nghĩa. Quý vị thấy chữ Hiếu (孝), phía trên là Lão (老), phía dưới là Tử (子). Hai chữ này hợp lại, quý vị thấy được ý nghĩa sau đây: Một đời trước và đời hiện tại có cùng một Thể, đó là Hiếu, là ý nghĩa gốc của Hiếu. Trên một đời, còn có một một đời nữa, đời tiếp theo còn có đời tiếp theo nữa. Quá khứ không có khởi nguồn, vị lai không kết thúc, là nhất thể. Ý nghĩa này trong [văn tự] ngoại quốc không có. Trong văn tự ngoại quốc càng chẳng có cách nào nhìn ra [ý nghĩa này]; văn tự Trung Quốc khéo quá, hay quá, tận thiện, tận mỹ. Quý vị nhìn vào văn tự Trung Quốc, nếu chẳng nhận biết [ý nghĩa được bao hàm trong từng chữ], tức là chưa biết đọc; nhưng nếu có thể nhìn ra ý nghĩa của nó, [sẽ thấy] đấy là phù hiệu trí huệ.

Chúng ta thấy Bát Địa Bồ Tát “ly nhất thiết tâm ý thức phân biệt” (lìa hết thảy tâm ý thức phân biệt). Bát Địa Bồ Tát đã sớm chẳng còn tâm ý thức, vì sao? Trong Viên Giáo, Sơ Trụ Bồ Tát đã thoát ly mười pháp giới, sanh về cõi Thật Báo, đã chuyển thức thành trí, lẽ nào còn có tâm ý thức phân biệt? Câu này nên hiểu ra sao? Câu này nói về tập khí vô minh từ vô thỉ, tập khí này hết sức mỏng nhẹ, hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới, kể cả Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác trong mười pháp giới hoàn toàn chẳng biết [tập khí này hiện hữu], huống hồ phàm phu chúng ta! Chúng ta tưởng các Ngài đã hoàn toàn đoạn hết, [nào ngờ họ] chẳng thấy tập khí. Tập khí rất mỏng, chính các Ngài có biết hay không? Chính các Ngài chẳng biết, người có địa vị cao hơn các Ngài sẽ biết, người có địa vị thấp hơn các Ngài không biết. Cũng có nghĩa là Thất Địa không biết [cảnh giới của] Bát Địa, nhưng Bát Địa biết Thất Địa; Bát Địa không biết Cửu Địa, nhưng Cửu Địa hiểu Bát Địa. Ở đây nói: “Lìa hết thảy tâm ý thức phân biệt” là nói đến tập khí. Tập khí này hầu như đã đoạn được. Đạt tới Bát Địa thì trên vị Bồ Tát ấy có Cửu Địa, Thập Địa, Đẳng Giác, cho đến Diệu Giác sẽ hoàn toàn đoạn dứt, tập khí hoàn toàn chẳng còn. Bốn mươi mốt phẩm tập khí gần như Ngài đã đoạn hết, lúc ấy mới thật sự là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Hiểu theo nghĩa rộng, địa vị nào đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn? Sơ Trụ Bồ Tát đã đắc. Vì sao? Ngài buông khởi tâm động niệm xuống, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm là đoạn vô minh. Đoạn hết vô minh bèn chứng Pháp Thân, thoát ly mười pháp giới. Vì vậy, chúng ta phải hiểu chỗ này! Nếu quý vị chẳng hiểu, sẽ hoài nghi: Sơ Trụ Bồ Tát chẳng còn khởi tâm động niệm, cớ sao vẫn chưa thật sự chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn? Nói theo phía chúng ta, Sơ Trụ Bồ Tát thật sự chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn; nhưng đối với những địa vị cao hơn Ngài, Ngài vẫn chưa chứng, phải đến lúc Ngài đắc Bát Địa Bồ Tát, người ta mới thừa nhận Ngài đã thật sự đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Cửu Địa, Thập Địa, Thập Nhất Địa, Diệu Giác. Thập Nhất Địa là Đẳng Giác. Bốn địa vị trên Bát Địa chắc chắn đã đắc [Vô Sanh Pháp Nhẫn] vì đã đoạn trừ tập khí.

“Khả kiến thử nãi thánh giả chi sở nan, an năng kỳ chi ư cụ phược phàm phu” (có thể thấy bậc thánh còn gặp khó khăn, làm sao phàm phu đầy dẫy triền phược mà hòng làm được). Làm sao chúng ta có thể thực hiện được? Đây là nói vô niệm vô sanh [phàm phu chúng ta] chẳng làm được! Sơ Trụ mới chứng đắc vô niệm vô sanh, đến địa vị Bát Địa mới coi như viên mãn, tập khí chẳng còn nữa. “Thị dĩ Thiện Đạo đại sư Tứ Thiếp Sớ viết” (do vậy, trong Tứ Thiếp Sớ của Thiện Đạo đại sư có nói). Tứ Thiếp Sớ là bản chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của Thiện Đạo đại sư, bản chú giải có tên là Tứ Thiếp Sớ, còn gọi là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ, đấy là [trước tác] của Thiện Đạo đại sư . Trong ấy, có một đoạn như thế này: “Kim thử Quán môn đẳng” (nay các phép Quán). Do kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật giảng tất cả mười sáu phép Quán, cho nên “Quán môn đẳng” là mười sáu phép Quán, đều là “chỉ phương lập tướng”, [tức là] chỉ rõ Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ ra phương vị, lại còn dạy quý vị cách quán như thế nào. Phép Quán thứ nhất dạy quý vị quán hình dáng mặt trời lặn ở phương Tây, “mặt trời lặn giống như cái trống treo”. Khi mặt trời sắp lặn, đỏ rực như cái trống, bảo quý vị nhìn điều ấy. Phải như thế nào mới là quán thành tựu? Mở banh con mắt bèn thấy, mà nhắm mắt, nó vẫn ở tại đó, vẫn trông thấy, thì phép Quán này mới được gọi là “quán thành”. Mười sáu phép Quán này, bất luận quý vị quán thành một phép Quán nào, cầu sanh Tây Phương sẽ có phần; chẳng phải là cả mười sáu phép Quán đều phải quán thành tựu. Bất luận một phép Quán nào, sau khi quán thành đều có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc. Khó hơn niệm Phật! Chúng ta thấy ấn tượng về mặt trời đỏ rất sâu, ở trong căn phòng này, chúng ta có thấy mặt trời đỏ hiện hữu hay chăng? Hiện hữu! Nếu vậy, đó là [quán cảnh thành tựu] thật sự. Nếu không, phép Quán này chưa thành. Do vậy, quán tưởng cũng chẳng dễ dàng, tinh thần quý vị chưa thể chuyên chú, cảnh giới ấy sẽ chẳng hiện tiền. Vì sao có thể hiện tiền? Theo Lý, kinh Đại Thừa dạy: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, trong tâm quý vị thật sự có, nó sẽ thật sự hiện tướng.

Trong Thập Lục Quán Kinh có cách quán tượng Phật, [tức là] Quán Tượng Niệm Phật; Quán Tưởng Niệm Phật, “tưởng” là trong tâm nghĩ tưởng y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chỉ cần quý vị vừa tưởng, cảnh giới bèn hiện tiền; khi quý vị chẳng tưởng, cảnh giới không còn nữa! Lúc nào tưởng, lúc ấy cảnh giới hiện tiền, vãng sanh còn có vấn đề gì hay chăng? Khi lâm chung, tâm tưởng thế giới Cực Lạc, thế giới Cực Lạc bèn hiện tiền, Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn quý vị, công phu này phải luyện thành trong lúc thường nhật. Quán Tượng Niệm Phật là tạo một bức tượng A Di Đà Phật, mỗi ngày chiêm ngưỡng, cũng giống như [quán] mặt trời lặn giống như cái trống treo, thấy như thế nào? Mở banh con mắt, tượng Phật ở trước mặt; nhắm tịt mắt lại, tượng Phật vẫn hiện tiền, bất luận ở nơi đâu, quý vị vừa nghĩ, tượng Phật liền ở trước mặt, đó là Quán Tượng Niệm Phật. Phép Quán cuối cùng, tức phép Quán thứ mười sáu, là trì danh. Do vậy, Trì Danh Niệm Phật cũng có trong mười sáu phép Quán, là phép Quán cuối cùng trong mười sáu phép Quán. Phép cuối cùng là quan trọng nhất. Ấn Độ và Trung Quốc có rất nhiều tập tục tương đồng, thứ tốt nhất đặt ở cuối cùng, “áp trục” (màn chót trong các cuộc biểu diễn nghệ thuật). Cũng có nghĩa là: Nếu dùng những phép Quán ấy mà quán chẳng thành thì sao? Quán chẳng thành bèn niệm Phật. Niệm Phật có thể vãng sanh, dễ hơn bất cứ cách nào. Vì vậy, Trì Danh Niệm Phật là phép Quán thứ mười sáu; pháp môn này độ trọn hết thảy chúng sanh hữu duyên. Phải có duyên! “Hữu duyên” là quý vị tin tưởng, có tín, có nguyện, thật sự niệm Phật, đó gọi là “hữu duyên chúng sanh”. Thiện Đạo đại sư nói: “Vạn tu, vạn nhân khứ” (vạn người tu, vạn người về). Do vậy, [cách tu này] là “chỉ phương lập tướng”. “Trụ tâm thủ cảnh” (lắng tâm giữ lấy cảnh), chẳng phải là vô niệm, vô sanh; “trụ tâm” là bảo quý vị hãy chú tâm nơi cảnh giới, giữ lấy cảnh giới. “Tổng bất năng vô tướng ly niệm dã” (nói chung là chưa thể vô tướng lìa niệm). Thập Lục Quán Kinh chẳng bảo quý vị lìa tướng, mà cũng chẳng buộc quý vị ly niệm. Phương pháp Trì Danh này là phép Quán thứ mười sáu, đương nhiên cũng là hữu niệm, cũng là hữu sanh, chẳng phải là vô tướng ly niệm.

“Như Lai huyền tri mạt đại tội trược phàm phu, lập tướng trụ tâm thượng bất năng đắc, hà huống ly tướng nhi cầu sự giả” (Như Lai sớm biết phàm phu tội chướng nhơ bẩn trong đời Mạt Pháp, lập tướng để trụ tâm còn chưa thể làm được, huống hồ tu tập theo lối lìa tướng): Như Lai ở đây là A Di Đà Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật, mở rộng ra là hết thảy chư Phật Như Lai. Chư Phật Như Lai thị hiện làm Phật trong các thế giới khác nhau, giáo hóa chúng sanh, dùng pháp môn gì? Đều dùng pháp môn này. Vì sao? Pháp môn này thích hợp khắp ba căn, thâu trọn phàm lẫn thánh. Trừ pháp môn này ra, người thượng thượng căn có phần, chứ kẻ trung hạ căn chẳng có phần. Chúng sanh càng khổ nạn, mê hoặc, tội chướng, tập khí nặng nề, Như Lai càng đặc biệt thương xót bọn họ. Để độ bọn họ, chỉ có pháp môn này. Pháp môn này của kinh Vô Lượng Thọ hết sức thuận tiện, chuyên giảng “trì danh niệm Phật, tín nguyện trì danh” là được rồi, có thể đắc độ; nhưng pháp môn này đúng là pháp khó tin! Chỉ cần quý vị kiên định lòng tin, quyết định chẳng hoài nghi, sẽ đắc độ trong một đời này. Nếu hoài nghi thì sao? Hễ hoài nghi, phải nghiên cứu kinh giáo. Đức Thế Tôn giảng kinh, thuyết pháp bốn mươi chín năm nhắm vào đối tượng nào? Nhắm vào đối tượng là kẻ có nghi vấn, đặc biệt là những kẻ nghi hoặc pháp môn Niệm Phật. Tín tâm của quý vị chẳng kiên định, nguyện tâm chẳng khẩn thiết, làm thế nào đây? Nghe kinh, đức Phật đã giảng cẩn thận, quý vị nghe rõ ràng, nghe rồi hiểu rõ, tin tưởng. Do vậy, giảng kinh với dụng ý giúp đỡ chúng sanh đoạn nghi sanh tín. Nếu đã thật sự tin tưởng, chẳng hoài nghi tí nào, có cần phải nghe kinh hay chăng? Chẳng cần thiết! Quý vị giữ lấy Tịnh Độ, nhất định thành tựu, không còn phải mất công nghe kinh, niệm một câu Phật hiệu đến cùng. Như vậy thì trong Niệm Phật Đường có thể chẳng cần nghe kinh ư? Có thể; nhưng vì sao nay trong Niệm Phật Đường, chúng ta yêu cầu họ phải nghe kinh? Họ chưa đủ tín nguyện, chẳng nghe kinh sẽ không xong! Quý vị đọc Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, thời đại của tổ Ấn Quang cách thời đại chúng ta không xa, đại khái là bảy mươi, tám mươi năm trước đây, vào thuở Ấn Quang đại sư tại thế, Niệm Phật Đường trong thuở ấy không cho phép giảng kinh, chỉ giảng khai thị, chẳng giảng kinh! Vì sao? Lòng người thuần hậu, mọi người vào Niệm Phật Đường đều có tín tâm, chẳng hoài nghi, thật thà niệm Phật. Người niệm Phật hiện thời chẳng thật thà, có nghi hoặc; chẳng đoạn nghi sẽ không được. Chẳng đoạn nghi thì nó sẽ chướng ngại quý vị. Quý vị thấy trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật đã dạy rất hay: “Nghi là chướng ngại lớn nhất của Bồ Tát”, chướng ngại gì? Chướng ngại tinh tấn. Nghi còn có thể chướng ngại các Bồ Tát tinh tấn thì đối với lũ phàm phu chúng ta, nó gây chướng ngại càng to hơn, chướng ngại gì vậy? Chướng ngại quý vị giác ngộ. Quý vị có nghi, nghe kinh không hiểu, đọc kinh chẳng liễu giải ý nghĩa, điều gì chướng ngại vậy? Chướng ngại chính là lòng hoài nghi; do quý vị hoài nghi, nên chẳng cung kính kinh giáo, Phật có muốn gia trì quý vị cũng không được! Ấn Quang đại sư nói rất hay: “Một phần thành kính đắc một phần lợi ích, mười phần thành kính đắc mười phần lợi ích”. Quý vị thiếu tâm cung kính vì quý vị hoài nghi. Thiếu tâm cung kính, sẽ chẳng đạt được lợi ích, nghe cũng không hiểu, nghe vài chục năm vẫn không hiểu. Nghe không hiểu vẫn phải nghe, đức Phật vô cùng từ bi, không ngại phiền phức, nghe mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, sẽ nghe hiểu, nghe hiểu rồi sẽ chẳng hoài nghi nữa. Khi quý vị chẳng còn hoài nghi, tiến bộ cũng nhanh chóng, sẽ cảm thấy mỗi năm mỗi khác. Tới khi nào, quý vị có thể cảm thấy mỗi tháng đều khác nhau, cảnh giới chẳng giống nhau, chắc chắn quý vị được vãng sanh. Mỗi năm khác nhau, đó là cảnh giới tốt đẹp, nhưng vãng sanh chưa nắm chắc. Mỗi tháng đều khác nhau, nắm chắc vãng sanh! Câu kế tiếp là tỷ dụ, “tự vô thuật thông nhân, cư không an lập xá dã” (cũng giống như kẻ chẳng có thần thông hay pháp thuật xây nhà trên không). Đây là phàm phu mong muốn vô niệm, vô sanh, khế nhập cảnh giới này, giống như kẻ chẳng có thần thông lại toan xây nhà trên hư không, có được hay chăng? Người có thần thông thì được, kẻ không có thần thông chẳng làm được! Có nghĩa là: Nếu phàm phu chúng ta muốn khế nhập vô niệm vô sanh, sẽ giống như kẻ chẳng có thần thông toan cất nhà trên hư không. Đây là một câu trong Tứ Thiếp Sớ.

Kế đó, cụ Hoàng Niệm Tổ nói: “Cái dĩ chúng sanh vọng tâm, niệm niệm tương tục, như cấp lưu thủy, tùng vị tạm tức” (ấy là vì chúng sanh vọng tâm niệm niệm tiếp nối như dòng nước chảy xiết, chưa hề tạm ngừng). Tỷ dụ này hay lắm, đúng như vậy, chúng ta vọng tâm, vọng tâm là gì? Là khởi tâm động niệm! Khởi tâm động niệm vô cùng vi tế; tâm vừa động, vọng tâm bèn xuất hiện. Vọng tâm là A Lại Da, A Lại Da cũng chẳng lìa tự tánh, từ chân khởi vọng. Nói thật ra, chân và vọng chẳng hai. Do chân và vọng chẳng hai, nên chư Phật Như Lai thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật, hết thảy chúng sanh vốn là Phật, vì sao? Chân và vọng chẳng hai. A Lại Da chẳng rời khỏi tự tánh, chỉ là lệch khỏi Tánh Đức, trái nghịch, xa rời Tánh Đức, nên sanh ra những huyễn tướng ấy. Không như tứ thánh pháp giới, tứ thánh pháp giới cũng dùng A Lại Da, nhưng các Ngài thật thà, nghe lời, vâng lời dạy của chư Phật Như Lai, y giáo phụng hành; do đó, các Ngài học rất tốt đẹp, học rất giống Phật. Chưa phải là Phật thật sự, nên gọi là Tương Tự Tức Phật. Thiên Thai đại sư nói các vị trong tứ thánh pháp giới rất giống Phật. Vì sao chưa phải là chân Phật? Họ dùng A Lại Da, vẫn dùng vọng tâm; tuy dùng vọng tâm nhưng học rất giống. Khi nào buông vọng tâm xuống, chân tâm sẽ hiện tiền. Vị ấy là chân Phật, đó gọi là “chuyển thức thành trí”, đó là chân Phật, chuyển A Lại Da thành Đại Viên Kính Trí. Đại Viên Kính Trí là gì? Đại Viên Kính Trí là Thường Tịch Quang. Do mê, Thường Tịch Quang bèn biến thành A Lại Da, hễ giác thì là Thường Tịch Quang. Trí huệ trong Thường Tịch Quang là Chuyển Tướng của A Lại Da, tức là Kiến Phần của A Lại Da. Đức tướng của Thường Tịch Quang là Cảnh Giới Tướng của A Lại Da, tức là Tướng Phần. Nó bị biến chất, tuy không có hình tướng, mà có thể biến ra hình tướng. Kiến văn giác tri (thấy, nghe, hay, biết) trong tự tánh chẳng sanh, chẳng diệt. Trong A Lại Da Thức, kiến văn giác tri biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Vì vậy, Thọ, Tưởng, Hành, Thức từ kiến văn giác tri biến ra. Thọ, Tưởng, Hành, Thức có sanh diệt, kiến văn giác tri chẳng sanh diệt.

Thế giới này dường như tồn tại là do nguyên nhân nào? Niệm niệm nối tiếp, vọng tâm là khởi tâm động niệm. Trong lục đạo, chúng ta không chỉ khởi tâm động niệm, mà còn phân biệt, chấp trước. Nếu quý vị chẳng chấp trước, lục đạo sẽ chẳng có. Có khởi tâm động niệm, có phân biệt, bèn có tứ thánh pháp giới, trong Tịnh Độ gọi [tứ thánh pháp giới] là cõi Phương Tiện Hữu Dư. Có chấp trước, bèn là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, lục đạo luân hồi. Vì vậy, quý vị nói xem: Có phải là chấp trước tổn hại chúng ta nhiều lắm, mang lại cho chúng ta lắm nỗi thống khổ? Lục đạo quá khổ sở! Đức Phật đã nói rõ ràng như thế, nay chúng ta cũng biết, có thể buông chấp trước xuống hay chăng? Vẫn chưa thể, vẫn cứ chấp trước. Do nguyên nhân gì? Tập nhiễm quá nặng, thời gian đã quá lâu, dưỡng thành thói quen, hữu ý hay vô ý khởi hiện hành. Tu hành là tu theo cách nào? Thời thời khắc khắc hãy cảnh giác; các vị đại đức trong Tông Môn đã nói rất hay: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Vì sao chẳng sợ niệm khởi? Niệm niệm tiếp nối, lẽ nào nó chẳng khởi lên cho được? Đã trở thành thói quen, nó sẽ khởi lên. Khởi lên chẳng sợ, vấn đề là quý vị phải giác ngộ, phải hiểu rõ, đừng bị nó mê hoặc. Giác là như thế nào? Giác có hiện tượng là chẳng chấp trước, hễ giác ngộ thì địa vị A La Hán bèn chẳng phân biệt, địa vị Bồ Tát bèn chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, từ Sơ Trụ trở lên thuộc vào địa vị Phật; đó là Giác. Nay chúng ta chẳng giác, ngay cả tầng cấp A La Hán vẫn chưa đạt được. Chúng ta học tập, vẫn phải biện luận, vẫn phải suy xét, đó là gì? Đó là đang chấp trước. Chẳng chấp trước thì có biện luận hay chăng? Chẳng chấp trước sẽ chẳng có biện luận. Khi quý vị thấy người khác biện luận sẽ cười khì, cười khì là gì? Cười khì tức là dấy lên phân biệt, tuy chẳng chấp trước, cao hơn kẻ ấy (kẻ chấp trước) một chút, nhưng vẫn chưa được! Đến tầng bậc cao là như như bất động, chẳng thể hiện tình cảm gì, cảnh giới càng cao; cười khì là còn khá lắm, so ra còn cao hơn kẻ chấp trước một tầng. “Chưa từng ngưng dứt”, câu này là lời răn nhắc rất quan trọng đối với chúng ta.

“Kim nhược miễn cưỡng án nại, thô niệm tuy đắc sảo tức, tế niệm tùng vị tạm chỉ” (nay nếu miễn cưỡng đè nén, tuy thô niệm hơi ngưng nghỉ, tế niệm chưa hề tạm dứt). Nay các đồng học chúng ta đọc câu văn này đều có thể lý giải, khẳng định: Chuyện này chẳng thể miễn cưỡng, càng miễn cưỡng càng phiền phức. Vì vậy, đức Phật rất kiên nhẫn, chẳng nóng ruột tí nào, cứ thong thả giáo hóa. Chúng sanh ô nhiễm bao kiếp dài lâu, dưỡng thành tập khí phiền não này, Bồ Tát cũng có thể hóa giải [tập khí ấy] trong bao nhiêu kiếp. Nếu đời này, chúng ta nắm được cơ hội, thứ gì cũng đều buông xuống, nhất tâm niệm Phật, thật sự vãng sanh Tịnh Độ, có phải là đời này mới bắt đầu [tu tập] hay không? Chẳng phải, vãng sanh thế giới Cực Lạc, quý vị sẽ thấy đời đời kiếp kiếp trong quá khứ đều học Phật, học bao nhiêu đời, nhưng đời này thành công, thoát ly lục đạo luân hồi. Quý vị cảm thấy vô cùng may mắn, rất cảm ơn A Di Đà Phật, vì sao? Nếu chẳng do pháp môn này, quý vị tu bất luận một pháp môn nào trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chắc chắn chẳng thể thành tựu trong một đời này. Vì sao? Bất cứ một pháp môn nào cũng đều phải buông phiền não xuống, quý vị mới có thể vượt lên, nhưng pháp môn này không cần, không cần buông phiền não tập khí xuống, cách này dễ dàng. Khăng khăng một mực theo chắc A Di Đà Phật, một bước cũng chẳng chịu buông, sẽ đến thế giới Cực Lạc. Quý vị thấy [sự khăng khăng bám chắc nơi A Di Đà Phật] là chấp trước; nhưng Tịnh Tông chẳng sợ chấp trước! Chấp trì danh hiệu là chấp trước, “trì” là bảo trì (giữ gìn), chớ nên đánh mất, chấp trước kiên cố, chấp trước A Di Đà Phật, chẳng cần đến những thứ khác. Người ấy vãng sanh Cực Lạc thế giới trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, tốt lắm! Trong thế giới Cực Lạc, cõi Phàm Thánh Đồng Cư và cõi Thật Báo Trang Nghiêm chẳng sai khác, chúng ở cùng một chỗ, chẳng bị chướng ngại bởi các chiều không gian; nhưng trong thế giới của chúng ta thì có, thế giới bên kia chẳng có, vì sao chẳng có? Chướng ngại về chiều không gian là do chấp trước, phân biệt; quý vị chẳng còn phân biệt, chấp trước, chướng ngại này sẽ không còn nữa!

Phân biệt, chấp trước chưa đoạn, chẳng phải là sẽ mang tập khí này sang thế giới Cực Lạc ư? Chẳng sao cả! Người trong thế giới Cực Lạc thảy đều chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, quý vị đến nơi ấy, sẽ rất nhanh chóng, trong vòng vài ngày sẽ quen nếp, cũng sẽ buông tập khí phân biệt, chấp trước ấy xuống. Vì sao? Phân biệt, chấp trước là do quý vị mong đạt được thứ gì đó, dục vọng chẳng thỏa, nên mới chấp trước. Nếu hết thảy những gì quý vị cần, vừa nghĩ đến bèn có, chẳng cần nữa sẽ biến mất, quý vị thấy tự tại lắm! Do bốn mươi tám nguyện của Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật gia trì, quý vị đến thế giới Cực Lạc, nghĩ gì đều có, thảy đều có thể đạt được. Cổ đức thường nói: “Tư y đắc y, tư thực đắc thực” (nghĩ đến y phục bèn có y phục, nghĩ tới ăn bèn có ăn), không cần sức người làm lụng. Đối với y phục, chẳng cần mua vải vóc, chẳng phải cắt may, vừa nghĩ tới, y phục bèn khoác trên thân. Khi nghĩ đến thì thức ăn trăm vị, kinh thường chép: “Bách vị ẩm thực”, chuyện này có điển cố. Khi ăn là một trăm món; xưa kia, mỗi bữa ăn của hoàng đế gồm một trăm món ăn. Bất luận nhà vua ăn hay không, mỗi bữa ăn là một trăm món, bách vị ẩm thực mà! Cuộc sống vật chất của quý vị [trong thế giới Cực Lạc] giống như đế vương, cũng chẳng cần đến sức người làm lụng, quý vị vừa nghĩ thứ gì, thứ ấy ở ngay trước mặt, ăn xong, không cần nữa thì sẽ chẳng thấy nữa. Sạch sẽ, chẳng nhiễm mảy trần. Thật ư? Thật đấy! Vì sao là thật ? Các khoa học gia nói năng lượng có thể biến thành vật chất, vật chất có thể biến thành năng lượng. Trong thế giới hiện tại, có thể biến vật chất thành năng lượng, bom hạch nhân (bom nguyên tử) được phát minh do điều này, nhưng hiện thời [khoa học] chưa thể biến năng lượng thành vật chất, tuy biết là chuyện có thể, nhưng chưa làm được! Trong thế giới Cực Lạc làm được, mỗi cá nhân đều có năng lực này. Họ chẳng cần dùng khí cụ nào, mà dùng ý niệm. Trong tâm họ muốn thứ gì, năng lượng tự nhiên biến thành vật chất cho họ thụ dụng. Không cần thụ dụng thì vật chất hóa thành năng lượng, chẳng còn nữa, chẳng cần đến kho chứa. Cung điện nơi họ ở trống trơn, chẳng có gì cả, cần gì có nấy, nên chẳng có kho chứa, quý vị nói có phải tự tại lắm hay không? Trong hoàn cảnh ấy, khi sống trong ấy, dần dần quý vị sẽ chẳng còn vọng tưởng nữa. Quý vị còn muốn có tiền ư? Tiền muốn bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu. Quý vị muốn hoàng kim, người ta dùng hoàng kim phủ đất, trải đường, quý vị có đem nhựa đường chất đống trong nhà hay chăng? Tôi tin quý vị sẽ không làm như vậy. Vì sao? Ở đây, hoàng kim quá ít, nó là kim loại hiếm có, còn bên kia quá nhiều. Quý vị cần thất bảo, một viên kim cương bé tí đem cắt thành nhẫn đeo tay rất đẹp, người ta làm như thế nào? Người ta đem cả khối kim cương lớn cắt thành vật liệu xây cất, dùng làm vật liệu xây nhà. Do vậy, tới thế giới ấy, tâm tham lam hưởng thụ vật chất ngay lập tức sẽ chẳng còn nữa!

Do vậy biết rằng: Thế giới Cực Lạc tài nguyên phong phú ngần ấy, quá phong phú. Tài nguyên ấy do đâu mà có? Trong tự tánh. Thế giới này cũng có, cũng phong phú giống hệt như vậy, nhưng trong thế giới này, thất bảo biến thành thứ gì? Biến thành cát, thành bùn đất. Ai học khoa học cũng biết chúng biến thành những thứ ấy. Vì sao biến thành những thứ ấy? Ý niệm chẳng thiện, dấy lên tham, sân, si; do vậy, trân bảo trong tự tánh đều biến thành ô nhiễm. Trong giáo pháp Đại Thừa, có một câu nói diễn tả đại đạo lý: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”; bên thế giới Cực Lạc “giai thị chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (đều là các vị thượng thiện nhân nhóm họp cùng một chỗ), người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là thượng thiện. Chúng ta niệm Phật phải tu thiện; chẳng tu thiện, còn có tham, sân, si, mạn, dẫu niệm Phật vẫn chưa thể vãng sanh. Kinh đã giảng rất rõ ràng: Phát Bồ Đề tâm, còn phải tu Bồ Tát Lục Ba La Mật, đem công đức ấy hồi hướng Tịnh Độ mới được vãng sanh. Chúng ta thấy có rất nhiều kẻ bần cùng, chẳng tu Lục Ba La Mật, vì sao cũng vãng sanh? Quý vị quan sát tỉ mỉ, [sẽ thấy] tuy họ không tu, nhưng Lục Ba La Mật đã viên mãn. Bố thí nhằm mục đích đoạn tâm tham, tuy họ bần cùng, trước nay chưa hề bố thí, nhưng chẳng tham luyến thế gian này, nên Bố Thí Ba La Mật viên mãn. Trì giới là phá ác nghiệp, họ niệm câu Phật hiệu này, chẳng làm ác nữa, nên Trì Giới Ba La Mật viên mãn. Nhẫn nhục nhằm đối trị sân khuể, trong tâm họ, đối với hết thảy mọi người, hết thảy sự chẳng có tâm sân khuể, cũng chẳng oán hờn người khác. Tinh tấn là niệm Phật chẳng giải đãi; Thiền Định là nhất tâm nhất ý; trí huệ là chọn lựa pháp môn này, chẳng hoài nghi tí nào. Quý vị hãy nghĩ xem: Bà lão một chữ không biết, nhưng thảy đều trọn đủ, tương ứng với những gì kinh đã dạy. Quý vị quan sát cặn kẽ, [sẽ thấy] những điều kiện như kinh đã dạy, người ấy thảy đều trọn đủ.

“Hành nhân thảng nhược thác nhận, tiện vân tương ứng” (hành nhân nếu ngộ nhận, liền cho là đã tương ứng), đó là lầm to rồi. “Hành nhân” là người niệm Phật, ở đây chỉ người niệm Phật tu Tịnh Độ. Thô niệm hơi ngưng dứt đôi chút, nhưng tế niệm về căn bản là chưa đình chỉ. Nếu tế niệm đã đoạn, tốt lắm, Thường Tịch Quang Tịnh Độ hiện tiền, bèn minh tâm kiến tánh. Tế niệm đoạn rồi, chính mình có biết hay không? Biết chứ, rõ ràng, rành rẽ, thật sự buông xuống, triệt để buông xuống. Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, không chỉ nhân gian, thiên thượng, mà cả y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới toàn bộ đều buông xuống, đó là tế niệm đã đoạn rồi, chỉ cần kiến tánh, sẽ vĩnh viễn chẳng thoái chuyển. Huệ Năng đại sư đã kiến tánh, Thích Ca Mâu Ni Phật đã kiến tánh, thân thể vẫn lưu trong thế gian, kinh Phật gọi trường hợp này là Hữu Dư Y Niết Bàn. Niết Bàn có nghĩa là chính Ngài đã chứng đắc cảnh giới, kiến tánh. Kiến tánh là chứng Niết Bàn, nhập Đại Bát Niết Bàn, kiến tánh là kiến đạo. Tuy đã kiến đạo, nhưng thân thể vẫn còn, những tướng đã hiện đều tồn tại, đó là gì? Tập khí chưa đoạn. Tập khí chưa đoạn cũng không sao cả, vì sao? Ở trong cảnh giới ấy, Ngài chẳng còn khởi tâm động niệm, vĩnh viễn giữ được cảnh giới này, đó gọi là Bất Thoái. Ba món Bất Thoái là Vị Bất Thoái, Hạnh Bất Thoái, Niệm Bất Thoái. Sơ Trụ Bồ Tát chứng ba món Bất Thoái, nhưng Ngài có tập khí.

Vì vậy, trong Tịnh Tông, trong bổn nguyện của A Di Đà Phật có nguyện thứ mười chín, sanh về thế giới Cực Lạc, “giai tác A Duy Việt Trí Bồ Tát” (đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát), câu này tuyệt lắm! A Duy Việt Trí là gì? A Duy Việt Trí là viên chứng ba món Bất Thoái, chứng ba món Bất Thoái lại còn thêm một chữ “Viên”. Sơ Trụ Bồ Tát chứng ba món Bất Thoái, nhưng chưa thể nói viên. Viên là gì? Tập khí cũng đã đoạn. Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật dạy chúng ta: Từ Thất Địa trở lên, Bát Địa chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, Thất Địa viên chứng ba món Bất Thoái, còn thua Bát Địa Bồ Tát một bậc. Tịnh Tông được gọi là “pháp khó tin”, “khó tin” ở đây có nghĩa là “ai chịu tin tưởng”! Quý vị là phàm phu, niệm A Di Đà Phật sanh về thế giới Cực Lạc, là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư mà quả đức thù thắng ngần ấy, ai tin được? Nay chúng ta đã hiểu rõ ràng, chẳng phải là hễ vãng sanh sẽ thật sự được nâng cao tới phẩm vị này, chẳng phải vậy, người ấy vẫn là phàm phu, chưa đoạn tập khí phiền não, chỉ là khuất phục phiền não, nhưng ở bên ấy chẳng có duyên [khiến cho phiền não dấy động]. Tuy có chủng tử nhưng thiếu duyên, các phiền não chẳng thể khởi hiện hành. Hoàn cảnh [bên Cực Lạc] đúng là quá tốt đẹp, đạo lý ở chỗ này. Tới thế giới Cực Lạc, trí huệ và đức năng bèn có năng lực cảm ứng đạo giao với chúng sanh trong mười pháp giới. Chúng sanh có cảm, họ bèn có ứng, có năng lực giống như Phật, Bồ Tát ứng hóa độ chúng sanh. Năng lực do đâu mà có? Do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, chẳng phải do chính họ. Họ phải thong thả tu đến địa vị Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, cho đến lúc ấy [năng lực hóa độ chúng sanh mới] là của chính mình; chưa đạt đến trình độ ấy, sẽ do oai thần của A Di Đà Phật gia trì; Phật lực chẳng thể nghĩ bàn! Pháp môn này gọi là Nhị Lực Pháp Môn. Vì vậy, [thần thông, trí huệ, đạo lực] chẳng phải do tương ứng, mà do Phật gia trì, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 15
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Kính Phật sẽ được thành Phật – Kinh Bách Duyên

Định Tuệ

Tu hành cần có tâm kiên cố, phải canh gác sáu căn

Định Tuệ

Không tin chính mình thì học Phật cũng như không

Định Tuệ

66 lời nguyện của Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang

Định Tuệ

Đại Sư Liên Trì phổ khuyến Giới sát Phóng sanh

Định Tuệ

Tịnh độ, môn giải thoát đặc biệt – Niệm Phật, phương pháp dễ tu

Định Tuệ

Phật là gì? Học Phật bằng cách nào? Làm sao tu theo Phật?

Định Tuệ

Sư Thích Chí Thông xả báo thân để được gặp Phật

Định Tuệ

Chúng ta phải biết học Phật là học cái gì

Định Tuệ

Viết Bình Luận