Ông muốn truyền pháp để độ mình độ người, thời nên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Ðà Phật và phát nguyện vãng sanh.
Ðời Ðường, thời vua Trung Tôn, ngài Thích Huệ Nhựt thấy Pháp Sư Nghĩa Tịnh sang Tây Vức cầu Pháp, lòng mộ lắm. Ngài bèn ngồi thuyền vượt biển, ba năm sau mới đến Thiên Trúc (Ấn Ðộ), rồi lần lượt đi lễ ở các nơi di tích của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, và thỉnh kinh chữ Phạn.
Ngài Huệ Nhựt từ lúc ở xứ nhà đến khi sang Thiên Trúc mục kích nhiều cảnh đau khổ của loài người, mà chính ngài cũng tự trải lắm sự gian lao. Vì thế, ngài mới suy nghĩ: “Nước nào, cõi nào chỉ thuần vui mà không khổ? Pháp nào hạnh nào đặng mau thành Phật?” Rồi ngài đem vấn đề ấy thỉnh hỏi gần khắp các bực danh đức ở Thiên Trúc.
Các bực danh đức đồng chỉ cõi Tây Phương Cực Lạc thế giới, và đồng khuyên nên tu pháp môn Tịnh Ðộ. Ngài Huệ Nhựt liền kính vâng lời các danh đức khuyên dạy mà chuyên niệm Phật.
Sau đó ít lâu, ngài đi đến nước Kiền Ðà La ở Bắc Ấn. Phía Ðông Bắc thành vua có dãy núi lớn. Trên núi có tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát, hễ ai chí thành cầu nguyện thời thường được thấy Bồ Tát hiện thân.
Ngài bèn lên núi kính lạy bảy ngày đêm, rồi tuyệt thực, thệ: Nếu không thấy được Bồ Tát thời thà chết tại chỗ này. Ðến đêm thứ bảy, trên hư không đức Quan Thế Âm Bồ Tát hiện thân vàng tử kim, cao hơn một trượng, ngự trên tòa sen báu, quang minh sáng chói. Bồ Tát thòng tay xuống thoa đầu ngài Huệ Nhựt mà bảo rằng:
Ông muốn truyền pháp để độ mình độ người, thời nên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Ðà Phật và phát nguyện vãng sanh. Lúc về Cực Lạc thấy Phật và ta thời được lợi ích lớn. Ông nên biết rằng Tịnh Ðộ pháp môn hơn tất cả hạnh khác.
Bồ Tát phán dạy xong liền ẩn. Ngài Huệ Nhựt vì tuyệt thực đã bảy ngày, nên đêm đó khí lực đã mòn, nhưng sau khi được Bồ Tát xoa đầu và nghe lời dạy bảo, thân thể ngài bỗng trở nên cường tráng, tinh thần minh mẫn.
Sau khi ngài chở kinh tượng đã thỉnh được đem về bổn quốc. Bận này về, ngài đi đường núi. Tính ra từ ngày đi đến khi về đến nước, mất hết 18 năm, đi được hơn bảy mươi nước.
Năm Khai Nguyên thứ 7, về đến Trường An, ngài vào triều dưng tượng Phật và kinh chữ Phạn. Từ đó, ngài chuyên cần tu tịnh nghiệp, truyền hóa hưng thạnh một thời.
Triều đình phụng hiệu là Từ Mẫn Tam Tạng Pháp Sư. Nhờ ngài dẫn đạo, người niệm Phật được chứng tam muội và được vãng sanh rất đông. Ngài có biên tập bộ “Vãng sanh Tịnh Ðộ” khắc truyền trong đời.
Năm Triều Hữu thứ 7, giờ ngài viên tịch, đại chúng đồng thấy hoa sen báu sáng rỡ như mặt trời hiện ra trước chỗ ngài ngồi.
Trích: Đường Về Cực Lạc – Chương 6: Chư Đại Bồ Tát khuyên người niệm Phật và nguyện sanh – Quán Thế Âm Bồ Tát hiển thánh!