Phỉ báng Phật thánh, huỷ hoại Chánh pháp nhất định sẽ bị báo ứng rất thê thảm, những câu chuyện dưới đây là bài học giúp cảnh tỉnh con người thế gian.
Có người không nhìn thấy Thần Phật thì cho rằng Thần Phật không tồn tại, thậm chí còn bất kính, hủy hoại Kinh Phật. Tuy nhiên, đây là việc tạo nghiệp rất lớn, không ít người đã phải chịu báo ứng thê thảm vì hành động vô minh này.
Kinh Phật là thánh giáo ghi lại những lời dạy của đức Phật, là pháp bảo đưa chúng sanh khỏi bến mê, lên bờ giải thoát. Dù Kinh Đại Thừa hay Kinh Tiểu Thừa, cũng đồng từ nơi kim khẩu của đức Phật thuyết ra. Cho nên chư Thiên Nhân, Bát Bộ chúng Trời rồng, cho đến hết thảy quỷ thần trong tam giới đều trân quý, đồng phát nguyện bảo vệ như hai tròng mắt của chính mình. Vì vậy nếu bạn trân quý và kính ngưỡng thì được Trời người ủng hộ. Nhược bằng sanh tâm hủy báng ắt chiêu cảm trăm ngàn tai họa đến nơi thân.
Đức Phật tùy căn cơ của chúng sanh mà giảng pháp, cho nên Kinh sách nhiều vô cùng. Bạn tùy theo túc nghiệp và nhân duyên của mình mà chí tâm hành trì là đúng pháp. Chớ ngược ngạo hủy báng Kinh Phật mà cảm quả báo khốn cùng của Địa ngục.
Khi trí huệ của mình chưa khai mở, mọi suy nghĩ, nhận định của mình đa phần đều lầm lạc. Trong đó, hủy báng, ganh ghét, hơn thua, ngã mạn… cái gì cũng có đủ. Cho nên hễ nói một lời liên quan đến Pháp, cần phải hết sức thận trong giữ gìn, chớ đem tâm phàm phu uế trược lạm bàn lời dạy của Thánh nhân mà mang tội!
Chúng ta học Phật trước là để diệt trừ cái tâm phàm phu loạn động, không để nó sanh khởi những niệm phân biệt, đúng sai, hơn thua, được mất… Ấy là bước đầu tiên trên đường Đạo. Nếu chẳng vượt qua được cái bước đầu tiên ấy, thì chuyện tu trì vốn cũng chỉ là tu nơi cửa miệng mà thôi!
ĐỐT KINH SÁCH NHÀ PHẬT BỊ GIẢM PHÚC THỌ, CHẾT SỚM
Vào triều đại nhà Minh, ở phía Tây huyện Vũ Công có một ngôi Chùa cổ. Trong ngôi Chùa ấy có nhiều kinh sách đã bị cũ nát.
Khang Đối Sơn là một thư sinh trẻ tuổi, hàng ngày đều lên ngôi Chùa đọc sách cùng năm người bạn khác. Lúc trời giá rét, bốn người bạn của Khang Đối Sơn đã lấy kinh sách cũ kia ra đốt để sưởi ấm. Một người trong số họ còn lấy kinh sách để đun nước rửa mặt. Khang Đối Sơn trong lòng oán trách các bạn có hành vi bất kính đối với kinh sách, nhưng không nói ra.
Vào ban đêm, Khang Đối Sơn nằm mơ thấy ba vị quan khai mở công đường, phẫn nộ với những người đã đốt kinh sách. Họ quyết định sẽ giảm trừ phúc thọ của những người đã đốt sách, người đốt sách nấu nước sẽ không đỗ trong kỳ thi sắp tới.
Cuối cùng, một vị chỉ về phía Khang Đối Sơn và nói: “Ngươi vì sao không khuyên can họ?”. Khang Đối Sơn nói: “Trong lòng tôi biết rõ họ làm như vậy là không đúng, nhưng tôi tuổi còn nhỏ không dám nói lời khuyên can”. Vị quan viên lại nói: “Một câu khuyên can có thể giúp năm người tránh được tội nghiệp. Tạm thời không truy cứu lỗi lầm của ngươi nữa!”.
Khang Đối Sơn bừng tỉnh, lập tức ghi lại hết những tình tiết trong giấc mộng vào bìa sau của quyển vở.
Không lâu sau, 4 người đốt kinh sách để sưởi ấm, cả nhà đều mắc ôn dịch mà chết. Người bạn của Khang Đối Sơn lấy kinh sách đun nước rửa mặt dù thi nhiều lần nhưng đều không đỗ…
(Trích Câu chuyện có thật: Quả báo nhãn tiền vì hủy hoại Kinh Phật)
XÉ KINH LÀM ÁO, TRẢ BÁO TỨC THÌ
Cô Ni Trí Thông xuất gia từ thuở thiếu thời ở chùa Giản Tỉnh tại Kinh Đô, tin Đạo chưa thuần. Đến năm nguyên gia thứ 9 (432) thời tiền Tống, bổn Sư thị tịch; Trí Thông bèn bỏ Đạo lấy chồng, làm vợ của Lương Tê Phủ ở Ngụy quận. Họ sinh được 1 đứa con trai. Khi đứa con ấy lớn khoảng 6, 7 tuổi, trong nhà rất nghèo khốn, không biết lấy gì để làm áo mặc.
Lúc Trí Thông đang là Cô Ni có vài cuộn lụa ghi tả các kinh Vô Lượng Nghĩa, Pháp Hoa v.v… Trí Thông bèn cắt lụa làm áo cho con mặc.
Qua sau 1 năm đứa con trai ấy mắc bệnh hoảng hốt kinh sợ; khắp thân mình lở loét tướng trạng như vết bỏng lửa; trong vết lở có trùng nhỏ sắc trắng ban ngày tràn ra ngoài, đau nhức thảm thiết phiền độc ngày đêm gào khóc. Bỗng nghe giữ không trung có tiếng bảo rằng: “Phá hoại kinh làm áo mặc nên bị quả báo lắm như thế”. Hơn 10 ngày sau thì đứa con ấy qua đời.
QUẢ BÁO HUỶ BÁNG PHẬT PHÁP ĐẾN TỨC THÌ
Theo An Sĩ Toàn Thư: “Quan Tư đồ thời Bắc Ngụy là Thôi Hạo, học nhiều biết rộng, tài trí hơn người; được Thái Vũ Đế hết sức tin dùng, ưu ái. Nhưng ông vốn không tin Phật pháp, thường khuyên vua làm những việc hủy hoại giáo pháp, tiêu diệt Tăng-già.
Ông thấy vợ là Quách thị tụng kinh Phật thì nổi giận đốt kinh. Thôi Hạo có 2 người em là Thôi Di và Thôi Mô, hết sức kính tín Tam bảo. Mỗi khi nhìn thấy tượng Phật, cho dù đang ở chỗ đất bùn cũng nhất định quỳ xuống lễ lạy. Thôi Hạo thấy vậy thì cười nhạo, hết lời bài xích.
Về sau, Thôi Hạo vì liên quan trong việc chép quốc sử mà làm cho Vũ Đế nổi giận; nhốt vào cũi trên xe đưa ra thành phía nam, bị đánh đập tra tấn cực kỳ tàn khốc. Từ xưa đến nay, thân làm đến trọng thần chấp chính mà cuối cùng phải chịu khổ nhục đến như Thôi Hạo thật là chưa từng có.
Toàn gia tộc họ Thôi bất luận già trẻ đều bị mang ra xử tử hình; chỉ riêng Thôi Di và Thôi Mô, do không cùng chí hướng với Thôi Hạo nên đặc biệt được miễn tội.
Sách Ngụy thư ghi lại rằng: “Tháng 6 năm Chân Quân thứ 11 (450) tru diệt Thôi Hạo, họ Thôi ở Thanh Hà, họ Lư ở Phạm Dương, họ Quách ở Thái Nguyên, họ Liễu ở Hà Đông, là thân nhân với Thôi Hạo nên đều bị giết hết cả tộc.
1. Ngụy Thái Vũ Đế mê muội nghe lời Thôi Hạo, phá chùa chiền, đốt kinh Phật. Chưa được 3, 4 năm thì Thôi Hạo mang họa cả họ bị tru diệt; cha con Thái Vũ Đế đều chết không an ổn.
2. Chu Vũ Đế lầm nghe theo lời Vệ Nguyên Tung mà hủy diệt giáo pháp. Chưa quá 3, 4 năm thì Nguyên Tung bị giáng tội chết; Chu Vũ Đế mắc bệnh lạ, toàn thân nóng nảy như lửa đốt, rốt lại chỉ mới 36 tuổi đã bỏ mạng; trước giờ chết nhìn thấy vô số điều xấu ác thảm thương, thật không nỡ kể ra đây.
3. Đường Vũ Tông tin theo Triệu Quy Chân, Lý Đức Dụ, phá bỏ chùa chiền khắp nơi. Chưa được một năm, Quy Chân bị tội chết, Đức Dụ cũng bị đày đến chết tại Nhai Châu. Đường Vũ Tông thì chết lúc mới 32 tuổi, không con nối dõi.
4. Các vua đời Ngũ quý, không ai tài trí hơn Chu Thế Tông, chỉ có điều là không biết tin kính Phật pháp, thậm chí về sau cho nấu chảy tượng Phật lấy đồng đúc tiền. Thế nên không quá 6 năm thì mất nước về tay Triệu Khuông Dận của Bắc Tống.
Đời Bắc Ngụy Thái Vũ Đế hủy phá Phật pháp, chỉ sau 7 năm thì đạo Phật được khôi phục; đời Chu Vũ Đế hủy phá Phật pháp, chỉ sau 6 năm thì đạo Phật cũng được khôi phục; Đường Vũ Tông hủy phá Phật pháp, không quá một năm sau thì đạo Phật lại khôi phục; đó chẳng phải là ngửa mặt lên trời phun nước bọt, hóa ra tự làm dơ mặt mình đó sao?
Lý Tư và Thôi Hạo là hai kẻ nặng tội nhất trong việc diệt Nho hủy Phật, nên ngay trong đời đã phải chịu quả báo diệt thân cực kỳ lạ lùng thảm khốc. Đó đều là những chuyện đời trước hết sức rõ ràng, có thể khảo chứng được.
Phỉ báng Phật thánh, huỷ hoại Chánh pháp nhất định sẽ bị báo ứng rất thê thảm, những câu chuyện chân thực ở trên là một bài học giúp cảnh tỉnh con người thế gian. Tội phỉ báng Phật thánh và hủy báng Chánh pháp là hai nghiệp tội chướng cực nặng, nếu chúng sanh tạo đều đọa Địa ngục, lịch kiếp chu chương. Chương nghĩa là rất khủng khiếp, vô cùng đáng sợ.
Nên chúng ta sống cho phải đạo làm người và nên biết rằng: Hoạ phước đều do lòng người sanh ra, nên cũng do lòng người mà diệt đi. Bởi thế, chúng ta không nên làm các việc ác mà nên làm những việc thiện thì cuộc sống của mình sẽ tránh được những hoạ hoạn.
Tâm Hướng Phật/St!