Khi tu hành không nên đi tìm đạo ở Nam Sơn, Bắc Hải hoặc ở Tây Thiên, ở Ðông Ðộ. Ðạo thì ở ngay nơi thân mình, do vậy chẳng nên hướng ngoại tìm cầu.
1. Tham thiền hay niệm Phật đều tốt cả. Chỉ cần mình chân thật tu hành thì có thể vượt qua được cửa sinh tử. Ðến khi lâm chung sẽ chẳng có thống khổ, lòng không tham luyến, như nhập thiền định, tươi cười mà vãng sinh.
2. Người tu đạo cần phải làm việc vô sự: Nghĩa là tích công lũy đức nhưng chẳng được chấp trước vào nó.
3. Lúc các bạn quy y Tam Bảo, tức là quy y Phật, Pháp và Tăng, nhưng phải quy y thêm giới. Sau khi quy y rồi, bạn phải tin sâu vào Tam Bảo. Trong phạm vi giáo lý của Phật bạn phải làm những việc cho có ý nghĩa. Không nên vì lòng tham lam mà tin tưởng vào Phật pháp.
4. Khi học Phật pháp, việc chủ yếu là phải có con mắt thấy được chân lý (trạch pháp nhãn). Nếu bạn cứ tin chuyện này, tin chuyện kia, (mà không quan sát để thấy chân tướng việc ấy) thì kết quả là bạn sẽ không làm thành chuyện gì cả.
5. Thanh tịnh tức là không tham tiền, cũng chẳng cần sắc.
6. Khi có ai dạy thứ pháp làm phát tài thì bạn hãy quan sát xem y đã phát tài chưa? Nếu y có tiền, hẳn là do bạn cho y vì bạn muốn học pháp phát tài. Cũng như mua stock, bạn phải mua bao nhiêu cổ phần thì mới hy vọng có lời. Bạn phải trả tiền, cúng dường cho anh kia trước, có thể là một ngàn, mười ngàn, trăm ngàn, khiến anh ta do vậy mà có đầy tiền. Rồi y nói nào là phóng hào quang màu đỏ, màu vàng, màu đen, màu tím…? Ðó toàn là chuyện lừa bịp. Chính bởi vì tôi không biết làm sao truyền pháp phát tài nên tôi phải nói toạc ra cái bí mật của pháp này.
7. Thiên tai không có nghĩa là tai ương của trời vì trời không có tai ương mà chính là loài người chúng ta chịu tai ương. Nhân họa là việc mình tự làm tự thọ.
8. Khi tu hành không nên đi tìm đạo ở Nam Sơn, Bắc Hải hoặc ở Tây Thiên, ở Ðông Ðộ. Ðạo thì ở ngay nơi thân mình, do vậy chẳng nên hướng ngoại tìm cầu. Song le con người thì lúc nào cũng thích tìm kiếm nơi chốn xa xăm, cao siêu.
9. Tánh tình người ta thì ích kỷ lắm. Biết rằng chuyện này không đúng, nhưng có lợi cho mình thì cứ cắm đầu mà làm. Do đó:
Khuyến quân vi thiện, viết vô tiền: hữu dã vô.
Họa đáo lâm đầu, dụng vạn thiên: vô dã hữu.
Nhược yếu dữ quân đàm thiện sự: khứ dã mang.
Nhất triều mệnh tận, tán hoàng tuyền: mang dã khứ.
Nghĩa là:
Khuyên ngài làm lành, (ngài nói rằng:) chẳng có tiền: có tiền cũng nói không.
Họa rớt xuống đầu, dùng trăm ngàn: không tiền cũng phải có.
Nếu muốn cùng ngài bàn việc lành: đi cũng mắc bận.
Ngày kia mạng hết xuống hoàng tuyền: bận rộn cũng phải đi.
10. Người học Phật nên trước tiên học chịu bị thua thiệt, không tham chiếm tiện nghi. Chuyện gì cũng phải biết buông xả. Có buông bỏ mới có chứng đắc.
11.Mọi pháp đều là Phật pháp, đều không thể nắm bắt. Nhưng ta cũng có thể nói rằng mọi pháp đều chẳng phải là Phật pháp. Nói tóm: Khi học Phật, ta cần buông xả tất cả mọi chấp trước. Quét sạch hết mọi pháp, rời bỏ mọi hình tướng. Cái gì có hình tướng, đều là hư vọng, chẳng thể nắm bắt. Nếu thấy mọi sắc tướng là không có tướng, thì tức là thấy đặng Như Lai.
12. Ðiều tối kỵ của người học Phật là có chấp trước. Khi chưa học Phật thì chẳng có mấy chấp trước; sau khi học Phật rồi lại có nhiều chấp trước hơn! Thật ra vạn sự vạn vật lúc nào cũng diễn bày chân lý. Nếu bạn giác ngộ thì tự nhiên quán thông mọi sự. Nếu bạn chẳng giác ngộ thì càng chấp trước thì càng lún sâu, càng mê muội.
13. Mỗi người tín đồ Phật giáo đều phải gánh trách nhiệm làm Phật giáo hưng thạnh.
14. Nghiệp lực mạnh nhất trong thế giới là nghiệp sát sinh. Quả báo của nghiệp sát sinh thì nặng hơn các nghiệp khác. Chúng sinh cứ hỗ tương tàn sát lẫn nhau, hỗ tương báo thù nhau, thật là việc tối bi thảm trong thế giới này vậy.
15. Người tu phải luyện công phu nhẫn nhục. Nhẫn lạnh, nhẫn nóng, nhẫn gió, nhẫn mưa, nhịn đói, nhịn khát, chịu chửi, chịu đánh. Mình nên học tinh thần của Bồ Tát Thường Bất Khinh: Bất luận ai đối với tôi không tốt, tôi cũng chẳng sinh lòng giận dữ, tôi chỉ đem tâm thành đối xử với họ, khiến họ tự nhiên cảm hóa, biến vũ khí thành lụa là.
16. Vì sao cần tu hành? Vì ta ngu si, chỉ làm toàn chuyện điên đảo, chịu khổ trong luân hồi, không được tự tại.
17. Mệnh vận của nhân sinh là do nghiệp lực chiêu cảm mà ra. Chúng ta không nên để bẩm chất, thói quen dắt dẫn mình, cũng đừng để dục vọng, vật chất làm mê mờ. Mình cần phải sáng tạo vận mệnh, lèo lái vận mạng. Muốn sửa đổi vận mạng thì phải làm cho nhiều việc công đức. Lúc ấy, khi bạn gặp nạn tự nhiên điều lành sẽ tới. Ðiều dữ sẽ biến thành điều kiết tường. Rằng: Hãy làm việc tốt, chớ hỏi sẽ được kết quả gì trong tương lai.
18. Ai ai cũng biết nhẫn nhục thì đưa mình tới bờ giải thoát. Nhưng khi gặp phải cảnh giới (chuyện nghịch với lòng mình) thì không thể nhẫn nhịn nổi. Lửa vô minh cao ba thước chỉ trong thoáng chốc đốt sạch hết mọi công đức tích lũy trong bao năm tháng.
19. Hễ quán sát mà được tự tại thì thành Bồ Tát. Quán sát mà không được tự tại thì là phàm phu.
20. Phải đối xử tốt với mọi người: Dùng lòng từ bi hỉ xả mà đối đãi họ. Với ai mình cũng phải có lòng từ bi. Dù cho y là kẻ xấu xa nhất đi nữa, mình cũng phải tỏ lòng từ bi, để cảm hóa họ. Nếu lần này cảm hóa chẳng đặng thì chờ lần sau sẽ cảm hóa nữa. Ðời này chẳng thể cảm hóa thì mình phát nguyện đời sau nhất định mình sẽ cảm hóa được y, khiến y sửa ác, làm lành. trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát vì muốn độ một chúng sinh mà đi theo kẻ ấy không biết mấy đại kiếp. Bất kể là gian nan khốn khổ, nghịch cảnh gì ngài cũng chẳng thối tâm, một lòng mong muốn cảm hóa kẻ kia mà thôi.
21. Muốn thành Phật mình nhất định phải đoạn trừ dục vọng, cắt đứt ái tình, thanh tâm, ít dục thì mới khai đại trí huệ được.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng giải!
Tâm Hướng Phật/St!