Người tu hành chân chánh đối với dinh dưỡng cho thân thể không tìm cầu ở bên ngoài mà hoàn toàn hướng về bên trong.
Người xưa dạy chúng ta: ‘Buổi sáng phải ăn cho tốt, buổi trưa phải ăn cho no, buổi tối phải ăn ít’. Đây là đạo dưỡng sinh và cũng là một nguyên tắc của sự hấp thụ dinh dưỡng.
Chân chánh biết đạo dưỡng sinh nói theo nhà Phật thì phải biết ‘dưỡng tâm’, vì tâm có thể sanh ra rất nhiều pháp, tâm là pháp năng sanh, thân là pháp sở sanh, cho nên tâm thanh tịnh thì thân sẽ thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh bên ngoài sẽ thanh tịnh, đây là một đạo lý nhất định. Nhưng rất ít người trong thế gian hiểu được đạo lý này, vẫn ráng sức tìm cầu để bù đắp dinh dưỡng từ bên ngoài.
Người tu hành chân chánh đối với dinh dưỡng cho thân thể không tìm cầu ở bên ngoài mà hoàn toàn hướng về bên trong.
Trong kinh nói người trên cõi Sắc giới trở lên dùng ‘thiền duyệt’ làm thức ăn, thiền duyệt là từ tự tánh lưu xuất, không phải cầu được từ bên ngoài. Cho nên đức Phật nói năm thứ ‘tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ’ đều có thể bỏ được. Năm thứ này được gọi là ‘ngũ cái’ (năm thứ che đậy), nó che phủ tâm tánh, trí huệ, đức năng của chúng ta, làm cho trí huệ, đức năng của chúng ta không thể hiện tiền. Năm thứ này là dục vọng, nếu sanh tâm tham đắm năm thứ này thì phiền não chỉ gia tăng mà không giảm bớt, làm sao đoạn dứt phiền não được?
Đức Phật dạy đệ tử nhất định đừng phân biệt, chấp trước đối với thức ăn. Ngày xưa lúc đức Phật còn tại thế đi khất thực, người ta cho gì ăn nấy, vả lại chỉ cho phép đi khất thực bảy nhà, nếu 7 nhà này cho không đủ hay không cho thì phải đi về tu thiền định. Cách làm này là để giúp chúng ta khắc phục dục vọng, tâm tham, và phiền não; chúng ta phải hiểu đạo lý này.
Vì chúng ta có thân thể cho nên phải ăn uống để hấp thụ dinh dưỡng, không thể không duy trì sự khỏe mạnh của thân thể. Nếu thân thể không khoẻ mạnh, phải nhờ người khác săn sóc, cư ngụ trong đạo tràng cũng phải làm nhọc thường trú, như vậy không tốt. Nhưng phải hiểu đạo lý khoẻ mạnh nằm trong tâm thanh tịnh.
Đối với mình tuyệt đối phải giữ tâm cho được thanh tịnh, thanh tịnh vô vi; đối với người, với sự, với vật cần phải có tâm đại từ đại bi, vô sở bất vi (không từ khước làm bất cứ thứ gì), được vậy chúng ta mới có thể dùng hành động để phục vụ đại chúng, giúp đỡ đại chúng. Đây đều là lời thánh nhân thế gian và xuất thế gian chỉ dạy cho chúng ta.
Niệm Phật Tâm Địa Công Phu – HT. Tịnh Không!