Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Vốn sẵn là Phật, nay lại làm Phật

Vốn sẵn là Phật, nay lại làm Phật; cho nên, ngay lập tức là Phật. Câu này chẳng phải nhằm khuyến khích, cổ vũ chúng ta, mà là sự thật, vấn đề ở chỗ nào?

Tiếp đó, cụ Hoàng Niệm Tổ viết: “Bổn lai thị Phật, hiện hựu tác Phật. Thị cố, đương hạ tức Phật” (Vốn sẵn là Phật, nay lại làm Phật; cho nên, ngay lập tức là Phật). Câu này chẳng phải nhằm khuyến khích, cổ vũ chúng ta, mà là sự thật, vấn đề ở chỗ nào? Vấn đề là bản thân chúng ta không dám gánh vác, bản thân chúng ta chẳng dám thừa nhận! Không dám gánh vác, không dám thừa nhận là đúng, như thế nào là đúng? Vốn là Phật! Chẳng cần nói năng chi nữa, lời này là đúng! Nay lại làm Phật, quý vị hữu danh vô thực! Niệm A Di Đà Phật để mong thành Phật, nhưng có rất nhiều nghi vấn đối với câu Phật hiệu ấy, thật hay chăng? Có rất nhiều câu hỏi trong đó! Niệm một câu Phật hiệu này, có rất nhiều xen tạp; nhưng xen tạp những gì, chính quý vị cũng chẳng biết! Vì sao không biết? Do quý vị ngu si, tham, sân, si. Nếu chẳng ngu si, sẽ biết điều gì xen tạp. Do ngu si, nên xen tạp mà chẳng biết; vì thế, công sức chẳng thuần. Niệm Phật lập tức thật sự là Phật, nhưng vì quý vị công phu chẳng thuần, chẳng đạt tiêu chuẩn, cứ hướng theo phương hướng đó thì sẽ chẳng sai, nhưng chưa đạt được mục tiêu này. Làm sao để chẳng hoài nghi? Phải thấy thấu suốt. Khi tôi mới học Phật, thầy dạy tôi “thấy thấu suốt, buông xuống”. Thấy thấu suốt là hiểu rõ minh bạch chân tướng sự thật. Kẻ căn tánh trung hạ như chúng ta chỉ có thể từ từ hiểu rõ kinh giáo. Sau khi hiểu rõ, quý vị cũng rất dễ buông xuống. Chính quý vị biết “chẳng buông xuống là sai”, lầm lẫn quá đỗi! Vì sao phải buông xuống? Vì nó (phiền não, mê hoặc, chấp trước, phân biệt, vọng tưởng) vốn không có, hết thảy đều là giả! Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, vạn pháp đều Không. Khi đến cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ, nhân quả cũng là không. Chư vị phải biết: Đến cõi Thường Tịch Quang, nhân quả chẳng còn nữa. Trong cõi Thật Báo, còn có nhân quả. Trong Phật môn có câu: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không” (vạn pháp đều là không, nhân quả chẳng không). Trong mười pháp giới, nhân quả chẳng không. Thật ra, trong cõi Thật Báo, vẫn là nhân quả chẳng không, đến cõi Thường Tịch Quang [nhân quả] mới chẳng còn nữa.

“Trực tiệp liễu đáng, phương tiện cứu cánh, kỳ đặc thù thắng, bất khả tư nghị” (Thẳng chóng ổn thỏa, thích đáng, phương tiện rốt ráo, đặc biệt lạ lùng thù thắng, chẳng thể nghĩ bàn). Mấy câu này là lời tán thán bộ kinh này và pháp môn này, thù thắng khôn sánh. Chúng ta có thể gặp gỡ, tức là có nhiều phước báo. Thật đấy, trong pháp giới hư không giới, bao nhiêu vị Bồ Tát mong cầu mà chẳng cầu được. Đạo tràng này của chúng ta tuy không lớn, thính chúng đông đảo, lũ chúng ta mắt thịt chẳng thấy. Khi quý vị thấy được, sẽ biết thính chúng nhiều vô số. Tuy chúng ta ở đây mở toang cửa, hoan nghênh mọi người, chẳng có bất luận điều kiện gì, nhưng rành rành là vẫn có thần hộ pháp, có chẳng ít chúng sanh bị thần hộ pháp chặn ở ngoài cửa, không vào được. Chúng ta thờ bài vị, là thiết lập chỗ ngồi cho họ, để họ có chỗ ngồi, có thể tiến vào nghe kinh, đến nơi đây tu hành. Hết thảy pháp toàn là huyễn hóa, chẳng có lớn hay nhỏ. Lớn hay nhỏ tùy thuộc tâm lượng của quý vị. Tâm lượng càng lớn, đạo tràng càng to. Tâm lượng nhỏ nhoi, đạo tràng sẽ bé tí, đại đạo tràng cũng biến thành tiểu đạo tràng. Tâm lượng lớn, tiểu đạo tràng cũng biến thành đại đạo tràng, chẳng thể nghĩ bàn! “Tiện dĩ Tịnh Độ chư kinh chi trung, duy thử kinh bị nhiếp viên diệu” (Ấy là vì trong các kinh Tịnh Độ, chỉ có kinh này gồm trọn các điều mầu nhiệm viên mãn). Tịnh Độ có tam kinh, trong phần trên tôi đã thưa với quý vị, cư sĩ Ngụy Mặc Thâm đem quyển cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, ghép vào sau Tam Kinh, biến thành Tứ Kinh; Ấn Quang đại sư đem Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương của kinh Lăng Nghiêm ghép vào cuối Tứ Kinh, biến thành Tịnh Độ Ngũ Kinh, viên mãn! Tu Tịnh Độ năm kinh này là viên mãn. Trong ngũ kinh, bộ kinh nào giảng viên mãn nhất, một chút khiếm khuyết cũng không có? Đó là kinh Vô Lượng Thọ; vì thế, cổ đại đức tán thán bộ kinh này là cực viên, cực diệu.

“Dĩ phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm vi Tông, dĩ Di Đà thập niệm tất sanh chi đại nguyện vi bổn” (Lấy phát Bồ Đề tâm, một bề chuyên niệm làm Tông, lấy đại nguyện “mười niệm ắt sanh” của Phật Di Đà làm gốc). Hai câu này rất quan trọng! Phẩm Tam Bối Vãng Sanh trong kinh này đã giảng rất rõ ràng [ý nghĩa của] “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Phẩm Tam Bối Vãng Sanh gồm bốn đoạn kinh văn: Thượng bối vãng sanh, trung bối vãng sanh, hạ bối vãng sanh; đoạn cuối cùng là tu học Đại Thừa Phật pháp, bất luận tu học pháp môn nào, đem công đức đã tu hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, sẽ đều có thể vãng sanh. Quý vị thấy pháp môn Tịnh Độ này lớn như thế đó! Trong khoa phán, pháp sư Từ Châu đã đặt đề mục cho đoạn này là Nhất Tâm Tam Bối, đặt hay lắm, đã gồm thâu toàn bộ Phật pháp. Phát Bồ Đề tâm, Bồ Đề tâm là gì? Điều này thường được nói tới. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh giảng Bồ Đề tâm là “chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm”, kinh dạy như thế. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ Đề tâm được giảng là “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”. Gộp chung kinh và luận lại để xem, ý nghĩa rất rõ rệt. Thể của Bồ Đề tâm, cũng là chân tâm trong Bồ Đề tâm, Thể của chân tâm là gì? Là chân thành. Chân thành đến chỗ cùng cực thì gọi là chí thành, tức chí thành tâm. Trực tâm như Khởi Tín Luận đã nói: Chẳng có mảy may cong vạy nào, đó chính là chân thành. Chúng ta chiếu theo kinh luận để hiểu ý nghĩa. “Thâm tâm” chẳng dễ giải thích. Cổ đại đức giải thích [thâm tâm] là ưa thiện, chuộng đức, giải thích thâm tâm như thế. Thâm tâm là tự thụ dụng, dành cho chính mình. Đại bi tâm là đối người khác, từ bi đối người khác. Do vậy, trong hơn hai mươi năm trước, tôi giảng kinh này, dùng ngay [những từ ngữ trong] tựa đề kinh Vô Lượng Thọ “thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác”, đó là thâm tâm. Chân thành tâm như đã nói trong phần trên chính là cái Thể của Bồ Đề tâm. “Thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác” là Tự Thụ Dụng, từ bi là Tha Thụ Dụng. Nói cách khác, dùng tâm gì đối với chính mình? “Thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Dùng tâm gì đối với người khác? Đại từ đại bi. Đây gọi là “phát Bồ Đề tâm”.

Chúng ta tu hành là tu điều gì? Tu tâm. Tâm chúng ta có thanh tịnh hay không? Bình đẳng hay bất bình đẳng? Tâm thanh tịnh là giới luật, tâm bình đẳng là Thiền Định, tâm Chánh Giác là trí huệ, Giới – Định – Huệ. Chúng ta học Giới – Định – Huệ như thế nào, quý vị phải hiểu rõ: Nếu trì giới mà tâm chẳng thanh tịnh, quý vị đã uổng công trì giới! Tu Định mà chẳng khai trí huệ, cũng uổng công tu Định! Nhân Giới đắc Định, do Định khai Huệ. Vì thế, trì giới là phương tiện, không phải là mục đích, [trì giới] nhằm muốn đạt tới Thiền Định, đạt tới bình đẳng. Bình đẳng mới là Định. Nếu chúng ta thật sự đạt được cái tâm thanh tịnh, thưa quý vị, Thủy Tai trong Tam Tai chẳng còn nữa. Tâm bình đẳng hiện tiền, động đất chẳng còn nữa. Hôm nay, có một đồng học đưa cho tôi xem một tài liệu, gần như chưa đầy một tháng, động đất cấp sáu[2] trở lên đã xảy ra mười mấy lần tại các nơi trên toàn thế giới, liên tiếp xảy ra như thế là do nguyên nhân gì? Từ cấp sáu trở lên đã đáng sợ lắm, [có trường hợp động đất] đến cấp tám. Sau khi giác ngộ, Phong Tai chẳng còn nữa. Ngu si cảm Phong Tai. Nếu chứng đắc tâm bình đẳng, nhiệt độ của địa cầu sẽ chẳng tăng lên, khôi phục bình thường. Vì thế, đức Phật chỉ dạy chúng ta: “Cần tu Giới, Định, Huệ, tức diệt tham sân si” (siêng tu Giới, Định, Huệ, dứt diệt tham, sân, si). Cảm ứng của tham, sân, si là tai nạn, là bất thường. Giới, Định, Huệ là bình thường. Do vậy, phải phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm, một phương hướng là Tây Phương, một mục tiêu là thế giới Cực Lạc, một nguyện vọng là thân cận A Di Đà Phật, chúng ta sẽ thành công trong một đời này, những thứ khác đều là giả.

Học rộng nghe nhiều khá lắm, nhưng [tai ương, vô thường] xảy đến, [trở tay] chẳng kịp! Do vậy, tôi thường khuyên các đồng học: Học rộng nghe nhiều tốt lắm, nhưng sang thế giới Cực Lạc hãy làm. Vì sao? Sang bên đó, điều đầu tiên mà chúng ta đạt được là Vô Lượng Thọ, dẫu học nhiều thứ vẫn được! Ta có thời gian mà! Ở nơi đây, sanh mạng quá ngắn ngủi, chúng ta chớ nên lãng phí thời gian, đừng lãng phí! Hơn nữa, trong thế gian này, trí huệ chưa khai, học gì cũng chẳng viên mãn, hiểu biết nửa vời, lại còn phạm rất nhiều sai lầm, cớ gì cứ phải như thế? Do vậy, phải thật thà, phải nghe lời! Đức Phật dạy chúng ta một mực chuyên niệm, đức Phật dạy như thế trong kinh văn của kinh Vô Lượng Thọ. Tông (宗) là tôn chỉ, Tông nghĩa là gì? Là điều quan trọng nhất. Đây là nói về phương pháp tu học. [Tông] là phương pháp tu học quan trọng nhất, là phương pháp đáng tôn sùng nhất, thập phương chư Phật đều tán thán. Phương pháp tu học chủ yếu của Tịnh Tông là “nhất hướng chuyên niệm”. Chữ “Tông” có ba ý nghĩa ấy.

“Dĩ Di Đà thập niệm tất sanh chi đại nguyện vi bổn” (lấy đại nguyện “mười niệm ắt sanh” của Phật Di Đà làm gốc). Đây là nguyện thứ mười tám; “phát Bồ Đề tâm” là nguyện thứ mười chín. Đây là hai nguyện trọng yếu nhất trong bốn mươi tám nguyện. Cổ đại đức nói nguyện nào trọng yếu nhất trong bốn mươi tám nguyện? Mọi người đều nói là nguyện thứ mười tám. Nguyện thứ mười tám là “mười niệm hay một niệm, đều có thể vãng sanh”. Điều kiện là gì? Điều kiện là trọn đủ tín nguyện. Một niệm hay mười niệm là nói về lúc nào? Là nói khi quý vị vãng sanh, lúc quý vị rời khỏi thế gian, niệm cuối cùng [trong lúc ấy]. Niệm cuối cùng là A Di Đà Phật, do niệm ấy bèn vãng sanh. Do vậy, lúc lâm chung, nếu một niệm vẫn là nghĩ tới tài sản trong nhà, xong luôn! Sẽ đi vào quỷ đạo! Nếu nghĩ tới kẻ nào khiến ta bị oan uổng, ta vẫn còn hận hắn, sẽ sanh vào địa ngục! Một niệm cuối cùng quyết định quý vị từ nơi này rốt cuộc sẽ sanh về đâu, mấu chốt ở một niệm ấy; vì thế, một niệm rất trọng yếu! Điều quan trọng nhất trong việc đưa người khác đi vãng sanh (trợ niệm) là giúp cho người ấy trong một niệm cuối cùng đừng quên mất A Di Đà Phật. Chúng ta vây quanh người ấy, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, nhắc nhở người ấy, công đức vô lượng, bảo người ấy không nên có ý niệm nào khác. Cổ đại đức đã làm rất tốt, không cho phép người nhà, quyến thuộc gần gũi người sắp mất. Khi người ấy sắp tắt hơi, người nhà, quyến thuộc lánh đi để người ấy chẳng khởi lên tình chấp. Hễ tình chấp dấy lên, ngay lập tức [người sắp mất ấy] bị đọa lạc, sanh trong tam ác đạo. Người nhà, quyến thuộc rời khỏi, các đồng tham đạo hữu giúp đỡ; đấy là chính xác. [Dẫu] người nhà, quyến thuộc học Phật, tốt nhất là cũng nên rời khỏi, [kẻo] người sắp mất thấy con cháu sẽ dấy động tình cảm, khi ấy, sẽ là vấn đề nghiêm trọng. Vì thế, người nhà, quyến thuộc rời khỏi người chết là chuyện hết sức hợp lý.

“Thâm minh tam bối vãng sanh chi nhân” (Nêu tỏ sâu xa cái nhân vãng sanh của ba bậc). Trong kinh, đức Phật đã nói rất rõ ràng, trong hai chương Tam Bối Vãng Sanh và Vãng Sanh Chánh Nhân đã nói rõ ràng, minh bạch. “Quảng nhiếp cửu giới thánh phàm chi chúng” (rộng nhiếp các bậc thánh phàm trong chín pháp giới): Pháp môn này quá lớn, có năng lực nhiếp thọ chúng sanh trong chín pháp giới. Trong chín pháp giới, ba pháp giới phía trên là Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, chúng ta gọi họ là thánh nhân. Bồ Tát là đại thánh, Thanh Văn và Duyên Giác là tiểu thánh. Trong lục đạo đều là phàm phu, phàm chúng. Niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ là đi làm Phật, ai nấy đều có phần, quỷ thần cũng có phần, trời, người cũng có phần, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cũng có phần, vấn đề là quý vị có phước báo và duyên phận gặp gỡ hay không? Đã gặp, quý vị bèn tin tưởng, phát nguyện vãng sanh thì sẽ thành. Nói theo Lý, đáng lẽ Bồ Tát, A La Hán dễ [có phước đức và nhân duyên tu pháp môn này] hơn chúng ta; vì sao kinh nói “trong mười pháp giới, nhân gian vãng sanh thuận tiện nhất”, do nguyên nhân nào? Trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh có tỷ dụ: “Phú quý học đạo nan”; người phú quý hưởng phước, quên tuốt, coi thường chuyện học Phật. Bần cùng học đạo cũng khó! Kẻ bần cùng cuộc sống quá khổ, ba bữa còn chưa đủ ăn, bận bịu kiếm sống, chẳng có thời gian để học Phật. Còn loài người thì sao? Chẳng thể coi là rất giàu có, nhưng cũng là chẳng thanh bần, thuộc loại thường thường bậc trung, dễ giác ngộ, dễ tu hành. Thuận tiện ở chỗ này! Chúng ta có thể hiểu được! Cuộc sống của chư thiên nhân tốt đẹp hơn chúng ta, phước báo to lớn; còn tam ác đạo thì sao? Quá khổ sở!

Hiện thời, dường như tình hình có biến hóa đôi chút. Tôi nghe không ít tin tức, ngay cả ngạ quỷ, địa ngục niệm Phật vãng sanh cũng không ít; ngược lại, con người chẳng tin! Người niệm Phật đến cuối cùng đều niệm đến nỗi sanh vào quỷ đạo hay địa ngục, chuyện này là như thế nào? Đối với chuyện này, nếu chư vị đọc bộ Đại Thế Chí Viên Thông Chương Sớ Sao của pháp sư Từ Vân Quán Đảnh, Đại Thế Chí Viên Thông Chương rất ngắn, hai trăm bốn mươi bốn chữ, mà bản chú giải của Ngài là một quyển dầy như thế. Bản tôi đọc chính là loại sách đóng gáy bằng cách xâu chỉ, là một quyển dầy như thế đó! Nơi trang cuối, thuở ấy, tôi đọc mà không hiểu, Ngài nói một trăm thứ quả báo của người niệm Phật; câu đầu tiên là người niệm Phật đọa A Tỳ địa ngục, đọa ngạ quỷ, đọa súc sanh. Tôi đọc xong, hết sức nghi hoặc, cầm cuốn sách ấy đến hỏi thầy, tôi học kinh giáo với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Tôi hỏi: “Thưa thầy, niệm Phật là chuyện tốt, nhưng niệm Phật như thế nào mà đọa địa ngục?” Thầy xem rồi bảo: “Đây là một vấn đề lớn, quan trọng lắm, tôi chẳng nói với một mình anh! Khi giảng kinh tôi sẽ giảng giải đạo lý này cùng mọi người”. Thật ra, quý vị dùng cái tâm gì để niệm Phật? Quý vị niệm Phật, nhưng chẳng đoạn tham, sân, si. Tham, sân, si, mạn, nghi gọi là Ngũ Độc. Quý vị dùng tâm Ngũ Độc này để niệm Phật thì vẫn đọa địa ngục; do vậy, chẳng thể không hiểu nhân quả. Vậy thì niệm Phật có uổng công hay không? Chẳng phí công niệm Phật! Trong A Lại Da Thức đã gieo chủng tử Phật. Trước hết, quý vị gánh chịu quả báo do các tội nghiệp đã tạo tác, đợi cho đến khi quý vị thoát khỏi địa ngục, chẳng biết tới đời nào đó, lại được làm thân người, lại gặp gỡ Phật pháp, gặp được pháp môn Tịnh Độ, quý vị lại tu tiếp. Vì thế, chỉ có thể nói là trong A Lại Da Thức đã gieo chủng tử niệm Phật, chủng tử ấy vĩnh viễn bất hoại, sau này nhất định sẽ khởi tác dụng. Lợi ích ấy cũng rất thù thắng, nhưng luân hồi trong lục đạo, quý vị vẫn phải chịu hết các nỗi khổ sở. Do vậy, niệm Phật phải dùng Bồ Đề tâm để niệm, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Quý vị dùng tâm này để niệm, sẽ hoàn toàn tương ứng; đúng là “nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”.

“Chánh hiển trì danh niệm Phật chi pháp, trực chỉ vãng sanh quy nguyên chi lộ. Thị cố, thử kinh xưng vi Tịnh Tông đệ nhất kinh dã” (Chỉ rõ ràng phương pháp Trì Danh Niệm Phật, chỉ thẳng con đường vãng sanh để trở về nguồn. Vì thế, kinh này được gọi là kinh bậc nhất của Tịnh Tông). Quả thật tổ sư đại đức đã chỉ rõ phương pháp Trì Danh Niệm Phật; đấy là chỉ thẳng, không đi đường vòng, chỉ thẳng thừng một con đường gần nhất, con đường thẳng ấy không ngoằn ngoèo. Dẫn đến đâu? Vãng sanh quy nguyên! “Quy nguyên” là trở về nguyên thủy, nguyên thủy là gì? Tự tánh. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới từ tự tánh biến hiện. Tự tánh có thể sanh, có thể hiện, A Lại Da có thể biến; đấy là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Chúng ta gặp Phật, Bồ Tát; Phật, Bồ Tát cũng ở trong mười pháp giới, cũng có cùng một hoàn cảnh bị khổ, chịu nạn như chúng ta, nhưng các Ngài giác ngộ, quy nguyên, trở về tự tánh. Chúng ta thường nói các Ngài “thành Phật, thành Bồ Tát”, trở về tự tánh. Các Ngài hiểu rõ, minh bạch, nên các Ngài đến chỉ dạy, giáo hóa chúng ta làm thế nào thoát ly biển khổ. Lục đạo là biển khổ. Trong biển khổ sâu thẳm, tứ thánh pháp giới là chỗ ven bờ, chỗ biển cạn, lên được bờ mới tính là thoát ly. Bờ ấy được gọi là “bỉ ngạn” (bờ bên kia), là “Niết Bàn bỉ ngạn”. Niết Bàn là bất sanh, bất diệt, công đức viên mãn. Bỉ ngạn là cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Đức Phật giáo hóa, giúp đỡ hết thảy chúng sanh [đạt đến Niết Bàn] mới được coi là viên mãn. Do vậy, kinh này là kinh bậc nhất của Tịnh Tông, Tịnh Tông đồng học chẳng thể không học.

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 5
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Người tu đạo cần tuyệt đối tránh tâm sân hận

Định Tuệ

Trong tất cả việc tốt thì giúp đỡ chúng sanh giác ngộ là việc tốt nhất

Định Tuệ

Tu hành để thành Phật

Định Tuệ

Khai thị cho người già: Buông bỏ mọi sự, chỉ lo niệm Phật cầu sanh Tây Phương

Định Tuệ

Ý nghĩa và lợi ích khi tụng niệm thần chú Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Định Tuệ

Mục đích chánh yếu của việc đi chùa là gì?

Định Tuệ

Trong xã hội hiện nay rất nhiều người tạo tội ngũ nghịch thập ác

Định Tuệ

Ý nghĩa từng câu trong bài Chú Đại Bi tiếng việt

Định Tuệ

Những lợi ích và công đức của sự niệm Phật

Định Tuệ

Viết Bình Luận