Phải thật sự phát tâm, quyết định vãng sanh! Có thể sanh về thế giới Tây Phương hay không, tùy thuộc cái tâm của quý vị có kiên cố hay không!
“Tùng Sơ Phát Tâm, quỹ pháp nhi tu” (Từ Sơ Phát Tâm đã vâng theo pháp để tu), đó là nói “duy hữu chư Phật” (chỉ có chư Phật), “kim năng cứu cánh minh hợp Pháp Tánh” (nay có thể rốt ráo ngầm phù hợp Pháp Tánh). “Chỉ có chư Phật” thì Phật mà vẫn còn phải tu hành ư? Phải tu hành! Phật được nói ở đây chẳng phải là Cứu Cánh Phật, mà là Phần Chứng Phật.
Từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên đều gọi là “chư Phật”. Nếu quý vị đọc bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, sẽ thấy ông ta giải thích chữ “chư Phật” là từ Sơ Trụ của Viên Giáo cho đến quả vị viên mãn rốt ráo, gồm bốn mươi hai địa vị.
Bốn mươi mốt địa vị là từ Sơ Trụ Bồ Tát cho đến Đẳng Giác, địa vị bốn mươi hai là Phật. Bốn mươi hai địa vị ấy đều là Phật, cho nên gọi là “chư Phật”. “Chư Phật” chỉ bốn mươi hai địa vị ấy. Đến địa vị cuối cùng, chẳng phải tu nữa, chứ bốn mươi mốt địa vị trước đó đều phải tu, vì sao? Chưa viên mãn, nhưng hoàn toàn là tu thuận tánh, nên mới nói là “từ Sơ Phát Tâm”.
Sơ Trụ có tên là Phát Tâm Trụ, thật sự phát tâm tu hành là địa vị Sơ Trụ, tức Sơ Trụ trong Viên Giáo. Chúng ta đều chưa phát tâm Bồ Đề, nhưng đã phát tâm gì? Phát tâm tham, sân, si, mạn, phải biết điều này! Nhưng chúng ta đang thuộc địa vị phàm phu, thật sự là đáng thương!
Nếu phàm phu thật sự phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, vừa phát tâm, tuy công đức chẳng bằng Sơ Trụ Bồ Tát, thần thông và đạo lực cũng thua kém Sơ Trụ Bồ Tát, nhưng thưa cùng chư vị, xét theo trí huệ và nhân quả, tuyệt đối chẳng thua Sơ Trụ Bồ Tát!
Sơ Trụ Bồ Tát cũng là Tín, Nguyện, Hạnh vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, chúng ta cũng là Tín, Nguyện, Hạnh vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, nên nói theo cơ duyên, nhân quả, sẽ chẳng hai, chẳng khác với hàng đại Bồ Tát!
Nhưng mọi người phải hiểu rõ, trong vô lượng pháp môn, chỉ có một môn này đặc biệt, những môn khác chẳng được! Xét theo các môn khác, thứ gì cũng đều chẳng bằng, chẳng thể so sánh! Tu Tịnh Độ, phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là đặc biệt, chẳng thể sánh cùng những pháp thông thường để bàn luận được!
Phải thật sự phát tâm, quyết định vãng sanh! Có thể sanh về thế giới Tây Phương hay không, tùy thuộc cái tâm của quý vị có kiên cố hay không!
Quý vị nói “tôi đã phát tâm, tôi rất mong vãng sanh”, nhưng có thể vãng sanh hay không, vẫn chưa nắm chắc. Tôi đã gặp rất nhiều người đến hỏi tôi, họ nói: “Thưa pháp sư! Tôi có thể vãng sanh Tịnh Độ hay không?” Tôi liền bảo người ấy: “Không thể! Chắc chắn là quý vị không thể!” Người ấy hỏi vì sao? Quý vị chẳng có tín tâm, vẫn còn hoài nghi, đánh dấu hỏi, làm sao có thể vãng sanh cho được?
Nếu quý vị đến hỏi tôi: “Tôi quyết định phải vãng sanh, tôi chẳng vãng sanh sẽ không được, nhất định phải vãng sanh”, đến hỏi tôi như thế, tôi nói quý vị nhất định sẽ vãng sanh, vì sao? Tâm quý vị rất kiên quyết, lẽ đâu chẳng vãng sanh? Vì thế, chớ nên hoài nghi chuyện này, hễ hoài nghi thì chính mình bị thiệt thòi to lớn.
Quyền vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới do chính mình nắm giữ, chẳng do người khác thao túng. Hiểu giáo nghĩa hay không là chuyện thứ yếu, vấn đề là quý vị có tín tâm kiên định hay không? Then chốt ở chỗ này!
Ngẫu Ích đại sư nói rất hay, có thể vãng sanh hay không là do có tín nguyện hay không quyết định! Sanh về thế giới Tây Phương, phẩm vị vãng sanh cao hay thấp được quyết định bởi công phu sâu hay cạn.
Công phu là gì? Phục đoạn phiền não là công phu. Ngài chẳng nói niệm Phật nhiều hay ít! Niệm Phật nhiều hay ít chẳng liên quan gì hết! Mỗi ngày niệm một câu A Di Đà Phật và mỗi ngày niệm mười vạn tiếng A Di Đà Phật chẳng phải là chuyện khẩn yếu, không sao cả!
Người ta niệm một tiếng A Di Đà Phật bèn hàng phục phiền não, quý vị niệm mười vạn câu A Di Đà Phật nhưng chẳng thể hàng phục phiền não thì mười vạn câu chẳng bằng người ta niệm một tiếng! Do đó, có thể chế phục phiền não hay không, có thể đoạn sạch phiền não hay không, đó là công phu.
Chế phục phiền não là công phu nông cạn, đoạn trừ phiền não là công phu sâu xa. Chế phục phiền não là công phu thành phiến, đoạn trừ phiền não là nhất tâm bất loạn. Điều này quyết định phẩm vị vãng sanh Tây Phương thế giới, chớ nên không biết chuyện này.
Thật thà niệm Phật là thuận theo Pháp Tánh, chẳng thật thà niệm Phật là trái nghịch Pháp Tánh. Quý vị thấy đối với người niệm Phật chúng ta mà nói, rất nhiều giáo nghĩa rất sâu, rất khó lý giải, nhưng giảng theo Tịnh Độ thì rất dễ dàng, chẳng khó hiểu.
Ngay như kinh Kim Cang là một bộ kinh điển rất sâu, tôn giả Tu Bồ Đề hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật thưa hỏi hai vấn đề, một là “nên trụ như thế nào?” và điều kia là “nên hàng phục cái tâm như thế nào?”, hai vấn đề to lớn ấy.
Vấn đề lớn thứ nhất là tâm phải an trụ nơi đâu? Ngài Tu Bồ Đề hướng về đức Thế Tôn nêu ra câu hỏi ấy. Ở Trung Quốc, Huệ Khả đại sư cũng hỏi Đạt Ma tổ sư câu sau đây: “Tâm con bất an, phải an cái tâm bằng cách nào? Phải an trụ nơi đâu?” Gần như rất giống với câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề. Hàng phục cái tâm như thế nào? Tâm ấy là vọng niệm; vọng niệm rất nhiều, dùng phương pháp gì để hàng phục? Một bộ kinh Kim Cang là lời giải đáp của Thích Ca Mâu Ni Phật cho ngài Tu Bồ Đề về hai vấn đề ấy.
Người Hoa niệm kinh Kim Cang rất đông, người học Phật đều từng niệm kinh Kim Cang. Sau khi đã niệm, quý vị có biết an trụ cái tâm ở đâu hay không? Quý vị có biết hàng phục vọng niệm như thế nào hay chăng? Đức Phật nói nhiều ngần ấy, chúng ta vẫn không hiểu, vẫn chẳng thể thụ dụng. Nếu là người tu Tịnh Độ thì dễ thực hiện lắm, hãy nên trụ như thế nào ư? Trụ nơi A Di Đà Phật, trụ nơi A Di Đà Phật là được rồi.
Hàng phục cái tâm như thế nào ư? Trụ tâm nơi A Di Đà Phật, tâm liền bị hàng phục. Hễ vọng niệm dấy lên, ngay lập tức niệm A Di Đà Phật để xóa bỏ vọng niệm. Cần gì phải phiền phức dường ấy? Một câu A Di Đà Phật thảy đều giải quyết, quý vị mới biết câu A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn, vấn đề là quý vị có biết sử dụng hay không? Nếu quý vị biết dùng, sẽ cao minh hơn phương pháp trong kinh Kim Cang rất nhiều.
Nói thật thà, phương pháp trong kinh Kim Cang chỉ có hàng Đại Bồ Tát kiến tánh mới dùng được, mới hữu hiệu. Đối với cùng một vấn đề, chúng ta dùng danh hiệu A Di Đà Phật cũng có hiệu quả giống hệt. Chúng sanh Ngũ Nghịch Thập Ác dùng phương pháp này đều có hiệu quả, đều có thể đạt tới cùng một mục tiêu giống như hàng Pháp Thân đại sĩ, thu được hiệu quả giống hệt. Do vậy mới biết pháp môn này thù thắng.
Trích: QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG
Xin hãy thường niệm A DI ĐÀ PHẬT