Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Niệm Phật tiêu trừ nghiệp chướng không thể nghĩ bàn

Một câu niệm Phật có thể tiêu trừ trọng tội của 80 ức kiếp. Sao niệm một câu Phật hiệu mà diệt được tội nặng nhiều đời đến thế?

1. Niệm Phật tiêu trừ nghiệp chướng

Hết thảy chúng sinh, vì vọng động từ vô thỉ kiếp mà có vô minh, mê lầm đã trải qua số kiếp nhiều như cát bụi. Khởi tâm động niệm tạo biết bao ác nghiệp nên che mất Phật tánh của mình. Nghiệp chướng không trừ thì Phật tánh không thể hiện tiền.

Vì thế Ðức Thích Ca Mâu Ni đã tuyên dương pháp môn niệm Phật này, dạy người tiêu trừ nghiệp chướng. Kinh rằng: “Một câu niệm Phật có thể tiêu trừ trọng tội của 80 ức kiếp”. Sao niệm một câu Phật hiệu mà diệt được tội nặng nhiều đời đến thế? Ðã phát tâm niệm Phật tức đại trí huệ hiện tiền vậy. Thí như ánh sáng của một ngọn đèn, xua tan được bóng tối đã nghìn năm, niệm Phật diệt tội cũng lại như thế.

Cho dù nghiệp nặng chướng sâu đến mấy, thiết tha niệm Phật cũng có thể đánh tan. Còn nếu niệm Phật mà tâm vẫn quay cuồng trong nghiệp thức cũ, vọng tưởng tạp loạn tới tấp, đây đều do phát tâm không tha thiết, niệm lực không sung mãn, nên không địch lại nghiệp chướng.

Kinh rằng: “Chúng sinh nghiệp chướng nhiều, cần phải niệm thân Phật, báo thân Phật, pháp thân Phật” (niệm Phật quán). Nếu hay nhất tâm xưng niệm thì sẽ được sự hộ niệm của chư Phật, được ánh sáng của Phật A Di Ðà phóng chiếu, tự được Minh huân gia bị (minh huân: còn gọi nội huân, là chân như trong bổn giác, minh minh huân tập vọng tâm, khiến cho phát sinh tâm Bồ đề) nghiệp chướng dần được tiêu trừ, thiện căn ngày một tăng trưởng.

Triều nhà Tấn phụng chỉ (vâng lệnh vua) đào thải Tăng chúng, vua kính mộ đức của Viễn Công ở Lô Sơn nên sắc lệnh trừ Lô Sơn ra, Tăng sĩ các nơi bắt hoàn tục hết. Thời có hai vị Tăng, một bị chột mắt, một thọt chân, đây đều là quả báo nghiệp chướng sâu nặng, sợ bị thải nên hai vị trốn vào Lô Sơn, khẩn thiết xin Viễn Công thâu nạp, y giáo tu hành cho trọn đến già. Viễn Công dạy phát nguyện rộng, tu trì pháp môn niệm Phật để tiêu trừ nghiệp chướng. Tăng chột mắt phát nguyện đời sau sinh làm đại thiện tri thức, để hoằng dương tông Tịnh độ. Tăng thọt chân phát nguyện đời sau sẽ làm vua để hưng long Phật pháp. Hai vị Tăng này chỉ nhờ vào công đức niệm Phật mà được tiêu trừ nghiệp chướng, đời sau mỗi người đều được như sở nguyện. Thân sau của Tăng chột mắt là Ðại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, một đại cao Tăng, lấy Vạn thiện (Vạn thiện là gọi tắt của các tập sách Vạn Thiện Tiên Tứ tập, Vạn Thiện Ðồng Quy tập, Vạn Thiện Ðồng Quy giáo của Ðại sư Diên Thọ trước thuật) trang nghiêm Tịnh độ. Thân sau của Tăng thọt chân là vua nước Cao Ly, một đời tin sâu Tam bảo, hết mình hộ trì Phật pháp, sau đến Trung Quốc hộ trì pháp của Ðại sư Vĩnh Minh, pháp môn Tịnh độ thịnh hành một thời vậy.

Xưa lại có chàng đồ tể, sống bằng nghề mổ heo, người vợ tu trì pháp môn niệm Phật, thường khuyên chồng sát sinh nghiệp nặng, nhất định phải chịu ác báo, nên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà để tiêu trừ nghiệp chướng. Người chồng lúc đầu không tin, sau nhiều lần khuyên bảo, chàng ta có chút tín kính, nhưng vì căn cơ thiển bạc nên thường hay quên, không nhớ niệm Phật. Người vợ thông minh, khéo léo nghĩ ra một cách, trên các cửa bà đều treo một cái chuông nhỏ, khi gió khua vào kêu leng keng. Bà khuyên chồng mỗi khi nghe chuông kêu một tiếng thì niệm một câu Phật hiệu, ngày ngày như thế, nghe tiếng chuông người chồng bèn nhớ niệm Phật. Mấy năm sau, người chồng bệnh chết, thần hồn bị bắt xuống vua Diêm La, theo nghiệp định tội, phạt làm súc sinh để đền trả nợ cũ, Diêm La sai quỷ tốt cho nhập vào thai heo. Quỷ tốt cầm nĩa sốc tới, vòng đồng trên nĩa rung lên kêu leng keng, chàng đồ tể vừa nghe liền niệm lên một tiếng “Nam mô A Di Ðà Phật”. Lúc ấy trên đầu mũi nĩa bỗng hóa một hoa sen, nên nĩa không chạm được vào thân, nhờ công đức niệm Phật nên được vãng sinh Tịnh độ tức thì, đây tức niệm Phật tiêu được nghiệp chướng.

Nghiệp chướng là một trong ba chướng. Nương vào hoặc chướng mà tạo nghiệp chướng, vì nghiệp chướng mà phải thọ báo chướng, chúng ta mỗi người luân hồi trong sáu đường đều đủ ba chướng. Nếu nghiệp nhiều đời được tiêu trừ, lại không tạo nghiệp mới thì sẽ không thọ quả báo. Ðức Phật dạy chúng ta niệm Phật tức là pháp tiêu trừ nghiệp cũ không tạo nghiệp mới vậy. Chuyên tâm hệ niệm, không dừng nghỉ trong câu danh hiệu A Di Ðà, niệm niệm ánh sáng tâm chiếu vào danh hiệu Phật, thời thời ánh sáng Phật đều chiếu vào người hành trì, ánh sáng tâm và ánh sáng Phật giao nhau, tâm lực với Phật lực khó nghĩ bàn, tức đây được tiêu nghiệp chướng, như ánh sáng mặt trời phá được bóng tối ngàn năm, sức gió có thể quét sạch mây đen ngàn lớp.

– Nguồn: phatgiao.org.vn –

Niệm Phật tiêu trừ nghiệp chướng không thể nghĩ bàn

2. Người niệm Phật được chư Phật, Bồ Tát gia trì

Người niệm Phật, được tất cả chư Phật, Bồ Tát, Tứ Đại Thiên Vương, Long Thiên Thiện Thần, Quỷ Thần Hộ Pháp gia trì, hộ niệm. Vì sao thế? Vì tất cả các Ngài đều hi vọng bạn sớm trở thành Phật, sau khi thành Phật sẽ quay trở lại độ vô lượng chúng sanh.

Do người niệm Phật được tất cả chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, gia trì nên nghiệp chướng của họ được tiêu trừ một cách nhanh chóng, xưng niệm một câu Phật hiệu, niệm đạt đến công phu thành khối, tiêu trừ tội nghiệp cực trọng trong 80 ức kiếp sanh tử trọng tội, lại được 80 ức kiếp công đức vi diệu.

Các oán thân trái chủ từ vô lượng kiếp mang theo hận thù sâu như biển, luôn đi theo tìm cách báo thù cũng không có tâm oán hận với người niệm Phật nữa, mà còn ủng hộ quý vị bởi vì khi quý vị thành Phật, quý vị sẽ có khả năng cứu độ họ, giúp họ thoát khỏi cảnh giới khổ đau, họ làm gì mà muốn hại quý vị nữa!

Trở thành đệ tử của A Di Đà Phật là điều vô cùng vinh quang, vì Ngài là vua trong các vị Phật, nên Ngài được tán thán đến cực điểm là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, ánh sáng tôn quý nhất, vua trong các vị Phật, Ánh sáng biểu trưng cho trí huệ.

Trong biến pháp giới, hư không giới Ngài là bậc đại thí chủ, biết chúng sanh nghiệp chướng nặng nề, không thể tự mình liễu sanh tử, xuất Tam giới nên Ngài kiến lập thế giới Cực Lạc, không phải cho riêng mình hưởng thụ, mà Ngài đem cúng dường cho tất cả chúng sanh trong Mười phương Thế giới, mau về nơi đó để Ngài dạy dỗ, chóng thành Phật, thoát khỏi biển khổ sanh tử.

Làm cho cả ba hạng người thượng, trung, hạ căn bình đẳng, viên mãn một đời thành Phật. Đó là điều không có vị Phật nào có thể làm được, thế nên tất cả chư Phật đều khuyên chúng sanh cõi mình mau sanh về Cực Lạc để sớm chứng Phật quả viên mãn. Bạn xem phước báo của Ngài lớn biết bao!

A Di Đà Phật dùng một câu Phật hiệu để trao toàn bộ công đức của mình cho chúng sanh, chỉ cần chúng sanh chịu tiếp nhận niệm Phật thì liền được tất cả công đức mà Ngài khổ công tu hành trong vô lượng kiếp, từ bi vô hạn. Hiện đời được bổn nguyện, oai thần của Ngài gia trì một phần, khi vãng sanh được gia trì một cách viên mãn.

Vừa vãng sanh thần thông, đạo lực, trí tuệ, tướng mạo của bạn liền ngang hàng với Quán Âm, Thế Chí Bồ tát. Bạn xem, nếu không có Ngài gia trì thì bạn phải tu bao nhiêu kiếp mới bằng họ chứ. Thế nên kiếp này được thân người, gặp Phật pháp, không thể không vãng sanh, uổng phí cơ duyên đến thế gian này.

– Pháp Sư Tịnh Không –

3. Người niệm Phật không chết, họ bỏ thân đi đến Cực Lạc

Trong sáu cõi, thời gian thoái chuyển rất dài. Vừa đọa vào ác đạo, tuổi thọ trong địa ngục đều vô số kiếp, một thời gian dài không nghe được Phật pháp.

Trời cõi dục giới đỡ hơn một chút, còn từ sắc giới trở lên cũng không dễ, vì phước báu quá lớn. Họ lo hưởng phước nên xem nhẹ việc tu hành. Thế mới có câu “Giàu sang khó học đạo”.

Trong sanh tử đại sự, tử ma rất phiền phức. Nếu chúng ta không muốn chết thì đã có kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta vô lượng thọ. Bạn y theo pháp môn này mà tu học, ngay trong một đời bạn nhất định không chết.

Khi giảng giải, tôi đã nói rất nhiều lần về pháp môn này. Lời tôi nói đều thật, không phải giả. Mỗi giờ mỗi phút đều khuyên bảo mọi người. Pháp môn này không già không bệnh, không chết, nhưng đáng tiếc rất ít người tin. Đúng như chư Phật nói “Pháp khó tin”.

Có người muốn hỏi: “Bạn nói không chết, nhưng chúng tôi thấy người niệm Phật chết cũng không ít, thế thì sao lại không chết chứ?”.

Kỳ thật người niệm Phật không chết, họ vứt bỏ thân thể này để đi đến thế giới Cực Lạc. Khi ra đi, họ thấy rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo đức Phật đến rước. Họ không có đau khổ, ngược lại hoan hỉ vui vẻ đi theo Phật.

Sau khi xả bỏ thân này, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, cái thân đó giống như thân của Phật A Di Đà, sắc thân tử ma vàng thật.

Trên kinh Phật nói “Đầy đủ ba mươi hai tướng”, đó là tùy thuận phàm phu chúng ta mà nói. Trên thực tế không phải như vậy.

Trên thực tế thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, mãi mãi không còn già nữa, vĩnh viễn sẽ không bị bệnh. Tất cả sự mong cầu là tùy tâm sở nguyện, chân thật là tâm tưởng sự thành. Bạn thử nghĩ xem nơi đó tốt đến dường nào.

Người đại phú đại quý ở thế gian chúng ta so với thế giới Tây Phương Cực Lạc, cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh cũng không thể so được.

Thậm chí kinh còn nói, dù trên trời, người Trung Quốc gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế cũng không thể sánh, vì họ mới là dục giới, tầng trời thứ hai. Trời Đao Lợi là chủ, nhưng Đại Phạm Thiên Vương cũng không thể sánh được với thế giới Tây Phương Cực Lạc, với phước báu của người hạ hạ phẩm vãng sanh.

Cho nên các vị muốn chân thật hưởng phước báu lớn thì ở thời đại hiện tại này, tai nạn triền miên, người trung niên trở lên phải thường hay nghĩ đến nơi quay về. Phải tự hỏi, sau khi già thì làm sao? Đi đến nơi nào?

– Pháp Sư Tịnh Không –

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Thế giới Tây Phương Cực Lạc cùng với thế gian chúng ta hiện nay có khác biệt gì không?

Định Tuệ

Sáu hạnh Ba La Mật cần phải thực hành một cách chân thành

Định Tuệ

Buông bỏ sẽ được đại tự tại, được chân giải thoát

Định Tuệ

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 9 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Nên hồi quang phản chiếu từng ngày từng giờ

Định Tuệ

Dùng phương pháp nào để trở về Tự Tánh, thành Phật viên mãn?

Định Tuệ

Người vừa niệm Phật vừa tạo nghiệp không được vãng sanh

Định Tuệ

Những vấn đề sạch sẽ trong phòng người bệnh sắp lâm chung

Định Tuệ

Tín Nguyện Hạnh là gì? Nền tảng trọng yếu của Pháp môn Tịnh Độ

Định Tuệ

Viết Bình Luận