Tịnh nghiệp tam phước là Pháp tu ba phước để thích ứng với những chúng sanh có căn lành, phước đức nhưng tâm tưởng phù tán động loạn.
Tịnh Nghiệp Tam Phước là Pháp tu “Tán Thiện” dành cho hạng phàm phu tâm thường phù tán, động loạn. Pháp này được đức Phật dạy cho Bà Vi Đề Hy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ dùng để tu Tịnh Nghiệp mà vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Bởi hết thảy chúng sanh đều thuộc một trong hai căn cơ: Một là “Định”, hai là “Tán”. Nếu chỉ dạy pháp định thiện, thì sẽ không thể thu nhiếp tất cả. Do đó đức Như Lai mở bày phương tiện, khai pháp tu ba phước để thích ứng với những chúng sanh tâm tưởng phù tán động loạn, giúp họ “Tịnh nghiệp” mà đới nghiệp vãng sanh.
Như vậy, Tịnh Nghiệp Tam Phước là Pháp tu ba phước để thích ứng với những chúng sanh có căn lành, phước đức, nhưng tâm tưởng phù tán động loạn, ba phước ấy là:
- Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành.
- Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, đừng phạm oai nghi.
- Phát tâm Bồ đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy: “Muốn sanh về cõi ấy, phải tu ba thứ phước: 1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành. 2. Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, đừng phạm oai nghi. 3. Phát tâm Bồ đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành. Ba điều như thế, gọi là tịnh nghiệp. Đức Phật lại bảo bà Vi đề Hy: “Nên biết ba thứ phước này là chánh nhân tịnh nghiệp của chư Phật trong ba đời: quá khứ, vị lai, và hiện tại.”
Tổ Thiện Đạo dạy: “Tất cả chúng sanh, có hai loại căn cơ: một là định, hai là tán. Nếu chỉ dạy pháp định thiện, thì sẽ không thể thu nhiếp tất cả, do đó đức Như Lai mở bày phương tiện, khai pháp tu ba phước để thích ứng với những chúng sanh tâm tưởng phù tán động loạn. “Muốn sanh về cõi ấy”, nêu rõ chỗ quy hướng. “Phải tu ba thứ phước”, nêu rõ hành môn. Vậy thế nào là ba phước?
Phước thứ nhất là phước nhân thiên, cũng chính là đạo của nhân thiên. Bạn có thể phụng hành thì đời đời kiếp kiếp không mất thân người; bạn không thể phụng hành đó chính là phi đạo. Phi đạo chính là ba đường ác, chắc chắn đọa ba đường ác. Bốn câu nói này là “Hiếu dưỡng phụ mẫu. Phụng sự sư trưởng. Từ tâm bất sát. Tu thập thiện nghiệp”. Chúng ta có hiểu ý nghĩa này hay không? Chúng ta có chịu làm hay không?
Trong câu thứ nhất nói rõ thập thiện là căn bản của căn bản. Sao gọi là hiếu, sao gọi là kính, điều này không thể không rõ ràng, không thể không sáng tỏ. Ở chỗ này tôi sẽ không giảng nhiều nữa.
Phước thứ hai là Nhị thừa, là tiêu chuẩn mà người Nhị thừa tu. Có ba câu: “Thọ trì tam quy. Cụ túc chúng giới. Bất phạm uy nghi”. Đây là vào cửa Phật.
Phước thứ nhất là nền tảng vào cửa Phật, vẫn chưa vào cửa. Phước thứ hai mới vào cửa, trở thành đệ tử Phật, học trò của Phật. Chúng ta thử nghĩ, chúng ta có tư cách làm học trò của Phật không? Học trò của Phật nhất định phải tuân thủ sự ràng buộc của tam quy. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm không trái với lời giáo huấn của Phật. Tam quy, cái thứ nhất là “Quy y Phật”. Trong “Truyền Thọ Tam Quy” chúng ta nói rất rõ ràng, rất tường tận. Quy y Phật là Giác chứ không Mê. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm có phải là giác mà không mê hay không? Giác là “thị đạo”, mê là “phi đạo”.
Tư tưởng kiến giải của chúng ta có chính xác hay không? Tư tưởng kiến giải thuần chánh, tương ưng với Phật là thị đạo. Tư tưởng kiến giải bất chánh, tà tri tà kiến là phi đạo. Đây là ý nghĩa của “Quy y Pháp”.Thứ ba là “Quy y Tăng”. Tăng là lục căn thanh tịnh, không nhiễm mảy bụi. Chúng ta thử nghĩ, tâm của chúng ta có thanh tịnh không? Ý nghĩ của chúng ta có thanh tịnh không? Thân của chúng ta có thanh tịnh không? Môi trường cư trú của chúng ta có thanh tịnh không? Thanh tịnh là đạo, không thanh tịnh là phi đạo. Cho nên, đệ tử Tam Bảo niệm niệm phải tương ưng với “Giác-Chánh-Tịnh”, đây là “thị đạo”. Nếu như niệm niệm là “Mê-Tà-Nhiễm”, đó là “phi đạo”. Tư tưởng ngôn hạnh phải theo giới luật, đặc biệt là người mới phát tâm.
Thực ra mà nói từ mới phát tâm đến Như Lai địa, Bồ Tát Đẳng Giác đều nghiêm trì giới luật. Các bạn đã có khi nào nhìn thấy Phật Bồ Tát phá giới, phạm giới không? Không hề có! Hình tượng của Phật Bồ Tát đều là lợi ích chúng sanh. Đệ tử Phật phải lấy Phật Bồ Tát làm tấm gương; học Phật thì phải học cho thật giống. Hình tượng này của chúng ta làm tấm gương tốt cho xã hội, cho tất cả chúng sanh. Chúng ta phải hiểu đạo lý này.“Bất phạm uy nghi”. Uy nghi chính là tấm gương tốt.
Phước thứ ba là nền tảng của Bồ Tát Đại Thừa. “Phát tâm Bồ Đề. Tin sâu nhân quả. Đọc tụng Đại thừa. Khuyến tấn hành giả”.
“Phát tâm Bồ Đề” chính là phát tứ hoằng thệ nguyện. Nguyện phát rồi phải thực hiện thì cái nguyện đó không phải nguyện suông, phải làm được. Cho nên, Bồ Tát có tâm hổ thẹn; hổ thẹn đang thúc đẩy động viên họ, khiến họ có thể quyết chí hướng thượng, dũng mãnh tin tấn. Hổ thẹn là đạo. Không hổ không thẹn, không biết xấu hổ, đó là phi đạo. “Tin sâu nhân quả”. Tôi giảng câu này giảng rất nhiều, nhân quả này không phải nhân quả phổ thông. Nhân quả phổ thông Bồ Tát đâu có đạo lý nào không biết. Cái nhân quả này là “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Đạo lý này, thật sự người biết không nhiều.
“Đọc tụng Đại thừa. Khuyến tấn hành giả”. “Đọc tụng Đại thừa” chính là gần gũi chư Phật Như Lai. Một ngày cũng không được sống phí, mỗi ngày đều phải gần gũi chư Phật Như Lai. Chư Phật Như Lai ở đâu vậy? Các kinh Đại thừa chính là chư Phật Như Lai. Mỗi ngày chúng ta phải đọc tụng. Phương pháp đọc tụng, trước tiên là gần gũi một vị thiện tri thức. Đây là bí quyết cầu học, cầu đạo của thế xuất thế gian, người vào thời xưa gọi là “sư thừa”. Nhất định là ở một vị thiện tri thức tại chỗ đó mà thành tựu, sau đó mới có thể tham vấn khắp vô lượng thiện tri thức.
Cẩn thận với Tà Kiến về Tịnh Nghiệp Tam Phước
Nhân một bạn đạo nhắn tin hỏi: Tôi nghe một Thầy dạy, đại ý: “Nếu chẳng tu tịnh nghiệp tam phước, không thể vãng sanh. Theo ý ông thì thế nào?”
Tôi bảo: “Ông xem cho kỹ lại, chẳng có ai đi dạy người như thế cả. Phải biết rằng Tịnh Nghiệp Tam phước chỉ là một pháp tu trong rất nhiều pháp tu Tịnh Độ. Đây là pháp dành riêng cho chúng sanh thời chánh Pháp và Tượng Pháp. Bởi thời này này chúng sanh nghiệp nhẹ, phước lớn. Tuy tâm tán loạn khó quán tưởng nhưng nhờ nghiệp nhẹ, phước lớn nên tu Tam Tịnh Nghiệp dễ thành tựu.
Đây là bởi đức Phật từ bi tùy bệnh mà cho thuốc, khiến những người thành tựu được Tịnh Nghiệp Tam Phước, chỉ cần phát nguyện vãng sanh là được vãng sanh Cực Lạc. Phàm phu bọn ta thời mạt này, giữ 5 giới ở dạng thô thôi còn chẳng được mấy người, huống nữa là tu Tịnh nghiệp Tam Phước đó ư?
Vậy nên chư Tổ thường dạy: “Chúng sanh thời mạt, chỉ duy có pháp Trì Danh Niệm Phật là ra khỏi sanh tử luân hồi”, là như thế. Nếu bảo rằng: “Chẳng tu tịnh nghiệp tam phước, không thể vãng sanh” thì quả là cô phụ ơn Phật, ơn Tổ quá thể! Nếu như thế thì từ đức Thích Ca cho đến chư Tổ sư đều phạm đại vọng ngữ. Vì sao vậy? Vì Phật và chư Tổ đều dạy ta trì danh Niệm Phật là đường tắt để ra khỏi sanh tử luân hồi. Sao ông chẳng chịu xem kinh Niệm Phật Ba La Mật, Thế Tôn dạy: “Muốn sanh về nước ấy chỉ cần niệm danh hiệu Phật A Di Đà là đủ.”…
Hòa Thượng Tịnh Không giảng giải!