Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Bố thí ba la mật là gì? Công đức của sự bố thí Ba-la-mật

Bố thí Ba la mật là bố thí bình đẳng, không phân biệt thân, sơ giàu, nghèo, không bao giờ hối tiếc hay phiền muộn trong cả ba nội dung: tài thí, pháp thí và vô úy thí.

1. Bố thí ba la mật là gì?

Bố thí Ba-la-mật là bố thí vật chất lẫn tinh thần. Khi ta đem của cải vật chất hay sự hiểu biết tặng, cho người khác vô điều kiện, không có bất cứ một dụng ý hay yêu cầu nào, ta phát tâm bố thí một cách hoan hỷ, không cầu lợi, không cầu danh.

Đặc biệt là kể cả khi thực hành bố thí bị người nhận bố thí làm điều trái ý, nghịch lòng, mà tâm người bố thí vẫn hoan hỷ, không phiền muộn, khổ đau. Thực hành bố thí với tấm lòng như thế thì gọi là bố thí Ba-la-mật.

Nói cách khác, bố thí Ba-la-mật là cho những gì khó cho dù đau khổ đến tận cùng, ta vẫn một lòng quyết chí không buồn khổ, không ân hận hay nuối tiếc, dám cho những gì khó cho.

Ngày xưa, ngài Xá-lợi-phất khi nghe đức Phật giảng về hạnh bố thí Ba-la-mật liền phát nguyện thực hành ngay Bồ-tát đạo.

Trong mười đệ tử lớn của đức Phật, Tôn giả Xá-lợi-phất là người trí tuệ bậc nhất, nên được Tăng chúng gọi là Tướng Quân Chánh Pháp. Muốn thực hành bố thí Ba-la-mật theo lời Phật dạy, ngày hôm đó, trên đường du hóa, Ngài khởi nghĩ, hôm nay mình sẽ thực hành bố thí vô điều kiện.

Biết được tâm niệm của ngài Xá-lợi-phất, một Thiên nhân Đại Phạm Thiên liền biến hóa làm một người phàm ngồi khóc bên vệ đường. Ngài Xá -lợi-phất đi ngang qua thấy vậy liền hỏi:

– Vì sao ông ngồi đây khóc lóc thế này? Chắc là có duyên sự gì không giải quyết được, ông nói ra tôi có thể giúp được điều gì chăng?

Người ấy nói:

– Chẳng giấu gì Ngài, những điều tôi đang cần khó ai có thể giúp được.

Nghe vậy, ngài Xá-lợi-phất nói:

– Không sao, bất cứ điều gì tôi cũng có thể giúp ông được.

Người ấy mừng rỡ bạch rằng:

– Thưa Ngài, mẹ tôi đang bệnh nặng, thầy thuốc nói phải có con mắt của người tu hành hòa với thuốc mới chữa khỏi bệnh.

Chẳng cần suy nghĩ, ngài Xá-lợi-phất liền móc con mắt trái của mình đưa cho người ấy.

Người ấy nói:

– Không được rồi thầy ơi, thầy thuốc bảo phải dùng con mắt bên phải mới chữa được bệnh này.

Nghe vậy, ngài Xá-lợi-Phất hơi chựng lại một chút, rồi mạnh tay móc tiếp con mắt bên phải đưa cho người đó.

Người ấy cầm hai con mắt ném xuống đất rồi dùng chân chà nát.

Ngài Xá-lợi-phất nghe biết người ấy làm như thế không dằn được tự chủ liền thoái thất bồ đề tâm. Từ đó, ngài Xá-lợi-phất thấy thực hành bố thí Ba-la-mật khó quá nên Ngài không phát tâm thực hành Bồ-tát đạo nữa.

Đức Phật nhờ phát tâm hành Bồ-tát đạo từ vô số kiếp, Ngài đã làm được những việc khó làm, nhẫn được những điều khó nhẫn, giúp vô số chúng sinh được an lạc, giác ngộ, giải thoát, tùy theo tâm nguyện chúng sanh mà bố thí, vì vậy Ngài mới thành Phật quả.

Bố thí cũng có nghĩa là buông xả tâm tham đắm, dính mắc nơi mỗi con người. Và bố thí Ba-la-mật là đem cho vật chất hay tinh thần hoặc là thân này phải chết để giúp đỡ cho người thoát khổ mà tâm vẫn hoan hỷ, không chấp mắc, không hối hận, tiếc nuối hay mong cầu.

Chúng ta thấy, ngài Xá-lợi-phất là bậc đệ nhất trí tuệ mà khi phát tâm thực hành bố thí Ba-la-mật vẫn còn bị thoái thất Bồ-đề tâm thì đây không phải là việc đơn giản ai làm cũng được. Thực hành kết quả việc bố thí Ba-la-mật phải là người phát tâm cầu Phật quả, đời đời, kiếp kiếp vì lợi ích chúng sanh, lấy niềm vui thiên hạ làm niềm vui chính mình mới được.

Muốn vậy, khi thực hành bố thí không phân biệt thân hay thù, mà chỉ tùy duyên, tùy thời cho phù hợp. Muốn đạt đến sự trọn vẹn của bố thí Ba-la-mật, chúng ta phải bố thí với lòng thành kính, thành tâm nghĩ rằng, bố thí là trách nhiệm và bổn phận của người tu theo đạo Phật.

Bồ-tát bố thí Ba-la-mật luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cần thiết của chúng sanh, không phân biệt thân hay thù bằng nhiều cách như tài thí (thí các loại tiền bạc, của cải vật chất), nội thí cho những gì đang có trong thân thể này) Pháp thí (dùng lời nói chỉ cho chúng sanh hiểu thấu được lý nhân quả, nghiệp báo để tránh xa những điều xấu ác, hay làm các việc thiện lành).

Bồ-tát sẵn sàng bố thí tất cả, không bao giờ có sự hối tiếc hay phiền muộn dù phải chịu khổ, chịu chết thay cho chúng sanh. Bố thí như thế mới gọi là bố thí Ba-la-mật.

2. Ba trạng thái tâm của sự bố thí

Trạng thái tâm thứ nhất: Một đứa trẻ nhỏ có rất nhiều con búp bê đẹp. Người mẹ bảo con đem búp bê đó cho trẻ em nghèo hay làm từ thiện thì đứa trẻ này không chịu vì không hiểu được giá trị của sự cho đi hay bố thí là như thế nào? Đến khi người mẹ bảo đứa trẻ, nếu con cho đi những con búp bê này thì mẹ sẽ mua cho thật nhiều con búp bê xinh đẹp và đắt tiền hơn gấp bội lần thì lập tức đứa trẻ này liền đồng ý cho đi để nhận lại những con búp bê giá trị hơn.

Trạng thái tâm thứ hai: Đến khi đứa trẻ lớn hơn một chút, người mẹ bảo con mình hãy cho đi những con búp bê đó, với mục đích để mình và con mình được mọi người khen ngợi là người có tấm lòng lương thiện. Và những con búp bê đó được cho đi với mục đích nhận lại lời khen ngợi của mọi người.

Trạng thái tâm thứ ba: Đến khi đứa trẻ trưởng thành, không còn ham thích gì với những con búp bê nữa, đến khi người mẹ hỏi con mình, có thể đem những con búp bê này cho đi hay bố thí thì người con liền đồng ý và không muốn quan tâm là mẹ mình đem cho ai, chỗ nào và làm gì với những con búp bê nữa. Đặc biệt, là người con không còn bị ràng buộc và tham chấp với sự cho đi của vật sở hữu là những con búp bê.

Hai trạng thái tâm đầu tiên là sự bố thí căn bản của đại đa số chúng ta. Vì thông thường, sự cho đi luôn cần sự nhận lại theo mọi cách. Nhận từ vật chất hay tinh thần, từ những suy nghĩ vi tế từ trong tâm. Đây là sự bố thí cao đẹp cũng đáng ca ngợi vì bản chất đẹp là sự bố thí và cho đi cái của mình đang có.

Trạng thái tâm thứ ba là phần nào biểu thị trạng thái tâm của sự bố thí ba-la-mật. Vì sự cho đi không thấy có người cho, vật được cho và người nhận, đó gọi là bố thí ba-la-mật. Đây là sự bố thí cùng tột mà người thực hành phải thật sự đạt được “tánh không” mới có thể thực hành được một cách đúng nghĩa và trọn vẹn công đức lành của việc thực tập bố thí Ba-la-mật.

Làm thế nào để đạt được bố thí ba la mật?

Khi sự bố thí của bạn đã trở nên thuần thục và đến khi bạn không còn chấp vào sự nhận lại thì đó tức là bố thí ba-la-mật. Cũng giống như ví dụ ở trên, khi đứa trẻ đã lớn thì tự nó sẽ không cần và không biết ai nhận và làm gì với vật mình cho đi.

Bố thí ba la mật là gì? Công đức của sự bố thí Ba-la-mật

3. Bố thí Ba-la-mật là bố thí bình đẳng

Bố thí Ba-la-mật là bố thí bình đẳng, không phân biệt thân, sơ giàu, nghèo, không bao giờ hối tiếc hay phiền muộn trong cả ba nội dung: tài thí, pháp thí và vô úy thí.

Bố thí Ba-la-mật: Tài thí

Tài thí tức là đem tiền bạc, của cải, vật thực của mình ra cho. Tài thí có hai loại:

Nội tài: Là những vật chí thân quý báu nhất của mình như thân mạng, đời sống của mình. Thí nội tài ở đây tức là hy sinh thân mạng để cứu vớt kẻ khác ra khỏi nguy nan. Trong các chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca, chúng ta đã thấy nhiều gương thí nội tài. Như câu chuyện Ngài lái buôn kia, trong khi đi biển bị thuyền chìm đã tự hy sinh thân mạng bằng cách buông tay khỏi cột buồm mà mình đang bám vào, để nhường chỗ cho những hành khách xấu số khác khỏi chết đuối. Thí nội tài là một cử chỉ hy sinh cao đẹp nhất mà chỉ những người giàu lòng từ bi, bác ái mới làm được. Nếu còn xem thân mạng mình là quý, là trọng hơn thân mạng kẻ khác thì chắc chắn không bao giờ thực hiện được loại bố thí này.

Ngoại tài: Ngoại tài là những vật thường dùng của mình như thức ăn đồ mặc, tiền bạc, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa v.v… đem những vật ấy ra cho những người túng thiếu, nghèo khổ thì gọi là thí ngoại tài.

Bố thí Ba-la-mật: Pháp thí

Ðem lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, những lời dạy quý báu của đức Phật để chỉ bày, khuyên bảo người khác; hoặc y theo giới luật của Phật tu hành thành thật để làm khuôn mẫu cho người bắt chước, bỏ dữ theo lành, cải tà quy chánh đều gọi là pháp thí.

Pháp thí có giá trị rất lớn lao hơn nhiều so với tài thí. Bởi tài thí chỉ giúp người khác qua cơn túng thiếu về vật chất một thời gian, còn pháp thí giúp người về phương diện tinh thần, bởi không phân biệt giàu sang hay nghèo hèn, ai cũng khổ.

Lại pháp thí không chỉ giúp người an lành trong một giai đoạn, mà còn giúp người cho nhiều đời kiếp về sau. Tại sao thế? Bởi pháp thí gieo cho người hạt giống giải thoát và phước đức vô lậu. Cho nên nếu kiếp này chưa được giải thoát, những kiếp sau cũng không đến nỗi đọa lạc Tam Đồ. Vì những lẽ đó, nên người Phật tử chân chính nên thực hành pháp thí để lợi lạc chúng sanh.

Bố thí Ba-la-mật: Vô úy thí

Vô úy nghĩa là không sợ. Vô úy thí là làm cho người khác không sợ, hết sợ. Phép thí này mới nghe thì tưởng như là không quan trọng gì cả, nhưng nếu suy nghĩ một cách chín chắn, ta sẽ thấy lòng Đại từ bi đến tột cùng của đức Phật khi thuyết về pháp thí này. Ta thử tĩnh tâm quán sát xem, có phải trong một đời người, cái sợ đã chiếm nửa cuộc đời rồi không?

Khi nhỏ chúng ta sợ la rầy, sợ đánh đập, sợ ma quỷ… khi tráng niên sợ thiếu ăn, thiếu mặc, sợ giặc, sợ thiếu công danh, sự nghiệp. Khi già sợ đau, sợ ốm, sợ cô đơn, sợ chết… suốt cả cuộc đời chỉ toàn sợ và sợ. Ðó là chưa nói đến gặp thời buổi loạn lạc phải sợ sưu cao, thuế nặng; sợ quan tham, sợ trộm cướp, lưu manh, sợ tù, sợ tội, sợ chém, sợ giết… Bao nhiêu thứ sợ chồng chất lên đầu người, mà nguy hại nhất là: Ta chẳng biết vì sao mình sợ?!

Muốn có một hình ảnh tượng trưng cho sự sợ hãi, thì hãy lấy hình ảnh của người dân quê Việt nam trong thời Pháp thuộc: Hai tay họ sẵn sàng chắp lạy, mắt không dám nhìn lên, lưng khom xuống; hai đầu gối sẵn sàng để quỳ xuống mỗi khi nghe tiếng nạt của ông quan hay ông thực dân hống hách. Ðời sống đã khổ, lại càng khổ thêm vì sợ. Cho nên làm cho người hết sợ, chính là đã cứu cho họ bớt đi quá nửa khổ đau trong kiếp sống.

Đức Phật từ bi, chẳng nỡ nhìn chúng sinh khổ vì sợ, nên đã thuyết pháp thí vô úy. Muốn thực hành pháp môn này, hành giả trước tiên phải luyện cho mình một đức tính đừng sợ gì cả. Mà kẻ tu hành chân chính, hiểu rõ giáo lý của Phật, thì còn sợ nỗi gì? Tiền của không tham lam cho nên không sợ mất; danh lợi không màng nên chẳng quản thương ghét thị phi; sanh mạng đã sớm biết chỉ là giả tạm nên bệnh tật, già chết nào có sợ gì?

Do có trí huệ, hiểu rõ được vạn pháp tùy duyên nên tâm an tĩnh. Tâm an tĩnh thì mọi sự đổi thay, gian nan nguy hiểm có gì mà đáng sợ? Người tu hạnh thí vô úy sẵn sàng để nhảy xuống nước vớt người sắp chết chìm. Sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu người sắp chết cháy. Sẵn sàng xông vào đám cướp để cứu người lương thiện. Sẵn sàng đến gõ cửa công để minh oan cho người vô tội… Tóm lại, người tu hạnh thí vô úy, hễ đi đến đâu thì đem đến đó sự bình an cho người và mọi vật.

4. Công đức bố thí Ba-la-mật

Pháp bố thí là cái nhân lành của quả phúc ở thế gian và xuất thế gian. Trong lục độ vạn hạnh, pháp bố thí đứng đầu vì nó dễ thực hành hơn tất cả các pháp, mà công đức lại lợi lạc được cả đôi bên người nhận và kẻ cho.

Ðối với người nhận

Người đời không ai là đầy đủ. Kẻ được phần này thì thiếu phần khác. Kẻ được vật chất thì mất tinh thần, kể đầy đủ tinh thần thì thiếu thốn vật chất.

Kẻ đang thiếu thức ăn mà được ăn, kẻ đang thiếu mặc mà được mặc; kẻ đang đau xót mà được vỗ về, an ủi, kẻ đang lo sợ mà được đùm bọc che chở… thì thật là may mắn sung sướng vô cùng. Trong một xã hội mà có nhiều người giàu lòng từ bi bác ái, luôn luôn tìm cách giúp người thì xã hội ấy chắc chắn sẽ được an vui thịnh vượng.

Ðối với người cho

Sự bố thí đã đành là lợi lạc cho người nhận, nhưng đối với người cho cũng không kém phần quý báu. Ngoài sự an lạc khi thấy mình làm việc phải, quần sinh sung sướng, an vui; hành giả còn nhờ bố thí mà tiến mau, tiến xa trên đường đạo.

Mỗi khi đem của cải ra cho là một dịp để ta chiến thắng lòng tham lam, bỏn sẻn; mỗi khi hy sinh tánh mạng để cứu giúp người là dịp để ta thử thách lòng tham sống, sợ chết; và trau dồi đức tánh lợi tha, bình tĩnh.

Mỗi khi cho mà không kể kẻ thân người thù là dịp để ta chiến đấu với ngã chấp ngã ái, ngã mạn. Nếu hành giả thí pháp, thì đó là những cơ hội để mình tự nhắc nhở, ghi nhớ những lời đức Phật dạy.

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Tội trộm cắp đồ vật của Tam Bảo còn nặng hơn tội giết cha mẹ

Định Tuệ

Vô sanh pháp nhẫn là gì?

Định Tuệ

Tu pháp môn niệm Phật giống như dùng nước để dập lửa

Định Tuệ

Con người sống ở thế gian, sống một cách tê liệt

Định Tuệ

Như thế nào mới có thể làm Phật?

Định Tuệ

Thất tình lục dục là gì? Thất tình lục dục làm chướng ngại tâm tu đạo

Định Tuệ

Vô minh là gì? Vô minh là không biết vô thường, sinh diệt

Định Tuệ

Niệm Phật chính là Pháp sám hối thù thắng nhất

Định Tuệ

Bộ Kinh nào là quan trọng nhất của Phật giáo?

Định Tuệ

Viết Bình Luận