Danh hiệu A Di Đà Phật là vạn đức hồng danh, nên xưng Thánh hiệu này có vô lượng công đức cho đời quá khứ, hiện tại và vị lai.
57- Hỏi: Người đời đều nghi ngờ cõi Cực Lạc ở xa ngoài mười muôn ức cõi nước, lúc lâm chung chỉ trong khoảnh khắc e khó đến được. Làm sao hiểu được điều này?
Đáp: Tâm bao thái hư, lượng trùm khắp pháp giới thì mười muôn ức cõi nước chỉ ở trong tâm ta, nào có xa xôi gì? Khoảnh khắc mạng chung sinh trong tâm ta, nào có khó khăn gì?
Vả lại, gọi mười muôn cõi nước là đối với cái nhìn của phàm phu, tâm lượng trong sanh tử mà nói. Nếu chúng sanh thành tựu tịnh nghiệp, lúc lâm chung tâm an định tức là tâm thọ sanh Tịnh độ, vừa khởi niệm liền được vãng sanh. Thế nên Tự Tín Lực nói: “Mười muôn ức cõi nước chỉ trong khoảnh khắc liền đến, vì tự tâm vốn diệu huyền vậy”!
58- Hỏi: Lúc lâm chung mười câu Phật hiệu đã có thể vãng sanh, thế thì chúng tôi cứ lo việc khác, chờ lúc lâm chung niệm mười câu. Điều đó thế nào?
Đáp: Lúc lâm chung niệm mười câu Phật hiệu không phải là dễ (xin hãy đọc Phần III: Lý do không vãng sanh).
Vậy muốn lúc lâm chung niệm đủ mười câu Phật hiệu để được vãng sanh, ngay hiện đời phải tập niệm Phật cho thành thói quen. Giờ phút lâm chung bệnh khổ bức bách, tình cảm rối ren, không thành thói quen khó mà niệm Phật được, gọi là gieo hạt giống niệm Phật cho lớn mạnh, chín mùi (thâm nhập nhất môn, trường kỳ huân tu), giờ phút ấy chúng mới khởi hiện hành (niệm Phật).
Mặt khác điều tối quan trọng là người tu Tịnh nghiệp phải có đủ ba món tư lương là Tín, Nguyện và Hạnh mới được vãng sanh (hãy đọc Phần II – Tư Lương Tịnh độ).
59- Hỏi: Niệm Phật được vãng sanh Cực Lạc là việc đời sau. Không biết hiện đời có lợi ích gì không?
Đáp: Danh hiệu A Di Đà Phật là vạn đức hồng danh, nên xưng Thánh hiệu này có vô lượng công đức cho đời quá khứ, hiện tại và vị lai (kính xin hãy đọc lại Phần IV, lợi ích của sự niệm Phật). Niệm một câu A Di Đà Phật sẽ diệt được tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử (quá khứ), hưởng được tám mươi ức kiếp công đức vi diệu (hiện tại và vị lai), hiện đời được trường thọ.
60- Hỏi: Kinh nói: “Người sanh về Trời Đâu Suất, theo Bồ tát Di Lặc sanh xuống ba hội, tự nhiên được đạo quả”. Vậy cần gì phải bỏ Đâu Suất gần mà cầu Cực Lạc nơi xa xôi?
Đáp: Ông cho rằng Đâu Suất gần, Cực Lạc xa. Đó chỉ là dùng nhục nhãn và tâm lượng phàm phu mà nói thôi.
Cả ba cõi Ta Bà, Đâu Suất, Cực Lạc đều ở trong một tâm. Tâm không có phân biệt kia đây, sao bảo rằng Đâu Suất gần còn Cực Lạc xa? Vả lại, nếu so sánh giữa Đâu Suất và Cực Lạc thì có mười sự hơn kém khác nhau:
1. Cực Lạc mười niệm được vãng sanh, Đâu Suất cần phải đắc các Tam muội, vào sâu chánh định, nên người khó được sanh (điển hình Bồ Tát Sư Tử Giác chỉ được sanh ngoại viện không được gặp Bồ Tát Di Lặc để nhận sự giáo hóa).
2. Cực Lạc do nguyện lực đại bi của Phật A Di Đà tiếp dẫn, Đâu Suất Bồ Tát Di Lặc không có thệ nguyện tiếp dẫn.
3. Cực Lạc do sức mạnh quang minh rộng lớn của Phật A Di Đà chiếu đến người tu hành trong mười phương thì thân tâm từ hoà, được đến sanh cõi ấy, ở Đâu Suất không có điều đó.
4. Phật A Di Đà thuyết pháp nhiều gấp mười lần các đức Phật khác, chúng sanh tùy theo chí nguyện đều vui thích, những pháp muốn nghe tự nhiên được nghe, ở Đâu Suất không có điều đó.
5. Cõi cực Lạc không có người nữ quấy rối chúng sinh, ở Đâu Suất Thiên nữ vi diệu, chư Thiên đam mê không thể tự cố gắng tu hành (Gương Bồ Tát Sư Tử Giác).
6. Người sanh về Cực Lạc đều được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đầy đủ thần thông, ở Đâu Suất không có điều đó.
7. Người sanh về Cực Lạc tự nhiên hàng phục, diệt tiêu phiền não, liền lên bậc bất thối chuyển, ở Đâu Suất, Bồ Tát Di Lặc tuy hằng ngày thuyết pháp bất thối, giáo hóa chúng sanh, nhưng chưa hẳn được lên ngay bậc bất thối chuyển.
8. Người cầu sanh về Cực Lạc chỉ ngay trong đời này tiến thẳng đến đạo tràng, thành tựu đạo giác ngộ vô thượng, ở Đâu Suất theo Bồ Tát hạ sanh chưa hẳn đều chứng quả Thánh, huống gì đạo giác ngộ vô thượng.
9. Người sanh về Cực Lạc được tuổi thọ vô lượng ngang bằng với Phật, ở Đâu Suất không có điều đó.
10. Người sanh về Cực Lạc nếu muốn cúng dường chư Phật trong mười phương, thì các vật cúng dường tùy ý tự nhiên hiện ra trước mặt, trong khoảnh khắc đến mười phương cúng dường chư Phật trong khoảng thời gian một bữa ăn liền trở về cõi nước của mình, ở Đâu Suất không có điều đó.
Trích: Niệm Phật đạt bất niệm tự niệm bảo đảm Vãng Sanh – Phần VII: Tổng Kết!