Nghĩa của chữ Phật là gì? Chữ Phật có nghĩa là giác ngộ. Đức Phật có đủ ba tính giác: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Nói rốt ráo, chữ Phật nên giải thích như thế nào?
Hầu hết người Trung Hoa đều quá hiểu rõ chữ Phật (佛). Gốc tiếng Phạn là Buddhaya hoặc Buddha, phiên âm sang tiếng Hán là Phật-đà-da hoặc là Bố-đại-da. Người Trung Hoa thích nói giản lược, nên gọi là Phật. Cũng giống như người Mỹ thích gọi phone thay vì nói đầy đủ là telephone vậy.
Có thể quý vị thấy buồn cười về lối phân tích thường tình như thế, nhưng nếu quý vị hiểu được đạo lý thông qua ví dụ trên, thì có thể nói rằng quý vị đã có chút ít giác ngộ.
Giác ngộ điều gì? Là đã hiểu ra chữ Phật. Quý vị nhận ra: Ồ! Phật là như thế! Ngài như thế nào?. Ngài là Phật. Đó là tất cả. Nếu quý vị muốn thành như Phật, thì nên học theo như Đức Phật.
Thế Đức Phật giống như điều gì? Đức Phật thì an lạc, không ưu sầu suốt từ sáng đến tối. Ngài không còn phiền não, Ngài nhìn thấy tất cả chúng sinh đều là Phật, quý vị cũng là Phật.
Nghĩa của chữ Phật là gì? Chữ Phật có nghĩa là giác ngộ. Đức Phật có đủ ba tính giác: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Điều này đã được giải thích rõ ở trên.
Ở trong kinh này thuật ngữ “ba tính giác” chính là bản giác, thủy giác và cứu cánh giác. Nhưng đây cũng là những tên gọi khác của tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.
Trong kinh Phật, có nhiều nơi tên gọi khác nhau nhưng nghĩa lý thì giống nhau. Quý vị không nên lúng túng khi không nhận ra ý nghĩa chỉ vì tên gọi không đồng.
Nếu như có người nào đó đổi tên, quý vị sẽ không rõ được ông ta là ai khi có người nhắc đến ông ta với một tên mới, nhưng khi quý vị gặp mặt ông ta rồi quý vị mới nhận ra :“Ồ! thì ra là anh.”
Ba tính giác của Đức Phật cũng giống như vậy. Nếu quý vị không nghiên cứu sâu Phật pháp, thì quý vị không thể nào biết được bản giác, thủy giác, cứu cánh giác là gì, nhưng nếu quý vị tham cứu Phật pháp kỹ lưỡng, quý vị biết ngay nó có cùng ý nghĩa với ba đặc tính giác ngộ.
Đó là giải thích tổng quát về chữ Phật. Nếu giảng giải chữ Phật chi tiết, dù hết ba năm cũng không thể nói trọn vẹn được chứ đừng nói ba tháng. Bây giờ tôi chẳng có cách nào hơn là giảng về chữ Phật trong vòng ba phút rồi cho qua đi, vì người Mỹ thích tốc độ, họ thích mọi việc phải nhanh.
Thế nên nay giảng kinh tôi phải trình bày nhanh, như hỏa tiễn phóng lên mặt trăng. Ở trong hỏa tiễn nghe “vút” một tiếng là quý vị đã ở cung trăng rồi. Cơ bản là tôi vẫn giữ truyền thống xưa nay, nhưng không thể dùng những phương pháp đã lỗi thời.
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 1!