Khi Huệ Cung cất tiếng xướng đề kinh vừa xong, thì hương bay ngào ngạt thơm khắp cả chùa. Lúc tụng đến văn kinh, thì giữa hư không trỗi lên tiếng nhạc, hoa thơm rơi xuống đầy đất. Tụng kinh xong, Huệ Cung hạ tòa đi dọn dẹp, thì hoa và nhạc mới dứt.
Thuở xưa, có vị pháp sư họ Châu, pháp hiệu Huệ Cung, sanh trưởng tại Châu Ích. Ông sanh nhằm cuối đời nhà Châu, thời kỳ ấy đang lúc Phật pháp bị hủy hoại, nên ông cùng người bạn đồng học tên là Huệ Viễn ở chung một chùa, kết nghĩa huynh đệ và thề cùng dũng mãnh tinh tấn tu hành, dầu gặp phải cảnh ngộ khó khăn đến đâu, cũng bền lòng tới khi chứng được đạo quả mới thôi.
Chưa bao lâu, Huệ Viễn xuống Trường An tham học, may nhờ lợi căn sẵn có, nên nghĩa lý các kinh, tông chỉ các luận, thảy đều thông hiểu cả, rồi ông mới về Châu Ích mà hoằng hóa. Kẻ tăng người tục thảy đều tôn trọng hoan nghinh, danh tiếng của ông mọi người đều biết.
Còn ông Huệ Cung qua Kinh Dương phỏng đạo, cũng trở về Châu Ích. Sau ba mươi năm cách biệt, nay được tương phùng xiết bao mừng rỡ, bèn ngồi lại cùng nhau hàn huyên tâm sự.
Trong đêm thắng hội, ông Huệ Viễn nói nói cười cười, luận thuyết như suối tuôn, rất đỗi hứng chí, còn ông Huệ Cung cứ làm thinh một mặt mà nghe, như chẳng hiểu chi cả.
Huệ Viễn thấy vậy bèn mở lời hỏi rằng: “Chúng ta cách biệt nhau lâu, nay được hội ngộ nếu có sở đắc điều chi cũng nên đem ra luận biện cùng nhau mới phải, sao từ khi về đến nay, không nghe ngài nói chi hết?
Huệ Cung tỏ ý vui vẻ, mà đáp lại rằng: “Thưa ngài! Vả chăng tâm tánh của tôi rất tối tăm, nên đối với kinh sách Phật không hiểu rõ một tí gì cả”.
Huệ Viễn hỏi: “Toàn bộ pho Đại Tạng kinh, thì không hiểu rõ hết được cũng là phải rồi, chớ có lẽ đâu mà ngài chẳng tụng đọc được một bộ kinh nào hay sao?”
Huệ Cung đáp: “Thưa ngài, Ba mươi năm nay, tôi chỉ tụng có một quyển kinh Quán Thế Âm mà thôi”.
Huệ Viễn nghe vậy bèn nghiêm sắc mặt nói rằng: “Kinh Quán Thế Âm, theo tôi tưởng thì một đứa nhỏ cũng có thể tụng đọc được huống là ngài, đã phỏng đạo hằng lâu, mà chỉ tụng được có một quyển kinh, thì có thấm vào đâu. Vả lại ngài xuất gia hồi còn nhỏ đã cùng Huệ Viễn này lập thệ, kỳ vọng cho đến ngày chứng đạo quả mới thôi. Nay đã trải qua ba mươi năm rồi mà ngày chỉ thuộc vỏn vẹn có một bộ kinh, như vậy không phải tại nơi lòng ngài tăm tối, mà chính thật ngài lười biếng. Thôi! Từ đây đôi ta hãy tuyệt giao, và xin ngài cất bước vân du qua xứ khác, để cho Huệ Viễn này khỏi thêm một điều phiền não trong lòng nữa”.
Huệ Cung lấy lời ôn hòa mà thưa lại rằng: “Vẫn biết quyển kinh Quán Thế Âm tuy nhỏ, mà chính miệng Phật nói ra, người nào cung kính tuân theo đó mà làm, thì được phước vô lượng; còn ai khinh dễ, thì đắc tội cũng vô lượng. Vậy xin ngài hãy tạm dứt lòng sân, để tôi tụng một biến kinh ấy, rồi cùng bắt tay từ biệt”.
Huệ Viễn cười và nói rằng: “Kinh Quán Thế Âm tức là phẩm Phổ Môn ở trong kinh Pháp Hoa. Tôi đã từng diễn giảng cho thính giả nghe cả vài trăm lần rồi, mà nay ngài lại muốn làm ồn ào trong lỗ tai tôi nữa hay sao?”
Huệ Cung đáp: “Thưa ngài! Người xưa có nói “Người hay rộng đạo, chớ không phải đạo hay rộng người”. Tôi khuyên ngài hãy chí tâm mà nghe lời Phật nói, chớ đừng “di nhân khi pháp” (vì người mà bỏ pháp) mà mang tội”.
Huệ Cung nói như vậy rồi, bèn đích thân ra quét dọn trước sân và lập đàn tràng nghiêm chỉnh, chính giữa đặt bàn hương án, sau để một pháp tòa. Huệ Viễn bất đắc dĩ phải ra trước mái hiên chùa, ngồi trên hồ sàn mà nghe kinh.
Khi Huệ Cung cất tiếng xướng đề kinh vừa xong, thì hương bay ngào ngạt thơm khắp cả chùa. Lúc tụng đến văn kinh, thì giữa hư không trỗi lên tiếng nhạc, hoa thơm rơi xuống đầy đất. Tụng kinh xong, Huệ Cung hạ tòa đi dọn dẹp, thì hoa và nhạc mới dứt.
Huệ Viễn thấy vậy trong lòng hối hận, bèn cúi đầu lạy sát chân Huệ Cung mà khóc rằng: “Bạch cùng ngài! Xin tha thứ những điều lầm lỗi của tôi. Tôi đúng là kẻ mê muội, những tưởng tài học của mình đã cứng cáp, nên “ngã mạn cống cao”, “Học mà không tu khi người dễ pháp”, nghĩ lại thật lấy làm hổ thẹn. Vậy cúi xin ngài nán lại vài ngày mà thuyết pháp giáo hóa cho tôi biết đường tu tập”.
Huệ Cung đáp rằng: “Bạch cùng ngài, tôi đây không có tài năng chi cả, những điều linh dị phi thường ấy là do sức của Phật. Vậy khuyên ngài hãy an tâm ở lại chốn này mà hoằng pháp lợi sanh, để cho tôi tách bước vân du miền khác, để trọn lời hứa của hai ta vậy”.
Tâm Hướng Phật/St!