Tâm Hướng Phật
Sống An Vui

Tâm kiêu mạn là gì? Làm thế nào để dẹp tan lòng kiêu mạn?

Tâm kiêu mạn là một loại tình cảm thích thú, khoái trá, hả hê, sung sướng khi thấy mình hơn người khác.

1. Tâm kiêu mạn là gì?

Tâm kiêu mạn là một loại tình cảm thích thú, khoái trá, hả hê, sung sướng khi thấy mình hơn người khác. Có khi ta hơn người, có khi người hơn ta. Khi ta hơn, ta biết là ta hơn; khi người hơn, người vẫn biết là người hơn.

Điều nguy hiểm chính là tình cảm khoái trá đi kèm theo đó. Sự khoái trá đó gây cho người ta cảm giác hạnh phúc. Nhiều người còn bị ảo tưởng là mình vượt hơn người khác trong khi thật sự thì thua kém rất nhiều.

Nhưng khi tự cho mình hơn người, một sự khoái chí, sung sướng cũng có mặt. Mỗi khi hưởng thụ niềm vui sướng hạnh phúc, chúng ta luôn luôn bị hao tổn bớt phước mà mình đã gây tạo trong quá khứ, đó là quy luật tất nhiên của Nhân quả.

Nhưng có những niềm vui không làm hao tổn phước bao nhiêu, ví dụ như cảm giác hạnh phúc khi làm được việc từ thiện. Hoặc thậm chí có loại niềm vui còn làm tăng thêm công đức như ta vui mừng khi thấy người khác thành công hạnh phúc, theo đúng “Hỷ tâm” trong Tứ vô lượng tâm. Còn lại, hầu hết sự thụ hưởng niềm vui đều làm tiêu hao bớt phước trong quá khứ.

Tuy nhiên, có một khoái cảm, mà khi hưởng thụ nó, làm chúng ta thiệt hại không lường được, đó là sự sung sướng khi cho rằng mình vượt hơn người khác. Khoái cảm đó, ý nghĩ đó gọi là tâm kiêu mạn.

Ví dụ như trong học tập, đôi khi chúng ta vượt trội hơn các bạn cùng lớp; trong kinh doanh, đôi khi chúng ta thành công hơn đồng nghiệp; trong nghệ thuật, đôi khi chúng ta được ái mộ hơn nghệ sĩ khác; trong diễn giảng, đôi khi chúng ta thu hút hơn các đồng đạo khác,… Đó đều là những chuyện bình thường trên thế gian này, vì cuộc đời vốn đầy những cái chênh lệch hơn kém như thế. Nhưng đến khi nào chúng ta xuất hiện một tình cảm của sự khoái trá thích thú vì được hơn người khác, đó là lúc tai họa bắt đầu.

Tâm kiêu mạn đó trước hết sẽ phá vỡ những đức tính tốt đẹp có sẵn trong lòng mình. Ví dụ, trước đây ta là người trầm tĩnh, nhưng sau một thời gian kiêu mạn, sự trầm tĩnh đó sẽ biến mất, thay vào đó là sự hấp tấp, vụt chạc, dễ nổi nóng.

Ví dụ, trước đây ta là người hiền lành, nhưng sau một thời gian kiêu mạn, ta sẽ trở thành người ác độc. Ví dụ, như trước đây ta sống đời thanh bai trong sạch, nhưng sau một thời gian kiêu mạn, ta sẽ trở thành người ô nhiễm,…

Sau khi những đức tính tốt đẹp trong tâm biến mất, điều chắc chắn là chúng ta sẽ bắt đầu làm nhiều điều bậy bạ sai lầm để tổn phước trầm trọng.

Ví dụ, chúng sẽ bắt đầu có thái độ hống hách khinh rẻ người khác, hoặc nạt nộ mắng chửi, hoặc mưu mô thủ đoạn, hoặc sa đọa đồi trụy,… Tiếp theo, việc hết phước là tài năng biến mất dần dần. Theo luật Nhân quả, phước đức sinh ra tài năng. Phước hết, tài năng sẽ mất theo…”

Nhân quả của tâm kiêu mạn

Theo nhân quả, ai kiêu căng nghĩ mình cao, người ấy sẽ rơi xuống thấp. Thế nào là rơi xuống thấp? Có bốn dấu hiệu:

– Thứ nhất là nhan sắc suy giảm. Gương mặt xấu dần.

– Thứ hai tài năng, sự thông minh suy giảm. Công việc ta làm không còn hiệu quả nữa.

– Thứ ba là nhân cách suy giảm. Ta bắt đầu bỏn xẻn, ích kỷ, gian tham một chút. Tuy không vi phạm luật pháp nhưng phạm vào luân lý, cũng khiến người khác chê cười.

– Mức độ thứ tư là vi phạm luật pháp. Ta bắt đầu làm những chuyện tàn ác, đồi bại, vi phạm pháp luật, quyền công dân và danh dự đều mất, phải vào tù, thậm chí đọa địa ngục sau khi chết.

Đây là hệ quả đau đớn nhất, chỉ vì trong tâm có tự cao mà không kiềm chế trừ diệt được. Trong thẳm sâu, kiêu mạn luôn chi phối tâm hồn ta, những ý niệm tự khen mình liên tục sôi trào, rất khó trừ diệt. Chúng ta chiến đấu cho đến ngày chứng A La Hán thì kiêu mạn mới thật sự chấm dứt.

Ngày ngày ta hãy quỳ trước Phật và tâm nguyện: “Xin Phật gia hộ cho con lúc nào cũng biết rằng mình kém dở, xin gia hộ cho con thấy được cái hay của mọi người mà con yêu thương quý trọng”.

Kiên trì suốt ba năm như vậy thì nhân quả mới hình thành, sự gia hộ của chư Phật sẽ theo ta hết kiếp này đến kiếp kia, gìn giữ cho ta cái tâm khiêm tốn, cho đến khi chứng Thánh quả. Đừng ai cho rằng tự mình có thể tốt được, bởi đây cũng là ý nghĩ khởi lên từ cái tâm kiêu mạn.

“Vô minh nên dễ xem thường
Biết rồi rất sợ vướng đường kiêu căng
Vướng rồi mọi lỗi đều tăng
Phước tàn, thân phận chỉ bằng thú hoang.
Mỗi ngày cúi lạy Phật tràn
Xin tâm khiêm hạ muôn ngàn kiếp sau
Chưa vô ngã được, dám đâu
Một giây kiêu mạn khổ sầu rất lâu”

Tâm kiêu mạn là gì? Làm thế nào để dẹp tan lòng kiêu mạn?

2. Làm thế nào để dẹp tan lòng kiêu mạn?

Để tránh được sự kiêu căng, ngạo mạn thì người Phật tử cần phải học đức tính khiêm hòa. Nhờ đức tính khiêm hòa mà việc tu hành của mình dễ dàng tiến bộ. Sống với tâm khiêm hòa, đời sống mình sẽ phù hợp với đạo lý chân thật, gia đình sẽ êm ấm an lạc, mọi người đều hoan hỷ hòa đồng, lấy tôn trọng và yêu thương mà đối đãi. Và, chỉ khi nào ý thức được tính tàm quý của mình, sống có chánh niệm, thì lúc ấy mới nhận ra “cái tôi chẳng là gì cả”, bấy giờ tinh thần lục hòa mới rõ bày làm tiêu tán đi cái ý nghĩ “mặc-kệ-nó”.

Đức Thế Tôn từng khuyến cáo, nếu trần gian này không có tàm quý thì chỉ có “con” mà không có “người”.

Mục tiêu tranh đấu của người Phật tử là diệt tham, sân, si, mạn, nghi và các biến tướng từ những tâm sở bất thiện. Tối sáng, có không, ác thiện chỉ nằm trong khoảnh khắc úp ngửa bàn tay… Tu sửa trong từng sát-na, tĩnh lặng mà nghe thấy suy xét lòng mình thử hỏi.

Người nhận mình là một Phật tử, trước hết phải giảm dần và tẩy xua lục dục cho đến khi sạch trong, khoác áo tịnh thiền siêng năng giáo lý Phật-đà mà từng bước thoát khỏi vòng vô minh. Muốn được như vậy thì bỏ tính kiêu mạn, không tự khen mình mà chê bai kẻ khác. Nếu không như thế sẽ vấp vào hố hầm sở tri chướng, đem chút vốn liếng nhỏ mà khoe người. Đó cũng là một cách sửa mình cũng là một cách cứu mình.

Đọc lại câu chuyện dân gian kể về người bắn cung và người rót dầu vào lỗ đồng tiền, kỳ thật thì chẳng ai hơn ai khi đó là một thao tác được tập thành nhiều.

Trong phút giây bất chợt nào đó, soi lại mình, ngẫm tưởng lời Phật dạy “chúng sanh là Phật sẽ thành”, ai cũng có một Đức Phật trong tâm. Ta chỉ cần nhận biết và kính trọng mọi người, biết khiêm hạ tôn kính nhún nhường để tìm thấy một ngọn đèn sáng trong tâm họ và để thấy mình chẳng hơn gì người ấy mà cảm nhận sự công bằng gần gũi cảm thông đồng thời sẵn lòng tha thứ tha nhân nếu họ mắc lỗi lầm và cũng vì họ mà mình kiên trì tu tấn hơn.

“Thuở quá khứ, tiền thân Phật là Thái tử Tu-đại-noa nguyện tu hạnh bố thí bất nghịch như ý. Đề-bà-đạt-đa đến xin tất cả, xin luôn cái đầu của thái tử. Trong tâm niệm thánh thiện nhất, việc làm của Đề-bà-đạt-đa đã nâng tâm của thái tử lớn đến độ cao nhất, thành tựu pháp bố thí Ba-la-mật. Phải có người làm hạnh ác như Đề-bà-đạt-đa đến xin mới có dịp bố thí, tạo môi trường cho Bồ-tát hành đạo”. (Lược giải kinh Pháp hoa – HT.Thích Trí Quảng).

Nơi đây một mình, niệm câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, lắng lòng chiêm ngưỡng hơi thở nhẹ nhàng trôi đến đâu trong thế giới an lành riêng mình đến khi thả tiếng chuông đồng xả buông phiền não, khoan khoái đứng dậy và nhận ra mình không nghĩa lý gì với kho tàng kiến thức của nhân loại, mình không nghĩa lý gì so với đức hạnh cao vời của tiền nhân, mình chỉ là hạt bụi trong cõi tịnh Như Lai.

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Tâm thức của vợ ảnh hướng đến sự thành bại của chồng ra sao?

Định Tuệ

Thế gian không có một thứ chi là của mình

Định Tuệ

Đời người như giấc mộng, chỉ là một giấc mộng dài mà thôi

Định Tuệ

Thập nhị nhân duyên là gì? Ý nghĩa và nội dung của 12 nhân duyên

Định Tuệ

Không dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học cho vườn rau

Định Tuệ

Tu mót: Được một phút tốt một phút, được một giờ tốt một giờ

Định Tuệ

Sống an vui có đơn giản không? Làm sao để sống an vui, hạnh phúc?

Định Tuệ

Nghĩ mình còn trẻ, thọ mạng còn lâu dài, nghĩ vậy là sai rồi

Định Tuệ

Ghi nhớ cái tốt của người mới có thể hòa thuận, hóa giải xung đột

Định Tuệ

Viết Bình Luận