Đạo lý của cảm ứng rất sâu, sự tích của cảm ứng cũng rất rộng. Sách xưa dạy chúng ta, trong thế xuất thế gian pháp, đặc biệt là thiện pháp, tín tâm là nhân tố thành tựu đệ nhất.
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Đạo lý của cảm ứng rất sâu, sự tích của cảm ứng cũng rất rộng. Người xưa khuyến khích chúng ta rất nhiều, thương yêu chu đáo mọi bề. Sách xưa dạy chúng ta, trong thế xuất thế gian pháp, đặc biệt là thiện pháp, tín tâm là nhân tố thành tựu đệ nhất. Bất luận là mong cầu đạt được quả báo hạnh phúc mỹ mãn ở ngay trong đời này; hay là học Phật, hy vọng ngay trong đời này có thể vãng sanh Tịnh Độ, thân cận A Di Đà Phật cũng đều do ở tín tâm. Đặc biệt phải nên cảnh giác, Trong kinh Phật thường nói: “Thế gian vô thường, quốc độ mong manh”. Thọ mạng của con người rất là ngắn ngủi, một hơi thở ra mà không hít vào thì đã qua đời khác. Cho nên, chúng ta có một niệm tín tâm, chính là một niệm thiện căn; niệm niệm tín tâm chính là niệm niệm thiện căn tăng trưởng. Phải nên nhanh chóng nỗ lực, nhất định không thể chờ đợi. Nếu như bạn cho rằng vẫn còn ngày mai, vẫn còn năm tới, cứ nhởn nhơ nhàn nhã như vậy, thì một đời này sẽ luống qua uổng phí, đến lúc lâm chung có hối hận cũng không kịp. Cho nên, chúng ta phải xây dựng tín tâm, phải tinh cần nỗ lực.
Phật pháp bất luận là tông phái nào, Hiển giáo, Mật giáo. Tổ sư đại đức đều dạy chúng ta phải tu từ căn bản. Cái gì là căn bản? Tâm là căn bản. Trong thế pháp (pháp thế gian), Quản Trọng đã nói: “Hỷ khí nghênh nhân, như huynh đệ. Nộ khí nghênh nhân, tàn ư binh qua” (vui vẻ đối với người thì tình thân như anh em, dùng lòng giận tức mà đối với người ắt hại như việc binh đao). Lời nói này rất có đạo lý. Nhà Phật thì dạy chúng ta: “Tiếu diện nghênh nhân” (tươi cười đối với người). Các vị xem đạo tràng của nhà Phật, kiến trúc trước tiên là điện Thiên Vương. Trong điện Thiên Vương thờ phụng Bồ-tát Di-lặc. Tạo tượng Bồ-tát Di-lặc là tạc tượng giống Hòa Thượng Bố Đại. Đây chính là dạy chúng ta phải dưỡng tâm, phải tu tâm, tâm phải lớn, phải biết bao dung tha thứ, phải biết lấy hoan hỷ mà đối đãi với tất cả chúng sanh, với tất cả mọi người. Đây là điều đầu tiên trong giáo dục của Phật-đà. Thành tựu của một người chính là ở đức hạnh. Đức hạnh chính là sự vận dụng của học vấn chân thật, của trí huệ chân thật.
Khổng Tử là một người dân thông thường không có địa vị, không có tiền của, vì sao Ngài có thành tựu thù thắng như vậy? Thích-ca Mâu-ni Phật tuy sinh ra trong hoàng tộc nhưng Ngài đã xả bỏ hết địa vị, tiền của, trải qua một đời sống bình dân thông thường. Thành tựu của Ngài là gì? Thực tế mà nói chính là một tấm lòng thương yêu thanh tịnh, bình đẳng, yêu thương hết thảy chúng sanh. Chúng tôi trong quá trình tu học bốn mươi mấy gần năm mươi năm này, tổng kết lại những lời giáo huấn của Phật Bồ-tát đã tìm ra một cương lĩnh. Nếu khởi tâm động niệm, lời nói hành động của chúng ta đều không trái nghịch với cương lĩnh này, y giáo phụng hành thì tự nhiên sẽ có thành tựu. Một đời tu học của tôi không có che giấu một điều gì, tất cả đều phụng hiến cho mọi người. Trước tiên phải tu tâm chân thành, không nên sợ người ta dùng giả dối để đối đãi với mình. Chúng ta phải dùng tâm chân thành đối đãi với người, phải nên biết, họ dùng tâm giả dối đối đãi với ta là đương nhiên, tại sao vậy? Vì họ không hiểu rõ chân tướng sự thật, họ không biết được tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là đồng một duyên khởi, họ không biết được hư không pháp giới là do một niệm trong tự tánh biến hiện ra, cho nên họ dùng tâm không thành thật để đối nhân tiếp vật là đương nhiên mà thôi. Phật Bồ-tát thì biết rõ rồi, chúng tôi tiếp nhận Phật pháp, hun đúc cũng gần năm mươi năm rồi, chúng tôi đã hiểu rõ ràng. Sau khi hiểu rõ rồi mà vẫn còn dùng tâm giả dối để đối đãi với người thì đó là tội lỗi. Không hiểu rõ thì không hề gì, hiểu rõ rồi thì không thể được. Phải dưỡng cái tâm chân thành của chính mình.
Tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh chính là xả bỏ tất cả chấp trước, buông bỏ thị phi nhân ngã (việc đúng sai giữa ta và người), những thứ này không để ở trong tâm thì tâm bạn liền được thanh tịnh.
Dưỡng tâm bình đẳng của chính mình, lìa khỏi tất cả vọng tưởng phân biệt, rời khỏi tất cả thị phi cao thấp thì tâm liền bình đẳng. Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng chính là tâm chân thành, chính là tâm giác ngộ. Dùng cái tâm này nhìn tất cả chúng sanh, nhìn tất cả vạn vật, thì tâm thương yêu tự nhiên liền lưu lộ ra. Cho nên, đề kinh Vô Lượng Thọ nêu ra cương lĩnh tu hành, là năm chữ: “Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác”. Pháp môn Tịnh Độ chính là hạ công phu dựa trên thanh tịnh, bình đẳng. Thanh tịnh, bình đẳng là giác. Giác chính là chân thành, giác chính là từ bi. Đây là dưỡng tâm.
Mỗi giờ, mỗi phút, niệm niệm quan tâm đến tất cả chúng sanh, đặc biệt là quan tâm đến chúng sanh khổ nạn. Phạm vi của sự khổ nạn rất sâu, rất rộng. Trong xã hội ngày nay, người có địa vị, có tiền của, họ cũng đang có khổ nạn. Việc này hầu hết người thế gian không để ý. Họ bị khổ nạn ở chỗ nào vậy? Sau khi chết rồi họ liền đọa tam đồ, họ làm sao mà không khổ, làm sao mà không gặp nạn? Những người này mê muội trong ngũ dục lục trần, không thể tự giác ngộ. Họ học Phật, thực tế mà nói, kiểu học Phật của họ là tiêu khiển Phật pháp, bỡn cợt Phật pháp, đối với Phật pháp không biết một tí gì, họ không có duyên phận nghe kinh, nghiên cứu giáo lý. Duyên phận của họ là ở trong cái sân khấu thế gian này. Người thế gian thấy hạng người này sống rất hạnh phúc, có không ít người ngưỡng mộ, thảy đều là sai lầm! Những ngày tháng hoan lạc đó của họ có thể có được mấy ngày? Sau khi qua hết rồi thì họ trầm luân vào trong ba đường ác. Sự việc này Phật Bồ-tát nhìn thấy rất rõ ràng, đây là chúng sanh khổ nạn. Chúng sanh không thấy được loại khổ nạn này, còn những cái khổ thiếu hụt cơm áo ở trước mắt thì thấy rất rõ ràng, rất dễ thấy.
Bạn nhìn thấy những người đại phú đại quí không biết học Phật, không biết tu tâm, trong khoảng chớp mắt là đọa ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Bạn không thể thấy được loại khổ nạn này, nên mọi người chúng ta bỏ sót mất. Có những người hiện đang sống trong cảnh nghèo cùng thấp kém, nhưng họ một ngày từ sớm đến tối luôn luôn niệm Phật. Chúng ta hãy xem họ, qua vài năm nữa thì họ vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc làm Phật, làm Bồ-tát, họ sẽ không còn khổ nạn nữa. Người thế gian thì điên đảo, họ chỉ nhìn thấy trước mắt, mà không nhìn được sâu xa. Nếu chúng tôi không học Phật, không có những năm tu dưỡng này thì chúng tôi cũng không biết, chúng tôi làm gì có thể nghĩ đến những sự việc này chứ?
Thánh Hiền, chư Phật Bồ-tát thế xuất thế gian đều có tâm từ bi. Nhà Phật thường nói: “Lấy từ bi làm gốc, lấy phương tiện làm cửa”, chính là cái tâm này. Lấy phương tiện khéo léo áp dụng trong đời sống, áp dụng trong đối nhân xử thế để giáo hóa chúng sanh. Áp dụng vào trong đời sống là tự mình làm; áp dụng trong đối nhân xử thế tiếp vật là hóa độ người khác. Tự hành, hóa tha dựa trên tâm Chân Thành – Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Chánh Giác – Từ Bi. Họ thành tựu sự nghiệp của Thánh Hiền, siêu phàm nhập Thánh. Đối với việc hiếu đạo, họ có thể tận hiếu. Đối người tiếp vật thì họ có thể nhân từ, có tình thương yêu với mọi người mọi vật. Gặp việc thiện, họ sanh tâm hoan hỷ, thành tựu việc tốt cho người. Gặp việc ác, họ có thể nhẫn chịu. Bạn tỉ mỉ mà quan sát những người đó, một niệm chân thành, hòa hợp êm thấm, nên phước đức của họ không thể tính đếm được.
Từ nơi Đức Thế Tôn, từ Đức Khổng Tử, chúng ta có thể nhìn thấy ra được. Khổng lão phu tử một đời đối nhân xử thế là “Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Nhượng” (ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm, nhường nhịn). Chúng ta đọc sách, tu hành thì hai vị Đại đức này là mẫu mực cho chúng ta. Phật pháp không phải là tôn giáo mà là Sư đạo. Hay nói cách khác, Đức Khổng Tử và Đức Phật Thích Ca đều là tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Cả hai người này, nếu dùng lời hiện nay mà nói, thì đều là người làm công tác giáo dục, người thế gian tôn xưng các Ngài là nhà giáo dục xã hội. Chúng ta là đệ tử của Thánh hiền, phải nên học tập theo các Ngài, noi theo các Ngài. Ấn Quang Đại sư đặc biệt giới thiệu quyển sách này để cho chúng ta có chỗ mà bắt tay vào làm. Đây chính là phương tiện khéo léo mà trong Phật pháp đã nói, là phương tiện cơ bản trước tiên nhất.
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 3
Tâm Hướng Phật/St!