Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Phật pháp chẳng có gì khác, buông xuống là được

Đại Thừa là trí huệ, vô lượng thọ là đức, trang nghiêm là tướng. Quý vị thấy hết thảy đều trọn đủ, vốn tự trọn đủ, chẳng khiếm khuyết. Vì thế, Phật pháp chẳng có gì khác, buông xuống là được!

Câu tiếp theo là “dĩ thập chủng”. “Thập” chẳng phải là con số mà là tỷ dụ, tỷ dụ điều gì? Vô lượng, viên mãn. Hoa Nghiêm dùng “thập” để biểu thị pháp, kinh Di Đà dùng “thất” để biểu thị pháp, đều chẳng phải là con số, mà nhằm tượng trưng cho sự viên mãn. “Thất” tượng trưng cho viên mãn: Bốn phương, trên và dưới là “lục”, lại còn có chính giữa, thành “thất”. “Thất” biểu thị pháp, viên mãn. “Thập” là con số tượng trưng, từ một đến mười là con số viên mãn, nó [được sử dụng] nhằm biểu thị pháp, cho nên “thập” tượng trưng sự viên mãn. Cũng giống như vậy, câu kế tiếp là: “Vô lượng vô số”, vô biên, vô tận, dùng theo ý nghĩa này. “Bách thiên A-tăng-kỳ” (trăm ngàn A-tăng-kỳ), A-tăng-kỳ (Asamkhya) là một đơn vị số lượng lớn của Cổ Ấn Độ, nó là một trong mười con số lớn. “Nhân duyên, thành Đẳng Chánh Giác xuất hưng ư thế”, chúng ta có thể tin tưởng lời này hay chăng? Có thể tin tưởng! Chắc chắn chẳng phải là một mình chúng ta, chúng ta ở nơi đây tưởng Phật, Phật bèn xuất hiện trong cõi đời, chẳng phải là như vậy! Bao nhiêu chúng sanh có duyên với Phật, do cộng nghiệp sở cảm, Phật bèn xuất hiện trong thế gian, chẳng đơn giản! Nếu chúng ta suy nghĩ lại, nay chúng ta là cái thân nghiệp báo, mang theo nghiệp đến thế gian này, tìm được cha mẹ, chúng ta sanh trong nhân gian, có bao nhiêu nhân duyên? Thưa quý vị, cũng giống như vậy, cũng là do “mười thứ vô lượng, vô số, trăm ngàn A-tăng-kỳ nhân duyên” mà chúng ta đến thế gian này. Trong các duyên ấy có nhiễm, có tịnh, có thiện, có ác. Phật, Bồ Tát xuất hiện, duyên ấy là thanh tịnh, là thiện. Chúng ta đến thế gian này, xả thân, nhận thân, luân hồi trong lục đạo, duyên ấy là nhiễm duyên, bất thiện duyên. Vì thế, bất luận một pháp nào cũng đều do vô lượng nhân duyên thành tựu. Phàm là nhân duyên thành tựu, phải biết nó chẳng có tự tánh, chẳng có tự thể. Trung Quán Luận nói: “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không” (pháp sanh bởi nhân duyên, ta nói nó là không), đức Phật nói như vậy. Vì thế, “đương thể tức thị không, liễu bất khả đắc” (bản thể của nó chính là không, trọn chẳng thể được), quý vị có thể thưởng thức nó, chứ chẳng thể khống chế, chẳng thể chiếm hữu. Đấy là đúng! Quý vị hoàn toàn làm đúng. Nếu quý vị muốn khống chế, toan chiếm hữu, sai rồi! Quý vị tạo nghiệp! Bất luận quý vị tạo tác ra sao, đều chẳng thể khống chế được, mà cũng chẳng chiếm hữu được! Đấy là nói thật với quý vị. Khi quý vị có ý niệm ấy, trong tâm bị ô nhiễm, chẳng thanh tịnh, tâm thanh tịnh mất đi, tâm bình đẳng bị mất, đấy là [những tâm được nhắc đến trong] đề mục kinh Vô Lượng Thọ, tâm giác ngộ bị mất đi. “Thanh tịnh, bình đẳng, giác” là Tánh Đức mà quý vị sẵn có, quý vị vốn là như vậy. Một niệm sai lầm, cả ba thứ ấy đều bị mất, chẳng còn thanh tịnh, biến thành nhiễm ô; chẳng còn bình đẳng, biến thành kiêu căng, ngạo mạn; chẳng còn giác, biến thành ngu si, hồ đồ, biến chất rồi! Do vậy, người thật sự tu hành phải biết: Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, gìn giữ “thanh tịnh, bình đẳng, giác” của chính mình, thật sự tu hành. Thật sự tu hành thì quý vị phải nghĩ Thích Ca Mâu Ni Phật đã nêu gương cho chúng ta, thật sự buông xuống. Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, tâm địa Phật thanh tịnh, cái gì cũng đều chẳng có, nhưng điều gì Ngài cũng đều biết, đều trọn đủ, chẳng có mảy may khiếm khuyết nào, vì sao? Tánh Đức là viên mãn, chẳng thể nghĩ bàn, thật đấy, chẳng giả đâu!

Tiếp đó là nói: “Nãi chí quảng thuyết như thị đẳng vô lượng nhân duyên. Duy vi nhất đại sự nhân duyên, đại sự nhân duyên giả hà? Duy dục chúng sanh khai thị Phật tri kiến cố” (Cho đến rộng nói vô lượng nhân duyên như thế, chỉ là một đại sự nhân duyên. Đại sự nhân duyên gì vậy? Chỉ vì muốn khai thị tri kiến của Phật cho chúng sanh). “Duy” là “duy độc” (唯獨: chỉ có một), hy vọng khai thị tri kiến của Phật cho chúng sanh. Phật tri Phật kiến là trí huệ Bát Nhã vốn sẵn có trong tự tánh. Tiếp theo là nói: “Phù Hoa Nghiêm Kinh nãi Thế Tôn tối sơ sở sáng ngôn” (kinh Hoa Nghiêm là do đức Thế Tôn đã nói ra đầu tiên), Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trên thế gian này, khi thành Phật, bộ kinh đầu tiên được Ngài giảng là kinh Hoa Nghiêm, đó là kinh được giảng trước hết, Tiểu Thừa chẳng thừa nhận, vì sao? Đức Phật giảng trong Định, chúng ta là những kẻ bình phàm, thấy Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi yên dưới cội Bồ Đề trong mười bốn ngày. Ngài tịnh tọa dưới cội Bồ Đề hai tuần mới xuất Định, làm sao chúng ta biết được? Ở trong Định, Ngài vì hàng Pháp Thân Bồ Tát giảng kinh Hoa Nghiêm, đó chính là gì? Ngài đã khai ngộ, minh tâm kiến tánh, tánh là như thế nào? Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh chính là báo cáo chi tiết tường tận với mọi người. Huệ Năng đại sư khai ngộ đã trình lên Ngũ Tổ Nhẫn hòa thượng hai mươi chữ. Huệ Năng đại sư khai ngộ chẳng khác gì Thích Ca Mâu Ni Phật khai ngộ, hoàn toàn bình đẳng. Sau đấy, chúng ta mới biết, hai mươi chữ của Huệ Năng triển khai thành Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh cô đọng thành hai mươi chữ ấy, tuyệt diệu! Một đằng là nói chi tiết, một đằng là chỉ nêu cương lãnh. Do vậy, Huệ Năng đại sư có thể giảng kinh Hoa Nghiêm hay không? Không ai khải thỉnh, không ai tìm Ngài. Nếu thật sự muốn khải thỉnh, xin Ngài giảng kinh Hoa Nghiêm, Ngài sẽ giảng giống hệt Thích Ca Mâu Ni Phật, thật đấy, chẳng giả! Đây cũng là chỉ dạy cho chúng ta biết phải học Phật như thế nào, chẳng cần dùi mài nơi kinh giáo. Dùi mài kinh giáo khổ chẳng thể nói nổi. Vì sao? Trí huệ chẳng khai. Học được gì? Học bề ngoài, học văn tự bề ngoài, nói theo danh từ hiện thời là “Phật học”, chẳng phải là “học Phật”. Học Phật thì phải khai ngộ giống như Phật, trọn chẳng phải là trong lòng ghi nhớ những thứ của Phật, trong tâm ghi nhớ những thứ của Phật sẽ biến thành gì? Biến thành Sở Tri Chướng, vẫn là chướng ngại quý vị minh tâm kiến tánh; nhưng như thế nào? Nói chung, chẳng hề chướng ngại quý vị vãng sanh, chỉ chướng ngại quý vị kiến tánh. Quý vị chẳng thấy được tánh, sẽ chướng ngại quý vị chứng quả. Chắc chắn tạo thành chướng ngại! Nhưng nếu quý vị sốt sắng niệm Phật cầu vãng sanh, vẫn phải vứt bỏ những thứ ấy, quý vị dùng cái tâm thanh tịnh sanh vô lượng thọ, sanh vào cõi Cực Lạc. Tâm không thanh tịnh sẽ chẳng đến được thế giới Cực Lạc, phải hiểu điều này. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm được nói đầu tiên.

“Pháp Hoa kinh nãi mạt hậu chi thùy giáo” (kinh Pháp Hoa là lời dạy lúc sau cùng), nói một kinh lúc ban đầu, nói một kinh cuối cùng. “Tự thỉ chí chung, duy vị thử đại sự nhân duyên, dục linh chúng sanh khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến” (từ đầu đến cuối, chỉ vì một đại sự nhân duyên này: Muốn làm cho chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật). Có nghĩa là gì? Tiếp đó, cụ viết: “Diệc tức dục nhất thiết chúng sanh khai minh bổn tâm, đồng Phật tri kiến, đẳng thành Chánh Giác dã” (cũng là muốn cho hết thảy chúng sanh khai minh bổn tâm, có cùng tri kiến như Phật, cùng thành Chánh Giác), đây là lời giải thích. Tri kiến của Phật là gì? Tri kiến của Phật là bổn tâm của quý vị. Bổn tâm của quý vị giống như Huệ Năng đại sư đã nói: “Nào ngờ tự tánh”, đó chính là bổn tâm. “Vốn tự thanh tịnh, vốn tự trọn đủ”, trọn đủ gì? Chẳng thiếu thứ gì, viên mãn! Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, dùng câu này có thể giải thích câu “nào ngờ tự tánh, vốn tự trọn đủ” của Huệ Năng đại sư, trọn đủ gì? Trọn đủ trí huệ và đức tướng của Như Lai. Trí huệ và đức tướng là gì? Dùng ngay bản kinh này để nói sẽ là “Đại Thừa vô lượng thọ trang nghiêm”, Đại Thừa là trí huệ, vô lượng thọ là đức, trang nghiêm là tướng. Quý vị thấy hết thảy đều trọn đủ, vốn tự trọn đủ, chẳng khiếm khuyết. Vì thế, Phật pháp chẳng có gì khác, buông xuống là được!

Thuở ấy tôi học Phật, người xuất gia tôi được gặp đầu tiên là Chương Gia đại sư do một người bạn giới thiệu. Thời Mãn Thanh, người bạn ấy là một vị thân vương[5], tức Mẫn thân vương. Thanh triều sụp đổ, ông ta trở thành thường dân, chúng tôi mới có duyên quen biết. Ông ta là đệ tử của Chương Gia Lạt Ma, tôi vừa mới tiếp xúc Phật pháp, xem kinh nơi đó. Ông ta trông thấy, bảo: “Ông xem kinh có liễu giải hay không?” Tôi nói: “Không được! Tham cứu ý nghĩa không ra”. Ông ta hỏi: “Có muốn tìm một vị thầy chỉ điểm hay không?” Tôi hỏi: “Ai?” Ông ta đáp: “Chương Gia đại sư”. Tôi nói vâng! Tôi cũng chẳng biết Chương Gia đại sư là ai, do ông ta có lòng tốt, tôi nói vâng, có người chỉ điểm thật tốt quá. Ông ta bèn dẫn tôi đến gặp Ngài. Tôi gặp mặt đại sư, câu đầu tiên là hướng về Ngài thỉnh giáo, tôi nói: “Thầy Phương đã giới thiệu kinh Phật cho con, con biết cái hay của Phật pháp, nhưng có phương pháp nào để con khế nhập rất nhanh hay chăng?” Tôi nêu câu hỏi như thế. Ngài nhìn tôi, tôi cũng nhìn Ngài, chúng tôi nhìn nhau tới nửa giờ, Ngài buông một chữ: “Có!” Tôi đợi cả nửa tiếng đồng hồ mới được một chữ “có”, tinh thần phấn chấn trở lại. Ngài lại chẳng nói gì, lại đợi khoảng sáu bảy phút, Ngài bảo tôi sáu chữ: “Thấy thấu suốt, hãy buông xuống”. Phương pháp này của lão nhân khiến tôi cảm thấy rất kinh ngạc! Đơn giản như thế, vì sao? Tôi hỏi quý vị, quý vị hãy nên trả lời, cớ sao phải đợi nửa giờ rồi mới trả lời? Ước chừng mười mấy, hai mươi năm sau, tôi mới hoát nhiên đại ngộ: Thuở ấy, tôi tuổi trẻ, nhất định là tánh tình bộp chộp, hời hợt, cho nên thầy nhìn tôi, để tôi buông toàn bộ vọng niệm xuống, tập trung tinh thần, dùng tâm thanh tịnh nghe Ngài răn dạy; nhưng Ngài nói “có”, tinh thần của tôi phấn chấn, chẳng phải là lại bộp chộp, phập phều ư? Vì thế, lại phải nén xuống, khiến cho tôi nghĩ đến ý vị giáo học của cổ nhân, đến lúc đó, tôi mới mấp mé nếm được đôi chút, ngôn ngữ hết sức đơn giản. Ngài dạy chẳng sai, từ khi chúng tôi bắt đầu học kinh giáo cho tới hiện thời, năm mươi chín năm, giảng kinh cũng đã giảng được năm mươi hai năm mới hiểu rõ. Sở dĩ, người hiện tại học những thứ này nọ chẳng tốt đẹp, đó là lẽ đương nhiên, vì sao? Hời hợt, bộp chộp, kém xa tôi, làm sao có thể học được gì? Thuở ấy, tôi nghĩ mình cũng khá lắm, nhưng trước mặt Chương Gia đại sư vẫn chưa được, chưa đủ tư cách, vẫn phải ngồi với Ngài nửa tiếng, lão nhân gia mới mở kim khẩu. Hiện thời tìm đâu ra loại học trò này? Nếu học trò nêu câu hỏi với tôi, mà tôi cả nửa giờ chẳng trả lời, hắn bèn quay ngoắt mình bỏ đi, điều gì cũng không nghe nữa! Tôi vẫn còn là khá lắm, còn có thể thật sự chờ đợi. Vì thế, cổ nhân dạy học, truyền đạo chẳng giống người hiện thời, họ thật sự có những thứ [để trao truyền].

Do vậy, nói toạc chuyện này ra, với mong muốn hết thảy chúng sanh sẽ khai minh bổn tâm. Khai minh bổn tâm là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh; có cùng tri kiến với Phật, sở chứng hoàn toàn giống như mười phương chư Phật Như Lai. Đó gọi là “thành Đẳng Chánh Giác”: “Đẳng” (等) là bình đẳng, thành Chánh Giác, Chánh Giác ở đây là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. “Bổn kinh hưng khởi nhân duyên diệc phục như thị” (nhân duyên hưng khởi kinh này cũng giống như thế), chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa, trực tiếp giúp chúng sanh khai minh bổn tâm, có cùng tri kiến với Phật, chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đây là xếp kinh Vô Lượng Thọ Kinh bình đẳng với kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Không chỉ là bình đẳng, mà còn vượt trội, đến phần sau sẽ trình bày. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa dẫn đường cho chúng ta nhập Vô Lượng Thọ, điều này có chứng cứ. Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, rành rành là mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc. Do vậy, Vô Lượng Thọ là chỗ quy túc, chỗ tổng kết của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Quý vị biết pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn, không thể suy tưởng, điều này mới khiến cho chúng ta thật sự nhận biết vị trí của bộ kinh này trong Phật pháp, chẳng kinh nào có thể sánh bằng! Thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch, mới biết có được kinh này chẳng dễ dàng! Đã có được là may mắn lắm thay!

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 10
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Tam khổ là gì? Cái gì làm cho ta đau khổ nhiều nhất?

Định Tuệ

Vì sao cha mẹ bây giờ khó dạy con mình?

Định Tuệ

Một danh hiệu A Di Đà Phật đầy đủ tất cả phương pháp tu hành

Định Tuệ

Thân người khó được, Phật pháp khó nghe

Định Tuệ

Thực thời ngũ quán: 5 điều quán tưởng trước khi ăn cơm

Định Tuệ

Hai việc cực ác và cực thiện nhất thế gian là những việc gì?

Định Tuệ

Khuyên người niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ

Định Tuệ

Mục đích chánh yếu của việc đi chùa là gì?

Định Tuệ

Táo thần là thật có, quyết không phải là giả

Định Tuệ

Viết Bình Luận