Nói rằng Tịnh độ môn là pháp môn cực viên đốn, thù thắng vi diệu vô thượng là thế nào? Là so với Tông môn, mà nói. Chúng ta hãy phân tách kỹ như sau.
61- Hỏi: Người niệm Phật mới “Nhập tâm”, để nuôi lớn mức nhập tâm nên quyết đóng cửa tịnh tu, cắt đứt mọi quan hệ bên ngoài như: Không tiếp xúc bạn đồng tu, không làm những Phật sự lặt vặt hằng ngày… Như vậy có lỗi là chấp pháp, ích kỷ, thiếu trí huệ không?
Đáp: Hành giả niệm Phật mới nhập tâm cần được tích cực huân trưởng mức nhập tâm để tiến lên Bất niệm tự niệm hầu bảo đảm vãng sanh. Có tự độ được mình mới mong độ được người khác chứ (tự độ để độ tha). Ví như không biết lội mà nhảy xuống sông vớt người chết đuối thì cả hai đều bị chết chìm là việc dĩ nhiên.
Đành rằng mình có chấp pháp mà không vị kỷ, và không phải thiếu trí huệ (mà là người đại trí). Người xưa nói: “Trạch thiện cố chấp” nghĩa là chọn việc thiện rồi giữ vững việc thiện ấy. Mình còn non kém phải chấp pháp để tiến tu hầu độ đời.
62- Hỏi: Hành giả tịnh nghiệp tinh tấn niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, mà hằng ngày bị người bạn đời ngăn cấm, cản trở, gây khó khăn mọi điều, lại đốt phá kinh sách, hình tượng Phật. Vậy phải làm sao đây?
Đáp: Oan gia trái chủ đấy! Nghiệp chướng, nghiệp báo đấy! Ngoại khảo đấy!
Hiểu vậy hãy an nhiên tự tại, mặc kệ họ, không hờn trách oán hận ai hết (có chăng tự trách tiền kiếp mình quá dở), nhẫn nại chịu đựng, hoan hĩ trả nợ cho nhẹ gánh để công phu đắc lực hơn, cuối cùng vãng sanh. Nên nhớ:
– Tùy duyên nhưng bất biến, Tùy duyên nghĩa là linh động, uyển chuyển hành trì sao cho thích ứng với hoàn cảnh. Bất biến nghĩa là không để bị chao đảo, tiến chứ không thối (trọng thực chất hơn hình thức).
– Chư Tổ dạy: “Lấy chướng ngại làm duyên tiến đạo” biến nghịch cảnh làm động cơ thúc đẩy ta nguyện thiết, hành chuyên hơn.
– Kiên trì, dõng mãnh hành trì, chí thành hồi hướng công đức cho đối nhơn.
– Chư Phật, chư Bồ Tát, Thiện Thần Hộ Pháp luôn hộ niệm ta, đây là sự thử thách, là cây thước đo đức tin, đạo lực của ta. Công phu càng khó khăn, thành tựu càng nhanh và càng vẻ vang ngoài mức tưởng tượng của mình.
Nói dễ làm khó, đây không phải là lý thuyết suông, đã có hai vị thành công rồi, còn hai vị đang thực hiện, chúng tôi vững tin rằng nếu làm đúng chỉ dẫn trên, chắc chắn sẽ thành công.
Kính chúc thành tựu như ý.
63- Hỏi: Nói rằng Tịnh độ môn là pháp môn cực viên đốn, thù thắng vi diệu vô thượng là thế nào?
Đáp: Là so với Tông môn, mà nói. Chúng ta hãy phân tách kỹ như sau:
1) Cực viên đốn:
a- Thiền tông phải tu đến nghiệp sạch tình không, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, mới liễu sanh thoát tử, rồi tiến tu để thành Phật. Thời mạt pháp này, thử hỏi có mấy ai được đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh?
Trong quyển “Niệm Phật luận” của Đàm Hư đại sư, Ngài nói cả đời Ngài gặp được hoặc nghe đến những người tham thiền đến mức đắc thiền định đã là rất ít, còn người tham thiền đến khai ngộ thì không những một đời chưa gặp, mà cũng không nghe đến.
Nếu tham thiền mà không thể đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì không kể là thành công. Công phu đắc thiền định có sâu có cạn, công phu cạn thì sanh lên cõi Trời Sơ thiền, Nhị thiền. Công phu sâu thì sanh lên cõi Trời Tam thiền, Tứ thiền. Cõi Trời Tứ thiền và Tứ Không (Bát định) vẫn chưa thoát khỏi Thiên đạo (còn sinh tử luân hồi).
b- Tịnh độ tông
Người niệm Phật đới nghiệp (mang nghiệp) vãng sanh. Vãng sanh đạt vô lượng thọ, được bất thối chuyển, một đời thành Phật. Pháp môn dể tu: Bất luận tăng tục, ngu trí, vua quan, dân, nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, sang hèn, sĩ, nông, công, thương, binh, đau ốm bệnh tật… đều tu thành công dễ dàng (dễ chứng) (xin hãy đọc Phần I, dễ tu, dễ chứng).
Tăng tục Việt Nam nhờ niệm Phật dễ thành tựu nên đã vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc nhiều vô số. Điển hình, riêng tu học tại chùa Tịnh Luật thôi, trong hai năm qua đã có trên bảy chục (70) vị Tăng, Tục niệm Phật “Nhập tâm” và đạt “Bất Niệm Tự Niệm”, bảo đảm sẽ vãng sanh về Cực Lạc bất luận tình huống nào.
Có những vị Tăng, Ni, Cư sĩ nhập Phật thất ở Chùa Tịnh luật niệm Phật hai (2) ngày được “Nhập tâm” và bảy (7) ngày đạt “Bất Niệm Tự Niệm”.
Cư sĩ Châu Quảng Đại ở Hoa Thịnh Đốn chỉ biết niệm Phật mới ba (3) ngày mà được vãng sanh Cực Lạc (Phật thuyết Thanh Tịnh Tâm giảng ký do Pháp sư Tịnh Không giảng, trang 26, www.thuvienhoasen.org).
2) Thù thắng, thâm diệu vô thượng.
Kinh Đại Tập nói: “Pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh là pháp môn Vô thượng thâm diệu thiền”.
64- Hỏi: Con trường chay, Niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc trên mười năm rồi, tháng rồi đủ phước duyên con được đọc quyển sách “Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh” của Thầy, con vui mừng vô hạn không khác kẻ bần cùng được gặp của báu, con cố gắng hành trì đúng như thầy chỉ dạy, ngặt vì con quá bận rộn sinh kế, gia duyên ràng buộc. Sáng trưa chiều tối, cả ngày phải đối diện với việc làm ăn, với vợ con, quyến thuộc, mắt thấy tai nghe đều là là việc chướng đạo. Do đó con niệm Phật không nhập tâm được. Con nhất quyết đời này phải vãng sanh Cực Lạc, liễu sanh thoát tử, nên con định xuất gia, thoát tục để được rảnh rang công phu đắc lực hơn hầu đạt Bất Niệm Tự niệm như thầy chỉ dạy nhưng “bà xã” con không đồng ý vậy con phải làm sao hả thầy, xin thầy từ bi chỉ dạy con.
Đáp: Liên hữu quyết chí hiện đời phải đạt Bất Niệm Tự Niệm để bảo đảm được vãng sanh Cực Lạc là điều rất tốt. Mỗi người có biệt nghiệp riêng, phải biết tùy duyên. Đừng nghĩ người xuất gia rảnh rang, thoát tục và công phu đắc lực hơn người tại gia.
a- Về rảnh rang
Người xưa nói: “Vị trước cà sa hiềm đa sự. Trước vị cà sa sự hựu đa”. Nghĩa là chưa đắp cà sa than nhiều việc. Đắp cà sa rồi việc lại nhiều hơn. Bận rộn hay thảnh thơi ở nơi tâm mình, không ở thân nơi tại gia hay xuất gia.
Liên Tông Thập Tam Tổ Ấn Quang đại sư dạy: “Một lòng không trụ muôn cảnh đều nhàn”, nghĩa là làm tất cả mọi việc mà lòng không chấp trước, dính mắc thì luôn luôn an nhàn (tâm thảnh thơi).
b- Về xuất gia thoát tục
Xuất gia có ba nghĩa: Xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Chủ yếu là hai nghĩa sau, là xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Nếu chỉ xuất thế tục gia thôi thì còn sinh tử luân hồi (trôi lăn trong sáu nẻo).
Người xuất gia có ba hạng:
– Thân xuất gia mà tâm không xuất gia.
– Thân không xuất gia mà tâm xuất gia.
– Thân, tâm đều xuất gia (dĩ nhiên hạng người này tốt nhất).
Vì hoàn cảnh, vì chưa đủ phước duyên liên hữu làm hạng người thứ hai. Thân không xuất gia mà tâm xuất gia cũng là tốt hơn hạng người thứ nhất rồi.
Người tu Tịnh nghiệp phải lấy sự nghiệp Niệm Phật làm chánh yếu, nên Tổ sư Pháp Nhiên dạy: “Đã tu Tịnh độ thì mọi chuyện trong đời đều y theo Niệm Phật mà quyết định. Ở nhà niệm Phật được thì cứ ở nhà mà niệm Phật” (có nghĩa là không bắt buộc phải vào chùa, vào chùa mà không niệm Phật được thì ở nhà niệm Phật vẫn tốt hơn). (Niệm Phật Tông Yếu câu 71 trang 194, Pháp Nhiên Thượng nhân).
Xưa nay, mắt thấy tai nghe những người tại gia thành tựu tịnh nghiệp, vãng sanh Cực Lạc nhiều vô số kể, đâu bắt buộc phải xuất gia đâu? Điều quan trọng là:
Tại gia hay xuất gia mỗi mỗi đều có cái tốt của riêng nó. Tùy phước duyên của mỗi người không nên thiên chấp. Kinh Hoa nghiêm dạy: “Tùy duyên nhưng bất biến, Bất biến nhưng phải tùy duyên”.
– Nhìn thấu: Thấy rõ: Vạn pháp giai không, nghĩa là Tất cả các pháp bản chất nó là không, gia đình cũng vốn là rỗng rang, nên chỉ làm hết bổn phận, trách nhiệm không đắm luyến trước giờ phúc lâm chung.
– Buông xuống, xả. Xả không phải vứt bỏ mà là không dính mắc, không chấp trước. Người xưa nói: “Quạ lướt mặt hồ không để bóng. Gió lùa khóm trúc chẳng lưu vang” là ý này.
Xả một được một, xả mười được mười, xả tất cả được tất cả (xả đắc). Tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên (đúng theo sự chỉ dẫn trong sách “Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh”).
Phải có quyết tâm cao, bền lòng vững chí sẵn sàng sang bằng mọi trở ngại, chướng duyên để đạt được mục tiêu cuối cùng là vãng sanh Cực Lạc. Thành kính chúc liên hữu thành tựu viên mãn chí nguyện tự độ độ tha.
65- Hỏi: Từ ý trì ở sách này và tâm niệm ở sách khác có khác nhau không? Nếu không, tại sao phải dùng hai từ khác nhau vậy?
Đáp: Từ ý trì ở đây và tâm niệm ở các sách không khác nhau mà là một. Lý do chúng tôi không dùng từ tâm niệm mà dùng ý trì như sau:
1- Tâm niệm dễ lẫn lộn, lầm hiểu là quan niệm.
2- Chữ tâm quá trừu tượng, nghĩa quá rộng lớn.
Theo Duy thức học, có tám tâm vương năm mươi mốt tâm sở, không biết phải dùng tâm nào?
3- Trong sách “Tuyết Hư Lão nhân Tịnh Độ Tuyển Tập” Ngài Lý bỉnh Nam nói: “Ý trì vẫn có tiếng”, Ngài minh xác hai điều:
– Ý trì là một pháp trong những pháp trì danh.
– Niệm bằng ý vẫn có tiếng (đập tan mọi hiểu lầm của nhiều người cho rằng không có tiếng).
4- Để phân biệt tiến trình hành trì qua hai giai đoạn:
a. Ban đầu dùng ý (ý thức là tâm vương thứ sáu) để niệm, huân tập thuần thục sẽ được “Nhập tâm”.
b. Huân trưởng mức nhập tâm sâu, đạt “Bất Niệm Tự Niệm” lúc bấy giờ A Lại Da thức (Tâm vương thứ 8) tự động nó niệm (cũng gọi là Tự Tánh niệm, Tâm niệm). Như vậy thì tâm niệm là giai đoạn sau cùng.
Chú ý: Từ Tâm niệm có hai cách hiểu khác nhau:
1- Tâm niệm là dùng Tâm để niệm Phật (xưng danh hiệu Phật) đây là cách tôi nghĩ, cùng ý trì là một.
2- Tâm niệm là dùng Tâm để nhớ (quán) sắc thân Phật hay trí thân Phật (pháp quán tưởng) vậy thì khác với ý trì.
Trích: Niệm Phật đạt bất niệm tự niệm bảo đảm Vãng Sanh – Phần VII: Tổng Kết!