Người chân tu hành, người đại tu hành là người ngay ở trong cảnh duyên, đem những tập khí phiền não này loại bỏ thật sạch sẽ, đem những góc cạnh này mài thật nhẵn bóng, đó là chân tu hành.
Ngày nay, thế gian này người khổ rất nhiều. Thời xưa người ta có hai câu nói là “Năm tháng ngày xuân ít” (Ở trong một năm, những ngày thời tiết đẹp không nhiều), “Thế gian kẻ khổ nhiều”. Chúng ta nên nghĩ rằng, họ bị khổ với mình bị khổ không có gì khác nhau. Chúng ta nhìn thấy họ bị khổ, liền nghĩ đến chúng ta cũng khổ giống họ, quá khứ có, tương lai vẫn còn nữa. Nếu chúng ta trải qua cuộc sống như vậy thì cũng sẽ mong cầu người khác giúp đỡ, mong cầu người khác thương xót. Chúng ta hôm nay nhìn thấy rồi, nếu như không sinh tâm thương xót, không sinh ý nghĩ giúp đỡ thì khi chúng ta bị khổ bị nạn sẽ không có người quan tâm. Đây là đạo lý nhất định. Cho nên khi gặp phải thế gian khổ nạn, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo, không phân ân oán, bình đẳng như nhau, tận tâm tận lực dang tay cứu giúp. Đây là bạn thật sự giác ngộ, thật sự sáng tỏ, biết mình cần phải làm như thế nào.
Cảm Ứng Thiên câu thứ hai mươi hai, ở trong chú giải có hai câu nói rất hay: “Hiếu thiện chi tâm, nhân chi sở đồng”, hay nói cách khác, con người đều có tâm yêu thích thiện. Thế nhưng việc thiện, hành thiện cần phải có người đề xướng. Người đề xướng cũng chính là người dẫn đầu mà chúng ta thường nói, là người chân thật có lý tưởng và lòng nhân đức. Tại sao họ có thể dẫn đầu? Họ đem đạo lý mà họ đã sáng tỏ thật sự thực hiện rồi, cho nên họ có thể dẫn đầu. Lại nói: “Thiên hạ không lo không có người có sức, chỉ lo không có người phát nguyện lớn mà thôi”. Hai câu nói trên cũng là ý nghĩa này. Cho nên, người phát tâm nguyện lớn vô cùng hiếm có. Phật ở trong Kinh luận thường khuyên chúng ta phát tâm Bồ-đề. Phát tâm Bồ-đề thật sự là quá khó, nhưng không phát tâm Bồ-đề thì không thể bàn đến chuyện tu hành. Ngược lại với tâm Bồ-đề là mê hoặc. Người mê hoặc, dù cho họ có tu, nhưng thành tựu thì vẫn rất hữu hạn, cho nên nhất định phải phá mê khai ngộ.
Công phu tu hành toàn ở đời sống thường ngày. Tập khí tật xấu của bản thân chúng ta, chúng ta nhất định phải biết. Biết là giác ngộ, không biết là mê hoặc. Cứ lấy đời sống thường ngày để nói, hơi có một chút bất như ý thì liền không tự tại, không thoải mái. Chúng ta theo thói quen, nên cảm thấy điều này không sao, không hề lưu ý những hiện tượng này, đâu biết rằng những hiện tượng này chính là tạo nghiệp. Người không đọc Kinh Phật thì không biết, người chưa thể hiểu sâu nghĩa thú trong Kinh cũng không biết. Tại sao bạn không an vui? Tại sao bạn không tự tại? Còn không phải là phân biệt, chấp trước sao? Nếu bạn không có phân biệt chấp trước thì bạn đâu có loại tâm thái này?
Phân biệt chấp trước rất khó đoạn. Phần trước tôi đã kể với quí vị nghe về công án của Long vương Hồ Cung Đình, đời trước là bạn học của An Thế Cao. Long vương ở đường súc sanh. Tại sao một người tu hành lại bị đọa đến đường súc sanh? Chính là do hơi bất như ý, hơi không vui mà thôi. Vào thời đó người xuất gia đi thác bát (trì bát khất thực). Vị pháp sư xuất gia này tu rất tốt, hiểu rõ Kinh điển, Kinh giáo rất thông đạt, giảng Kinh thuyết pháp rất hay, lại ưa thích bố thí, pháp duyên thù thắng. Pháp sư như vậy hiếm có biết bao! Khi đi thác bát (trì bát khất thực), ông nhận được cơm rau không thật hợp khẩu vị của mình, trong tâm có một chút không vui. Chỉ một chút xíu không vui như vậy thì liền đọa lạc vào đường súc sanh. Chúng ta thử nghĩ, đức hạnh của chúng ta ngày nay không bằng ông; tâm sân hận, tâm phân biệt, tâm đố kỵ, tâm chấp trước của chúng ta không biết nặng hơn ông gấp bao nhiêu lần, ông còn bị làm Long vương, thử nghĩ xem, tương lai chúng ta thành cái gì? Đây đều là sự thật. Cho nên, người chân tu hành ngay trong những cảnh duyên này tức khắc giác ngộ, tức khắc quay đầu, tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng. Tâm thanh tịnh là đạo, tâm bình đẳng là đạo.
Tu hành là ngay trong đời sống thường ngày, là ngay chỗ khởi tâm động niệm phải quán chiếu tinh tế tỉ mỉ xem, ta có còn chấp trước hay không, có còn phân biệt hay không? Đối với người, với việc, với vật chúng ta có còn ưa thích, có còn ghét bỏ hay không? Việc thuận theo ý của mình thì sinh tâm hoan hỷ, không thuận ý của mình thì sinh tâm sân hận. Chỉ một mảy may sân hận, không muốn giao thiệp với người này, không muốn nhìn họ là chúng ta sai rồi. Chúng ta vẫn còn phân biệt chấp trước, chưa chịu buông xả; trong tâm vẫn còn tính toán, vẫn còn thị phi, vẫn còn được mất, vẫn còn ưa ghét, vậy làm sao được? Chúng ta vẫn là phàm phu lục đạo chính gốc. Do đó, chúng ta mới thể hội được điều mà trong Kinh Địa Tạng đã nói: “Chúng sanh cõi Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm không chi là chẳng phải tội”. Chúng ta đã lĩnh hội được câu nói này. Nếu không quán chiếu tinh tế tỉ mỉ, không soi lại thật kỹ, chúng ta thấy trong Kinh văn luôn cho rằng Ngài nói quá mức rồi. Hãy thử quan sát, thử soi lại thật kỹ, những điều trong Kinh nói, từng câu từng chữ đều là chính xác, một chút cũng không sai.
Người chân tu hành, người đại tu hành là người ngay ở trong cảnh duyên, đem những tập khí phiền não này loại bỏ thật sạch sẽ, đem những góc cạnh này mài thật nhẵn bóng, đó là chân tu hành. Tu hành luyện công phu ở đâu thì chúng ta đã hiểu rõ rồi. Hiểu rõ rồi thì phải thật làm. Ở trong đời sống thường ngày, đối nhân xử thế tiếp vật không có gì khác, chính là một câu “nhìn thấu, buông xuống”. Nếu có một mảy ý niệm khởi lên thì phải đem ý niệm này buông xuống. Biết trong tâm thanh tịnh, trong tâm bình đẳng, ở trong chân tâm không có mảy may ý nghĩ. Có mảy may ý nghĩ khởi lên, đó chính là vô minh khởi lên rồi. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Nếu chúng ta không dụng công phu ở trên chỗ này thì sao có thể thành tựu được?
Tịnh Tông dụng công quả thật thuận tiện hơn pháp môn khác rất nhiều. Tịnh Tông là đề khởi một câu Phật hiệu, vừa khởi tâm động niệm thì tự mình phát giác rồi, người xưa gọi là “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Ý nghĩ thứ nhất mới vừa khởi, bạn lập tức phát giác thì ý nghĩ thứ hai đổi thành “A Di Đà Phật”. Đổi hết tất cả ý nghĩ thành A Di Đà Phật, đây gọi là niệm Phật. Niệm Phật vốn dĩ là cách niệm này. Niệm một câu A Di Đà Phật liền đem ý nghĩ này san bằng rồi, dẹp cái ý nghĩ này xuống rồi. Niệm Phật như vậy công phu mới gọi là đắc lực. Ngày nay có người nói công phu của họ đắc lực rồi. Chưa hẳn! Họ đã hiểu sai ý nghĩa hai chữ “đắc lực”, họ chưa hiểu rõ ràng, chưa hiểu minh bạch. Sao gọi là “đắc lực”? Công phu thật sự đắc lực là niệm niệm dập tắt tham sân si, niệm niệm dập tắt thị phi nhân ngã, niệm niệm dập tắt bốn tướng thì công phu này mới gọi là đắc lực. Không những bốn tướng không còn nữa, mà bốn kiến cũng không còn. Kinh Kim Cang nói “ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến”. Người dụng công thật sự, trong hai mươi bốn giờ hạ công phu ngay chỗ này, đâu có chuyện công phu dẹp vọng tưởng? Thế nhưng quí vị phải biết, nếu như công phu không đắc lực thì vọng tưởng liền khởi lên, trong Phật pháp gọi là quán chiếu; quán chiếu nếu mất hết rồi, không thể chiếu được nữa thì vọng tưởng liền khởi lên, tạp niệm liền khởi lên. Chúng ta tự mình thường xuyên soi lại, thường xuyên giác ngộ thì thường xuyên cảm thấy vô cùng hổ thẹn, khởi tâm động niệm vẫn đang tạo nghiệp. Ở trong đời sống thường ngày, chúng ta biết Bồ-tát Phổ Hiền nói rất rõ ràng là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, nhưng chúng ta không thể làm được, vẫn cứ là hằng thuận chính mình, thuận theo tập khí phiền não của mình, thuận theo vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình. Chúng ta phải giác ngộ, nếu cứ làm việc này thì chắc chắn không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi.
Mong cầu vãng sanh, đó là hy vọng của bạn, nhưng chưa chắc có thể đạt được. Đây là lời chân thật, tuyệt đối không lừa dối người. Vạn người niệm Phật, vạn người mong muốn vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng thật sự có thể đi được chỉ có vài ba người. Lời này ngày trước lão sư Lý thường nói. Đây là nguyên nhân gì vậy? Không thể buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vẫn cứ thuận theo tập khí phiền não. Làm thế nào mới có thể vãng sanh? Mức thấp nhất là thuận theo A Di Đà Phật, niệm niệm đều là A Di Đà Phật thì người này mới có thể vãng sanh, câu Phật hiệu “A Di Đà Phật” này mới thật sự đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình đè xuống được. Đây là chỉ nói “phục phiền não”, hoàn toàn chưa có nói “đoạn phiền não”.
Người tu hành chân chánh chính là người phát nguyện dẫn đầu, họ có thể làm tấm gương cho mọi người. Họ làm tấm gương không phải cố ý làm, bản thân họ đã làm như vậy, không phải cố ý giả bộ làm dáng cho người khác xem, không có ý nghĩ này. Nếu có ý nghĩ này là rơi vào trong vọng tưởng, là rơi vào trong phân biệt chấp trước rồi, đó không phải chân tâm. Chân tâm là không có giả bộ, chân tâm là rất tự nhiên. Thuận theo tự nhiên, đó là chân; trái ngược tự nhiên, đó là tạo tác, đó là giả, là hư ngụy. Tâm hư ngụy thì không thể sanh về Thế giới Cực Lạc. Phàm là người vãng sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, người nào cũng là tâm chân thành, hay nói cách khác, người nào cũng là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Tuyệt đối không phải nói có cái tâm hư vọng vẫn có thể vãng sanh, không có đạo lý này. Tâm hư vọng niệm Phật là chỉ kết pháp duyên với A Di Đà Phật, chỉ gieo thiện căn, đời này không thể đi được, vậy phải đợi đến đời sau, đợi đến đời sau nữa. Đời sau, đời sau nữa, khi nào gặp được duyên phận này, gặp được pháp môn niệm Phật, đến khi nào bạn dùng tâm chân thật, cũng chính là nói, bạn phải dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì bạn chắc chắn được sanh. Đạo lý này chúng ta không thể không biết. Chúng ta hiện nay biết rồi thì phải dùng, phải học tập liền, chúng ta đời này sẽ được vãng sanh. Vãng sanh được hay không, vãng sanh phẩm vị cao hay thấp, Đại Sư Thiện Đạo nói rất hay, đó là “do gặp duyên khác nhau”. Chúng ta ngày nay gặp duyên thù thắng, đối với những đạo lý, phương pháp, cảnh giới này, trên cơ bản đều hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch rồi. Sau khi sáng tỏ, chúng ta đã biết cách làm người, biết cách sống. Làm người như thế nào? Sống như thế nào? Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà làm người. Đối với tất cả mọi chúng sanh thì dùng tâm thanh tịnh, tâm chân thành, tâm bình đẳng để đối xử; dứt khoát không khởi ý niệm “cái này tốt, cái kia không tốt”, nhất định muốn tranh với người ta, nhất định phải tính toán. Tính toán đến cuối cùng, bản thân đọa tam đồ. Tại sao đọa tam đồ vậy? Tam đồ là chính bạn tạo ra. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Bạn chấp trước như vậy, tranh hơn như vậy, muốn thắng, hiếu thắng như vậy, đây là nguyên nhân đích thực của đọa lạc.
Chúng ta hãy xem ở trong Kinh luận, chư Phật Bồ-tát có tranh nhau hay không? Tại sao họ không tranh? Họ biết một đạo lý là “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Người tốt, thuận cảnh là hư vọng; người xấu, nghịch cảnh cũng là hư vọng. Vì vậy, tất cả cảnh duyên bày ngay trước mắt, tâm của họ như như bất động. Trong Kinh Kim Cang nói: “Không dính theo tướng, như như bất động”, cho nên tâm tranh đấu một chút cũng không có, chân tâm lìa niệm, không có ý niệm. Phật lại sợ người hiểu lầm câu “chân tâm lìa niệm”, sợ bạn hiểu thành “Vô tưởng định”, cho nên Ngài lại nói thêm một câu là “lìa niệm là lìa vọng niệm”. Cái ý này chính là nói họ còn có chánh niệm. Thế nào gọi là chánh niệm? Niệm mà vô niệm, đó là chánh niệm; vô niệm mà niệm là chánh niệm. Cái ý này sâu. Thế nhưng chúng ta phải thể hội được, niệm mà vô niệm, cái niệm đó là niệm tất cả chúng sanh, là niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng. Điều này trong Kinh Di Đà thường nói, niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng là lợi ích tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh chính là Phật, chính là pháp, chính là tăng, cái niệm này là chánh niệm.
Sao gọi là vô niệm? Tuy niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm lợi ích tất cả chúng sanh, mà tâm địa của mình luôn luôn thanh tịnh, thật sự không có khởi một ý niệm. Hai cái này là đồng thời, không có trước sau, vậy mới là chánh niệm. Ý niệm của ai là chánh niệm vậy? Pháp Thân Đại Sĩ. Chúng ta mới biết, Pháp Thân Đại Sĩ nhất định không còn có phân biệt, nhất định không có chấp trước, phiền não chướng, sở tri chướng đã đoạn rồi, vô minh cũng phá mấy phần rồi, chân tâm hiển lộ, cũng chính là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi hiển lộ ra rồi. Họ dùng cái tâm này. Phàm phu thì làm trái ngược lại với những điều này, nói cách khác, phàm phu không có tâm chân thành, phàm phu là tâm hư ngụy, tâm ô nhiễm, tâm cao thấp “bất bình”, tâm mê hoặc, tâm tự tư tự lợi, cho nên phàm phu không dễ gì thoát khỏi lục đạo luân hồi. Chúng ta nếu tu hành thì phải đem tâm này điều chỉnh lại 180 độ. Biết dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, đây là tâm Bồ-đề, là chân tâm, là tâm Phật. Cái tâm này khởi tác dụng chính là hạnh Bồ-tát. Hạnh phúc mỹ mãn chân thật, người thế gian gọi là “chân thiện mỹ huệ”. Cho nên chúng ta phải biết, một mảy may chấp trước cũng không được phép có. Nhưng loại tập khí tật xấu này bất giác đã bộc lộ ra, mọi lúc mọi nơi bạn đều có thể nhìn thấy được. Nhìn thấy người khác lập tức nghĩ đến bản thân mình có hay không. Tự mình không dễ gì nhìn thấy tật xấu của mình. Nhìn thấy người khác lập tức xoay trở lại, hồi quang phản chiếu thì có thể nhìn thấy mình là một người như thế nào. Nhìn thấy tật xấu của mình, đây là giác ngộ. Đem những tập khí tật xấu này của mình nhanh chóng điều chỉnh lại thì gọi là chân tu hành.
Kinh không thể không đọc, không thể không nghe. Nghe Kinh thì thấy rất buồn chán. Thế nhưng không nghe Kinh thì tập khí tật xấu quả thật đúng là tự mình không thể nhận ra, vĩnh viễn không có một ngày tỉnh ngộ, sửa đổi, như thế thì có nguy không? Học Phật kiểu này là chúng ta học suông rồi.
Cái cơ duyên học Phật này của Singapore, tôi thường nói, tôi hoàn toàn không phải tự khen mình chê người, là tôi nói lời rất thành khẩn, xưa nay trong ngoài nước đây là nhân duyên hi hữu. Các bạn có thể thể hội được không? Các bạn có thể nhìn ra được không? Bạn đi đến nơi nào có thể gặp được nơi như thế này, ngày ngày giảng kinh, niệm Phật đường 24 giờ niệm Phật không gián đoạn. Người từ bốn phương tám hướng đều đến tham học, người từ nơi khác, từ nước ngoài đều đến, hiện nay mỗi tháng đến khoảng 500 người, người các nơi đều đến, cái duyên này thù thắng. Chúng ta tiếp xúc những người này, giống như là tiếp xúc được toàn thế giới. Không cần rời khỏi một bước mà cả thế giới chúng ta đều tiếp xúc được rồi. Bạn nói cái duyên này thù thắng biết bao. Học giảng kinh thuyết pháp, pháp duyên thù thắng vô song. Giảng kinh thuyết pháp quan trọng nhất là quan sát căn cơ. Nhiều người như vậy đến tham vấn, hằng ngày tiếp xúc chính là quan sát căn cơ. Bạn hiểu rõ người các nơi trên toàn thế giới, cái họ nghĩ là gì, cái họ thấy là gì, cái họ nghe là gì, việc họ làm là gì? Chỉ cần bạn lưu ý, nhìn qua là biết ngay. Sau đó bạn thuyết pháp mới khế cơ được. Những người từ nơi khác đến nơi này, chúng ta đều tiếp đãi thân thiết, kết pháp duyên với họ. Sau khi họ trở về, vẫn nhớ đến các bạn, sẽ không quên các bạn. Tương lai các bạn có thành tựu, họ sẽ lễ thỉnh các bạn đi giảng kinh thì pháp duyên của bạn thù thắng rồi. Tôi kết pháp duyên còn phải bôn ba khắp các nơi trên toàn thế giới, các bạn không cần phải chạy đi đâu, ngồi ở đây đã kết được rồi. Không phải chịu vất vả như vậy mà đã kết pháp duyên với chúng sanh trên toàn thế giới. Vấn đề chính là các bạn phải có trí huệ, phải biết. Ở trong Tông môn thường nói: “Có hiểu không?” Bạn đã thể hội hay chưa? Thể hội là thành tựu rồi. Trân trọng cái cơ duyên này, cơ duyên khó được mà dễ mất. Ngạn ngữ thường nói: “Hoa đẹp không thường nở”, cơ duyên tốt rất khó gặp được, nhất định phải quý trọng, nhất định không được để luống qua. Thế gian có không ít người có tài trí thông minh, muốn có loại cơ duyên này mà không thể được. Thật sự chỉ có thể gặp chứ không thể cầu. Các bạn ngày nay gặp được rồi mà không biết quý trọng, không biết tu, đó quả là thật sự đáng tiếc, thật sự để luống qua uổng phí rồi.
Hôm nay thời gian đã hết, ngày mai chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo với các vị. Được rồi, hôm nay chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 30