Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Người ác có thể cải ác hướng thiện thì họ có thể vãng sanh

Người ác có thể cải ác hướng thiện thì họ có thể vãng sanh, nếu họ không quay đầu thì họ không vãng sanh được, lâm chung quay đầu đều có thể vãng sanh.

Trong những lần giảng tôi đều đã nói qua với mọi người rất nhiều lần, có rất nhiều người phản đối bản hội tập này, phê bình bản hội tập. Tôi liền nói nếu cả thế giới này mọi người đều phản đối, đều phê bình thì tôi vẫn sẽ thọ trì đọc tụng, như như bất động. Vì sao vậy? Vì quyển kinh này là do lão sư trao truyền lại cho tôi, tôi có lòng tin đối với lão sư của mình, tôi nhất định sẽ không hề dao động, tôi nhất định sẽ không thay đổi. Tôi học tập có được thọ dụng, thọ dụng của tôi họ đều không biết, họ chưa học qua thì làm sao mà biết được? Cái tâm này mới được gọi là tâm thanh tịnh.

Cho nên Tổ sư Đại đức nhắc nhở chúng ta không nên cho rằng các kinh luận thường nói Tịnh Tông là đạo dễ hành mà bạn xem nhẹ, tín tâm nguyện tâm đều bị giảm thấp. Trong miệng tuy nói là tu Tịnh Độ, trên thực tế lại tham luyến ngũ dục lục trần của thế gian này, dùng tâm thái như vậy để tu học thì tự mình đã tạo ra chướng ngại, không có cách gì thành tựu.

Vì vậy tâm thái của chúng ta phải bình thường, không thể nói pháp môn này khó, cũng không thể nói pháp môn này dễ. Nói dễ là so sánh với các pháp môn trong 84.000 pháp môn thì pháp môn này là dễ, bởi vì nó không cần đoạn phiền não, nhưng nó cần chế phục phiền não, không chế phục được phiền não thì nhất định không thể vãng sanh. Chế phục phiền não so với đoạn phiền não thì dễ dàng hơn rất nhiều.

Bạn có thể khống chế được phiền não, phiền não không phát tác thì được rồi, chân thật có thể khống chế được nó, không để nó phát tác. Công phu chế phục của bạn thời gian càng dài thì hiệu quả công phu càng lớn, đến khi không chế phục mà tự nhiên cũng không phát tác thì khẳng định đã nắm chắc phần vãng sanh. Chúng ta đang làm cái công phu này, tuy không chế phục mà nó cũng không phát tác, không hề đoạn phiền não.

Phải nên biết việc này gọi là đới nghiệp vãng sanh, nhưng nếu bạn không chăm chỉ làm cái công phu này, nếu bạn không xem nhẹ thế duyên thì bạn làm không được. Sự việc gì trong thế gian này cũng đều phải xem nhạt, không những xem nhạt việc ở thế gian, mà Phật sự cũng phải xem nhạt, đều không để ở trong lòng, chỉ để A Di Đà Phật ở trong lòng thì được, chỉ để thế giới Tây Phương Cực Lạc ở trong lòng, đây gọi là “nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật”, đây là việc mà chúng ta không thể không biết.

Vẫn còn một điều phải chú ý, bạn xem trong kinh này Phật vừa mở miệng thì gọi “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, ba kinh đều là như vậy. Không những là ba kinh mà tất cả kinh luận của Đại Tiểu Thừa, Phật vừa mở miệng thì gọi “thiện nam tử thiện nữ nhân”, câu nói này vô cùng quan trọng, nhất định không thể lơ là. Nói rõ điều gì? Người vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là người thiện, cho nên nếu trong cuộc sống thường ngày chúng ta không nỗ lực tu thiện thì bạn làm sao mà vãng sanh.

Người thiện có tiêu chuẩn của người thiện. Nhưng bạn tỉ mỉ xem Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, trong ba phẩm hạ của Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh là hạ phẩm thượng sanh, hạ phẩm trung sanh, hạ phẩm hạ sanh đều là người ác, người ác làm sao lại được vãng sanh? Người ác có thể cải ác hướng thiện thì họ có thể vãng sanh, nếu họ không quay đầu thì họ không vãng sanh được, lâm chung quay đầu đều có thể vãng sanh. Pháp môn rộng lớn không thể nghĩ bàn, sự quay đầu đó của họ là chân thật quay đầu không phải là giả quay đầu, chân thật quay đầu đó nghĩa là chân thật sám hối, biết mình đã làm sai rồi về sau không tái phạm nữa, thật sự quay đầu.

Ngạn ngữ của chúng ta thường nói “lãng tử hồi đầu vàng không đổi”, người ác mà quay đầu trở lại, chân thật làm người tốt thì còn tốt hơn so với những người tốt thông thường, cho nên họ có thể vãng sanh. Đây là khuyến khích, vì trong quá khứ họ vô tri, không có trí huệ, ngu si nên đã tạo tác rất nhiều tội nghiệp nghiêm trọng, hiện tại họ đã hiểu được rồi, quay đầu lại. Được, không cần phải sợ ta tạo nghiệp chướng quá nặng e rằng không thể vãng sanh, nếu bạn có ý niệm này thì sai rồi, thật sự đã tạo thành chướng ngại cho việc vãng sanh. Phải biết rằng công đức sám hối không thể nghĩ bàn.

Chúng ta xem thấy trong kinh Phật, khi tôi học Phật, đọc Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, vua A-xà-thế và Đề-bà-đạt-đa tạo tội ngũ nghịch thập ác. Đề-bà-đạt-đa thân còn sống mà đọa địa ngục, tuy đọa địa ngục, ông ở trong địa ngục mà không có thọ tội, còn rất vui vẻ, ở địa ngục mà hưởng thụ không khác gì trời Đao-lợi, nguyên nhân là gì vậy? Người ông hại không phải là người khác, mà là hại đức Phật, nếu hại phàm phu thì nguy to rồi. Vì sao vậy? Vì phàm phu có tâm sân hận, phàm phu có tâm báo thù, vậy thì oan oan tương báo, rất đáng sợ.

Bạn hại Phật, Phật không có tâm sân hận, Phật không có tâm báo thù. Bạn không hại Phật, Phật tu hành, chúng ta gọi là tu nhẫn nhục Ba-la-mật, từ từ mà tu cũng không biết tới ngày nào thì mới tu được viên mãn, bạn vừa hại các Ngài thì nhẫn nhục Ba-la-mật của Phật liền được viên mãn, lập tức liền được viên mãn, viên mãn thành tựu Phật chứng cực quả.

Tuy rằng việc ông tạo và tâm mà ông dùng là rất ác, nhưng đối với Phật mà nói thì ông giúp Phật được nhanh chóng thành tựu, ông có phải đọa địa ngục hay không? Phải đọa, ông đọa địa ngục mà không thọ tội, ở trong địa ngục còn được hưởng phước, có đạo lý, cái đạo lý này rất sâu, rất vi tế. Vua A-xà-thế là phàm phu, ông giết cha, hại mẹ, giam cầm mẹ mình, lại phá hòa hợp tăng, tạo tội ngũ nghịch thập ác, lâm chung sám hối, niệm Phật vãng sanh, ông thật sự đã vãng sanh.

Chúng ta đọc Kinh A Xà Thế Vương, chính là Phật thuyết về câu chuyện của vua A-xà-thế. Trong sự suy nghĩ của chúng ta, tạo tội nghiệp nặng như thế có lẽ là hạ phẩm hạ sanh, nhưng không ngờ rằng ở trong kinh Phật giới thiệu với chúng ta là thượng phẩm trung sanh, việc này thì chúng ta nghĩ thế nào cũng không nghĩ ra.

Thế mới hiểu được chúng ta không thể xem thường việc sám hối vãng sanh này, nói không chừng người tạo tội nghiệp này lâm chung sám hối được vãng sanh như chuyện của vua A-xà-thế có phẩm vị còn cao hơn cả ta. Chúng ta vãng sanh có lẽ không có cách nào được thượng bối; được trung bối, hạ bối thì chúng ta cảm thấy rất hài lòng, rất giỏi rồi.

Bạn xem, ông vãng sanh là thượng phẩm trung sanh, nói rõ việc vãng sanh có hai con đường. Một cái phổ biến là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, một cái là “lâm chung sám hối”. Lúc lâm chung thì phát nguyện sám hối, một niệm, mười niệm được vãng sanh.

Một niệm mười niệm đó của họ công phu đặc biệt thù thắng, tâm đặc biệt dũng mãnh, hầu hết người thông thường chúng ta không so bì được, họ phát tâm vô cùng dũng mãnh, trong chốc lát có thể chuyển biến hết thảy ác nghiệp từ vô lượng kiếp. Việc này đã cho chúng ta một sự khải thị rất tốt, khiến chúng ta không dám khinh mạn đối với những người tạo tội nghiệp, bạn không nên xem thường họ, bạn không được xem thường họ. Vì sao vậy? Nói không chừng lúc lâm chung họ sám hối được vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc phẩm vị còn cao hơn cả ta, chúng ta còn không bằng họ.

Cho nên sự việc này là ở phát tâm dũng mãnh, phát tâm chân thành khẩn thiết, chân thật quay đầu, không thể không biết sự việc này. Những ví dụ như vậy trong Vãng Sanh Truyện có rất nhiều. Lâm chung sám hối niệm Phật được sanh, người ác lâm chung sám hối vãng sanh trong ba phẩm hạ của Quán Kinh, đó chính là lực sám hối của họ không dũng mãnh như của vua A-xà-thế, không chân thành khẩn thiết như ông, nên cùng là sám hối vãng sanh nhưng không như nhau. Sám hối vãng sanh đại đa số là ở ba phẩm hạ, nhưng cũng có một số ít người lên đến thượng bối thượng sanh, chúng ta phải nên hiểu rõ cái đạo lý này.

Đương nhiên chúng ta tỉ mỉ thể hội những chân tướng sự thật này cùng với thiện căn nhân duyên trong đời quá khứ nhất định là có quan hệ vô cùng mật thiết. Quá khứ đời đời kiếp kiếp đã tích được [thiện căn nhân duyên] sâu dày, vậy họ vì sao lại tạo nghiệp? Trong đời này họ không gặp được thiện duyên, duyên rất quan trọng, họ không có khả năng thân cận được thiện tri thức, mà họ gặp phải ác tri thức ở ngay bên cạnh họ dạy họ ngũ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng, luôn dùng những thứ này để mê hoặc họ, nguyên nhân là như vậy.

Thế Tôn thường nói những việc này, nên chúng ta phải thường đọc Kinh, phải lý giải, vả lại còn thâm giải nghĩa thú thì chúng ta mới có thể hiểu được, mới không đến nỗi có sự nghi hoặc. Nghi có thể chướng đạo, nếu đối với những sự việc này sản sinh ra nghi vấn, vậy thì lòng tin đối với Tịnh Tông của bạn đã giảm đi rồi, lòng tin vừa giảm thì không thể vãng sanh, cho nên mối liên hệ này là rất lớn.

Liên Trì Đại sư đã nói rất hay “thủy ác bất phương chung thiện” (việc ác lúc trước không thể ngăn ngại việc thiện lúc sau). Một người khi trẻ tuổi tạo ác, trung niên tạo ác, đến khi già cả rồi hối hận, mới đi hành thiện cũng còn kịp, họ vẫn là người thiện, chỉ cần họ quay đầu.

Thậm chí như vua A-xà-thế đến lúc lâm chung mới quay đầu, mới biết sám hối, nhưng vẫn còn kịp. Chỉ cần hơi thở chưa dứt, chúng ta đem những đạo lý này nói cho rõ ràng cho minh bạch cho người làm ác, nếu họ giác ngộ, quay đầu hướng thiện thì đều có thể vãng sanh. Vì vậy không thể nói người này làm nhiều việc ác, lúc lâm chung thì thôi vậy, không nên để ý họ làm gì, vậy thì sai rồi!

Lúc lâm chung vẫn phải giúp đỡ hộ niệm cho họ, mà còn phải thường xuyên khuyên họ, nhắc nhở họ, họ một niệm quay đầu, vậy thì bạn đã giúp được một người thoát ly lục đạo luân hồi, đi làm Phật rồi, công đức vô lượng! Bất kỳ việc tốt gì của thế gian cũng đều không thể so sánh được với việc này, bạn có thể tiễn được một người đi làm Phật rồi.

Trong cuộc đời này của bạn có cơ hội lớn đến như vậy, bạn giúp đỡ được vài người thì tương lai bạn vãng sanh sẽ không có vấn đề gì, họ sẽ tri ân báo ân. Đến lúc bạn lâm chung họ nhất định sẽ nói với A Di Đà Phật, “chúng con đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là nhờ người này giúp đỡ”, họ sẽ kéo A Di Đà Phật mau chóng đi tiếp dẫn, đây là thường tình của con người, đích thực là sự việc như vậy. Cho nên chúng ta phải nhiệt tình, không nên ghét bỏ người tạo ác, đến khi họ lâm chung thì chúng ta toàn tâm toàn ý đi giúp đỡ họ, thành tựu cho họ. Chỉ cần tâm của chúng ta chân thành, tâm chân thành thì liền có cảm ứng, thật sự có thể giúp đỡ được họ.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 334
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Niệm Phật có thể thấy Phật không?

Định Tuệ

Tứ ma là gì? Bốn thứ ma làm chướng ngại người tu hành

Định Tuệ

Chỉ có giáo dục mới có thể giúp tất cả chúng sanh lìa khổ được vui

Định Tuệ

Người niệm Phật lúc lâm chung được vãng sanh hay không?

Định Tuệ

Thanh bình, loạn lạc, tai họa là do nguyên nhân nào gây ra?

Định Tuệ

Thế gian này đều là giả cả, phải gấp rút niệm Phật

Định Tuệ

Từ Bi và Trí Tuệ

Định Tuệ

Hộ niệm là gì? Vì sao cần hộ niệm cho người lâm chung?

Định Tuệ

Lấy sáng suốt để giác ngộ, lấy định tĩnh để giải thoát

Định Tuệ

Viết Bình Luận