Thở ra mà không hít vào thì thế gian này cái gì là của bạn? Ngay cả xác thân còn không giữ được, “mọi thứ đều ở lại, chỉ có nghiệp đem theo”.
Chúng ta ngày nay sống ở khu vực này. Khu vực Singapore này, trên thế giới ngày nay mà nói. được xem như là một khu vực thượng thiện. Xã hội ổn định, nhân dân tuân thủ pháp luật, phồn vinh giàu có, đây là điều rất khó tìm thấy trong thế giới ngày nay. Chúng ta sống tại khu vực này chẳng phải đã ứng với câu ngạn ngữ “thân ở trong phước mà không biết phước” hay sao. Chúng ta không biết lợi dụng hoàn cảnh này để thành tựu đạo nghiệp, đức hạnh của mình, vậy là sai rồi! Khổ và lạc, trong hai cảnh giới này thì lạc là dễ dàng đào thải con người nhất. Cho nên, Phật dạy mọi người: “Lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy”.
Sự tu học của Tiểu thừa vô cùng coi trọng khổ hạnh. Ở trong khổ hạnh rèn luyện ý chí của mình, tôi luyện thân tâm của mình, thành tựu pháp khí, lấy tôn giả Ca Diếp làm đại biểu. Đại thừa là ở trong pháp giới vô chướng ngại thành tựu công đức viên mãn của mình, Tiểu thừa không thể so sánh được. Đại thừa ở trong thuận cảnh, chúng ta lấy Thiện Tài Đồng Tử làm đại biểu. Ngài sinh trong gia đình giàu có, sống đời sống vinh hoa phú quý, ở trong đây thành tựu công đức viên mãn cao hơn Tiểu thừa rất nhiều. Chúng ta thấy từ trên lịch sử, trong và ngoài nước đều không có ngoại lệ, gia đình phú quý được mấy nhà có con cháu tốt? Anh hùng hào kiệt đều là từ trong khổ nạn tôi luyện mà thành tựu nên. Đây là chứng tỏ giàu có đào thải con người so với khổ nạn là cao hơn rất nhiều, rất nhiều lần.
Chúng ta là phàm phu, không phải thánh nhân. Đại thừa là thánh nhân, các Ngài có thể thành tựu ở thế giới Cực Lạc. Người thượng đẳng này sở dĩ được gọi là thánh nhân là vì bất kể là thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, các Ngài đều không động tâm, đều không hề phân biệt, chấp trước, vì vậy các Ngài mới có tư cách hưởng thụ Cực Lạc, Hoa Tạng, hưởng thụ thế giới viên mãn này. Nếu như trong thuận cảnh, thiện duyên vẫn còn tham ái, nghịch cảnh, ác duyên vẫn còn sân hận thì bạn là phàm phu, bạn không có tư cách, bạn ở trong thuận cảnh chắc chắn bị đào thải mất. Biểu hiện rõ ràng nhất là giãi đãi, lười biếng không biết tiến lên. Đọa lạc rồi! Đây là phổ biến nhất.
Thế xuất thế gian, Phật ở trong kinh Kim Cang Bát Nhã đã nói lời chân thật: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”. Các vị bình tĩnh quan sát, người thế gian quả thật là một giấc mộng. Ngày hôm qua qua rồi sẽ không trở lại! Hôm qua không trở lại, trước mắt từng sát-na cũng sẽ không trở lại. Chúng ta đang đi về đâu vậy? Đi về phía mộ phần, đi về phía đường chết sát-na không dừng, thật sự là dũng mãnh tinh tấn. Bạn nghĩ thử có ý nghĩa gì đâu? Thở ra mà không hít vào thì thế gian này cái gì là của bạn? Ngay cả xác thân còn không giữ được, “mọi thứ đều ở lại, chỉ có nghiệp đem theo”. Đây là Phật đưa ra lời khuyên chân thành, đây là sự thật! Cái đi theo với bạn là nghiệp lực. Chỉ có nghiệp lực đi theo với bạn, còn tất cả mọi thứ, người, sự, vật trên thế gian này đều không thể đi với bạn. Vì vậy những thứ không đi theo với bạn, bạn phải buông xả, dứt khoát không nên ở trên phương diện không thể đem đi được này mà khởi tâm động niệm, nếu như vậy là bạn sai rồi!
Bạn phải nghĩ đến những thứ có thể mang theo, thứ có thể mang theo là nghiệp. Bạn tạo thiện nghiệp, phước đức bạn sẽ mang theo. Bạn tạo tác ác nghiệp cũng sẽ mang theo. Vậy tại sao bạn không đoạn ác, tu thiện? Tại sao bạn không rộng kết thiện duyên với tất cả chúng sanh? Người thật sự hiểu rõ đạo lý này, thông đạt chân tướng sự thật thì người này giác ngộ rồi. Người giác ngộ chắc chắn không tạo ác nghiệp, không những không tạo ác nghiệp, ngay cả một ác niệm cũng sẽ không khởi. Tại sao vậy? Vì biết có hại đối với mình, sẽ không tự mình hại mình! Không những lời nói thiện, hành động thiện, mà khởi tâm động niệm cũng thiện. Chúng ta biết những thứ này là có thể mang theo, những thứ này có lợi ích lớn đối với mình, cho nên tiền đồ là một mảng sáng lạn, thành tựu phước báo đại uy đức.
Nếu như ý nghĩ chúng ta ác, hành vi ác thì chắc chắn đọa đường ác. Bình thường chúng ta tạo tác nghiệp thiện ác, rất nhiều người không biết được. Ví dụ chúng ta đi du lịch, tôi nêu ra một ví dụ đơn giản nhất, hiện nay du lịch là rất phổ biến, đoàn của các vị các nơi từ Trung Quốc, từ Đài Loan đến, quí vị đều tổ chức đoàn để đến nơi đây. Tổ chức đoàn sắp xuất phát rồi, họ báo cho bạn biết 7 giờ lên xe xuất phát. Nếu bạn đến trễ 5 phút, 10 phút khiến biết bao nhiêu người ở trên xe phải đợi bạn, đây chính là nghiệp ác. Sự việc này rất ít người biết. Bạn phải thiếu nợ với bao nhiêu người đó, khi hoàn trả sẽ rất vất vả. Bạn không thể giữ phép tắc, đến đâu cũng muốn giành phần hơn với người khác, đây là giành phần hơn về thời gian của người ta, mỗi người đều phải bỏ ra thời gian mười mấy phút để đợi bạn, đây là nghiệp ác.
Trước đây, tôi đã từng nghe nói tính cách của Hoằng Nhất đại sư, Ngài là người phương bắc vô cùng thẳng thắn. Thời gian ở Nhật Bản, Ngài hẹn với người bạn 8 giờ đến gặp mặt, 8 giờ 1 phút người này vẫn chưa đến thì Ngài liền đóng cửa lại. Một lát sau người đó đến, Ngài ở trong cửa sổ mắng anh bạn một trận, đuổi anh ta về. Không giữ đúng giờ, đây là một ví dụ phổ thông nhất.
Ở trong đời sống thường ngày, chúng ta vô tình không biết đã tạo biết bao nhiêu ác nghiệp. Mọi người mê hoặc điên đảo đã quá lâu rồi! Giác ngộ rất khó khăn, không phải là chuyện dễ dàng! Chúng ta niệm một câu “A Di Đà Phật”, mọi người đều biết niệm, nhưng ý nghĩa là gì thì không biết! Tuy chúng ta niệm A Di Đà Phật, mà chúng ta không thật sự áp dụng được vào trong đời sống thường ngày, cho nên công phu không đắc lực. Danh hiệu “A Di Đà Phật” này, nếu theo mặt chữ mà phiên dịch thành tiếng Trung Quốc nghĩa là “vô lượng giác”, thêm hai chữ “Nam mô” là “quy y vô lượng giác”. “Vô lượng giác” là đối với tất cả người, đối với tất cả việc, đối với tất cả vật ở mọi lúc, mọi nơi, đều phải ở trong giác chứ không mê. Sao có thể thường hay mê mất đi chính mình được? Phật pháp là giáo dục đời sống, chúng ta đã nói rất nhiều lần rồi, Phật pháp dạy chúng ta sống như thế nào, làm việc thế nào, xử sự đối nhân, tiếp vật thế nào. Không những Phật pháp dạy như vậy, Ấn Độ giáo cũng dạy như vậy mà Hồi giáo cũng dạy như vậy. Giáo huấn của cổ thánh tiên hiền không có gì khác, chỉ bảo chúng ta làm thế nào sống đời sống hạnh phúc mỹ mãn thật sự, đây là giáo dục thánh hiền.
Chúng ta ngày nay học Phật, đời sống của chúng ta vẫn cứ sống rất khổ sở, sống ở trong khổ nạn. Nguyên nhân gì vậy? Chúng ta ăn mà không tiêu hóa! Hằng ngày học, học rồi không thể liên kết với đời sống thành một thể, sai là ở chỗ này! Không biết cách sống như thế nào, cách học tập này chính gọi là “học mà không hành”. Học được rất nhiều, nhưng một điều cũng không dùng được, cái này là sai lầm! Phật pháp dạy chúng ta điều đầu tiên, các bạn bước vào đạo tràng của nhà Phật, chùa chiềng, tự viện, thì hình tượng đầu tiên bạn gặp là ai vậy? Bồ-tát Di-lặc, Điện Thiên vương, Ngài ngồi ngay cửa lớn để đón tiếp bạn, đây là giáo dục đời sống. Dạy bạn điều gì vậy? Luôn tươi cười với mọi người, dạy bạn tâm lượng lớn thì phước lớn. Cái bụng lớn của Ngài là đại biểu cho tâm lượng. Tâm lượng lớn thì phước lớn, cần phải bao dung, phải biết tươi cười với mọi người, đây là giáo dục đời sống. Tứ Thiên vương chúng ta giảng biết rất nhiều lần rồi, Trì Quốc Thiên Vương dạy bạn làm tròn trách nhiệm, Tăng Trưởng Thiên Vương dạy bạn hằng ngày cầu tiến bộ. Quảng Mục Thiên Vương dạy bạn thấy nhiều, Đa Văn Thiên Vương dạy bạn nghe nhiều, không hề dạy bạn nhiều chuyện. “Thấy nhiều, nghe nhiều, bớt nói!”. Nói nhiều lời không bằng nói ít lời, nói ít lời không bằng không nói, tâm địa của bạn thanh tịnh tự tại. Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh chân thành khuyên chúng ta: “Ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, đánh cho ý nghĩ chết, để pháp thân bạn sống”.
Cho nên, dưới sự so sánh mạnh mẽ của đại uy đức, đại phước báo với không có uy đức, phước báo, chúng ta cần phải giác ngộ. Hiểu được nghĩa thú của Phật Đà chỉ dạy, từ trong đây mới có thể cảm nhận được lòng từ bi chân thật của Phật Đà.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Tập 11
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Biên tập: năm 2023
Tâm Hướng Phật/St!