Ngũ trần là năm món mà người trần gian thế tục thường hay mê sa quyến luyến, ham muốn. Ngũ trần là sắc, thinh, hương, vị và xúc trần.
1. Ngũ trần là gì?
Ngũ trần là năm món mà người trần gian thế tục thường hay mê sa quyến luyến, ham muốn. Ngũ trần là sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần và xúc trần.
Sắc trần là tất cả những sắc tướng nào tốt xấu, lớn nhỏ, thô sơ vị tế, xa gần, mà con mắt trông thấy được đều gọi là sắc trần cả. Thinh trần là tất cả những tiếng hoặc âm thanh nào nhỏ to, thô sơ, vị tế, xa gần, êm-dịu hay thô bỉ, vừa lòng hay trái ý mà lỗ tai nghe đều gọi là thinh trần. Hương trần là tất cả những mùi nào dầu hôi thối, thơm tho, nồng nhạt, tanh nhờm, khét cay hay êm dịu, mà lỗ mũi có thể hưởi được đều gọi là hương trần. Vị trần là tất cả những vị nào dầu là đắng cay, chua chát, ngon ngọt, béo bùi, mặn, nhạt mà lưỡi có thể nếm qua được đều gọi là vị trần. Xúc trần là tất cả những vật nào dầu nóng, lạnh, êm dịu hay cứng rắn, vi tế hay thô kệch mà bản thân có thể đụng chạm được đều gọi là xúc trần.
Năm món trần này có tánh cách lôi cuốn làm cho những người trần tục chán ghét, nhờm gớm những vật không vừa lòng, làm cho say mê, vui thích, quyến luyến, ham muốn những vật vừa lòng đẹp ý.
Đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như năm miếng mồi của Ma vương đã móc với năm lưỡi câu thả ra ai mà vướng mắc một trần nào cũng như bị mắc câu của Ma vương thì tự ý Ma vương muốn làm cách nào cũng được.
Hơn nữa Đức Thế Tôn có giải trong bộ kinh Trung A Hàm về tội ngũ trần có mười là:
– Đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như khúc xương không có thịt, khi đó có con chó đói từ lâu thấy khúc xương ấy mừng rỡ lại gậm tưởng sẽ được no lòng, nhưng khi gậm chỉ liếm lấy nước miếng, và làm cho mệt sức mà thôi chớ không bao giờ no lòng được như thế nào thì người say mê theo ngũ trần cũng chỉ làm cho lao tâm mệt trí chớ không bao giờ thỏa mãn, đầy đủ được.
– Đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như cục thịt thúi mà bầy quạ giành nhau ăn lẽ thường khi có một con quạ kiếm được một cục thịt tha đi, bầy quạ khác thấy vậy bay theo giành giựt cắn mổ nhau để giành cục thịt, con quạ ấy nếu không chịu sự đau khổ bán chết bán sống như thế nào thì người sa mê và cố chấp theo ngũ trần cũng bị đau khổ như thế ấy.
– Đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như cây đuốc rơm hay cỏ, lẽ thường người cầm cây đuốc rơm mà đi ngược chiều gió thì bị lửa táp vào tay vẫn than nóng nhưng không chịu rời bỏ cây đuốc rơm ấy thì sợ tối như thế nào thì người sa mê theo ngũ trần có nhiều khi cũng than khổ nhưng không chịu vứt bỏ vậy.
– Đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như hầm lửa to đang cháy lẽ thường người nào té vào hầm lửa thì bị lửa thiêu đốt bán sống bán chết như thế nào thì người sa mê theo ngũ trần thiêu đốt khổ sở nóng nảy cũng như thế ấy.
– Đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như giấc chiêm bao, lẽ thường trong giấc mộng thấy đó rồi mất đó như vật không không biến đổi vô thường như thế nào thì người sa mê theo ngũ trần thì cũng chỉ tạm thời luôn luôn thay đổi vui đó rồi khổ đó không có chi là bền vững cả.
– Đức Thế Tôn ví ngũ trần như vật mượn của người thì không thể làm chủ vĩnh viễn được và phải trả lại cho người như thế nào, thì người sa mê theo ngũ trần thì cũng chỉ mượn dùng xài vậy thôi, vì tất cả vật chỉ rốt cuộc cũng phải bỏ lại cho trần gian.
– Đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như người đi tìm trái cây, lẽ thường có một người no muốn ăn trái cây đi vào trong rừng thấy cây có trái chín đủ thứ mới trèo lên hái ăn trong khi đang mê ăn, có người thứ nhì cũng đi tìm trái cây nhưng không biết leo, người ấy có dao và có búa mới kêu người trên cây xuống nếu không y sẽ đốn cây ấy cho ngã mà hái trái cây, nếu người kia cứ cố chấp và mê thích lo ăn trái cây không chịu xuống, khi người kia đốn cây ngã thì người mê sa lo ăn trái cây thì phải chịu khổ sở bán sống bán chết không sai.
– Đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như lưỡi kiếm và lao, lẽ thường người bị kiếm đâm hay lao phóng trúng thì người ấy phải đau khổ vô cùng như thế nào thì người sa mê theo ngũ trần cũng bị đau khổ như thế ấy.
– Đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như thớt và dao lẽ thường dao bầm xuống thớt thì thớt phải bị hao mòn, dấu vết như thế nào thì người sa mê theo ngũ trần như bị dao chặt bầm thân tâm làm cho khổ sở như thế ấy.
– Đức Thế Tôn ví ngũ trần như đầu con rắn độc, lẽ thường người bị rắn cắn, rắn mổ phải bị đau khổ hoặc bán sống bán chết như thế nào thì người sa-mê theo ngũ trần có khi cũng phải chịu sự đau khổ bán sống bán chết cũng như thế ấy.
Ngũ trần có nhiều tội lỗi, tai hại khổ não, buồn rầu, đau thương, bậc xuất gia phải ráng xa lánh ngũ trần ấy.
Hơn nữa, trong bộ kinh Trung A Hàm bài kinh Đại khổ, Đức Phật có giải rộng tội của ngũ trần như vầy: “Bọn ngoại đạo cho rằng ‘Thầy Gotama tuyên bố về tội của ngũ trần thì bọn mình cũng tuyên bố về tội của ngũ trần vậy, vậy thì giáo pháp của thầy Gotama cũng không có chi xuất sắc hơn chúng ta’. Này các tỳ khưu, nếu bọn ngoại đạo nói như thế ấy thì các thầy nên hỏi lại bọ như vầy: ‘Này các bạn, các bạn cũng tuyên bố về tội của ngũ trần, vậy chớ các bạn có biết thế nào là sự vui thú của ngũ trần không? Thế nào là tội lỗi của ngũ trần không? Thế nào là sự giải thoát ngũ trần không?’ Khi các thầy hỏi họ như thế ấy sẽ làm cho họ sẽ bí lối, bực tức vì không thể nào trả lời được. Tại sao vậy? Vì trừ ra Như Lai, đệ tử của Như Lai hoặc người nào đã nghe Như Lai giảng giải thì mới có thể trả lời được. Còn ngoài ra Như Lai không thấy một ai trong cõi thế gian này, cõi Trời, cõi Ma vương, cõi Phạm Thiên hoặc các bậc sa-môn, bà-la-môn có thể trả lời giảng giải những câu hỏi ấy được. Vì nó vượt quá khỏi trình độ hiểu biết của họ vậy. Này các thầy tỳ khưu, vậy chớ thế nào là sự vui thú của ngũ trần?”
Rồi Ngài tự trả lời: “Này các thầy tỳ khưu, ngũ trần nào (đã có giải phía trước) có tánh cách khêu gợi là cho người ham muốn, vui thích, vừa lòng, thương mến, quyến rũ, và mê say – đó là sự vui thú của ngũ trần”.
Rồi Ngài tự trả lời: Trong cõi trần gian này con người sinh sống với sự cố gắng làm các nghề nghiệp như đếm ngón tay để coi vận mạng, là kế toán, bàn về tổng số (như coi cây xoài biết bao nhiêu trái) làm ruộng rẫy, thương mãi, chăn nuôi gia súc như trâu bò, quân lính, công chức hoặc tất cả các công nghệ nào có thể sinh sống chẳng hạn đều phải đương đầu gặp bao nhiêu những sự trái ý nghịch lòng, đau khổ, cực nhọc do người khi để hành hạ, bị nắng mưa, muỗi mòng, rắn rít, đói khát v.v… chỉ để hưởng chút lạc thú của ngũ trần là nguyên nhân, là nguồn gốc, là khởi điểm mà con người phải chịu những sự khổ não như thế ấy.
Này các thầy tỳ khưu, hơn nữa, khi con người siêng năng, cố gắng làm việc để sinh sống, nhưng nghịch cảnh đưa đến thất bại, thì người ấy phải khổ sở, buồn rầu, uất ức, đấm ngực, rơi lụy, loạn tâm cuồng trí vì sự thất bại ấy, đó là tội của ngũ trần mà con người nhận thấy trong hiện tại vậy.
Này các thầy tỳ khưu, nếu con người siêng năng cố gắng làm việc mà sự kết quả tốt đẹp, không thất bại, thành tựu nhiều của cải, người ấy cũng vẫn khổ vì sự lo gìn giữ bảo bọc trông nom sợ người cướp đoạt, trộm đạo, lửa cháy, nước lụt trôi đi, hoặc người mình không vừa lòng thọ hưởng gia tài ấy. Trong khi họ lo sợ, trăm mưu ngàn kế để bảo bọc, gìn giữ của cải ấy phải khổ não, buồn rầu, uất ức, rơi lụy mến tiếc, loạn tâm, cuồng trí không sai – đó là tội của ngũ trần mà con người nhận thấy trong hiện tại.
Này các thầy tỳ khưu, hơn nữa cũng vì ngũ trần là nguyên nhân, là khởi điểm của các vị vua, chúa, các bà-la-môn, các gia-chủ, mẹ con, cha con, anh em, bè bạn gây hấn nhau, nghịch lẫn nhau, thù oán nhau rồi đánh đập nhau bằng tay chân, bằng sỏi đá, bằng gậy hèo, bằng khí giới – thì những người ấy phải chết hoặc dở sống dở chết đau khổ vô cùng – đó là tội của ngũ trần mà con người nhận thấy trong hiện tại.
Này các tỳ khưu, cũng vì do nơi ngũ trần là nguồn gốc, là khởi điểm, là vật đưa đến hậu quả, là nguyên nhân mà con người cầm đao gươm, cung tên thành một toán quân vào một đồn lũy hay vào chiến trường để khai chiến với nhau trong khi đấu chiến lẽ cố nhiên phải bắn, đâm, chém, giết hại lẫn nhau cả hai bên những người chiến sĩ ấy phải chết hoặc bị thương tích, dở sống dở chết tại nơi đồn lũy hay chiến trường ấy, đó là do tội ngũ trần gây nên mà con người nhận thấy trong hiện tại.
Này các thầy tỳ khưu, cũng vì ngũ trần là nguồn gốc, là khởi điểm, là vật đưa đến hậu quả, là nguyên nhân mà con người hâm dọa, cướp giật, cắt vách, đào hầm hoặc đứng đón đường giật cửa, hoặc lén tà đâm vợ con người. Khi chánh quyền hay đức vua bắt được, truyền lệnh những quân hầu hay những người hữu trách hành hình những người ấy đủ cách như: đánh bằng roi mây, bằng gậy, hèo, cắt tay chân, cắt lỗ tai, lỗ mũi, bằng cách lột da đầu rồi lấy sắt nướng đỏ để lên cho óc sôi lên, bằng cách lột da đầu rồi lấy đá mài cho láng như ốc xà cừ, bằng cách lấy móc sắt banh miệng ra rồi cắt đến mép tai, bằng cách lấy vải nhúng dầu bao mình tội nhân đốt lên như cây bong lửa, bằng cách lấy vải nhúng dầu bó hai tay rồi đốt, bằng cách lóc da từ cổ đến chân rồi cho tội nhân đứng trên da mình cho đến té xỉu, bằng cách lột da từ cổ đến lưng quần rồi kéo da xuống phủ phía dưới như người mặc quần, còn phía dưới thì lóc da kéo xuống dưới tới bàn chân, bằng cách lấy vòng sắt tròng vào hai tay, hai chân rồi xỏ đế treo trên bốn cây sắt móc nhọn trồng cứng dưới đất, bằng cách lấy móc sắt móc vô thịt gân rồi kéo ra cho đứt thịt đứt gân, bằng cách lấy dao nhọn thật bén khoét thịt từng miếng như đồng bạc, bằng cách lấy dao bằm khắp thân mình rồi lấy nước a-xít (acide) xối lên cho thịt rớt rã chỉ còn xương không, bằng cách bắt tội nhân nằm nghiêng rồi lấy sắt nhọn đóng từ lỗ tai thấu xuống tới đất, rồi nắm hai chân chạy vòng quanh như quay cây trục, bằng cách lóc da rồi lấy đá đập cho nát xương xong nắm lấy tóc dở lên giũ cho xương rớt ra chỉ còn thịt không mà thôi, bằng cách cho chó cắn, xối nước dầu sôi, lấy sắt nhọn đâm xỏ vô mình, rồi để hỏng trên không cho đến chết, hoặc chém đầu bằng đao, những người ấy phải chết hoặc bán sống bán chết đau khổ vô cùng; đó cũng do nơi tội của ngũ trần mà con người nhận thấy hiện tại.
Hơn nữa, cũng do nơi ngũ trần là nguyên nhân, là khởi điểm mà con người hành động các tội ác do thân, khẩu, ý đến khi quá vãng phải thọ sanh vào khổ cảnh như: súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Đó là những tội ác mà con người phải trả quả trong những kiếp vị lai cũng do nơi ngũ trần là nguyên nhân cả.
Này các thầy tỳ khưu, thế nào gọi là giải thoát tội lỗi của ngũ trần?
Rồi Ngài tự giải đáp: Này các thầy tỳ khưu, phương châm dứt bỏ hoặc diệt tắt lòng tham muốn, mê thích trong ngũ trần, đó là sự giải thoát khỏi ngũ trần vậy.
Này các thầy tỳ khưu các bậc sa-môn hoặc bà-la-môn nào mà không biết rõ sự vui thú, tội lỗi và sự giải thoát của ngũ trần thì các bực sa-môn hoặc bà-la-môn ấy cũng không thể nào tự mình thực hành cho thoát khỏi khổ hoặc dắt dẫn cho kẻ khác thực hành cho thoát vậy.
2. Phương pháp diệt trừ tai hại của ngũ trần
Trong kinh có những đoạn như sau nói về phương pháp diệt trừ tai hại của ngũ trần. Phật mượn hình ảnh: Trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, có những vùng đi lại rất cam go và bất tiện. Vùng này chẳng dành riêng cho loài khỉ mà cũng chẳng thuộc quyền sở hữu của loài người. Đây là vùng nguy hiểm, không thuận lợi cho việc đi lại đối với loài người mà ngay cả loài khỉ vượn cũng thế. Phật nói như vậy để làm gì? Để thấy, những đoạn đường khó khăn không đi được, mà chúng ta cứ đi thì sẽ gặp gian nan nguy hiểm.
Lại có một vùng khác, đường đi cũng gập ghềnh khó khăn nhưng đó là chỗ an trú của loài khỉ vượn. Loài người không thể xâm phạm. Vùng này hiểm trở nhưng là vùng khỉ vượn tới được. Đây là chỗ chúng tập trung sinh sống. Nghĩa là nếu người sáng suốt thì phải biết lo liệu hậu quả của việc mình làm. Cũng như người xưa thường nói: Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần. Để làm gì? Để nói mà không có lỗi. Đó là những kinh nghiệm sâu dày của cổ nhân.
Chuyện tu hành mà hấp tấp không trước không sau, thì thời gian đâu để mình tới một bước, lùi ba bước. Tu như vậy cả đời chẳng đi đến đâu. Uổng lắm! Người này sẽ bị các bậc thức giả chê cười, xem thường. Bởi vì làm một việc mà không tiên liệu trước, đường lối chủ trương không nắm vững, thì nhất định việc làm sẽ không tới đâu. Thành ra người tu phải quyết tâm quyết tử đối với việc tu hành.
Sang một đoạn kinh khác, đây là vùng đồng bằng phì nhiêu rộng rãi. Ở đây loài khỉ vượn và cả loài người cùng sinh hoạt chung vui. Vùng phì nhiêu này ai cũng có thể sống được, thì chúng ta có thể gầy dựng cuộc sống ở đây. Nghĩa là đối với người tu, một khi chúng ta muốn đi hết đoạn đường mình đã chọn thì phải có thầy, bạn tốt… Là người tu chúng ta phải tỉnh táo sáng suốt chọn hướng đi và quyết định hướng đi của mình.
Trong kinh Phật nói có vô lượng pháp môn, nhưng chúng ta phải biết chọn pháp môn thích hợp với mình. Rồi theo đó mà thực hành công phu cho đến chết cũng không lui sụt. Người xưa nói “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Việc gì chuyên nhất thì sẽ thành công tốt đẹp. Với pháp môn thích hợp, mỗi ngày tu là mỗi ngày ta gọt dủa những si mê điên đảo của mình, để làm chủ và chiến thắng những thói hư tật xấu của mình. Chọn đúng pháp rồi thì dù cho gặp khó khăn gì ta cũng cứ an nhiên tự tại mà tiến bước. Cứ lẫm liệt như thế mà đi thì chắc chắn thành công.
Trong kinh Phật đã nói về câu chuyện của một con khỉ như thế này. Có người thợ săn nọ đặt chiếc bẫy với nhiều chất keo nhựa. Chú khỉ tham ăn nhất trong đàn đã tìm tòi đến cái bẫy đó. Nó chụp tay thứ nhất liền dính, rồi đến tay thứ hai, tiếp theo là chân thứ nhất, chân thứ hai và cuối cùng là cái miệng. Tất cả đều dính vào chất nhựa trong chiếc bẫy. Bấy giờ gã thợ săn chỉ có việc khiêng về, lột da xé thây tùy ý, con khỉ không còn nhúc nhích gì được nữa.
Phật bảo tai hại của ngũ trần đối với chúng ta cũng thế. Năm trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Quỷ vô thường là gã thợ săn, con khỉ là chúng ta. Năm giác quan của chúng ta luôn luôn bị trói buộc bởi sắc dục, mùi thơm, vị ngọt và những xúc chạm. Cứ nghiệm thì thấy, nhiều khi mình còn tệ hơn cả khỉ, Vì bất cứ lúc nào chúng ta cũng dính chặt với ngũ trần. Cuối cùng quỷ dữ vô thường đến nắm cổ lôi đi, ta đành phải bó tay chẳng làm sao chống chế lại nổi. Cho nên nếu không tự giải tự cứu mình khỏi những thứ này, thì ai giải cứu cho ta?
Vì vậy người tu phải gan dạ đừng để ngũ trần làm hại, đừng để con quỉ vô thường cuốn trôi trong dòng thác luân hồi. Nhưng gan dạ thế nào? Gan dạ dừng tâm phóng ra, quay lại yên ổn với chính mình. Như chúng ta đang ngồi yên tại Thiền viện, chợt nghĩ đến việc nhà, ta liền nhận ra mình dấy niệm rồi đây, tức thì mạnh dạn cắt đứt dòng suy nghĩ ấy ngay, đó là gan dạ. Nếu không dừng được thì bị phân tâm. Bị phân tâm thì không có thiền định. Trong khi người tu thiền phải có thiền định, mới mong phát huy được trí tuệ.
Trí tuệ ở đây không phải là trí tuệ do học hiểu bên ngoài, hoặc ghi nhớ từ trong cuộc sống. Vì trí tuệ ấy chỉ là những hiểu biết tạm thời, không có giá trị thật, luôn thay đổi theo thời đại và nền văn minh của con người. Còn trí tuệ trong nhà thiền là trí tuệ chân thật, không gì thay thế được, nó có công năng phá tan vọng tưởng phiền não, trị được những tật bệnh thâm căn cố đế của con người. Trí tuệ này có sẵn nơi mỗi chúng ta, nhưng nếu không tu cứ vướng mắc bên ngoài, thì không bao giờ có thể sử dụng được trí tuệ này.
Tu không phải là việc gì nặng nhọc khổ cực làm mất nhiều thì giờ của chúng ta, mà chỉ đòi hỏi sự phấn đấu từ nội tâm của mình. Ta vẫn sống, vẫn đi, vẫn ngồi, vẫn sinh hoạt như bao người khác, nhưng lúc nào cũng tỉnh táo sáng suốt, bỏ được những gì cần bỏ, làm chủ được mình. Cần yếu là đừng đem tâm tìm cầu, dù pháp của Phật cũng là phương tiện thôi. Tâm tức là Phật, mà tâm ấy có trong tất cả thời tất cả nơi, tất cả mọi hoạt động thi vi của chúng ta.
Trong phạm vi thiền chúng ta phải tu như vậy. Nếu không có định thì trí tuệ không viên mãn. Trí tuệ không viên mãn, làm sao ta sống được bình an trước quỉ dữ vô thường, trước những phong ba bảo táp mà mình phải luôn luôn đối đầu. Nếu không tỉnh, không sáng mình sẽ bị động, sẽ bị quấy rầy rồi điêu đứng, bức xúc, mất ăn, mất ngủ và đau khổ.
Kẻ nào bước chân vào cánh đồng cỏ bị ngăn cấm, vào những vùng thuộc sở hữu của kẻ khác thì phải bị khổ não. Đây như trong nhà thiền nói, con trâu mình chăn mà cứ để nó dẫm vào lúa mạ người, thì sẽ có chuyện phiền phức khổ não. Người chăn trâu lúc nào cũng nắm chặt dây thừng, có vàm, có roi mới trị được con trâu hoang. Nó không chịu đi con đường ngay thẳng, thì mục đồng phải giựt dây kéo vàm và nếu nó chứng nữa thì quất cho mấy roi. Chẳng như thế, nó cứ tự do chạy nhảy làm hư lúa mạ của người thì ta phải gánh tai vạ thôi.
Người đời vướng vào trần cảnh cũng như con trâu hoang chạy loạn vào ruộng lúa nhà người. Thấy cảnh thích thì vui, thấy cảnh nghịch thì buồn. Đó là dẫm vào lúa mạ của người. Đã thế làm sao tránh khỏi khổ đau. Chúng ta nhớ lại ngày xưa mẹ ẳm mình trên tay, có bao giờ ta thấy cái này tốt, cái kia xấu đâu. Hoặc thế này là thương, thế kia là ghét. Đứa bé nào cũng nhìn sự vật với một ánh mắt ngây thơ không phân tích. Nhưng rồi lớn lên mọi thứ đều đổi khác. Đó là vì tâm đã nhiễm ô với năm trần.
Muốn cái thấy cái nghe của mình được hồn nhiên như xưa thì ta phải tháo gỡ lớp bụi trần dính trên da thịt của mình đi. Nghĩa là, tốt thấy cũng vậy, xấu thấy cũng vậy. Bởi chúng chỉ là duyên hợp, huyễn hóa, không thật, tạm có mặt trong một thời gian nào thôi. Nếu tâm tâm niệm niệm luôn thấy các pháp như vậy, chúng ta sẽ không vướng mắc, không khổ đau vì chúng. Thấy chỉ thấy, không thương không ghét thì được tự do tự tại hoàn toàn rồi. Tu là thế.
Tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền cho nhiều, chưa hẳn là tu. Đấy chỉ là những phương tiện, những nghi thức cốt giúp cho việc tu hành được tốt hơn. Chủ yếu là đối với ngũ trần thấy, nghe… đầy đủ mà đừng dấy niệm phân biệt. Không dấy niệm phân biệt thì không khổ. Chúng ta khổ chính là từ những vọng tưởng của mình. Vọng tưởng không thật nhưng vì ta ôm ấp chấp giữ nên nó thành thật. Bởi thật nên rồi tạo nghiệp, luân hồi và đau khổ.
Vậy thì nỗi khổ này ai gỡ được cho mình, nếu không phải tự mình gỡ tự mình cứu. Gỡ bằng cách nào ? Hoán chuyển ngay những phiền não trong tâm, thì tất cả cảnh giới bên ngoài sẽ được tháo tung. Như ngày xưa, ta chưa đi chùa chưa biết tu thì con cháu không nghe lời khuyên răn, mình bực bội nhiều. Giờ đi chùa, biết tu rồi, ta cởi mở dần, ít bực bội hơn. Ngày xưa nghe con cháu nói một câu phạm thượng là giận lắm, đứa nào thương nhiều càng giận nhiều, có khi nó xin lỗi cũng không chịu. Bây giờ tu rồi biết thông cảm, lứa tuổi nó là vậy, nên ta từ từ uốn nắn khuyên răn, tạo duyên cho nó sửa đổi mà không khởi niệm bực bội hay tức giận. Được vậy là ta đã tiến một bước quan trọng trong việc tu hành.
Tu không phải là tự tại hay thành Phật liền. Việc gì cũng từ từ, một khi ta chịu tu thì sẽ có tiến. Đó là càng ngày mình thấy lòng càng cởi mở, bao dung và mọi thứ trong cuộc sống không còn quan trọng nữa.
Đến một đoạn kế, Không nên hành trì sai lạc, lâm vào chỗ không phù hợp sẽ bị khổ, sẽ bị hãm hại vào cảnh khổ. Đó là điều cần nên học, nên nhớ và nên hành trì. Không nên bỏ qua, không nên xem thường và đừng bao giờ hành trì mà không thấu đáo. Đây là lời nhắc nhở của những vị đi trước chúng ta. Đừng làm một việc gì để bị rơi vào sự sai lạc. Phải nhận định rõ ràng những phương tiện tu hành mà người trước đã chỉ dạy.
Có vị nói với tôi, thưa thầy con có giác quan đặc biệt, hễ làm điều gì mà con thấy hơi do dự thì y như là có chuyện. Nghĩa là ngoài năm giác quan bình thường, ta còn có loại giác quan này. Nếu tiếp xúc với người nào mà vừa chạm mặt, mình đã thấy trong không yên thì phải dè dặt coi chừng và tự chỉnh đốn. Như bước vào chánh điện, thì tự nhiên ta phải bỏ dép, nhẹ nhàng, trang nghiêm. Đi ngang tượng Phật ta phải cúi đầu kính lễ.
Cũng vậy, làm việc gì mà thấy trong lòng không an thì phải thận trọng. Đó là vì việc làm ấy không phù hợp. Như người xuất gia thì phải ở chùa. Nhưng hôm nào quý vị thấy có một ông tăng ngất nga ngất ngưỡng trong tiệm cà phê, miệng phì phèo thuốc lá, là biết ông ta có vấn đề rồi đó. Bản thân chúng tôi, một khi làm như vậy thì trong lòng không yên, vì điều đó trái với phong cách của một người tu. Khi trong lòng có sự báo động thì chúng ta phải biết, việc làm của mình không thích hợp với con người, với tư cách của mình.
Nên cần phải lưu ý chỗ nào không phù hợp với người tu, với Phật tử đang trong giai đoạn tu hành thì chúng ta đừng đến. Còn đối với năm căn, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, mà chúng ta thấy trong đó có xen lẫn buồn, thương, giận, ghét v.v… thì xin dừng cho. Dừng được là không phạm vào chỗ không thích hợp. Đó là tu. Vừa đơn giản, vừa dễ hiểu dễ hành.
Nghiệp tập của mỗi chúng ta, không ai giống ai. Mỗi người đều có suy nghĩ, kiến giải, quan niệm sống riêng. Vì chỗ lập cước khác nhau nên rồi sự ưu tư và ưa thích cũng khác nhau. Quan trọng là chúng ta phải nhận cho rõ báo nghiệp, tập nghiệp của mình để sửa đổi và đừng vi phạm hay làm một việc gì không thích hợp. Như ngồi nói chuyện thiên hạ lâu, thấy đau lưng và vô ích, thì đừng ngồi nữa. Vậy thì an ổn, ăn được, ngủ được. Cũng như biết uống cà phê là đau đầu mất ngủ thì đừng uống. Giản dị vậy thôi.
Nhưng có khi việc giản dị như vậy chúng ta không làm được. Mình cứ nghĩ phải làm một cái gì đó thánh thiện cao siêu hơn kìa. Không phải đâu. Chỉ cần những việc thông thường trong sinh hoạt sống hằng ngày, ta làm chủ được, dừng được là tốt rồi. Làm sao khi các giác quan tiếp xúc với ngũ trần, mình dừng được đừng lao theo, tức là không dẫm vào đồng cỏ của kẻ khác, không đi vào những chỗ bị ngăn cấm. Đó là tu trực chỉ, là tu thiền.
Phật nói tiếp Nên đi chỗ nào, vùng nào không bị ngăn cấm, thuộc quyền sở hữu của mình, phù hợp với địa vị của mình, hành trì chân chánh. Như vậy những tai hại và khổ đau không làm sao loạn động mình được. Đây là những lối đi của người tu. Trong nhà Phật thường gọi là tứ niệm xứ hay tứ niệm tưởng. Đó là bốn điều Phật dạy cho chư tăng cũng như các Phật tử mà hầu hết những bài kinh trong tạng Nikaya đều nhắc đến.
Thứ nhất là niệm thân bất tịnh. Niệm thân bất tịnh là biết thân thể vốn không trong sạch. Pháp này chưa bắt người tu phải bỏ tất cả những dấy niệm của mình, vẫn cho dấy khởi các niệm tưởng. Nhưng niệm tưởng ở đây là thấy rõ thân này bất tịnh, như cái bô chứa đồ ô uế. Tưởng như vậy để đừng đắm trước, đừng tham luyến thân này, không vì thân này mà tạo nghiệp. Rõ ràng vì thân mà nhiều khi chúng ta khổ điêu đứng. Thành ra niệm tưởng thân bất tịnh là điều cần thiết đối với người tu. Đây là con đường, là đồng cỏ phù hợp với mình. Chúng ta có thể đi được trên con đường này.
Thứ hai là niệm tưởng cảm thọ là khổ. Khi biết tu rồi, thì cảm thọ vui hay buồn cũng làm ta mất thì giờ không yên. Như xem phim, có những đoạn quý vị cười, nhưng cũng có những đoạn quý vị khóc. Nên biết dù vui chăng nữa, nó cũng sẽ qua mất. Rõ ràng nó làm mình mất thời giờ, mệt mỏi, không yên. Có khi mệt mỏi quá, ta nói lần sau nhất định không xem nữa. Nhưng đến lần sau lại dùi đầu vào, rồi cũng khóc cũng cười. Đó là cái dỡ không làm chủ được của mình.
Thứ ba là niệm tâm vô thường. Đây là tâm suy tư nghĩ tưởng. Nó là một dòng chuyển biến thay đổi liên tục, lăng xăng ngược xuôi dấy khởi liên miên, không phải là tâm thật của mình. Nhưng chúng ta cứ cho rằng suy nghĩ nào cũng là mình là tôi: Tâm tôi nghĩ như thế, tôi nói bằng tấm lòng thành của tôi v.v… Nên rồi, những gì xảy ra ngược lại với tâm thành, với tôi thì sinh bực. Bực thì không phải là tâm thật rồi. Vì tâm thật là thể trùm khắp sáng suốt, không một đối tượng, không một chút bợn nhơ.
Chúng ta muốn sống được với tâm thật này thì phải người tỉnh táo, làm chủ được những dấy niệm, những suy nghĩ của mình. Đừng bao giờ để một đối tượng nào hiện hình trong tâm. Vậy chúng ta mới thực sự yên, thực sự an lạc. Đây là chỗ hết sức khó khăn, rất khó nắm bắt. Nếu còn một thứ gì, một ngôn từ nào để diễn bày, chẳng qua chỉ là vọng kiến, như Lục Tổ thường nói “Lấy cỏ tranh che đầu”.
Bởi ngôn ngữ giống như ngón tay chỉ mặt trăng. Kinh điển văn tự chỉ là phương tiện giúp chúng ta nhận ra cái chân thật của mình. Đừng lầm ngón tay là mặt trăng. Nếu nhận lầm ngón tay là mặt trăng thì vừa không nhận được mặt trăng mà còn làm hỏng cả ngón tay. Mặt trăng dụ cho tâm chân thật, tâm này không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, cho nên các Thiền sư tạm dùng đánh, hét để chỉ cái đó. Người khéo biết nhân đó mà nhận.
Như vậy những gì thuộc về thân thì bất tịnh, khổ. Những gì thuộc về tâm thì vô thường nên cũng khổ. Đây là chỗ người tu cần phải thấu đáo để ứng dụng công phu tu hành.
Thứ tư là niệm các pháp là vô ngã, không có thật thể, không cố định. Các pháp do nhân duyên sinh nên không thực thể, luôn biến chuyển theo duyên nên không cố định. Niệm như vậy để làm gì ? Để đừng tham đắm, không tham đắm thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không luân hồi sanh tử khổ đau.
Kết luận, tứ niệm xứ là con đường, là cánh đồng phù hợp với người tu. Vì vậy, chúng ta có thể an trú trong đó để tiến tu và nhập Niết-bàn vô trụ xứ.