Tâm Hướng Phật
Sống An Vui

Thập thiện nghiệp là gì? Những lợi ích khi hành thập thiện nghiệp

Thập thiện hay còn gọi là thập thiện nghiệp, thập thiện giới, thập thiện pháp. Tên gọi khác nhau là do tùy cách diễn nghĩa theo các phương diện ứng dụng, tùy theo cách nói về nghiệp, nói về giới luật hay nói về pháp tu.

1. Thập thiện nghiệp là gì?

Thập thiện hay còn gọi là thập thiện nghiệp, thập thiện giới, thập thiện pháp. Tên gọi khác nhau là do tùy cách diễn nghĩa theo các phương diện ứng dụng. Chẳng hạn như khi chỉ nói riêng pháp số thì dùng danh từ thập thiện để chỉ cho mười điều thiện bao gồm: không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không vọng ngữ; không ỷ ngữ; không lưỡng thiệt; không ác khẩu; không tham lam; không sân giận; không si mê.

Người Phật tử tại gia phát tâm học Phật ngoài những điều căn bản quy y Tam bảo thọ trì năm giới cấm để trở thành đệ tử của Đức Phật đồng thời trở thành tín đồ chân chánh của Phật giáo, nếu như nhân duyên đầy đủ chúng ta nên tiến thêm một bước nữa, nên thọ trì Thập thiện giới pháp, để gieo duyên với Bồ tát đạo và trồng căn lành để đời sau được sinh lại làm người đầy đủ phước báo, hình tướng trang nghiêm, thông minh trí tuệ và điều quan trọng nhất là được gặp Phật pháp, thọ trì tịnh giới, tinh tấn tu trì đạt đến giải thoát giác ngộ.

Hòa thượng Thánh Nghiêm trong “Bồ Tát Giới Chỉ Yếu” dạy: “là người phàm phu trong dục giới, nếu như không thọ trì cấm giới, như muốn ngày sau sinh lại làm người là việc đã hết sức khó khăn, huống chi là giải thoát sinh tử cho đến thành Đẳng Chánh Giác.”

Trong “Thanh Tịnh Đạo Luận” chép: “Ưu bà tắc, Ưu bà di thường thọ trì Ngũ Giới, nếu như có khả năng nên học tu thập giới… đây là giới pháp của người tại gia.”.

Trong Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” chép: “Bồ tát có một pháp có thể đoạn trừ hết thảy các nghiệp khổ của ác đạo, những gì là một. Trong suốt ngày đêm luôn luôn nhớ nghĩ quan sát các điều lành, làm cho niệm lành ngày một thêm lớn, không còn một chút mảy may nào của tạp niệm bất thiện.

Như thế khiến cho các ác nghiệp vĩnh viễn bị đoạn trừ, thiện pháp được viên mãn. Thường được thân cận chư Phật, Bồ tát cùng với thánh chúng. Thiện Pháp được nói đây. Điều mà Trời, Người, Thinh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và Vô Thượng Bồ Đề đều tu theo pháp này… tức là mười điều lành vậy.”

Mười điều lành đối với Phật giáo có tính chất vô cùng quan trọng trong vấn đề cốt lõi của Phật giáo về tín ngưỡng, ác nghiệp và thiện nghiệp, là duyên khởi của tư tưởng “Nghiệp Cảm”.

Ác thì phải chịu khổ báo, thiện thì được quả lành, duyên khởi lập luận “Nhân quả” của Phật giáo được hình thành từ chân lý này. Trong Luận “A Tỳ Đàm Tỳ Bà Sa” Phẩm Bất Thiện chép: “Tu hành mà tạo nghiệp sát sinh thì sinh vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, cho đến tà kiến cũng như vậy.”. Trong Kinh “Biệt Thích Tạp A Hàm” chép: “Như các thiện pháp này, là pháp thanh tịnh của mười nghiệp lành, nếu như người nào có thể tu hành, nhất định được sinh thiên”.

Mười nghiệp lành là nền móng vững chắc của hạnh tu Bồ tát đạo trong Kinh “Thập Trụ” Phẩm Ly Cấu Địa chép: “Nói Bồ tát thường hộ trì mười nghiệp lành nhân vì tu mười Điều Lành có thể sinh làm người và trời…

Nếu như tu mười nghiệp lành thanh tịnh cụ túc, đối với chúng sinh khởi tâm đại từ bi, không lìa hết thảy chúng sinh mà cầu trí tuệ rộng lớn của Phật, đây là bậc đại thừa Bồ tát vậy… cho đến thanh tịnh các pháp Ba la mật, thâm nhập vào các hạnh lành rộng lớn… cho đến thành Phật.”

2. 10 nghiệp lành mang lại phước đức

Mười nghiệp lành không những ngăn giữ chúng sanh khỏi bị đọa lạc vào bốn con đường đau khổ, mà còn mở cánh cửa thênh thang hạnh phúc an vui của phước báu nhân thiên sang cả. Mười nghiệp lành thường quyết định duyên lành, làm cho thông minh sáng láng, học hành thành đạt, sự nghiệp hanh thông, gia đình ấm êm và cả trí tuệ thông hiểu con đường xuất ly ba cõi nữa.

Người Phật tử sau khi thọ Tam qui, Ngũ giới, Bát quan trai giới thì nên tu tập thêm thập thiện nghiệp để làm hành trang, tư lương tối thắng cho mình giữa thế gian cát bụi, lắm nghiệt ngã và nhiều khổ đau này.

Và thập thiện nghiệp ấy là gì?

Thứ nhất: Vĩnh viễn trừ bỏ nghiệp sát sanh các loài hữu tình

Tất thảy chúng sinh sinh ra đều có nhiệm vụ trong hệ sinh thái và chúng sở hữu sinh mạng riêng. Quý vị tự ý đoạn tuyệt sinh mệnh của chúng, giết hại chúng mà chẳng cần lý do, để làm thực phẩm hay chỉ để vui đùa thì cũng thật không nên. Vì lợi ích bản thân mà khiến chúng tang mạng. Các loài từ chim muông, côn trùng, động vật lớn, dù biết bay, nhiều chân, có vây, không vây, có cánh,… đều có sự sống, có thức tánh, biết đau đớn. Quý vị đến gần, chúng đều có phản xạ tự vệ để bảo vệ bản thân thì Phật tử phải biết tôn trọng, chẳng nên giết hại.

Tất cả các loài, các loại, các giống chúng sanh ấy, do thấp sanh (ẩm ướt, ẩm thấp), do bàng sanh (súc sanh) hay noãn sanh (trứng), chúng đều do sự chi phối, tác động của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Khi chúng trả hết ác nghiệp, chúng có thể trở lại thân người. Trái lại, nếu không tạo trữ phước lành, cứ tà kiến, ngu si, ác độc làm việc dữ; thì chúng ta cũng phải bị đọa vào các cảnh giới đau khổ ấy. Để tránh khỏi sự khổ báo và trả vay nhân quả, chúng ta chẳng nên sát sanh hại vật; dù sinh mạng chúng nhỏ nhiệm thế nào.

Có thơ rằng:

Muôn loài sự sống đều nhau
Có thân, có thức biết đau như mình
Nỡ nào giết hại hữu tình
Ruột mềm máu chảy thương sinh não nùng

Thứ hai: Vĩnh viễn từ bỏ trộm cắp của cải, dù là nhặt được hay của người khác

Thuộc nhu cầu cuộc sống của con người. Của cải, tài sản, cái ăn, cái mặc, phương tiện, nhu cầu sinh sống của mọi người trên thế gian; một phần do phước báu tạo trữ từ nhiều kiếp nên được thọ hưởng sung túc, dư dả trọn đời; còn đa phần là do lao động, chịu khó làm ăn, trăm phương nghìn kế, chăm chỉ thức khuya dậy sớm, chăm chuyên cần mẫn, biết để dành, vun quén, tiết kiệm… mới có được.

Vậy, của cải, tài sản xét theo mọi lẽ, người Phật tử tự biết, nếu khởi tâm trộm cắp đã là ý nghĩ bất chánh, đã do lòng tham khởi động, xúi giục, sai bảo. Là nô lệ của vô minh, ái dục và si mê. Nếu không tỉnh thức, tự chủ, tự chế… thì lòng tham kia sẽ che mờ tâm trí, bịt mắt lương tri, rồi nó sẽ dẫn chúng ta đến chỗ tội tù, lao hình thống khổ. Các tội ác khác, đôi khi cũng từ đó mà đồng loạt dấy sanh. Những mưu mô, thủ đoạn, ác độc, lường gạt, giết người, gian dối, tham nhũng, hối lộ, san đoạt tài sản… xảy ra hằng ngày hằng giờ trên thế gian, không là bài học máu xương cho chúng ta suy ngẫm hay sao? Và khi ấy, vòng trầm luân bất định của những con đường đau khổ, một lần rơi đọa, biết mấy triệu kiếp sau mới trở lại thân người? Chỉ cần một tí liên tưởng, một chút tư duy, người Phật tử sẽ vĩnh viễn không dám thò tay, nạy cửa, lấy cắp tài sản, của cải của người, của xã hội. Không những hiện vật có giá trị mà những thứ ít có giá trị hoặc không có giá trị gì mấy, người Phật tử chơn chính cũng sẽ không lấy khi vật ấy chưa được cho, chưa được sở hữu chủ bằng lòng, hoan hỷ cho.

Lại có thơ cho rằng:

Trộm cắp, lấy cướp của người
Làm thân trâu ngựa bao đời trả xong
Lại còn đói khổ chất chồng
Thây ma, xác quỷ trôi sông, dạt bờ

Thứ 3: Vĩnh viên từ bỏ niệm tà dâm, tà hạnh

Đạo chung thủy là một trong những nét đẹp truyền thống và luân lý phương Đông. Nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Thuận là hòa thuận. Hòa thuận là do thương yêu, hòa hợp, đùm bọc, chia sẻ ấm lạnh ngọt bùi, vui buồn gian khổ có nhau, không bao giờ phụ rẫy, hắt hủi, bạc tình, bạc nghĩa với nhau.

Khi vợ chồng không còn thương yêu, chung thủy; lại đem san sẻ tình yêu cho người khác; thì những gấu ó, bất hòa, lời qua tiếng lại, “ông ăn chả, bà ăn nem” đưa đến phân ly, tan nát là một viễn cảnh vô cùng đen tối. Con cái, từ đó sẽ không có nơi nương tựa khi vợ chồng ly thân hoặc ly dị. Chúng sẽ sinh ra hư hỏng, cướp của, giết người, xì-ke, ma tuý, hình lao, tù tội… thật không mấy xa! Thiếu vòng tay mái ấm gia đình, chúng sẽ mất niềm tin với đời, trái tim sẽ băng lạnh, nhân tính biến đổi…

Có thơ rằng:

Thương nhau sao nỡ phụ nhau
Bạc tình, bạc nghĩa ôm bầu trăng hoa
Thói quen ác hạnh, dâm tà
Nát tan mái ấm, chết sa khổ đồ

Thứ 4: Vĩnh viễn từ bỏ nói dối, thêu dệt

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng ranh giới giữa vừa lòng và nói dối lại quá ngắn. Thế gian ai cũng ưa ăn ngay nói thật. Lời nói chơn chánh, chân thực, biểu hiện đức độ, sức mạnh nội tâm, đem đến sự tin tưởng, tin cậy, tín cẩn ngọt ngào và dễ mến giữa cuộc đời này.

Những kẻ có nói không, không nói có, bóp méo sự thật, xuyên tạc lẽ phải thường đem đến nhiều nguy hại, khổ đau và bóng tối cho trần gian biết là ngần nào?

  • Có lời nói dối đưa đến chém giết, hận thù.
  • Có lời nói dối làm cho người ta tán gia, bại sản.
  • Có lời nói dối phá vỡ bình yên, hạnh phúc của người khác.
  • Có lời nói dối đưa kẻ khác đến tội tù, gia đình người ta phân ly, tan nát.
  • Có lời nói dối chận đứng sự tiến thân, danh vọng hoặc sự nghiệp của người khác.
  • Có lời nói dối làm cho người ta tức uất thổ huyết mà chết.
  • Có lời nói dối đưa đến ganh ghét, đố kỵ, tỵ hiềm.
  • Có lời nói dối làm cho người thân, huynh đệ, bạn bè suốt đời không nhìn mặt nhau…

Là người Phật tử, chỉ có việc “từ bỏ vĩnh viễn lời nói dối” đã là tốt đẹp và cao cả lắm rồi. Trên phương diện tương quan nhân quả, nghiệp lành này mang đến cho cuộc đời sự bình yên; hoặc ít ra là tạo được không khí trong lành, không bị ô nhiễm bởi những tác hại do những lời nói dối gây ra.

Ta có thơ bàn rằng:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Tự tâm có sẵn, vốn xưa đầy bồ
Lìa xa dối vạy quanh co
Ngữ ngôn chân thật, thước đo đạo tràng

Thứ 5: Vĩnh viễn từ bỏ lời nói vu oan, vu cáo

Nói dối đã không nên, nhưng vu oan cho người khác nhằm hãm hại họ thì lại càng độc hại. Lời nói dối, ban đầu, có thể do tham sân điều động nhưng chỉ ở mức độ vừa phải. Lên đến cấp độ vu oan, vu cáo thì tham sân ấy đã cương mãnh hơn nhiều. Đã trở nên mù quáng lý trí, đã đánh mất nhân tính, đã rời xa đạo đức, luân lý và lẽ phải ở đời. Tham sân ở đây đã trở nên tham độc và sân độc, đã biến con người đầy đủ nhân tính, thiện lương thành các loài rắn rít, bò cạp hoặc độc trùng ghê tởm khác.

Là người Phật tử chơn chánh, không những phải giữ trọn nghiệp lành không nói dối mà còn biết từ bỏ vĩnh viễn lời nói vu oan, vu cáo, giá họa, đẩy người khác đến chỗ không tội mà thành tội, không làm mà thành làm, xô người khác vào vực thẳm tội tù hoặc suốt đời bị đọa đày, oan khuất, tối tăm, thống khổ.

Cho nên có thơ rằng:

Vu oan, vu cáo hại người
Một lời giá họa nặng mười ác tâm
Độc trùng, dã thú chớ gần
Miệng lời rắn rít, lụy thân nhiều đời

Thứ 6: Từ bỏ lời nói cộc cằn, thô lỗ

Những lời nói thuộc loại này không ác độc bằng hai cách nói trên nhưng cũng chẳng hay ho, tốt đẹp gì, đều đem đến nguy hại cả. Lời cộc cằn, thô lỗ, chửi rủa, mắng nhiếc… biểu hiện một trạng thái tâm chưa được huấn luyện. Ấy là cái tâm đang còn hoang dã, bản năng, thô xấu, thiếu văn hoá, thiếu giáo dục, thiếu gia phong, lễ giáo nề nếp con nhà! Những lời nói như thế ấy làm đau lòng người khác, thường đưa đến sự xô xát, đánh đập tay chân hoặc đùi gậy, dao búa đến sứt đầu, bể trán mà thôi.

Người có học thức, hiểu biết, nội tâm đã được huấn luyện, có tu tập; thường dễ dàng tránh xa những lời nói kiểu này. Là Phật tử chơn chánh, ngôn ngữ nói ra phải dịu dàng, từ ái, khiêm tốn dễ nghe. Người ta thường ví miệng thơm như hoa lan để nói đến người có lời nói chân thật, ái từ là vậy.

Có thơ rằng

Cộc cằn, thô lỗ ai ưa?
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Tâm hoa thơm ngát, thơm lâu
Từ hoà, ái ngữ một câu miệng vàng

Thứ 7: Từ bỏ lời nói nhảm nhí, phù phiếm

Những cách nói như thế ấy quả là làm mất thì giờ vô ích. Chỉ có kẻ ngồi lê đôi mách, ăn rỗi ở thì, nội tâm trống rỗng, không có việc làm, không đọc kinh sách, nhàn cư, thiểu học… mới rơi vào trường hợp này.

Người xưa nói: Một ngày không đọc sách, một ngày hôi miệng! Thế còn những kẻ rỗng không, vô tích sự, giết thì giờ trong những câu chuyện tục tĩu, nhảm nhí thì nội tâm và trí óc họ chứa đựng những gì?!

Những lời nói rỗng không, nhảm nhí, tục tĩu, vô ích… lâu ngày thành thói quen, tích lũy thành nghiệp ác. Những lời nói bỡn cợt, ba lơn, ba láp, ba xàm; ban đầu tưởng là vô hại, nhưng lâu dần chúng trở thành cá tính khó rời; khiến ta thành kẻ không đứng đắn, thiếu tư cách, mất phẩm chất thật là uổng phí vậy. Khi mà đã trở thành như thế thì kẻ ấy dù có chân đứng, địa vị, danh vọng và sự nghiệp gì trên cuộc đời cũng sẽ bị người coi khinh, khi rẻ, nhạo báng, xem thường!

Cho nên có thơ rằng:

Rỗng không, tục tĩu, vô duyên
Miệng lời nhảm nhí, trí hiền chẳng ưa
Chẳng nên thêu dệt thiếu thừa
Đẹp ngôn, đẹp khuẩu lại vừa thơm hương

Thứ 8: Từ bỏ tham lam

Lòng tham ấy sẽ được hiện khởi từ các tâm trạng sau đây:

  • Không bằng lòng, không vừa ý, không thỏa mãn những sở hữu mà mình đang có.
  • Không bao giờ biết sống đời tri túc, mà luôn cảm thấy thiếu thốn, muốn có thêm vật này, vật kia… tương tự như tục ngữ: “đứng núi này trông núi nọ, được voi đòi tiên”.
  • Luôn luôn dòm ngó của cải, tài sản của kẻ khác.
  • Luôn muốn vơ vét, chiếm đoạt, cướp giật của cải tài sản của người.

Lòng tham ấy đã tung rải biết bao nhiêu bóng tối, đau khổ và tang thương cho nhân loại từ xưa đến nay! Thế giới lục trần tươi đẹp và hào nhoáng ấy là đóa hồng diễm kiều hương sắc nhưng lại đầy gai máu! Nó là vực thẳm chông nhọn được trải bằng tấm thảm nhung êm. Nó là mồ chôn biết bao sa-môn, đạo sĩ, đế vương, công hầu, khanh tướng, tỷ phú, triệu phú, anh hùng, quân tử, mỹ nhân, vĩ nhân, danh nhân, thi sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ và cả những khoa học gia danh tiếng lẫy lừng… Lòng tham ma vương không chừa một ai trên trần thế! Tham ít khổ ít, tham nhiều khổ nhiều, đấy là định luật tất yếu! Là sức dội lại của quả bóng tuỳ thuộc lực ném vào tường! Là sự bỏng cháy nhiều ít do các ngón tay hay bàn tay vọc lửa!

Vậy, người Phật tử chơn chánh muốn chấm dứt các khổ đau, phiền não thì phải biết nghe lời từ bi và trí tuệ của đức Đại Giác; phải biết vĩnh viễn từ bỏ lòng tham này vì lợi ích cho mình và cho người. Đây là nghiệp lành vừa có phước báu nhân thiên vừa gieo duyên với cứu cánh giải thoát tối hậu.

Có thơ rằng:

Lửa nào hơn được lửa tham
Đốt trái tim, cháy lầm than kiếp người
Lá hoa, cây cỏ thắm tươi
Vô tham hạt giống, đâm chồi tự do

Thứ 9: Từ bỏ sân hận, thù oán

Theo Abhidhamma, tâm sân không bao giờ khởi một mình, tuỳ theo cường độ, tính chất của nó mà các tâm sở tương ứng cùng khởi theo. Ví dụ: tật, xan, hối…

Theo cách hiểu thông thường, sân mà còn hận nữa thì cường độ sân ấy đã tăng thêm một bậc, có thể thiêu huỷ, đốt cháy các đối tượng. Lửa sân hận rất khủng khiếp, nó có thể tạo nên các tội ác trên cuộc đời, nó có thể đốt cháy tất thảy mọi ruộng vườn công đức, phước báu.

Người có trí, có căn bản giáo pháp, có tu tuệ quán, có thể biết được sự hiện khởi của tâm sân ấy qua mấy dạng sau đây:

– Sân bình thường, tức là sân do phản ứng tự nhiên của tâm sinh lý; chưa có hại, chưa tạo nghiệp. Ví dụ: Thấy khó chịu khi nghe một âm thanh quá lớn. Trời nóng thì cảm thấy bực bội. Thấy điều ác, không ưa…

– Những điều trái ý, nghịch lòng nếu cứ gặp mãi thì trạng thái sân này sẽ gia tăng, cứ âm ỉ thiêu đốt ở trong lòng. Như vậy là từ sân bình thường (dosa), sân ấy đã chuyển sang ưu (domanassa).

Nếu ưu càng gia tăng, mới nghĩ đến đối tượng đã không còn chịu nổi, muốn đập phá, muốn tiêu diệt đối tượng. Trạng thái tâm lý này đã chuyển thành hận (pāṭigha).

Biết sự nguy hại của sân hận, người Phật tử chơn chánh nguyện phát triển nghiệp lành này, bằng cách tỉnh niệm thường xuyên để thấy rõ sự dấy khởi của nó và vĩnh viễn từ bỏ, loại trừ ưu và hận ra khỏi tâm.

Theo Abhidhamma, vô sân đồng nghĩa với tâm từ vô lượng, nên sự an lành và mát mẻ của nó đúng là môi trường sinh thái tốt lành cho người, vật, chim muông, cây cỏ.

Bèn có thơ rằng:

Không sân, mát mẻ xiết bao
Cây lành trái ngọt, ngát ngào hương hoa
Suối trong giữa cõi ta-bà
Tình xanh nhân ái, hoan ca thái bình

Thứ 10: Từ bỏ tà kiến

Những người học Phật thường gọi danh những người chấp đoạn là đoạn kiến, chấp thường là thường kiến. Đoạn kiến và thường kiến chính là tà kiến vậy.

Đoạn kiến là quan niệm cho rằng chết là hết, không còn gì. Không có kiếp này, kiếp kia, không có thiện ác, không có thiên đường, địa ngục, không có nhân quả báo ứng. Và, đạo đức, luân lý trên thế gian chỉ là trò u mê, ngốc nghếch! Vậy hãy hưởng thụ thân xác, làm cho “cái ta” hiện giờ đây được sung sướng, cực lạc. Hưởng thụ dục lạc ngũ trần chính là Niết-bàn vậy. Các nhà đoạn kiến có quan niệm như vậy rồi dạy môn đệ, viết sách để quảng bá tư tưởng ấy. Chủ nghĩa duy vật chất, chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa hiện sinh rơi vào đoạn kiến này.

Thường kiến có quan điểm cho rằng có một linh hồn, một tự ngã thường hằng bất biến, không thay đổi, đầu thai từ kiếp này sang kiếp kia. Do vậy, kiếp này làm vua thì kiếp sau cũng làm vua. Thương gia, tướng cướp, cùng đinh hoặc đui, què, mẻ sứt… kiếp này thì kiếp sau cũng y như thế. Làm thiện chẳng có tích sự gì, làm việc ác mà được sung sướng thì cứ làm. Nhân, nghĩa, đạo đức, luân lý là con ngáo ộp dọa người đó thôi. Chúng ta do Thượng đế đã cho giàu sang thì sẽ giàu sang mãi mãi…

Như vậy, đoạn kiến và thường kiến đã đầu độc thế gian, làm cho thế gian đổ nát, hoang vu, điêu tàn, băng hoại. Nó thiêu huỷ, đốt cháy đạo đức, nhân luân, nhân tính cùng các giá trị tinh thần thiêng liêng, cao cả khác. Ngoài ra, rải rác trong kinh điển, còn có những cái gọi là biên kiến, kiến kiết phược, kiến hoang vu, kiến sa mạc, kiến điên đảo, kiến rừng rậm… đều là bà con họ hàng với tà kiến cả vậy.

Người Phật tử phải biết chuyển cái thấy sai thành cái thấy đúng, cái thấy nghiêng lệch bằng cái thấy chính chơn, nghĩa là phải biết chuyển tà kiến thành chánh kiến.

Thế chánh kiến là gì?

Chánh kiến là gọi tắt của chánh tri kiến (thấy biết chơn chánh). Chánh tri kiến là gọi tắt của chánh kiến, chánh văn, chánh giác, chánh tri.

Và “kiến, văn, giác, tri” là thế nào?

– Mắt thấy sắc như thực, nghĩa là sắc như thế nào phải thấy sắc như thế ấy. Thấy một cách khách quan, trung thực, không xen lẫn tư tưởng, ý kiến, tình cảm của mình vào: ấy được gọi là chánh kiến.

– Tai nghe âm thanh như thực, nghĩa là âm thanh như thế nào phải nghe âm thanh đúng như thế. Nghe một cách khách quan, trung thực, không xen lẫn tư tưởng, ý niệm, tình cảm của mình vào: ấy được gọi là chánh văn.

– Mũi ngửi hương như thực, nghĩa là hương như thế nào phải biết hương như thế ấy, một cách khách quan, trung thực, không xen lẫn tư tưởng, ý niệm, tình cảm của mình vào: ấy được gọi là chánh giác.

– Lưỡi nếm vị như thực. Tương tự như trên, được gọi là chánh giác.

– Thân xúc chạm như thực. Tương tự như trên, được gọi là chánh giác.

– Ý biết pháp như thực. Nghĩa là pháp nào thì phải biết cho đúng như thực với pháp ấy; đừng suy diễn ra, đừng tưởng tượng thêm, đừng dịch giảng lung tung! Ngoài ra, những thu góp tin tức từ các tiền trạm thông tin mắt, tai, mũi, lưỡi, thân như thế nào; khi vào đến ý phải phản ánh cho trung thực, không bị méo mó, lệch lạc… thì được gọi là chánh tri, tức biết như chơn như chánh vậy.

Kiến, văn, giác, tri là gọi tắt của sự thấy, biết, cảm giác, tri giác của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đối với đối tượng lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Kiến, văn, giác, tri như thực được gọi là chánh kiến.

Từ chánh kiến với nghĩa rốt ráo, tinh tủy, căn bản này, người Phật tử sẽ có được đức tin chơn chánh, không bị rơi vào các loại tà kiến phức nhiễu, hỗn loạn đang vấy độc giữa cuộc đời; không bao giờ còn bị ru ngủ, bị mê lẩn bởi các tôn giáo thần linh huyễn hoặc; những triết thuyết, học thuyết cao đại, khoa trương nhưng thiển cận, rối rắm, tơ vò; những mê tín nhân gian bậy bạ, mù quáng nữa.

Chánh kiến thuộc tuệ phần, quan trọng nhất trong con đường Thánh đạo có 8 nhánh. Vậy chuyển tà kiến thành chánh kiến đúng là nghiệp lành tối thượng, cao cả nhất để đến nơi giải thoát, an vui, chân hạnh phúc.

Bèn có thơ rằng:

Lưới mê trói buộc đã nhiều
Ngu si, tà kiến trăm điều đắng cay
Hành trang chơn chánh cầm tay
Tâm trong, trí sáng, non tây ta về

Mười nghiệp lành như vậy là thân có 3, khẩu có 4 và ý có 3. Nếu thân khẩu ý được điều tiết, thu thúc, gìn giữ, bảo trọng, phát huy và tăng trưởng 10 nghiệp lành này, được gọi là thân khẩu ý trọn lành hay tam nghiệp trọn lành.

Lúc 10 nghiệp trọn lành là người Phật tử vĩnh viễn đóng cửa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, có thể mở cửa nhân thiên và thênh thang bước vào đại lộ huy hoàng của an vui và hạnh phúc. Đời kiếp nào cũng không còn rơi đọa vào các cảnh giới đau khổ, miền biên địa, chốn man di mọi rợ hoặc các giống dòng, gia tộc ngoại đạo, tà kiến. Trong các cõi trời và người, đi đâu họ cũng gặp Phật pháp, thiện trí thức bằng hữu hoặc những duyên lành, phước lành thù thắng và tối thượng.

3. Hành thập thiện cho đời tươi sáng

Hành thập thiện nghĩa là sống theo mười điều thiện gồm: không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận, có chánh kiến.

Trong bài sám của khóa lễ Tịnh độ mà chư Tăng và các Phật tử thực hành vào mỗi buổi chiều tối, có ba câu nói về đời sống “tươi sáng” hay “quang đãng” của người Phật tử và hệ quả tốt lành của đời sống ấy. Đó là “Hành thập thiện cho đời tươi sáng; Bỏ việc ác để đời quang đãng; Đem phúc lành gieo rắc phàm nhân”.

Ba câu sám văn cốt yếu khuyên nhắc mọi người sống bỏ ác làm lành để cho cuộc đời được tươi sáng và trong sạch với kết quả là đem phúc lành đến cho mọi nguời, mọi loài. Hành thập thiện nghĩa là sống theo mười điều thiện gồm: không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận, có chánh kiến. Bỏ việc ác tức là từ bỏ mười điều ác gồm: sát sanh, lấy của không cho, ta hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến. Người Phật tử tin tưởng vào lời Phật dạy, quyết tâm bỏ ác làm lành, nên có đời sống tươi sáng và trong sạch, từ bên trong ra bên ngoài, từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Vị ấy “tươi sáng” vì vị ấy sống theo mười thiện pháp. Vị ấy “quang đãng” vì vị ấy rũ sạch mười ác nghiệp. Khi một người có đời sống tươi sáng và quang đãng như vậy thì mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của vị ấy đều nhất nhất thanh tịnh, hiền thiện và do đó được xem là người sống mang phúc lành đến cho mọi người, mọi loài. Kinh Phật (Kinh Nguồn nước công Đức, Tăng Chi Bộ) gọi nếp sống như vậy là “đại bố thí”, nghĩa là “đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh”.

Thế nào là “Hành thập thiện cho đời tươi sáng”, “Bỏ việc ác để đời quang đãng”? Cách thức thực hiện nếp sống cao đẹp, đáng mong ước, đáng nỗ lực theo đuổi và khuyến khích như vậy được trình bày rõ ràng và chi tiết qua các đoạn kinh sau đây, do Đức Phật giảng dạy cho vị Thôn trưởng có tên Asibandhakaputta (Kinh Vở ốc, Tương Ưng Bộ):

“Này Thôn trưởng, người đệ tử đặt lòng tin tưởng vào Như Lai, vị ấy suy tư như sau:

“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sát sanh và nói ‘Chớ có sát sanh’. Nay ta có sát hại như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ sát sanh. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ sát sanh. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích lấy của không cho và nói: ‘Chớ có lấy của không cho’. Nay ta có lấy của không cho như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ lấy của không cho. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ lấy của không cho. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sống tà hạnh trong các dục”. “Nay ta có tà hạnh trong các dục như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ là hạnh trong các dục. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ tà hạnh trong các dục. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích nói láo”. “Nay ta có nói láo như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ nói láo. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ nói láo. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích nói hai lưỡi”. “Nay ta có nói hai lưỡi như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ nói hai lưỡi. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ nói hai lưỡi. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chí trích, công kích nói lời độc ác”. “Nay ta có nói lời độc ác như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ nói lời độc ác. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ nói lời độc ác. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua. ”

“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích nói lời phù phiếm”. “Nay ta có nói lời phù phiếm như thế này, hay như thế kìa. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ nói lời phù phiếm. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ nói lời phù phiếm. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích tham dục”. “Nay ta có tham dục như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ tham dục. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ tham dục. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sân hận”. “Nay ta có sân hận như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ sân hận. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ sân hận. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua. “

“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích tà kiến”. “Nay ta có tà kiến như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ tà kiến. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ tà kiến. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua..

Như vậy, do đoạn tận sát sanh, người ấy trở thành người không sát sanh. Do đoạn tận lấy của không cho, người ấy trở thành người không lấy của không cho. Do đoạn tận sống tà hạnh trong các dục, người ấy trở thành người không sống là hạnh trong các dục. Do đoạn tận nói láo, người ấy trở thành người từ bỏ nói láo. Do đoạn tận nói hai lưỡi, người ấy trở thành người từ bỏ nói hai lưỡi. Do đoạn tận nói lời độc ác, người ấy trở thành người từ bỏ nói lời độc ác. Do đoạn tận nói lời phù phiếm, người ấy trở thành người tử bỏ nói lời phù phiếm. Do đoạn tận tham, người ấy trở thành người không có tham lam. Do đoạn tận sân, người ấy trở thành người không có sân tâm. Do đoạn tận tà kiến, người ấy trở thành người theo chánh kiến.”

4. Tu “Khẩu”

Người xưa có câu: “Họa từ trong miệng mà ra”, cho nên hãy nói lời dễ nghe, lời hay, lời có ích cho mọi người, nói lời vui vẻ hòa nhã, nói lời gắn kết yêu thương, nói lời chân thật, nói lời hướng thiện để tránh Khẩu nghiệp.

Khẩu là cái miệng, chỉ cho lời ăn tiếng nói. Trong nhà Phật thì Khẩu Nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất, vì nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, nó dẫn đến sự đổ vỡ, dẫn đến sự đau khổ tột cùng, dẫn tới mọi sự phiền não… một lời nói vô tình có thể làm mình và người khác đau khổ cả cuộc đời.

Giữa hai vợ chồng một lời nói cũng làm tan vỡ một gia đình, giữa nhân viên với người chủ có thể làm mất việc, mất công danh sự nghiệp, giữa anh em bạn bè người thân có thể gây mâu thuẫn, bất mãn, thù ghét, căm hận… và lớn hơn nữa là kẻ chết – người tù chỉ vì lời qua tiếng lại… giữa hai vị đứng đầu một lãnh thổ có thể gay ra chiến tranh… Chúng ta hãy luôn cẩn thận với lời nói, Ông bà ta cũng có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Trong Thập Thiện Nghiệp (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không tham, không sân, không si, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không nói lời ác). Chúng ta thấy rõ trong 10 điều thì đã có 4 điều về Khẩu Nghiệp:

Không nói dối là chúng ta nên nói thật, luôn luôn nói thật, dù là việc nhỏ, vì nói dối nhiều lần sẽ thành thói quen, mà thường thì nói dối một lần thì lần sau phải nói dối tiếp để che đậy cái dối trước, dần dần nói dối không che đậy được nữa thì xảy ra hành động sai trái… Những hậu quả nghiêm trọng, cái gốc cũng từ việc nói dối ban đầu mà ra. Nói dối nhiều quá thì mọi người cũng sẽ biết, sẽ không tin mình nữa, sống mà không ai tin mình thì là bất hạnh. Ngoài trừ chuyện nói dối để cứu người, hành thiện.

Không nói thêu dệt là không nói thêm bớt, nghe câu chuyện ở đây xong đi kể cho người khác nghe, mà thường khi kể lại thì hay thêm chút ít để tăng phần phóng đại cuốn hút, cứ như vậy nhiều khi chỉ có bó rau muống thôi cũng ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.

Không nói hai chiều, còn gọi là hai lưỡi, lúc nói thế này, lúc lại nói thế khác, ví như nói xấu người này, rồi lại nói xấu người kia, gặp ai cũng nói xấu, mới khen người ta đó quay lưng đi liền nói xấu với người khác, đâm chọc chia rẽ, làm cho mọi người hiểu lầm nhau, gia đình người ta xào xáo đổ vỡ, có thể đưa đến những hậu quả không thể cứu vãn được.

Không nói lời ác, lời tục tĩu… Chúng ta không nên nói lời ác độc, nói cho sướng miệng, toàn dùng những lời cay cú chửi bới nhục mạ người khác, tâm ác thì nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì tự mình mở cánh cửa địa ngục cho mình. Lại càng không nên nguyền rủa người khác, không nên nói lời tục tĩu khó nghe…

Đặc biệt, không nên Vọng Ngữ, Vọng Ngữ là không biết mà nói biết, ngã mạn, tự cao tự đại, đứng giữa đám đông nói lời không lợi ích, nói lời sai trái mà cứ cho là đúng, hướng mọi người đi sai đường, ví như chưa chứng đắc mà nói đã chứng đắc thì đó là đại Vọng Ngữ, lợi dụng mọi người cung phụng cho mình đó là đại Vọng Ngữ, tội vô cùng lớn.

Theo quy luật Nhân Quả, Nhân thế nào thì Quả thế ấy, gieo hạt dưa thì được quả dưa thơm ngọt, gieo hạt chanh thì quả chanh chua, chúng ta đã thấy những người vô cùng thiếu may mắn sinh ra đã bị sứt môi, nói ngọng, thậm chí là bị câm…. ấy cũng là do tạo Khẩu Nghiệp xấu, gây nên những hậu quả lớn, đã mang khổ đau tới cho mọi người nên giờ họ phải trả nghiệp.

Vì thế, hãy sám hối, nhận lỗi và sửa sai, không bao giờ tái phạm và hãy nói lời dễ nghe, lời hay, lời có ích cho mọi người, nói lời vui vẻ hòa nhã, nói lời gắn kết yêu thương, nói lời chân thật, nói lời hướng thiện… Nhân lành ắt sẽ nhận Quả lành, Phúc hay Họa đều do miệng mà ra. Cho nên mỗi người cần phải cố gắng tu “Khẩu” trước tiên.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Bài viết cùng chuyên mục

Ngày sinh nhật người Phật tử nên làm gì?

Định Tuệ

Đời người suy cho cùng có 7 cái phải học

Định Tuệ

Hai chữ Oán Hận mang đến cho chúng ta rất nhiều phiền não

Định Tuệ

Công đức của người giữ giới không dâm dục, tà dâm

Định Tuệ

Một người có thể sống vững vàng không phải học lực mà là đức hạnh

Định Tuệ

Những câu chuyện linh ứng về tượng Phật, tượng Bồ Tát

Định Tuệ

Tu hành trong thế gian này vô cùng khó khăn, hãy đến thế giới Cực lạc

Định Tuệ

An lạc mới chính là hạnh phúc chân thật

Định Tuệ

Thà đập bỏ mười cây cầu, không nên phá vỡ một cuộc hôn nhân

Định Tuệ