Tâm Hướng Phật
Nghi Thức

Nghi thức cúng tạ đất cuối năm 2022 đúng pháp

Lễ cúng tạ đất cuối năm là truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Dưới đây là nghi thức lễ cúng tạ đất cuối năm đúng pháp.

Lễ cúng tạ đất cuối năm là truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Lễ cúng thể hiện tâm biết ơn, lòng thành kính của chúng ta đến các vị Thần linh cai quản nơi đất ở và ước mong nhận được sự gia hộ từ các Ngài. Vậy cúng tạ đất như thế nào cho đúng Pháp và nhận được nhiều lợi ích?

I. Quan niệm về lễ cúng tạ đất cuối năm

#1 Theo dân gian

Cúng lễ tạ đất cuối năm là phong tục đền ơn đáp nghĩa của người dân Việt Nam đến những vị có ân nghĩa với mình. Thầy Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng)giảng giải về quan niệm dân gian đối với phong tục này: “Dân ta quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”. Cho nên, chúng ta đều tin là nhà mình có thần Thổ Công hay gọi là Thổ Địa. “Thổ” là đất, “công” là việc công; nghĩa là cai quản chung về đất. Sau một năm qua đi, dân ta thường làm lễ tạ đất với tâm biết ơn các vị thần đã hộ trì. Đó là việc làm tốt với tâm thiện mà Thầy đánh giá cao”.

#2 Theo góc nhìn đạo Phật

Để đại chúng hiểu đúng, Thầy Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Với quan điểm của Phật giáo thì chúng ta biết chắc chắn có các vị thần. Như trong kinh Địa Tạng có đủ các thần: thần núi, thần sông, thần biển, thần đất, thần Kiên Lao Địa Thần cai quản tất cả các cõi đất. Chúng ta là người Phật tử thì không phủ nhận chuyện có quỷ thần, có vong linh. Vậy nên, việc làm lễ để tạ ơn các vị thần linh là việc tốt”.

Qua chia sẻ trên Thầy Thích Trúc Thái Minh, chúng ta hiểu được có các vị Thần linh cai quản đất đai, sông biển,… và chúng ta tạ ơn những vị đó là việc nên làm. Bởi đây là việc làm thiện, giúp tăng trưởng tâm biết ơn, đền ơn và đem lại phúc lành cho các gia chủ.

Cúng lễ tạ đất cuối năm thế nào là đúng Pháp?

Với tinh thần nhà Phật, trong phần thờ cúng chúng ta nên cúng theo Trai giới. Tức là không nên: cúng đồ sát sinh; dùng những đồ ăn trộm, ăn cắp hay dùng những thứ say sưa nghiện ngập để cúng. Thay vào đó, chúng ta có thể cúng thanh bông, hoa quả, hay bát cơm trắng, xôi chè và có nước như nước lọc, nước ngọt.

Đối với việc làm cơm cúng lễ các vị Thần, Thầy Thích Trúc Thái Minh chỉ dạy: “Đúng với tinh thần Phật dạy thì chúng ta cũng làm mâm cơm chay để cúng. Có những vị thần họ thọ hưởng, một số họ không thọ hưởng. Bởi có những vị thần, thức ăn của họ cao quý hơn mình rất nhiều, họ không thọ thực phẩm của mình nhưng họ có thể chứng lòng thành của mình”.

Qua chỉ dạy trên Thầy Thích Trúc Thái Minh, chúng ta hiểu rằng, mâm lễ cúng nên làm chay thanh tịnh để các vị Thần linh chứng giám.

Bên cạnh đó, để lễ tạ đất được viên mãn và nhận được nhiều phước báu nhất, chúng ta cũng nên tác phước cúng dường Tam Bảo và hồi hướng phước báu đó cho họ. Khi các vị Thần linh gia tăng phước báu thì sẽ có oai lực mạnh hơn và hộ trì cho chúng ta được tốt hơn.

Thầy Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Lễ tạ đất cuối năm, chúng ta nên làm đúng tinh thần Phật giáo là cúng chay tịnh cho các vị thần linh và nên tác phước cúng dường cho các thần linh. Không nên sát sinh, cúng rượu thịt vì không có lợi cho các vị ấy. Các vị ấy không có lợi thì cũng không thể hộ trì mình được tốt đẹp được. Cho nên, chúng ta làm đúng như lời Phật dạy trong kinh Địa Tạng, ta tác phước cúng dường cho các thần linh có duyên cai quản nơi nhà và khu vực mình ở. Mình hồi hướng cho họ, họ sẽ được phước báu, họ sẽ hoan hỷ và hộ trì mình hơn. Chuyện này là có thật! Trong Phật giáo không phủ nhận chuyện gia hộ của chư Thiên, chư Thần, chư Phật, Bồ Tát”.

Qua giảng giải trên Thầy Thích Trúc Thái Minh, hy vọng quý vị hiểu được bản chất của lễ cúng tạ đất cuối năm, không sát sinh hiến tế và biết làm những việc thiện để nhận được lợi ích và phước báu cho chính mình. Chúc quý vị có một năm mới an lạc, hạnh phúc.

II. Nghi thức cúng tạ đất cuối năm
Sắm Lễ – Bày Lễ

Sắm Lễ: Hương, hoa, nước trà, quả, thực.

– Hương: Các loại hương đốt có hương thơm hoặc nếu không dùng hương đốt thì hướng tâm thành cúng lễ (hương tâm)

– Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).

– Trà: Nước trà tỏa hương của sáu vị là đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt là sáu vị nuôi sống tất cả chúng sinh.

– Quả: Số lượng tùy ý không kiêng kị 2 quả hay 4 quả,… Nên cúng quả đã chín vì có hương từ vị để vong linh thọ hưởng, quả xanh chưa có hương thơm của vị (tránh tình trạng biến ban thờ thành chỗ cất đồ).

– Thực: Hiến cúng Phật bày lễ một bát cơm và một cốc nước. Hiến cúng chư Thiên, chư Thần bày lễ một bát cơm và một cốc nước chè. Hiến cúng gia tiên có cơm chay, nếu không có đồ chay thì làm một mâm cơm chay đơn giản bao gồm các đồ thức ăn từ rau củ quả, không có thịt của chúng sinh.

Cách Bày Lễ

– Trước bát hương thờ Phật: quả, một bát cơm, một cốc nước. (Nếu gia đình chưa có bàn thờ Phật thì không sắm lễ cúng Phật, nhưng vẫn đọc phần cúng Phật, khi đọc thì hướng tâm tới Phật, nguyện dâng tất cả lễ đã sắm để cúng Phật, rồi thừa lộc Phật, vẫn hiến cúng được cho chư Thiên, chư Thần và các vong linh).

– Trước bát hương thờ thần linh (chư Thiên, chư Thần, thổ công, thần đất…): quả, một bát cơm, một cốc nước.

– Trước bát hương thờ gia tiên: quả, một mâm cơm hoặc một bát cơm, một cốc nước và một cốc sữa.

Tâm Khi Cúng Lễ

Dùng ba tâm kính Phật, trọng Thần, hiếu nghĩa với tổ tiên. Biết ơn Phật đã ban bố chỉ dạy pháp diệt khổ cho chúng sinh. Biết ơn và tôn trọng các vị chư Thiên, Thiện Thần đã ủng hộ cho mình làm các việc thiện. Biết ơn tổ tiên, cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục chúng ta, đã tạo duyên cho chúng ta có họ hàng anh em con cái. Khi cúng lễ với nguồn tâm này, thì gia đình sẽ được gia tăng phúc báu và cảm ứng được với thế giới tâm linh.

Pháp Khí

Tùy duyên có/không dùng pháp khí: chuông, mõ, khánh.

Lưu ý: Các đàn cúng lễ không sát sinh, không đốt tiền vàng, mã, giấy sớ.

Nghi Thức Cúng Lễ Tạ Đất

1. Nguyện Hương
(Quỳ dâng hương hoặc cắm hương trước. Thực hiện 1 trong 2 văn nguyện hương dưới đây)

a. Dùng hương đốt, hương trầm,…

Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương C
úng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 chuông)

b. Dùng tâm hương

Nguyện ý thành, tâm kính
Biến mãn khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 chuông)

2. Văn Khấn
(Quỳ gối, chắp tay bạch)

Nam mô thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo tác đại chứng minh! Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Con/chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho con/chúng con. Con/chúng con xin thỉnh chư Thiên, chư Thần Linh cư ngụ tại nơi đất (ở của gia đình, cơ quan, cửa hàng)…, chứng giám lòng thành và ủng hộ cho (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con.

Đệ tử con tên là:… Pháp danh (nếu có):… ở tại địa chỉ:… (Nếu ở trọ thì đọc thêm: và hiện tại đang ở trọ tại…)

Hôm nay nhân ngày… tháng Chạp năm…, (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con xin tác lễ cúng tạ đất cuối năm…

Trong năm… này, chư vị chư Thiên, chư Thần Linh, Thần Đất (Thần đất mà dân gian gọi là Thần Thổ Địa hay là Thổ Thần Thổ Địa) đã hộ trì cho (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con các điều tốt lành, hôm nay con/chúng con vâng theo lời dạy của Đức Phật, con/chúng con xin sắm sửa vật thực để dâng cúng, con/chúng con xin chư vị chư Thiên, chư Thần Linh, thọ nhận chứng giám cho lòng thành của (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con.

Con/chúng con cũng xin nương oai lực Tam Bảo, hạnh nguyện độ sinh, độ cho vong linh của chư Tăng chùa Ba Vàng, con/chúng con xin thỉnh

+ lễ cúng tại nhà: vong linh các cụ gia tiên tiền tổ họ… hợp duyên; các vong linh (tên, nếu có)…

(Tiếp)

các vong linh trên đất, vong linh hợp duyên đã gia tâm phù hộ cho (gia đình; công việc tại cơ quan/cửa hàng…) con/chúng con; các vong linh oan gia trái chủ hữu duyên với (gia đình; công việc tại cơ quan/cửa hàng…)… con/chúng con, nguyện các vong linh được cùng về đây thọ phần vật thực dâng cúng nhân buổi lễ cúng tạ đất cuối năm… này của (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con.

Giờ này con/chúng con xin thỉnh hết thảy chư vị trong cõi tâm linh mà con/chúng con đã thỉnh mời vân tập về nơi pháp hội thọ hưởng phẩm thực hiến cúng của (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con (nếu tụng kinh thì đọc thêm: và nghe kinh thính pháp cầu giác ngộ giải thoát).

Con/chúng con xin nhất tâm thỉnh mời.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 lễ)

3. Lễ Tán Phật
(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh)

Đại từ đại bi thương chúng sinh,
Đại hỷ đại xả cứu hàm thức,
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm.
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ. (1 chuông)

Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 chuông. 1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Chính Pháp ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 chuông. 1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc Hiền Thánh ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (3 chuông. 1 lễ)

4. Tán Pháp
(Ngồi; khai chuông mõ. Nếu không có thời gian tụng kinh thì bỏ qua phần này.)

Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ,
Nguyện hiểu nghĩa chân Đức Thế Tôn.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 lần. 3 chuông)

5. Tụng Kinh
(Ngồi, pháp khí: mõ. Nếu không có thời gian tụng kinh thì bỏ qua phần này.)

Bài Kinh: Nhân Duyên Phước Báo Làm Thiên Chủ

Một thời, Thế Tôn trú ở Tỳ Xá Ly (Vesàli), tại Trùng Các giảng đường. Rồi Ma Ha Li (Mahàli), người Li Xa (Licchavi) đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết Thiên chủ Ðế Thích (Sakka) không?

– Này Ma Ha Li, Ta biết Ðế Thích và các pháp tác thành Ðế Thích. Chính do chấp trì các Pháp ấy, Ðế Thích được địa vị Thiên chủ.

Này Ma Ha Li, thuở xưa, khi Thiên chủ Ðế Thích còn là người, vị này chấp trì và thực hành bảy cấm giới túc. Thế nào là bảy cấm giới túc? Cho đến trọn đời, tôi hiếu dưỡng với cha mẹ. Cho đến trọn đời, tôi kính trọng các bậc gia trưởng. Cho đến trọn đời, tôi nói lời nhu hòa. Cho đến trọn đời, tôi không nói hai lưỡi. Cho đến trọn đời, với tâm xa lìa cấu uế và xan tham, tôi sống với tâm bố thí; hoan hỷ thí xả, nhiệt tình đáp ứng các nhu cầu, sung sướng phân phối vật bố thí. Cho đến trọn đời, tôi nói lời chân thật. Cho đến trọn đời, tôi không phẫn nộ; nếu tôi phẫn nộ, sẽ mau chóng sẽ dẹp trừ.

Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Ðế Thích được địa vị Thiên chủ.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 11, phẩm 2, phần Chư Thiên, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.511)

Chủ sám: Xin thỉnh tất cả chư vị chư Thiên, chư Thần Linh, Thần đất Đức Phật dạy trong bài kinh rằng vị trời Đế Thích (Sakka) được địa vị Thiên chủ, là do tu thiện tâm và “nhiệt tình đáp ứng các nhu cầu, sung sướng phân phối vật bố thí”, vậy con/chúng con xin thỉnh chư vị theo duyên của vị thiên chủ Đế Thích (Sakka), luôn hộ trì cho con/chúng con trong các thiện pháp, trong công hạnh hộ trì Tam Bảo, để con/chúng con được quả phúc tốt lành và chư vị cũng tích lũy được các công đức như vị Thiên chủ Ðế Thích (Sakka).
Nam mô Thường Gia Hộ Bồ Tát Ma Ha Tát!

6. Cúng Thực

a. Văn bạch
(Quỳ, chắp tay)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Hôm nay (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con thực hành pháp bố thí cúng dường, thành tâm sắm sửa vật thực, dâng lên cúng dường.

Trường hợp trên mâm cúng có thịt từ việc sát hại chúng sinh thì đọc: Nhân duyên (gia đình; nhân viên cơ quan; cửa hàng)… chưa hiểu Phật Pháp nên có sát hại chúng sinh để cúng lễ trong đàn lễ này, con/chúng con xin bạch không dâng cúng các phần thịt chúng sinh đó. Con/chúng con xin bạch chỉ dâng cúng vật thực từ rau củ quả và vật thực từ tam tịnh nhục.

(Tiếp)

Thượng: Xin dâng lên cúng dường thập phương chư Phật chứng minh.

Trung: Xin dâng lên cúng dường chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền Tăng chứng minh.

Hạ: Xin dâng cúng đến cho chư Thiên, chư Thần Linh, (Thần đất Thổ Thần, Thổ Địa).

Sau: Xin hiến cúng cho tất cả vong linh đã thỉnh mời. Nguyện cho các vong linh được nương sự bố thí trong đàn lễ cúng này của con/chúng con mà được thọ thực no đủ.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông)

b. Tụng thần chú cúng thực
(Ngồi, pháp khí: mõ)

Biến thực chân ngôn: Nam mô tát phạ đát tha, nga đá phả rô chỉ đế, ám tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (7 lần. 1 chuông)

Biến thủy chân ngôn: Nam mô tô rô bà ra, đát tha nga đá ra, đát điệt tha, án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô sa bà ha. (7 lần. 1 chuông)

Phổ cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (7 lần. 3 chuông)

Nguyện cho các vong linh
Được thọ thực no đủ
Nghe kinh giác ngộ Pháp
Sinh lòng kính tín Phật
Nương tựa nơi Tam Bảo
Tu hành cầu thoát khổ

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 vái)

8. Phát Nguyện Bồ Đề
(Quỳ)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thỉnh các chúng đã lãnh thọ phước báu, vật thực tại đàn lễ này, cùng con/chúng con xin tùy hỷ với công hạnh Bồ Đề:

“Phát tâm Bồ Đề
Hộ trì Tam Bảo
Chuyển tải Phật pháp
Rộng khắp thế gian” (3 lần)
Nguyện chư vị tinh tấn Bồ Đề, cầu Vô Thượng Đạo. (1 vái)

9. Kệ Cát Tường
(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh)

Nguyện ngày an lành đêm an lành
Ngày đêm sáu thời thường an lành
Trong tất cả thời thảy an lành
Nguyện ngôi Thượng Sư thương nhiếp thọ
Nguyện ngày an lành đêm an lành
Ngày đêm sáu thời thường an lành
Trong tất cả thời thảy an lành
Nguyện ngôi Tam Bảo thường gia hộ
Nguyện ngày an lành đêm an lành
Ngày đêm sáu thời thường an lành
Trong tất cả thời thảy an lành
Nguyện chư Hộ Pháp thường ủng hộ
Nam mô Tiêu Tai Giáng Kiết Tường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 lần)
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát! (7 lần)

10. Phục Nguyện
(Quỳ gối; chắp tay)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Đệ tử con/chúng con xin hồi hướng công đức trong đàn lễ cúng này, cùng công đức tạo lập được trong ngày hôm nay đến cho các chư vị chư Thiên, chư Thần Linh, Thần Đất (Thần Đất Thổ Thần, Thổ Địa,) nguyện được tăng trưởng phúc lành, tăng thêm oai lực.

Hồi hướng cho các vong linh đã được thỉnh mời, nguyện mong được tăng phúc, giác ngộ Phật Pháp, nương tựa Tam Bảo tu hành mau thoát khổ và gia hộ cho (gia đình; các công việc tại cơ quan, cửa hàng…)… con/chúng con mọi điều tốt lành.

Con/chúng con cũng xin hồi hướng cho (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con được (đọc mong cầu)… Và mọi người trong (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… cùng nhau gặp được Chính Pháp, tinh tấn tu hành cho tới ngày liễu thoát luân hồi sinh tử.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 lễ)

11. Hồi Hướng
(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: mõ)

Công phu công đức có bao nhiêu,
Con xin lấy đó hồi hướng về,
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh,
Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn. (1 chuông)
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não,
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời,
Nguyện các tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành Bồ Tát đạo. (1 chuông)
Nguyện đem công đức tu hành này,
Chan rải mười phương khắp tất cả,
Hết thảy chúng con cùng các loài,
Đồng được lên ngôi Vô Thượng Giác. (3 chuông)

12. Tam Tự Quy
(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh)

Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng. (1 chuông. 1 lễ)
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 chuông. 1 lễ)
Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (3 chuông. 1 lễ)

Tâm Hướng Phật/St- Nguồn: Chùa Ba Vàng!

Bài viết cùng chuyên mục

Nghi thức trì tụng Tịnh Độ Tam Kinh

Định Tuệ

Nghi thức lạy sám hối 35 vị Phật – Trích Kinh Đại Bảo Tích

Định Tuệ

Nghi thức cầu siêu duyên âm – Phương pháp hóa giải duyên âm

Định Tuệ

Cách hồi hướng công đức cho oan gia trái chủ, tiêu trừ bệnh tật

Định Tuệ

Nghi thức sám hối và cầu siêu cho các vong linh thai nhi

Định Tuệ

Cách hành trì pháp môn Tịnh Độ như thế nào?

Định Tuệ

Nghi Thức Mông Sơn Thí Thực PDF

Định Tuệ

Nghi thức tụng Kinh Kim Cang tại nhà đúng pháp

Định Tuệ

Nghi thức trì tụng Niệm Phật Sám Pháp tại nhà

Định Tuệ

Viết Bình Luận